Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
NATO đã kêu gọi điều tra toàn diện về nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay ở Kazakhstan khiến ít nhất 38 trong số 67 người trên máy bay thiệt mạng. Nga phản đối những “giả thuyết” cho rằng máy bay bị hệ thống phòng không Nga bắn trúng. Chiếc máy bay của Azerbaijan Airlines đã bị chuyển hướng khỏi lịch trình đến Grozny, Chechnya, trước khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Truyền thông nhà nước Nga nói nguyên nhân vụ tai nạn là do va chạm với chim.
Chính quyền mới của Syria cho biết sẽ truy lùng các “lực lượng dân quân” trung thành với tổng thống bị lật đổ Bashar al-Assad vẫn còn lẩn trốn ở vùng nông thôn của tỉnh Tartus. Hôm thứ Tư, 14 cảnh sát của chính quyền mới đã bị giết trong một “cuộc phục kích” ở khu vực ven biển, một thành trì của những người ủng hộ Assad.
Cựu thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã qua đời ở tuổi 92. Ông Singh phục vụ hai nhiệm kỳ từ năm 2004 đến năm 2014. Liên minh của ông đã thông qua các luật quan trọng, bao gồm chương trình việc làm nông thôn, luật về quyền tiếp cận thông tin, và Aadhaar, một hệ thống nhận dạng kỹ thuật số. Song nhiệm kỳ hai của ông chìm trong các cáo buộc tham nhũng.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Phần Lan đã bắt giữ một tàu chở dầu ở biển Baltic và hộ tống nó vào vùng biển của Phần Lan. Nhà chức trách đang điều tra liệu con tàu có liên quan đến vụ phá hoại một cáp điện ngầm chạy dưới biển giữa Phần Lan và Estonia hay không. Tàu này được đăng ký ở Quần đảo Cook. Các quan chức Phần Lan cho biết nó thuộc “hạm đội bóng tối” của Nga, chuyên vận chuyển dầu Nga bị cấm vận.
WHO cho biết giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus không bị thương sau khi Israel không kích một sân bay ở Yemen. Ông Tedros đang chuẩn bị rời khỏi đất nước khi vụ việc xảy ra, được cho là khiến ít nhất hai người thiệt mạng. Israel cho biết họ chỉ nhắm vào các địa điểm quân sự do Houthi nắm giữ.
Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch thanh lọc quân đội. Hai quan chức quân sự cấp cao — tướng Vưu Hải Đào và phó đô đốc Lý Bằng Trình —được cho là đã bị Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc sa thải vì “những vi phạm nghiêm trọng về pháp luật và kỷ luật.” Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp khó khăn trong việc loại bỏ tham nhũng trong quân đội. Đầu tuần này, chính ủy lục quân Tần Thụ Đồng đã bất ngờ bị thay thế.
Các quốc gia xung quanh Ấn Độ Dương đã tổ chức tưởng niệm 220.000 nạn nhân của trận sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử. Vào ngày 26 tháng 12 năm 2004, một trận động đất 9,1 độ richter ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia đã gây ra những cơn sóng cao tới 30 mét đổ vào bờ biển của 15 quốc gia. Indonesia chịu số người chết cao nhất; Sri Lanka, Ấn Độ, và Thái Lan cũng bị tàn phá nặng nề.
TIÊU ĐIỂM
Tác động của Trump đến an ninh châu Âu
Sự trở lại Nhà Trắng của Donald Trump sẽ là một cú sốc lớn đối với châu Âu. Các nhà lãnh đạo, bộ trưởng, và quan chức của lục địa này sẽ cố gắng thuyết phục chính quyền mới của Mỹ tái khẳng định cam kết với NATO và tiếp tục gửi viện trợ cho Ukraine. Nhưng trước mặt họ là những thách thức lớn. Các cuộc thảo luận này có thể diễn ra trong bối cảnh các mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại toàn cầu, bao gồm việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa châu Âu. Dù ông Trump khó có khả năng rút hoàn toàn khỏi NATO, ông có thể làm suy yếu nó từ bên trong.
Khi liên minh an ninh chính yếu của mình suy yếu, châu Âu có thể cần phải tăng gấp đôi mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP. Việc tái xây dựng ngành công nghiệp vũ khí có thể mất nhiều năm. Người châu Âu cũng cần quyết định liệu có nên tái định hướng nền tảng phòng thủ tập thể của họ xoay quanh các tổ chức khác, như Liên minh châu Âu hoặc các khối quân sự khu vực như Lực lượng Viễn chinh Chung do Anh dẫn đầu, hay không. Khó mà nói được họ đang thiếu điều gì hơn: tiền bạc hay sự lãnh đạo.
Liệu Khamenei và Trump có gặp nhau?
Khi ông Trump nhậm chức lần đầu vào năm 2017, Iran không nhất thiết phải đối đầu với Mỹ. Ông cho biết muốn một thỏa thuận tốt hơn so với Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) do Barack Obama chủ trì vào năm 2015. Ông Trump muốn kiềm chế các nhóm ủy nhiệm của Iran, nhưng có lẽ điều ông mong muốn nhất là một bức ảnh bắt tay với Ayatollah Ali Khamenei. Song nhà lãnh đạo tối cao 85 tuổi coi ông Trump là “không xứng đáng.” Căng thẳng leo thang: Mỹ rút khỏi JCPOA và cấm vận dầu mỏ của Iran; trong khi Tehran tăng tốc chương trình hạt nhân.
Kể từ đó ông Khamenei đã gửi tín hiệu sẵn sàng làm bạn với Mỹ. Gần đây, ông Trump nói Mỹ phải đạt được thỏa thuận với Iran vì hậu quả của việc không có thỏa thuận là “không thể chấp nhận được.” Nếu Iran từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân, ông Trump nói khi bỏ phiếu vào ngày 5 tháng 11, “Tôi muốn họ trở thành một quốc gia rất thành công.” Liệu Khamenei có thể chấp nhận cái bắt tay đó?
Các nền kinh tế châu Phi sẽ phát triển mạnh mẽ
Hồi tháng 10, IMF đã mô tả một “mô hình tăng trưởng hai đường ray” ở khu vực hạ Sahara châu Phi. Một bên là phần lớn 23 quốc gia xuất khẩu nhiều hàng hóa cơ bản như dầu, vàng, hoặc kim cương, bao gồm Angola, Nigeria và Nam Phi. Khi giá hàng xuất khẩu của họ giảm, GDP bình quân đầu người cũng giảm trong thập niên qua. Hầu hết các nước giàu tài nguyên cũng chú trọng hơn vào chia sẻ lợi nhuận thu được nhờ thị trường tốt, hơn là xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Bên phía tăng trưởng tốt là các nước ít phụ thuộc vào hàng hóa cơ bản hơn. Vào năm 2025, IMF cho biết, chín trong số 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới sẽ nằm ở châu Phi. Phần lớn các nước này không dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Rwanda, Ethiopia, Bờ Biển Ngà và Tanzania, ví dụ, dự kiến sẽ tăng trưởng ít nhất 6%. Bất chấp những khiếm khuyết của các chính trị gia, có lẽ việc không có “con gà vàng” nào (hoặc dầu mỏ) đã buộc họ phải tìm kiếm các ngành công nghiệp và dịch vụ khác làm nguồn tăng trưởng.
Một năm ồn ào sắp tới của chính phủ Lao động ở Anh
Có hai điều mà Đảng Lao động Anh rất ghét (theo một câu đùa cũ): đạt được mục tiêu của mình, và chính họ. Với đa số 154 ghế trong Hạ viện, chính phủ của Keir Starmer có lẽ là cơ quan hành pháp ít bị ràng buộc nhất thế giới. Nhưng họ có vui không? Không hẳn.
Đảng Lao động sẽ dành năm 2025 đấu đá nội bộ. Một số trận chiến liên quan đến chính sách: các nghị sĩ phàn nàn rằng chính phủ nên làm việc nhiều hơn với châu Âu; trong khi những người khác lo ngại về việc làm mất lòng các cử tri mới có xu hướng hoài nghi châu Âu. Giới hạn hai con đối với trợ cấp trẻ em cũng sẽ gây chia rẽ trong đảng. Và các câu hỏi về sự lãnh đạo của Starmer cuối cùng sẽ bắt đầu nổi lên và một cuộc chiến kế nhiệm không mấy kín đáo sẽ bắt đầu. Một loạt các bài viết về các bộ trưởng nội các sẽ xuất hiện trên các phụ trang báo. Nhưng cũng cần phải nói, nếu Lao động có thể dành năm 2025 để đấu đá nội bộ, đó là vì dưới sự lãnh đạo mới của Kemi Badenoch, đảng Bảo thủ đang phải chiến đấu với tất cả mọi người.