Về văn hóa Tràng An – Hoa Lư, đô thị di sản thiên niên kỷ

Tác giả: Hồ Sĩ Quý *

“Đô thị di sản thiên niên kỷ” là tên gọi ấn tượng, đầy biểu cảm của Hoa Lư, thành phố thủ phủ của Ninh Bình tương lai, theo Quy hoạch đã được công bố 28/5/2024. Với linh hồn là văn hoá Tràng An, trong những năm tới Hoa Lư sẽ là đô thị loại I, đến năm 2035 sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương – một thành phố vừa cổ kính vừa hiện đại – cổ kính với các giá trị của các di sản cổ xưa; hiện đại với diện mạo và tầm vóc của một đô thị trung tâm cấp quốc gia về kinh tế, du lịch, văn hóa…

Đặc thù thiên niên kỷ của đô thị di sản là không gian đô thị đậm đặc dấu ấn của lịch sử và của văn hoá: 1). Hoa Lư là Cố đô đầu tiên của của quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, nơi phát tích sự nghiệp lẫy lừng của 8 đời vua trong 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và những năm đầu triều Lý (1009-1010). 2). Hoa Lư là di tích quốc gia đặc biệt, một trong ba vùng lõi của quần thể di sản thế giới hỗn hợp (tự nhiên – văn hoá) Tràng An, di sản duy nhất ở Đông Nam Á.

Thách thức thiên niên kỷ mà LHQ và UNESCO muốn cảnh báo các quốc gia có di sản thế giới là: 1). Thách thức của quá trình đô thị hoá: các đô thị di sản trong quá trình hiện đại hoá cần phải thận trọng. 2). Vấn đề quản trị không gian đô thị – Hiện đại hóa các cấu trúc hành chính khu vực công ở tất cả các cấp quản lý đô thị là cần thiết, nhưng đừng làm hỏng các đặc thù văn hoá – xã hội của các đô thị cổ.

Đứng trước những thách thức như vậy, văn hoá Tràng An – Hoa Lư, mặc dù cũng khá phong phú trong nhận thức và tình cảm của nhiều người, nhưng vẫn là đối tượng đầy thu hút của giới nghiên cứu và của các chiến lược phát triển.

1. Đô thị di sản thiên niên kỷ

Năm 2007, UNESCO công bố báo cáo “Di sản thế giới: thách thức thiên niên kỷ” (World heritage: challenges for the millennium). Tinh thần chung của báo cáo là nâng cao nhận thức và hành động của các quốc gia theo “Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và di sản tự nhiên thế giới” (The 1972 Convention concerning the Protection of the World Cultural and Natural Heritage), công ước duy nhất của thế giới bảo vệ cả di sản tự nhiên và di sản văn hóa, có ảnh mạnh đến các quốc gia và các cộng đồng có liên quan, được coi là công ước hữu hiệu nhất về bảo tồn các di sản.[1]

Vào ngày 23/5/2007, Đề án “Thiên niên kỷ đô thị” (The Urban Millennium Project) do một nhóm chuyên gia thuộc Đại học Liên hợp quốc thiết kế, bắt đầu tổ chức các hoạt động của mình. Đề án này có nhiệm vụ là hoạt động truyền thông ở 8 đô thị lớn của thế giới có dân số quá đông là New York, Sau Paulo, Seoul, Mumbai, Hồng Kông, London, Mexico City và Tokyo. Từ đây, những kinh nghiệm về quản lý đô thị được chuyển tới các chính phủ và người dân các nước nhằm mục tiêu phát triển đô thị trong thế kỷ XXI, sao cho đô thị vẫn giữ được vai trò là trung tâm kinh tế – văn minh nhưng không nảy sinh thêm các vấn đề xã hội – môi trường.

Trước đó, năm 2000, Uỷ ban “Đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ” (The Millenium Assessment – MA) của LHQ được thành lập với mục tiêu là đánh giá hậu quả của hành động làm cạn kiệt nguồn lực tự nhiên, khuyến nghị của Uỷ ban này là tạo ra các chính sách đảo ngược tình trạng suy thoái của hệ sinh thái trong 50 năm tới và trong thiên niên niên kỷ.[2]

Từ các hoạt động nói trên của LHQ, ở hầu hết các nước, các di sản thế giới được quan tâm nhiều hơn với mục đích tăng cường bảo vệ di sản trước những thách thức thiên niên kỷ, nhất là đối với các di sản văn hoá có hàng nghìn năm tuổi (thiên niên kỷ). Thuật ngữ “Đô thị di sản thiên niên kỷ” (Millenium Heritage Urban) tự phát ra đời từ đây, với nghĩa chủ yếu là bảo vệ các di sản có hàng nghìn năm tuổi trước các thách thức thiên tai và nhân hoạ, mà trước hết là thách thức đô thị hoá.

Ở Việt Nam, thuật ngữ này được chú ý từ năm 2023 trong “Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050”. Một số văn bản trong Hồ sơ có ghi rõ, “xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ”.[3] Từ đầu năm nay, sau những hội nghị lớn về quy hoạch tỉnh Ninh Bình và nhất là, sau những bài báo của các tác giả thực hiện chuyên đề “Ninh Bình hướng tới mục tiêu xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ”,[4] thì “Đô thị di sản thiên niên kỷ” đã được sử dụng khá phổ biến, đôi khi được gọi là “Khái niệm mới” với ý tưởng chủ yếu là, chỉ có Ninh Bình – Tràng An – Hoa Lư là hội tụ đủ các yếu tố để được coi là “thành phố di sản thiên niên kỷ” ở Việt Nam.

Mặc dù đô thị hoá là một thành tựu vĩ đại của loài người, là phương thức không thể thiếu để các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển đi tới thịnh vượng. Nhưng mặt trái của nó, nhất là từ khi các siêu đô thị xuất hiện quá nhiều, lại khiến các chiến lược phát triển lành mạnh lo ngại. Quá trình này không chỉ đô thị hoá các thành tựu văn minh, các giá trị văn hoá toàn cầu, các hoạt động nhân đạo, mà còn là đô thị hoá cả tình trạng nghèo đói, tội phạm, đặc biệt tội phạm xuyên quốc gia và các chính phủ yếu kém nhưng tham lam.

Từ đó, các chuyên gia LHQ và UNESCO cảnh báo rằng, đô thị hoá chính là nguyên nhân hàng đầu đe doạ bản sắc các di sản, nhất là các di sản nghìn năm tuổi; là thách thức thiên niên kỷ đối với thế giới ngày nay; chứ không phải các đô thị nghìn năm tuổi (thiên niên kỷ) cần phải được hiện đại hoá.

Do vậy, theo chúng tôi, không nhất thiết “Đô thị di sản thiên niên kỷ” phải là khái niệm khoa học của một khoa học nào đó về đô thị, hay phải là tiêu chuẩn của một tổ chức quốc tế nào đó về các đô thị di sản có nghìn năm tuổi, để phân loại hay đánh giá giá trị của các thành phố di sản như Ninh Bình – Tràng An.

“Đô thị di sản thiên niên kỷ” trên thực tế, là tên gọi ấn tượng, đầy biểu cảm để gọi Hoa Lư tương lai, thành phố thủ phủ của Ninh Bình. Tên gọi này thực ra mới được xuất hiện năm 2023 trong Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050. Trong Hồ sơ một số văn bản có ghi rõ, “xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ”.[5]

Theo chúng tôi tìm hiểu, cho đến nay, thế giới chỉ có duy nhất một tổ chức là hiệp hội của các thành phố di sản mang tên “Các Thành phố Di sản Thế giới” (Organization of World Heritage Cities – OWHC). Tổ chức này được thành lập vào năm 1993, có mục đích là bảo vệ và phát huy giá trị các thành phố là di sản thế giới; trụ sở hiện đặt tại Quebec, Canada. OWHC gồm 250 thành phố thành viên, đều là các thành phố cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, nhưng hầu hết đều chưa đến nghìn năm tuổi. Trong đó, Trung Quốc có 5 thành phố cổ thành viên là Dujiangyan (Đô Giang Yển, 都江堰), Chengde (Thừa Đức,承德市) Lijiang (Lệ Giang, 丽江市), Macau (Ma cao, 澳門) và Suzhou (Tô Châu, 苏州市). Nga có 6 thành phố cổ thành viên là Bolgar (Болгар), Derbent (Дербент), Kazan (Казань), Saint Petersburg (Санкт-Петербург), Suzdal (Суздаль) và Yaroslavl (Ярославль). Việt Nam chỉ có Huế và Hội An là đơn vị thành viên (Nghĩa là Thăng Long, Tràng An – những thành phố thiên niên kỷ (nghìn năm tuổi) cũng không có mặt trong tổ chức này).[6]

2. Đặc thù thiên niên kỷ của đô thị di sản

2.1. Hoa Lư – Cố đô đầu tiên của của quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, nơi phát tích sự nghiệp lẫy lừng của 8 đời vua trong 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và năm đầu tiên triều Lý (1009-1010).

Trải dài các giai đoạn của thời kỳ Bắc thuộc, Ninh Bình (với tên gọi ban đầu là châu Trường Yên) là “chứng nhân của lịch sử” khẳng định giá trị của của một vùng đất cổ có truyền thống đặc biệt anh dũng, có ý chí độc lập mạnh mẽ, có khả năng lao động sáng tạo. Từ khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên triều Đinh (968-980) đóng đô ở Hoa Lư Tràng An, Ninh Bình là cố đô đầu tiên (với tên gọi là châu Đại Hoàng) của của nước Đại Cồ Việt độc lập.

Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư gồm hệ thống các di tích về kinh đô đầu tiên Hoa Lư trong lịch sử Việt Nam (968-1010). Đại Cồ Việt (大瞿越) là Quốc hiệu của Việt Nam dưới thời 8 vị vua trị vì 3 triều đại Đinh, Tiền Lê và đầu nhà Lý. Trong 42 năm, mảnh đất này là nơi phát tích và tạo ra sự nghiệp lẫy lừng của 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và đầu nhà Lý (1009-1010). Kinh đô ban đầu đặt tại Hoa Lư (968-1010) và từ tháng 7/1010 đặt tại Thăng Long. Nhà nước Đại Cồ Việt xuất hiện khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế năm 968 đến tháng 10/1054 – trải dài 86 năm, một vương triều không hề ngắn trong lịch sử Việt Nam. Khi dời đô ra Thăng Long (1010), nước vẫn mang tên Đại Cồ Việt, xác lập kỷ nguyên lần đầu tiên của nền độc lập quốc gia sau nghìn năm Bắc thuộc, người Việt có nhà nước phong kiến tập quyền với chế độ chính trị riêng, quân đội riêng….[7] Đến năm Giáp Ngọ 1054, tức là 44 năm sau, Lý Thánh Tông mới đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt (大瞿越) thành Đại Việt (大越), mở ra kỷ nguyên Đại Việt.

Không gian đô thị Hoa Lư với các sự kiện lịch sử gắn liền với tên tuổi của các vĩ nhân thuộc 3 triều Đinh, Tiền Lê và khởi thuỷ nhà Lý – Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước (năm 968); Lê Hoàn phá Tống trên sông Bạch Đằng (năm 981), đánh Chiêm Thành (982) và Lý Công Uẩn dời đô (năm 1010)… – chắc chắn là những trang sử vàng vô giá của không gian đô thị cổ Hoa Lư – Tràng An.

Trong lịch sử, dù không đóng đô ở Hoa Lư, nhưng các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn vẫn cho xây dựng nhiều đền, lăng, đình, chùa, phủ… có giá trị ở Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh và ở thành phố Ninh Bình.

Năm Gia Long thứ 5 (1806), Gia Long đổi Thanh Hoa ngoại “trấn” thành “đạo” Thanh Bình; đạo nhưng vẫn thuộc trấn Thanh Hoa. Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), Minh Mệnh đổi tên phủ Trường Yên thành phủ Yên Khánh.

Địa danh Ninh Bình có từ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) khi tên cũ đạo Thanh Bình được đổi thành đạo Ninh Bình, thuộc trấn Thanh Hoa. 7 năm sau (1829), Ninh Bình mới chính thức đổi từ “đạo” thành “trấn”, có các chức danh cai trị như Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham hiệp như các trấn khác trong Bắc Thành. Cũng trong năm 1829, Kim Sơn – vùng đất bồi ven biển do Nguyễn Công Trứ khai hoang, được thành lập thành một huyện.

Tỉnh Ninh Bình được thành lập năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) theo Chương trình cải cách hành chính lịch sử của triều Minh Mệnh. Tỉnh Ninh Bình thời Nguyễn gồm 2 phủ với 7 huyện.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, Ninh Bình là một trong những tỉnh sớm có cơ sở Đảng và phong trào cách mạng. Quỳnh Lưu là một trong ba trung tâm của Chiến khu Quang Trung thời tiền khởi nghĩa. Khu du kích Khánh Trung, Khánh Thiện là những cơ sở nổi tiếng thời chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ninh Bình là đầu mối mạch giao thông Bắc – Nam; quân dân Ninh Bình đã bắn rơi 90 máy bay Mỹ. Tỉnh Ninh Bình đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1976 Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng 12/1991, Ninh Bình tách ra khỏi tỉnh Hà Nam Ninh, được tái lập ngày 01/4/1992.

Hơn ba mươi năm qua, với sự nghiệp Đổi mới, Ninh Bình từ một địa phương nghèo, chậm phát triển, “4B – buồn, bực, bụi, bẩn; chiêm khê mùa thối”…, đã “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, trở thành một thành phố di sản thiên niên kỷ có thứ hạng của thế giới – Di sản thế giới hỗn hợp văn hoá – tự nhiên duy nhất ở Đông Nam Á, có diện mạo kinh tế – xã hội ở mức trên trung bình so với các tỉnh thành trong cả nước, có sức thu hút đối với thế giới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch.

Về phương diện kinh tế, đến nay, tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Năm 2023, kinh tế tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng GDP hơn 7%, đứng thứ 8 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 22 toàn quốc; quý I/2024 tiếp tục tăng ở mức 8,02%, đây là mức tăng trưởng rất cao. Từ 2022, Ninh Bình đã tự chủ về ngân sách (năm 2023 đứng thứ 26/63 tỉnh, thành); xuất khẩu cũng được xếp thứ 23/63 tỉnh, thành. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỉ trọng hơn 80% cơ cấu kinh tế, trở thành động lực thực tế của tăng trưởng. Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư, nâng cấp nên khá phát triển. Nhiều tiềm năng của Ninh Bình đang được đánh thức.

Tỉnh có diện tích và dân số không lớn, gồm 2 thành phố và 6 huyện, nhưng có bề dày lịch sử và văn hoá thuộc loại có tầm vóc. Đây là một đặc trưng làm nên thương hiệu “Thành phố di sản thiên niên kỷ”.

2.1.2. Hoa Lư là di tích quốc gia đặc biệt, một trong ba vùng lõi của quần thể di sản thế giới hỗn hợp (di sản tự nhiên – di sản văn hoá) Tràng An. Không gian văn hoá của cố đô di sản thiên niên kỷ, trên thực tế gồm cả ba vùng lõi quần thể di sản Tràng An

Tại các thành phố di sản, trừ Brasilia (Brasil), không gian đô thị cổ đều là các di tích. Theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Max Weber thì Hoa Lư khó được gọi là thành phố, nhưng theo quan niệm mở rộng của UNESCO cho các đô thị châu Á, thì chính các chuyên gia UNESCO đã gọi Hoa Lư là đô thị cổ.

Với lịch sử hơn 1000 năm, không gian đô thị cổ Hoa Lư trên thực tế gồm: 1). Không gian lịch sử, 2). Không gian cảnh quan tự nhiên, 3). Không gian chính trị, 4). Không gian văn hoá – xã hội, 5). Không gian tư tưởng – tâm linh…  với toàn bộ khu vực Kinh thành, Hoàng thành; khu vực đồn trú, phủ đệ, lăng mộ, đình đền, chùa… Theo chúng tôi, 5 không gian đô thị rất đặc trưng này, mới chỉ được biết một phần không lớn, còn nhiều bí ẩn cần được khám phá.

Văn hoá Tràng An – Hoa Lư là nơi hội tụ của nét đẹp bốn phương. Bởi vùng đất lịch sử này qua các thời kỳ lịch sử có rộng hẹp khác nhau. Có lúc một số địa phương Nam Định, Thanh hoá, Hoà Bình (ngày nay) cũng thuộc về Ninh Bình. Văn hoá vùng núi rừng Tây Bắc giao thoa, hội tụ với văn hoá vùng đồng bằng sông Hồng và với một phần văn hoá duyên hải, tạo ra văn hoá – con người Tràng An.

Hoa Lư là di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam và cũng là một trong ba vùng lõi của quần thể di sản hỗn hợp tự nhiên – văn hoá Tràng An (Landscape Complex World Cultural and Natural Heritage) được UNESCO công nhận 2014. Cả thế giới tính đến hết 2023, chỉ có 40 di sản hỗn hợp như thế trên tổng số 1172 di sản UNESCO. Khu vực Đông Nam Á chỉ duy nhất có Tràng An. Niềm tự hào to lớn, nhưng trách nhiệm cũng không nhỏ (trách nhiệm bảo vệ ký ức của nhân loại, chứ không chỉ là trách nhiệm giữ gìn giá trị Việt Nam).

Ngày 25/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar), Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Tràng An. Những giá trị đặc sắc của quần thể danh thắng Tràng An được công nhận gồm ba tiêu chí: Văn hóa (Tiêu chí V), vẻ đẹp thẩm mĩ (Tiêu chí VII), và địa chất địa mạo (Tiêu chí VIII) trong tổng số 10 tiêu chí về di sản hỗn hợp tự nhiên – văn hoá.[8]

Về giá trị địa chất, địa mạo, Uỷ ban Di sản thế giới đánh giá, Tràng An là di sản địa chất ngoạn mục, cho biết rõ hơn những địa điểm khác trên thế giới về các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa núi đá vôi trong môi trường nhiệt đới ẩm. Đây là một mô hình tiêu biểu và nổi bật trên phạm vi toàn cầu. Sự phân cắt sâu của một khối đá vôi chuyển động nổi lên qua hơn 5 triệu năm đã tạo nên hàng loạt các cảnh quan cổ điển, bao gổm các dạng tháp, nón, vùng trũng sâu (hay hố sụt), thung lũng thoát nước về phía trong (hay bồn địa), các chân hang và lối đi ngầm qua hang động với các trầm tích trong đó. Có ý nghĩa vô cùng đặc biệt là sự hiện diện của các dạng chuyển tiếp giữa các núi đá vôi “fengcong” có các sống núi nối các tháp, với núi đá vôi “fenglin” nơi các tháp đứng rời rạc trên đồng bằng phù sa. Tràng An là một hệ thống núi đá vôi tự sinh đặc biệt, chỉ được cung cấp nước mưa và bị cô lập về mặt thủy văn với các con sông xung quanh. Quá trình biển dâng trước đó đã biến khối núi này thành một quần đảo trong một vài thời kỳ, mặc dù ngày nay nó hoàn toàn nổi lên trên đất liền. Sự biến động của mực nước biển được chứng minh bằng một loạt các vết xói mòn theo độ cao trong các vách đá, cùng với các hang động liên quan, nền tảng cắt sóng, trầm tích bãi biển và các lớp vỏ biển.[9]

Nhìn rộng hơn, Tràng An trong tổng thể diện mạo địa chất Ninh Bình có vị trí địa chiến lược quan trọng, là nơi tiếp nối giao lưu giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc, là nơi có hệ thống quốc lộ và hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận tiện cho giao lưu, phát triển. Địa hình Ninh Bình có vùng đồi núi ở phía Tây và Tây Bắc, vùng đồng bằng và vùng ven biển phía Đông và phía Nam. Núi đá vôi phía Tây bắt nguồn từ núi rừng Hoà Bình chạy ra biển tạo thành vùng phù sa cổ ven chân núi. Đá vôi là tài nguyên khoáng sản lớn nhất của Ninh Bình. Những dãy núi trải dài hơn 40 km với diện tích hơn 1.200 ha, là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất vật liệu xây dựng. Quá trình tạo sơn từ hàng trăm triệu năm trước đã để lại nhiều hang động đẹp: Tam Cốc, Bích Động, Xuyên Thuỷ Động, Địch Lộng, hang động Tràng An,… Vùng đồng bằng chiêm trũng ở Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ.

Rừng tự nhiên ở Ninh Bình có diện tích 23.526 ha, tập trung chủ yếu ở Nho Quan. Trong đó, vườn quốc gia Cúc Phương thuộc loại rừng nhiệt đới điển hình.

Ninh Bình có chiều dài bờ biển khoảng 18 km, có hàng ngàn ha bãi bồi, hàng chục ngàn ha lãnh hải. Cửa Đáy là cửa biển lớn, có độ sâu cho tàu thuyền hàng ngàn tấn ra vào.

Về giá trị về thẩm mỹ Tràng An, Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO đánh giá, núi đá vôi ở Tràng An là một trong số những cảnh quan đẹp và hấp dẫn nhất so với các núi cùng loại trên thế giới. Hàng dãy các tháp đá cao 200 m bao phủ bởi các cánh rừng liên kết với nhau qua các sống núi sắc nhọn, bao quanh các vùng nước sâu thông nhau qua vô số hang động ngầm. Các khu rừng nối với các cánh đồng lúa trải dài theo những dòng sông, nơi nông dân và dân chài vẫn sinh sống theo phương thức truyền thống của họ. Du khách trên những con thuyền tam bản truyền thống được những người hướng dẫn bản địa chèo lái để trải nghiệm cảm giá thoải mái, thanh bình với môi trường tự nhiên. Những ngọn núi hùng vĩ, những hang động bí ẩn và những đền, chùa, miếu, phủ linh thiêng ở Tràng An đã truyền cảm hứng cho con người qua biết bao các thế hệ.[10]

Tại cố đô Hoa Lư, còn lại đến ngày nay là Đền thờ Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành; chùa và động Am Tiên, Chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, đình Yên Thành, phủ Đông Vương, phủ Kình Thiên, đền thờ Thục Tiết công chúa, bia cửa Đông, lăng vua Đinh, lăng vua Lê và núi Mã Yên, hang Muối và hang Quàn.

Khu vực trung tâm Cố đô thuộc quần thể Di sản danh thắng Tràng An và vùng đệm, đã được đánh giá gồm: Đình Yên Trạch, bia Cầu Rền, hang Bim, chùa Duyên Ninh, hang Luồn và núi Cái Hạ, chùa Bà Ngô, động Liên Hoa, chùa và động Bàn Long, chùa và động Hoa Sơn, hang Đìa, chùa Am, đền Hành Khiển, chùa Bi, chùa Tháp, chùa Tôm, cầu Hội, cầu Ghềnh Tháp, trấn Áng Ngũ, quán Vinh; các khu vực Kinh thành, Hoàng thành, trấn thành, phủ đệ bao quanh kinh thành theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, nền cung điện nằm dưới lòng đất, di chỉ khảo cổ và các di tích có liên quan.

Không gian chính trị – lịch sử phản ánh tầm vóc nhà nước Đại Cồ Việt và trung tâm chính trị văn hoá kinh tế 1000 năm trước hiện còn, gồm: Chùa và Động Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), đền Thánh Nguyễn, lăng Phát Tích và núi Kỳ Lân, Nhà thờ và mộ Định Quốc công Nguyễn Bặc, núi Kiếm Lĩnh và đền Tô Hiến Thành, đền Thung Lau và động Hoa Lư, đền Thung Lá (huyện Gia Viễn), núi Non Nước (thành phố Ninh Bình). Khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hoàng Long, sông Sào Khê, sông Chanh và các chi lưu qua Kinh thành Hoa Lư; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hóa, các dãy núi, mỏm núi, hang động, quèn đá, thung lũng; tường thành núi đá tự nhiên, tường thành nhân tạo; các cộng đồng dân cư xưa gắn với Cố đô và với từng điểm di tích…

Về giá trị về văn hóa, Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO đánh giá, Tràng An là địa điểm nổi bật ở khu vực Đông Nam Á minh chứng được phương thức con người tương tác với tự nhiên và thích nghi với những biến đổi về môi trường trong suốt hơn 30.000 năm. Lịch sử văn hóa lâu đời ở đây gắn bó chặt chẽ với quá trình phát triển địa chất của khu vực núi đá vôi vào giai đoạn cuối thời kỳ Pleistocene và đầu Holocene, khi cư dân phải chịu đựng sự biến đổi khí hậu và môi trường khắc nghiệt nhất trong lịch sử Trái đất, bao gồm cả những cảnh quan nhiều lần bị nhấn chìm do nước biển dâng. Trong một cảnh quan nhỏ vẫn có nhiều địa điểm phản ánh các thời kỳ khác nhau và các chức năng trong cuộc sống định cư nguyên thuỷ của con người.[11]

Ninh Bình là vùng đất có con người cư trú rất sớm, từ 3 – 4 vạn năm trước (di chỉ khảo cổ Thung Lang, Tam Điệp). Động “Người xưa” ở Cúc Phương là di chỉ có dấu ấn con người cách đây chừng 10 nghìn năm. Dấu vết Văn hoá Hoà Bình, ngoài những nơi khác, còn tìm thấy trong một số hang động ở Tam Điệp. Di chỉ Mán Bạc (Yên Mô) có di tích của con người cách đây từ 3.300 – 3.700 năm (thời kỳ đồng thau). Trong số 6 trống đồng tìm thấy ở Ninh Bình có 2 trống đồng loại I (Heger, sớm nhất), hiện vật tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng.

Ninh Bình có hai dân tộc chính là Kinh và Mường. Hiện có trên 2 vạn người Mường sống cùng với người Kinh ở huyện Nho Quan. Đặc thù xã hội cổ xưa của con người vùng này đến nay chủ yếu mới chỉ được hình dung qua các hiện vật khảo cổ học và một số ít ỏi tư liệu thành văn. Cần có những khám phá sâu sắc hơn, chi tiết hơn về phương thức sống, lối sống, đời sống văn hoá và đặc thù tổ chức xã hội của các thế hệ cư dân các dân tộc vùng này.

Văn hoá Tràng An – Hoa Lư với quần thể cố đô, khu danh thắng được Nhà nước và tỉnh Ninh Bình quản lý với sự quan tâm được đánh giá là thoả đáng. Ban quản lý quần thể di tích Tràng An là một cơ quan độc lập nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với các Bộ, ngành của Chính phủ, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp… có liên quan. Quyền quyết định, trách nhiệm và nguồn lực của Ban quản lý được coi là đủ mạnh. Nghĩa là việc quản lý, khai thác giá trị và bảo vệ di sản văn hoá Tràng An, hiện nay đạt hiệu quả khá khả quan. Ba khu vực lớn (ba vùng lõi) đô thị cổ Tràng An – Hoa Lư được phân loại bảo vệ hợp lý: 1). Cố đô Hoa Lư; 2). Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động; và 3). Rừng nguyên sinh và đặc dụng Hoa Lư (rộng đến 12.251 ha). Các bộ luật cơ bản của Nhà nước và một loạt nghị định của Chính phủ quy định các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản… là hệ thống công cụ pháp lý có hiệu lực. Thế giới biết nhiều về Tràng An – Hoa Lư. Người dân địa phương và khu vực lân cận, du khách, có nhận thức, thái độ và hành vi tương đối tốt đối với di sản.

Nghĩa là, quần thể quần thể cố đô, khu danh thắng và môi trường rùng núi cảnh quan hiện đang được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản hợp lý, thích ứng được với mức độ phát triển sôi động hiện nay của Ninh Bình và của đất nước.

3. Viễn cảnh và những vấn đề cần quan tâm

3.1. Viễn cảnh Tràng An – Hoa Lư

Trong tương lai không xa, đô thị cổ Tràng An – Hoa lư sẽ có diện mạo khác nhiều so với hiện nay. Theo quy hoạch, thành phố “Thành phố Hoa Lư” sẽ bao gồm thành phố Ninh Bình hiện nay và huyện Hoa Lư, là thủ phủ của tỉnh Ninh Bình, thuộc loại đô thị loại I, có thể là thành phố trực Trung ương.

Tuy nhiên, khi gọi “đô thị di sản thiên niên kỷ” thì văn hoá Tràng An – Hoa Lư, phải được coi là linh hồn của thành phố cố đô – vừa cổ kính vừa hiện đại. Cổ kính với các giá trị đặc thù có một không hai ở quần thể các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên, và cả văn hoá vùng phụ cận. Hiện đại với diện mạo và tầm vóc của một trung tâm tổng hợp cấp quốc gia và cấp vùng về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế…. có trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc đô thị đạt chuẩn.

Trong chiến lược phát triển và phát huy giá trị di sản cố đô, ngày 04/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 218/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định, vùng trung tâm gồm Tam Điệp và Ninh Bình là vùng có chức năng tổng hợp, giữ vai trò là động lực phát triển của tỉnh, định hình đô thị Ninh Bình mang đặc trưng “Đô thị Di sản thiên niên kỷ” dựa trên các giá trị độc đáo về tự nhiên – sinh thái, văn hóa – lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Trong quy hoạch đã công bố 28/5/2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư trở thành đô thị loại I, thủ phủ của tỉnh với tên gọi “Thành phố Hoa Lư”. Xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa với định hướng 7 đô thị trung tâm, gồm 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II và 5 đô thị loại IV. Khu vực nông thôn, sẽ phát triển hài hòa với đô thị di sản.[12]

Theo quy hoạch đã được công bố, 3 vùng lõi chính là 3 vùng chức năng, trong đó thành phố Hoa Lư (Ninh Bình và huyện Hoa Lư hiện nay) và Tam Điệp là vùng trung tâm có vai trò động lực, đột phá phát triển. Theo lý thuyết về động lực và “Cực tăng trưởng” (Growth Pole, được ứng dụng khá phổ biến trong phân vùng kinh tế, phát triển đô thị), thì sự phát triển “không xuất hiện ở tất cả mọi nơi và ở trong cùng một thời điểm; nó chỉ xuất hiện trong các điểm hoặc các cực phát triển, với cường độ thay đổi khác nhau; nó lan dọc theo các kênh đa dạng và với các tác động đầu cuối khác nhau đối với toàn bộ nền kinh tế”. “Cực tăng trưởng là một tổ hợp các ngành công nghiệp đang phát triển trong một khu vực đô thị và điều đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong toàn bộ khu vực”.[13]

Quy hoạch phát triển của Ninh bình và của các tỉnh thành khác ở Việt Nam từ nhiều năm nay, trên thực tế, đã chịu ảnh hưởng nhất định (có thể không chủ ý) của tư duy về cực tăng trưởng.

Ninh bình hiện đại hơn, phát triển nhanh hơn… tất nhiên sẽ trở thành một cực tăng trưởng đối với các vùng ngoại vi và các ngành kinh tế phụ trợ, dịch vụ, kể cả du lịch. Tuy nhiên, để công nghiệp văn hoá, công nghiệp du lịch, công nghiệp dịch vụ có liên quan đến di sản trở thành thành phần chính của cực tăng trưởng Hoa Lư (thủ phủ Ninh Bình trong tương lai) rõ ràng là không hề dễ. Thực tế đô thị di sản Hội An, Huế và nhiều đô thị di sản thế giới nổi tiếng đã chỉ ra vậy.

3.2. Vấn đề quản trị đô thị trước thách thức thiên niên kỷ – thách thức của quá trình đô thị hoá

Như đã nói ở nội dung 1, thách thức thiên niên kỷ mà LHQ và UNESCO muốn cảnh báo các quốc gia có di sản thế giới chính là thách thức của quá trình đô thị hoá, chứ không phải các đô thị nghìn năm tuổi (thiên niên kỷ) cần phải được hiện đại  hoá.

Bởi từ nhiều năm nay, thế kỷ XXI đã đã được thế giới gọi là thế kỷ của đô thị (The 21 th Century is an Urban); hầu hết nhân loại đang và sẽ sống ở các thị trấn và thành phố. Vào năm 1975, thế giới chỉ có ba siêu đô thị là Tokyo, New York và Mehico. Năm 2005, đã có 20 thành phố như vậy, trong đó 16 thành phố thuộc các nước đang phát triển. Trong hai thập kỷ nay, các siêu đô thị trên 10 triệu dân vẫn tiếp tục xuất hiện chứ không dừng lại như một số dự báo.[14] Cách đây hơn 10 năm, các chuyên gia LHQ đã cho biết, thành phố Hà Nội sản xuất ra 460% thu nhập (% Share GDP) so với tỷ lệ dân cư/dân số quốc gia (% Share National Population).[15] Nghĩa là, muốn phát triển nhanh, không có cách nào khác, các quốc gia phải có chiến lược sáng suốt gắn phát triển kinh tế với quá trình đô thị hoá.

Trên thực tế, mật độ dân số, tốc độ đô thị hóa và quy mô nền kinh tế… vẫn ngày càng tăng; và nhiều chính phủ vẫn xem nhẹ tác động ngược của quá trình này trong quy hoạch đối với các đô thị thiên niên kỷ. Đô thị kinh tế (Economic City) ngày nay đã trở nên lớn hơn nhiều so với đô thị hành chính (Administrative City). Quản trị đô thị đơn thuần (chỉ đối với đô thị hành chính), ngày nay đã trở nên thiếu hụt, nguy hiểm nếu không tính đến quản lý kinh tế đô thị. Ngay ở Việt Nam, đô thị hóa vẫn đang đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển. Năm 2023 tỷ lệ dân cư đô thị Việt Nam đã chiếm hơn 38,2%; hơn 50% tổng GDP được tạo ra ở khu vực đô thị.[16] Theo dự kiến, đến 2030, tỷ lệ đô thị hoá toàn quốc đạt trên 50% với khoảng 1.000 – 1.200 đô thị, trong đó ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP khoảng 85%; Với Ninh bình, đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hoá cũng được quy hoạch là 56,1%.[17]

Nhưng tác động ngược hay mặt trái của nó – đô thị hoá lại nảy sinh tình trạng bóc lột quá mức tài nguyên, gia tăng chất thải đô thị, ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải rắn… cùng với tình trạng nghèo đói, phổ thông hoá văn hoá, toàn cầu hoá tội phạm, chai lỳ nhân tính… kể cả phát triển du lịch, cũng là những vấn nạn…, đều đe doạ  an toàn xã hội và để lại di hại cho thế hệ sau.

Điều mà LHQ cảnh báo là, khác với trước kia, hiện nay tốc độ đô thị hóa không đương nhiên làm tăng trưởng kinh tế. Quá trình “đô thị hóa phi tăng trưởng” (Urbanisation Without Growth)[18] đang làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội đô thị ở Ấn Độ, một số nước châu Phi, Mỹ latinh và một số thành phố châu Á… Ngay tại châu Âu, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, không ít thành phố đã vấp phải các vấn đề nhân khẩu học, đa văn hóa, suy giảm dân số bản địa, chia rẽ cộng đồng, thiếu hụt phúc lợi công, gia tăng căng thẳng đời sống tinh thần…

Quản trị đô thị ngày càng là một thách thức đối với không ít chính phủ. Quản trị không gian đô thị ngày nay là vấn đề khó nhất và quan trọng nhất đối với các đô thị , đặc biệt là các đô thị di sản. Hiện đại hóa các cấu trúc hành chính khu vực công ở tất cả các cấp quản lý đô thị là điều cần thiết. Nhưng quản trị hành chính công trong bối cảnh hiện nay, rất dễ ưu tiên cho hoạt động quản lý kinh tế, dẫn đến vô tình xem nhẹ quản trị hoạt động văn hoá, kể cả quản trị các hoạt động thuộc công nghiệp văn hoá.[19] Ấy là chưa nói đến sự cám dỗ của các lợi ích do kinh tế đô thị đem lại.

Quản trị đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư – Tràng An là một thách thức đối chính quyền và người dân tỉnh Ninh Bình. Quy hoạch phát triển Ninh Bình cũng chính là quy hoạch phát triển không gian cố đô mà trọng tâm là phát triển kinh tế đô thị. Yêu cầu hiện đại hóa các tổ chức và cách thức hoạt động hành chính khu vực công ở tất cả các cấp quản lý đô thị, sao cho Hoa Lư tăng trưởng nhanh nhưng bền vững: giữ gìn được không gian đô thị cổ của cố đô Hoa Lư, không “hiện đại hoá” các biểu tượng và các giá trị cổ xưa, không chia rẽ cộng đồng, không làm căng thẳng đời sống tinh thần, không nảy sinh thêm các vấn đề xã hội… đều là những hoạt động đòi hỏi có tư duy quản trị chuyên nghiệp.

Phát triển kinh tế đô thị tại một không gian đô thị dày đặc di sản văn hoá xưa chưa bào giờ là việc đơn giản. Nếu quy hoạch tối ưu, nhà quản trị biết thu hút đầu tư công, đầu tư tư một cách hợp lý, biết ưu tiên phát triển nguồn lực (nhân lực, vốn tài chính, công nghệ) phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các không gian đô thị cổ, thì Tràng An  – Hoa Lư sẽ là một cực tăng trưởng mạnh. Cực tăng trưởng này đương nhiên tác động mạnh đến khu vực ngoại vi và từ đó thúc đẩy liên kết và hợp tác với các vùng, các địa phương đồng bằng Bắc bộ và cả nước.

Hành lang phát triển trong hai khu vực lõi và các khu vực ngoại vi, theo quy hoạch sẽ gắn với phát triển các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của Quốc gia và của tỉnh. Hành lang ven biển, theo quy hoạch sẽ phát triển thành trục kết nối với các tỉnh thành duyên hải Việt Nam. Thực ra bài toán tăng trưởng không phải là quá khó, mà tăng trưởng như thế nào mới là vấn đề của Hoa Lư tương lai.

Vấn đề là ở chỗ, Tràng An dẫu rất giá trị nhưng cũng chỉ là một di sản tương đối nhỏ (Trang An is a relatively small property), như chính Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO đã chỉ ra. Du lịch sẽ phát triển hơn nên số lượng du khách sẽ ngày càng lớn. Việc quản lý phát triển (tốc độ, quy mô, giữ gìn đặc thù văn hoá – xã hội…) hợp lý, quản trị chặt chẽ và thận trọng để tránh áp lực đe dọa quá mức từ việc mở rộng đô thị, sử dụng tài nguyên, hiện đại hoá làng xã và khai thác quá mức hạ tầng du lịch và dịch vụ…. chính là những vấn đề trọng tâm cần được ưu tiên trong kế hoạch quản trị thành phố và phát triển du lịch.[20]

Như chính quy hoạch của tỉnh đã lường trước và hoạch định, Ninh Bình trước hết cần phải thoát ra khỏi các điểm nghẽn do những hạn chế, khó khăn, thách thức… hiện đang tồn tại. Quy mô kinh tế của tỉnh hiện còn nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Mức độ đô thị hóa thấp: dân số thành thị mới chỉ chiếm 21,5%. Dân số thành phố Ninh Bình 2022 mới chỉ có 123.000 dân, cả tỉnh cũng mới chỉ hơn 1 triệu dân.[21] Là thành phố cấp I trực thuộc tỉnh, dân số thành phố Hoa Lư tương lai cần có 500.000, nội thành hơn 200.000. Nếu năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thành phố phải có hơn 1 triệu dân. Hạ tầng và nền kinh tế phát triển đến mức nào để thu hút được 1 triệu dân đến sinh sống và làm việc, là điều chưa dễ hình dung. Người dân các dân tộc Ninh Bình hiện vẫn chủ yếu sống ở nông thôn và khu vực rừng núi. Việc nâng cao trình độ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… trước hết lại cần cần đầu tư cơ bản, đồng bộ. Công tác giải phóng mặt bằng và triển khai một số dự án còn chậm và vẫn không dễ tránh được những vấn đề xã hội nhất định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cũng không phải đã hết những tiềm ẩn phức tạp… Đó là những thực tế khách quan ảnh hưởng bất lợi đến sự bảo tồn và phát triển cố đô Hoa Lư – Tràng An.

3.2. Vấn đề quản trị cố đô với các không gian đô thị cho công nghiệp văn hoá, hoạt động y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ, nghệ thuật, bảo tàng – thư viện,…

Theo quy hoạch, để bứt phá, Ninh Bình cũng như các tỉnh thành khác, buộc phải chú trọng phát triển công nghiệp và dịch vụ. Hiện Ninh Bình đã là một trong 3 trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô lớn và hiện đại của đất nước, dịch vụ cũng khá phát triển, không chỉ có du lịch. Ninh Bình cũng được coi là một trung tâm chế biến rau quả hàng đầu của Việt Nam. Với 11 khu công nghiệp, 2 khu du lịch quốc gia, 2 tuyến đường cao tốc cùng các tuyến đường quốc lộ, đường sắt, đường thủy…  dư địa phát triển của Ninh Bình khá rộng mở. Thực tế đó khích lệ sự phát triển.

Vấn đề là ở chỗ, theo tư duy cực tăng trưởng, việc ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện để đô thị cổ Hoa Lư thành một trung tâm kinh tế tổng hợp Hoa Lư – Tràng An (thành phố Hoa Lư tương lai) phát triển mạnh và nhanh hơn, nhằm kích hoạt các ngành kinh tế trong tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của các thị trấn, các địa phương trong toàn bộ khu vực… rất khó phát huy được các lợi thế, đặc trưng văn hoá – lịch sử của cố đô Hoa Lư. Kinh nghiệm quốc tế và trong nước đều cho thấy như vậy. Để bảo tồn và phát huy giá trị các “thương hiệu di sản vô giá” đã có như Cố đô Hoa Lư, rừng Cúc Phương, Tràng An, Tam Cốc – Bích Động… sao cho vừa bảo tồn được di sản, vừa sinh lời trong phát triển kinh tế – xã hội, lại không làm phát sinh các vấn đề xã hội – văn hoá…, có vẻ vẫn còn khá mờ nhạt trong quy hoạch đã được phê duyệt.

Ninh bình hiện đại hơn, phát triển hơn… cần thiết phải chú ý phát triển công nghiệp văn hoá, bên cạnh các ngành công nghiệp khác như đã lên kế hoạch trong quy hoạch. Chỉ riêng “công nghiệp không khói” (du lịch), thì như thực tế đô thị di sản Hội An và Huế đã chỉ ra, sự hình thành một cực tăng trưởng cũng không dễ.

Cần thiết phải có tư duy quản trị cố đô với tầm nhìn sâu sắc đối với ngành công nghiệp văn hoá với rất nhiều loại hình công nghiệp văn hoá mà Ninh Bình có tiềm năng, chứ không chỉ công nghiệp du lịch (và ngay cả du lịch, hiện Ninh Bình cũng vẫn chưa giải phóng hết tiềm năng – du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao… vẫn chưa khai thác được bao nhiêu). Với các ngành công nghiệp văn hoá, dịch vụ văn hoá đa dạng và hiện đại  như hiện nay, việc hình dung triển vọng của các hoạt động cần phải được thể hiện trong các không gian đô thị đặc thù.

Trong quy hoạch đã công bố, các không gian đô thị cho kiến trúc, giao thông, công nghiệp… đã được hoạch định khá chi tiết, nhưng các không gian đô thị cho y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ, văn học – nghệ thuật, bảo tàng – thư viện,… nói chung chưa rõ, còn khá mờ nhạt. Việc đầu tư cho giáo dục – đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hoá, chuyển đổi số, quản lý tài nguyên và bảo vệ hệ sinh thái đặc thù, bảo vệ và khai thác các loại hình nghệ thuật truyền thống, có chiến lược phát triển Đại học Hoa Lư… là những thách thức đòi hỏi tư duy phải có hàm lượng kinh tế để phát triển văn hoá.

Mặc dù trước mắt, sự phát triển của Hoa Lư – Tràng An, đô thị di sản thiên niên kỷ, còn không ít gian nan, nhưng quy hoạch phát triển, nhìn chung được đánh giá là hợp lý, thực tế và có tư duy chiến lược, có tầm nhìn. Bằng truyền thống lịch sử – văn hoá đầy tự hào của vùng đất Cố đô, bằng ý chí, khát vọng và tinh thần năng động đầy sáng tạo của chính quyền và người dân tỉnh Ninh Bình, Hoa Lư – Tràng An chắc chắn sẽ phát triển mạnh, trở thành hình mẫu của thành phố di sản thiên niên kỷ văn minh, hiện đại; có bản sắc riêng của một cố đô nghìn năm tuổi, nơi phát tích và tạo ra sự nghiệp lẫy lừng của ba triều đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Kết luận

“Đô thị di sản thiên niên kỷ” là tên gọi ấn tượng, đầy biểu cảm của Hoa Lư, thành phố thủ phủ của Ninh Bình trong tương lai gần, theo QĐ số 218/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 04/3/2024 về Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch đã được công bố 28/5/2024.

Với tên gọi này, Hoa Lư được quy hoạch là đô thị loại I, thành phố trực thuộc trung ương (vào năm 2035) và điều đặc biệt, văn hoá Tràng An – Hoa Lư, sẽ là linh hồn của thành phố cố đô – vừa cổ kính vừa hiện đại. Cổ kính với các giá trị đặc thù có một không hai ở quần thể các di sản văn hoá, di sản thiên nhiên, và cả văn hoá vùng phụ cận. Hiện đại với diện mạo và tầm vóc của một đô thị có cơ sở hạ tầng và kiến trúc đô thị đạt chuẩn, một trung tâm tổng hợp cấp quốc gia và cấp vùng về kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế…

Đặc thù thiên niên kỷ của đô thị di sản là không gian đô thị đậm đặc dấu ấn của lịch sử và của văn hoá: 1). Hoa Lư là Cố đô đầu tiên của của quốc gia Đại Cồ Việt độc lập, nơi phát tích sự nghiệp lẫy lừng của 8 đời vua trong 12 năm triều Đinh (968-980), 29 năm triều Tiền Lê (980-1009) và những năm đầu triều Lý (1009-1010). 2). Hoa Lư là di tích quốc gia đặc biệt, một trong ba vùng lõi của quần thể di sản thế giới hỗn hợp (tự nhiên – văn hoá) Tràng An, di sản duy nhất ở Đông Nam Á.

Thách thức thiên niên kỷ mà LHQ và UNESCO muốn cảnh báo các quốc gia có di sản thế giới là: 1). Thách thức của quá trình đô thị hoá, các đô thị di sản trong quá trình hiện đại hoá cần phải thận trọng. 2). Vấn đề khó nhất và quan trọng nhất đối với các đô thị di sản là quản trị không gian đô thị – Hiện đại hóa các cấu trúc hành chính khu vực công ở tất cả các cấp quản lý đô thị sao cho không phá hỏng đặc thù văn hoá – xã hội của các đô thị cổ xưa.

Văn hoá Tràng An – Hoa Lư, cho đến nay chủ yếu mới chỉ được hình dung qua các di chỉ khảo cổ học, các biểu tượng văn hoá và không nhiều các tư liệu thành văn. Mặc dù các dấu ấn lịch sử – văn hoá Tràng An – Hoa Lư cũng đã khá phong phú trong nhận thức và tình cảm của nhiều người, nhưng phương thức sống, đời sống văn hoá hay đặc thù tổ chức xã hội cổ xưa… của các thế hệ cư dân vùng này, đến nay vẫn còn rất nhiều điều cần phải có những khám phá sâu sắc hơn, chi tiết hơn.

Văn hoá Tràng An – Hoa Lư vẫn là đối tượng đầy thu hút của giới nghiên cứu và của các chiến lược phát triển.

* GS.TS., Hội Triết học Việt Nam.

————————-

[1] UNESCO (2007). World heritage: challenges for the millennium https://whc.unesco.org/en/challenges-for-the-Millennium/

[2] The Millennium Ecosystem Assessment. https://www.millenniumassessment.org/en/About.html

[3] Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình (2023). Hồ sơ trình trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. https://dpi.ninhbinh.gov.vn/vi/tin-tuc-hoat-dong/741-ho-so-trinh-trinh-phe-duyet-quy-hoach-tinh-ninh-binh-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050.html

[4] Tạp chí “Kiến trúc Việt Nam” tập 251. Số 1. 2024. Chuyên đề https://vjol.info.vn/index.php/VIENKIENTRUCVN/issue/view/8288

[5] Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình (2023). Hồ sơ trình trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. https://dpi.ninhbinh.gov.vn/vi/tin-tuc-hoat-dong/741-ho-so-trinh-trinh-phe-duyet-quy-hoach-tinh-ninh-binh-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050.html

[6] Organization of World Heritage Cities. https://whc.unesco.org/en/partners/354

[7] Bắc thuộc I (179 hoặc 111 TrCN – 40) khi Hai Bà Trưng giành độc lập từ nhà Đông Hán.  Bắc thuộc II (43 – 541) dưới sự cai trị của Đông Hán, Đông Ngô, Tào Ngụy, Tấn, Tề, Lương. Bắc thuộc III (602 – 939) dưới sự cai trị của Tùy, Đường, Nam Hán. Bắc thuộc IV (1407-1427) dưới sự cai trị của nhà Minh. Những thời gian độc lập ngắn đan xen: Hai Bà Trưng (40-43), thời Tiền Lý của nhà nước Vạn Xuân (541-602), Từ 905-939 là giai đoạn Việt Nam tự trị.

[8] UNESCO (2013). Operational Guidelines for the Implementation of the World Heritage Convention. “Criteria for the assessment of Outstanding Universal Value”. c. 20. https://whc.unesco.org/archive/opguide13-en.pdf.

[9] UNESCO. Trang An Landscape Complex. https://whc.unesco.org/en/list/1438/ (Criterion VIII).

[10] UNESCO. Trang An Landscape Complex. https://whc.unesco.org/en/list/1438/ (Criterion VII).

[11] UNESCO. Trang An Landscape Complex. https://whc.unesco.org/en/list/1438/ (Criterion V).

[12] QĐ Số: 218/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 04/3/2024 phê duyệt quy hoạch Ninh Bình 2021-2030, tầm nhìn 2050. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Quyet-dinh-218-QD-TTg-2024-phe-duyet-Quy-hoach-tinh-Ninh-Binh-thoi-ky-2021-2030-600803.aspx

Hiện, diện tích của huyện Hoa Lư là 103,49 km2, dân số 82.253 người, có 11 đơn vị hành chính với 1 thị trấn và 10 xã. Thành phố Ninh Bình hiện có diện tích 46,75 km2, dân số 148.869 người, có 14 đơn vị hành chính với 11 phường, 3 xã.  Sau khi hợp nhất, đô thị mới sẽ có diện tích tự nhiên trên 150 km2, rộng gấp 3 lần thành phố Ninh Bình hiện nay, với dân số 231.122 người. Thành phố Hoa Lư sẽ là đô thị có nhiều di sản đặc sắc như Quần thể di sản thế giới Tràng An với cố đô Hoa Lư, Tam Cốc – Bích Động, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Thung Nham – Động Thiên Hà… di tích quốc gia đặc biệt Núi Non Nước, phố cổ Hoa Lư, các làng nghề đá Ninh Vân, thêu Văn Lâm, hoa Ninh Phúc. Hoa Lư sẽ  là nơi có nhiều di sản văn hóa phi vật thể giá trị như chèo, xẩm, hát văn…

[13]. Xem: 1). The Growth Pole theory of Francois Perroux and Boudeville. https://www.yourarticlelibrary.com/geography/the-growth-pole-theory-of-francois-perroux-and-boudeville/42241 2). L.G. Avram, V.F. Braga (2017). Theories Regarding the Role of the Growth Poles in the European Economic Integration. Journal of Economic Development, Environment and People Volume 6, Issue 2, 2017. https://core.ac.uk/download/pdf/192898392.pdf 

[14] WUP, 2005, World urbanization prospects: the 2005 revision. http://www.un.org/esa/

[15] UN-Habitat (2011), The Economic Role of Cities. The Global Urban Economic Dialogue Series.First published in Nairobi. tr. 10.

[16] TCTK (2023). Thông cáo báo chí 29/12/2023. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-dan-so-lao-dong-viec-lam-quy-iv-va-nam-2023/

[17] NQ 148-NQ-CP-2022 của Chính phủ. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Nghi-quyet-148-NQ-CP-2022-thuc-hien-Nghi-quyet-06-NQ-TW-phat-trien-ben-vung-do-thi-Viet-Nam-538188.aspx

[18] Fay, M. and Opal, C., 2000, Urbanization without growth: a not so uncommon phenomenon. World Bank working paper 2412. https://ideas.repec.org/p/wbk/wbrwps/2412.html

[19] EU (2011). Cities of tomorrow – Challenges, visions, ways forward. Pub. Office of EU. https://www.lps.lv/uploads/docs_module/LPSvesp4_200814_0820142236.pdf

[20] UNESCO. Trang An Landscape Complex. https://whc.unesco.org/en/list/1438/ (Integrity).

[21] TCTK (2024). Dân số Ninh Bình. https://danso.info/dan-so-ninh-binh/