Thế giới hôm nay: 24/12/2024

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một ủy ban đạo đức của Hạ viện Mỹ kết luận Matt Gaetz đã trả tiền để quan hệ tình dục với nhiều phụ nữ, bao gồm cả một bé gái 17 tuổi, từ năm 2017 đến 2020. Báo cáo được mong đợi từ lâu cho biết ông Gaetz thường yêu cầu các phụ nữ cung cấp ma túy, và có khả năng đã vi phạm các luật liên quan đến mại dâm và sử dụng ma túy. Ông Gaetz, người từng được đề cử làm bộ trưởng tư pháp của Donald Trump, đã rút lui và luôn phủ nhận các cáo buộc.

Emmanuel Macron bổ nhiệm nội các mới sau khi chính phủ Pháp trước đó sụp đổ do thất bại trong đàm phán ngân sách. Eric Lombard, thuộc ngân hàng nhà nước Caisse des Depots, sẽ làm bộ trưởng tài chính. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao vẫn giữ vị trí của mình. François Bayrou, thủ tướng thứ tư trong một năm qua, cần phải sớm thông qua một ngân sách với thâm hụt lớn. Moody’s gần đây đã hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Pháp.

Tổng thống Joe Biden đã giảm án cho 37 người bị kết án tử hình liên bang. Những người đàn ông này, tất cả đều bị kết án giết người, thay vào đó sẽ phải chịu án chung thân không ân xá. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ khôi phục các vụ hành quyết liên bang, mà ông Biden đã tạm dừng. Ông Biden nói ông không thể “để một chính quyền mới tiếp tục các vụ hành quyết mà tôi đã chặn lại.”

Triều Tiên đang có kế hoạch gửi thêm binh sĩ sang hỗ trợ Nga tại Ukraine, theo lực lượng vũ trang Hàn Quốc. Triều Tiên cũng được cho là đang phát triển thiết bị quân sự, bao gồm cả máy bay không người lái, để cung cấp cho Nga. Hàn Quốc ước tính khoảng 11.000 binh sĩ Triều Tiên đã được gửi đến Ukraine, trong đó khoảng 1.100 người đã thiệt mạng hoặc bị thương.

Luigi Mangione, 26 tuổi, nghi phạm giết giám đốc điều hành của UnitedHealthcare, đã không nhận tội trước 11 cáo buộc cấp tiểu bang, bao gồm giết người và khủng bố. Các cáo buộc này có mức án tối đa là tù chung thân không ân xá. Mangione cũng phải đối mặt với một số cáo buộc liên bang. Phiên điều trần tiếp theo của vụ án cấp tiểu bang dự kiến diễn ra vào ngày 21 tháng 2.

HondaNissan cho biết họ sẽ bắt đầu đàm phán sáp nhập, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Thỏa thuận này sẽ tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới theo doanh số, sau Toyota của Nhật và Volkswagen của Đức, với vốn hóa thị trường hiện tại là 54 tỷ USD. Nissan và Honda, hai công ty đang chật vật để cạnh tranh với các hãng xe điện giá rẻ của Trung Quốc, kỳ vọng việc hợp tác sẽ giúp họ cạnh tranh tốt hơn.

Kinh tế Anh không tăng trưởng trong quý 3 năm 2024, theo số liệu sửa đổi từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS). ONS trước đó ước tính có tăng trưởng 0,1%. Sản lượng sản xuất giảm đã bù trừ cho tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng. Các số liệu này làm gia tăng áp lực lên chính phủ Lao động. Bộ trưởng tài chính Rachel Reeves đã cho biết nước Anh đang đối mặt “thách thức lớn.”

Con số trong ngày: 90%, là mức giảm phát thải mà Trung Quốc đạt được trong 20 năm qua nhờ giảm lượng lưu huỳnh từ ống khói công nghiệp.

TIÊU ĐIỂM

Doanh nghiệp Mỹ trước nhiệm kỳ hai của Donald Trump

Giới doanh nghiệp Mỹ đang chuẩn bị cho sự trở lại của Donald Trump tại Nhà Trắng. Trump 2.0 mang lại những triển vọng trái ngược. Thị trường chứng khoán tăng điểm sau cuộc bầu cử, nhờ kỳ vọng vào chính sách giảm thuế và cắt bỏ quy định, đặc biệt có lợi cho ngành dầu mỏ và phố Wall. Song lời hứa áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của ông Trump có nguy cơ làm tăng chi phí đầu vào và kích hoạt biện pháp trả đũa từ các nước khác.

Không như chính quyền Joe Biden, thường bị chỉ trích là xa rời doanh nghiệp, nhiệm kỳ đầu của ông Trump có sự hiện diện của những nhân vật nổi tiếng trong ngành như Gary Cohn, cố vấn kinh tế đến từ Goldman Sachs. Nhưng lần này một số giám đốc điều hành tỏ ra thận trọng hơn khi ủng hộ ông Trump. Đội ngũ của ông bị chi phối bởi các đồng minh gây tranh cãi như Elon Musk và Howard Lutnick, ông chủ của Cantor Fitzgerald. Trong khi đó, những phát ngôn chống phố Wall của tân phó tổng thống J.D. Vance khiến giới lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại. Với làn sóng dân túy kinh tế lan rộng trên Đồi Capitol, giới doanh nghiệp sẽ phải hành xử thận trọng.

Cuộc cách mạng thuốc giảm cân

Các loại thuốc chống béo phì là một trong những phát minh dược phẩm mang tính cách mạng nhất trong thập niên qua. Nhu cầu đối với các loại thuốc như Wegovy và Zepbound tăng vọt, đẩy giá trị kết hợp của hai nhà sản xuất, Novo Nordisk và Eli Lilly, lên tới 1,1 nghìn tỷ USD. Các nghiên cứu cho thấy những loại thuốc này không chỉ điều trị béo phì mà còn có tiềm năng đối với bệnh tim mạch, thận, và thậm chí là Alzheimer.

Cạnh tranh đang ngày càng gay gắt. Các loại thuốc dạng viên thay thế tiêm và các sản phẩm giá rẻ hơn đang được phát triển, với hơn 300 ứng viên đang thử nghiệm. Các nước đang phát triển, nơi chiếm hai phần ba số người trưởng thành béo phì trên thế giới, trở thành chiến trường về khả năng tiếp cận và chi phí. Hiện giá thành đã bắt đầu giảm, với Eli Lilly giảm một nửa giá các liệu pháp của mình.

Song vẫn còn nhiều rào cản. Ở Mỹ, nhiều công ty bảo hiểm và chương trình chính phủ, bao gồm Medicare, từ chối chi trả các loại thuốc này cho mục đích giảm cân (dù có chi trả cho bệnh tiểu đường). Các tác dụng phụ như buồn nôn và mất cơ khiến một số bệnh nhân không muốn sử dụng: khoảng một phần ba ngừng dùng thuốc chỉ trong vòng ba tháng.

AI: Bùng nổ hay bong bóng?

Ngành trí tuệ nhân tạo (AI) đang dao động giữa phấn khích và thận trọng. Alphabet, Amazon, Meta, và Microsoft đua nhau đầu tư, chi gần 200 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng AI. Nvidia, công ty dẫn đầu trong sản xuất chip AI, đã thu lợi khổng lồ. Doanh số bán chip AI dự kiến tăng gấp đôi trong năm 2024, đưa giá trị công ty lên gần 3,4 nghìn tỷ USD. Nhu cầu về máy chủ AI tăng vọt, khiến các hãng như Dell và HPE tăng gấp đôi doanh số.

Nhưng cũng xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt. Chi phí năng lượng tăng cao của công tác đào tạo và vận hành các mô hình AI làm dấy lên câu hỏi về tính khả thi kinh tế dài hạn. Các nhà sản xuất máy chủ và nhà cung cấp năng lượng đang vất vả đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về trung tâm dữ liệu. Cạnh tranh cũng trở nên gay gắt. Các đối thủ mới nổi đã phát triển các loại chip chuyên dụng và mô hình AI nhỏ gọn, hiệu quả hơn để cạnh tranh với các ông lớn. Một số cổ đông tỏ ra lo ngại về việc đầu tư quá mức, thậm chí sợ rằng ngành AI đang hình thành bong bóng. Khi cuộc đua AI tăng tốc, các công ty công nghệ lớn phải chịu áp lực ngày càng tăng để chứng minh hiệu quả chi tiêu của mình.

Căng thẳng thương mại làm rung chuyển ngành xe điện

Các hãng xe điện đã có một năm đầy thử thách khi phải đối mặt với căng thẳng thương mại ngày càng tăng giữa Trung Quốc và phương Tây. EU và Mỹ áp thuế lên xe điện của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh trợ cấp không công bằng cho các công ty trong nước. Động thái này khiến các nhà sản xuất châu Âu như Volkswagen và BMW lo ngại về biện pháp trả đũa của Trung Quốc và bị gián đoạn hoạt động tại quốc gia này.

Trong khi đó, việc Trung Quốc áp hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản quan trọng như gallium và germanium đã làm giảm biên lợi nhuận của các hãng xe. BYD, một công ty Trung Quốc, đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới. Đối với các công ty khởi nghiệp tình hình thậm chí còn ảm đạm hơn. Sự mệt mỏi của nhà đầu tư và các mục tiêu sản xuất bị bỏ lỡ đã khiến giá trị của ba công ty khởi nghiệp xe điện của Mỹ — Rivian, Lucid, và Fisker — giảm từ 250 tỷ USD năm 2021 xuống chỉ còn 19 tỷ USD. Nhiều công ty đang đối mặt nguy cơ phá sản vì không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất xe hơi lớn hoặc sự mở rộng toàn cầu nhanh chóng của các công ty Trung Quốc.