Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Anh và Mỹ thông báo đã “liên lạc” với Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một trong những nhóm đã lật đổ Bashar al-Assad ở Syria, dù cả hai nước vẫn coi HTS là tổ chức khủng bố. Anh cũng cam kết hỗ trợ nhân đạo trị giá 50 triệu bảng Anh (63 triệu USD) cho Syria, còn Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từ lâu đã ủng hộ HTS, tuyên bố sẵn sàng cung cấp huấn luyện quân sự cho chính quyền mới của Syria. Israel, trong khi đó, lại cho rằng chiến thắng của HTS làm gia tăng “sức nặng của mối đe dọa” từ Syria đối với nước này.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vẫn giữ thái độ thách thức sau khi các nhà lập pháp bỏ phiếu luận tội ông vì ban hành lệnh thiết quân luật ngắn ngủi hôm 3 tháng 12. Ông Yoon tuyên bố sẽ “không bao giờ từ bỏ” và gọi việc ông bị đình chỉ chức vụ tổng thống chỉ là “tạm thời.” Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc giờ đây phải ra phán quyết về việc luận tội, một quá trình không hề đơn giản.
ABC News đồng ý trả Donald Trump 15 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại sau khi một người dẫn chương trình của đài nhiều lần tuyên bố trên sóng là ông Trump đã bị kết tội hiếp dâm. George Stephanopoulos đưa ra tuyên bố này mười lần trong khi phỏng vấn một nữ nghị sĩ đảng Cộng hòa hồi tháng 3. Tổng thống đắc cử chưa bao giờ bị kết án hiếp dâm, mặc dù ông đã bị kết luận là có hành vi lạm dụng tình dục trong một vụ kiện dân sự năm ngoái.
Anh chính thức gia nhập Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận thương mại lớn nhất của nước này kể từ khi rời EU vào năm 2016. Hiệp định gồm 12 thành viên, bao gồm Nhật Bản, Úc, Singapore, và Canada. Theo các điều khoản gia nhập, Anh có thể giảm thuế quan với tám nước thành viên.
Hai tàu chở dầu của Nga chìm ở Biển Đen và hiện đang xả dầu ra nước, theo thông tin từ chính quyền Nga. Các con tàu bị vỡ trong điều kiện thời tiết xấu, với 29 người trên tàu. Một người được ghi nhận đã thiệt mạng. Mức độ nghiêm trọng của vụ tràn dầu vẫn chưa rõ.
Israel thông báo, do “các chính sách cực kỳ chống Israel của chính phủ Ireland,” nước này sẽ đóng cửa đại sứ quán ở Dublin. Ireland đã chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tấn công của Israel vào Gaza và ủng hộ vụ kiện tại Tòa án Công lý Quốc tế cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng. Thủ tướng Ireland, Simon Harris, gọi hành động này là “vô cùng đáng tiếc” và phủ nhận cáo buộc Ireland chống Israel.
Ngay cả khi bão nhiệt đới Chido suy yếu trên đất liền châu Phi, mức độ tàn phá ở Mayotte, một hòn đảo thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương vốn bị bão tấn công hôm thứ Bảy, vẫn chưa rõ ràng. Tỉnh trưởng của đảo, nơi có 320.000 cư dân sinh sống, ước tính số người chết “chắc chắn lên tới vài trăm” và có thể tăng lên hàng nghìn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp đang tham gia vào các nỗ lực cứu trợ.
Con số trong ngày: 3%, là mức tăng trưởng kinh tế dự kiến của Tây Ban Nha trong năm nay, gấp gần bốn lần mức trung bình của khu vực đồng euro.
TIÊU ĐIỂM
Bắt đầu cuộc đua vào nghị viện Đức
Thứ Hai này thủ tướng Đức, Olaf Scholz, sẽ đề nghị Quốc hội Đức loại ông khỏi chức vụ. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trở nên cần thiết sau khi ông Scholz giải tán liên minh ba đảng không hiệu quả của mình vào tháng trước, để lại Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông lãnh đạo một chính phủ thiểu số. Điều này sẽ mở đường cho một cuộc bầu cử vào tháng 2 năm sau.
Thứ Ba này, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) và các đồng minh CSU ở Bavaria sẽ công bố cương lĩnh tranh cử. Do đó tuần này đánh dấu sự khởi đầu không chính thức của mùa tranh cử ở Đức. Trừ khi SPD lội ngược dòng ngoạn mục, Friedrich Merz, ứng viên của CDU/CSU, sẽ bước vào phủ thủ tướng với một liên minh mới, có thể với SPD hoặc Đảng Xanh.
Nhưng có một yếu tố bất ngờ tiềm năng. Donald Trump sẽ nhậm chức trước khi Đức bỏ phiếu một tháng. Nếu ông áp thuế lên hàng xuất khẩu của EU hoặc cố gắng đạt một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, điều này sẽ tác động lớn đến những ngày cuối của chiến dịch. Đừng loại trừ khả năng có một “bất ngờ tháng 2.”
Phục hồi nền kinh tế ảm đạm của Trung Quốc
Sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên, kết thúc vào thứ Năm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết “thúc đẩy mạnh mẽ” tiêu dùng. Các số liệu kinh tế mới được công bố vào thứ Hai sẽ minh họa quy mô thách thức mà họ phải đối mặt. Doanh số bán lẻ trong tháng 11 có thể tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn tháng trước đó, vốn được thúc đẩy bởi khởi đầu sớm của lễ hội mua sắm “Ngày Độc thân.” Lạm phát giá tiêu dùng, đã được công bố trước đó, chỉ đạt 0,2%, phản án tình trạng chi tiêu yếu.
Để phục hồi tinh thần tiêu dùng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hứa sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa “chủ động” hơn, bao gồm tăng lương hưu và có thể mở rộng các chương trình khuyến khích đổi ô tô và đồ gia dụng cũ lấy đồ mới. Để tài trợ cho các đề xuất này, chính phủ trung ương đã hứa tăng vay nợ. Hội nghị công tác đã kết thúc, nhưng công việc của họ thì chưa.
Chiến lược của NATO để đổi phó với Nga
Vào thứ Hai thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ cùng lãnh đạo của các nước Bắc Âu khác họp tại Tallinn, Estonia, để thảo luận về tương lai của Lực lượng Viễn chinh Chung (JEF). Nhóm mười nước này, đã thành lập một thập niên nay, được coi là lực lượng tiên phong trong NATO gồm 32 thành viên, với mục đích triển khai nhanh chóng để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Trước sự thù địch từ Nga, NATO đã triển khai thêm binh lính ở khu vực Baltic, bao gồm hàng trăm binh sĩ Anh ở Estonia.
Các nhà lãnh đạo nhóm họp trong bối cảnh lo ngại về khả năng chính quyền mới ở Mỹ giảm nguồn lực ở châu Âu và thậm chí xa lánh NATO để dồn sức kiềm chế Trung Quốc. Họ sẽ thảo luận xem liệu các nước JEF có thể mang lại vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn cho liên minh rộng lớn hơn, khuyến khích chi tiêu quốc phòng vượt mức 2% GDP hiện tại (đã được tất cả các nước trong nhóm thực hiện), và cung cấp hỗ trợ quân sự hiệu quả hơn cho Ukraine hay không. Nhiều điều phụ thuộc vào mức độ nỗ lực mà Starmer muốn Anh, cường quốc nặng ký nhất trong JEF, dành cho lực lượng này. Các cuộc đàm phán tại Tallinn có thể sẽ cho thấy quyết tâm của ông đến đâu.