Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã qua đời ở tuổi 100. Từng là một nông dân trồng đậu phộng, ông Carter giữ chức tổng thống từ năm 1977 đến 1981. Dù đạt được một số thành tựu trong chính sách đối ngoại, bao gồm Hiệp định Trại David giữa Ai Cập và Israel năm 1978, nhiệm kỳ tổng thống của ông không được quá suôn sẻ. Sau khi rời Nhà Trắng, ông trở thành nhà hoạt động vì hòa bình và dân chủ thông qua Trung tâm Carter, được thành lập năm 1982. Ông Carter nhận giải Nobel Hòa bình năm 2002.
Một vụ tai nạn máy bay đã khiến 179 người thiệt mạng ở Hàn Quốc. Chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air đã bốc cháy khi đâm vào một bức tường trong lúc hạ cánh tại sân bay quốc tế Muan ở miền nam đất nước. Chỉ có hai thành viên phi hành đoàn sống sót trong thảm họa hàng không nội địa tồi tệ nhất lịch sử nhất Hàn Quốc. Chính phủ xác nhận phi công đã được cảnh báo về rủi ro va chạm chim ba phút trước vụ tai nạn.
Ahmad al-Sharaa, chỉ huy quân nổi dậy đã lãnh đạo cuộc tấn công lật đổ Bashar al-Assad ở Syria, tuyên bố nước này có thể không tổ chức bầu cử trong bốn năm. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Al Arabiya, ông Sharaa cho biết việc viết lại hiến pháp có thể mất “hai hoặc ba năm” và lập luận rằng chính quyền sắp tới của Donald Trump nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria một cách “tự động.”
Hàng ngàn người Gruzia đã biểu tình phản đối trong lễ nhậm chức của tổng thống mới. Mikheil Kavelashvili, một cựu cầu thủ bóng đá chuyển sang làm chính trị gia cực hữu, là đồng minh với đảng Giấc Mơ Gruzia của thủ tướng Irakli Kobakhidze. Đảng thân Nga này gần đây đã đình chỉ nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu, dẫn đến biểu tình và cuộc đàn áp đầy bạo lực. Tổng thống mãn nhiệm, Salome Zourabichvili, người ủng hộ châu Âu, đã từ chối rời khỏi chức vụ.
Thăm dò ý kiến cho thấy Zoran Milanovic, tổng thống cánh tả của Croatia, đang trên đường tái đắc cử với 51% số phiếu. Dragan Primorac, ứng cử viên của Liên minh Dân chủ Croatia, một đảng trung hữu lãnh đạo chính phủ, đang về sau với khoảng 20%. Mặc dù vị trí này phần lớn mang tính nghi thức, tổng thống Croatia vẫn có quyền tham gia vào chính sách đối ngoại.
Bầu cử bắt đầu ở Chad cho quốc hội, chính quyền tỉnh, và địa phương, dự kiến sẽ củng cố quyền lực của tổng thống Mahamat Idriss Déby. Ông đã lãnh đạo đất nước từ khi phiến quân giết cha ông vào tháng 4 năm 2021. Ông Déby chính thức được bầu trong một cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi hồi tháng 5 năm 2024. Nhiều đảng đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử vào Chủ nhật vừa qua.
Ba người thiệt mạng khi cố vượt biên từ Pháp sang Anh trên một chiếc thuyền nhỏ. Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết 77 người đã thiệt mạng ở eo biển Manche trong năm 2024. Khoảng 36.000 người đã cố gắng vượt biển, một con số kỷ lục. Chính phủ Lao động của Anh đang thực thi các biện pháp mới để giảm số lượng người vượt biên trái phép.
Con số trong ngày: 43, là số lượng di sản thế giới UNESCO tại Ấn Độ.
TIÊU ĐIỂM
Donald Trump trở lại Nhà Trắng
Donald Trump sẽ trở lại cương vị tổng thống vào tháng 1 với quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện, mở đường cho việc thông qua các dự luật quan trọng. Một dự luật cắt giảm thuế khổng lồ đang được lên kế hoạch. Song thế đa số của ông khá mỏng, đặc biệt là ở Hạ viện, và ông Trump có thể sẽ hành động mà không cần Quốc hội. Ông Trump có thể viện dẫn quyền hạn an ninh quốc gia để áp đặt thuế quan sâu rộng với Trung Quốc và sử dụng lệnh hành pháp để cố gắng “đóng cửa” biên giới phía nam và hạn chế tị nạn. Ngoài ra, ông có thể trả đũa các đối thủ chính trị của mình thông qua bộ tư pháp.
Chiến thắng của ông Trump càng củng cố sự chuyển hướng tư tưởng của đảng Cộng hòa sang chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa bản địa, cũng như chủ trương hoài nghi về phiêu lưu quân sự. J.D. Vance, phó tổng thống mới 40 tuổi, được xem là người thừa kế phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA), miễn là ông có thể duy trì mối quan hệ tốt với ông Trump. Hướng đi của ông Trump trong bốn năm tới sẽ để lại ảnh hưởng suốt nhiều thập niên tới đây.
Tác động nhiệm kỳ tổng thống của Trump đối với khu vực Mỹ Latinh
Donald Trump từng làm khổ châu Mỹ Latinh trong nhiệm kỳ đầu, và khu vực này có thể còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong năm 2025. Đàn áp nhập cư bất hợp pháp, mất cân bằng thương mại, và ma túy sẽ là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của ông. Phần lớn trong số hàng triệu người mà ông Trump muốn trục xuất là người Mỹ Latinh. Các nước Mỹ Latinh sẽ khó hấp thụ lượng người này, và việc mất nguồn kiều hối sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Một cuộc chiến thương mại với Mexico có thể xảy ra – mặc dù với mức độ hội nhập kinh tế ở Bắc Mỹ, ông Trump có thể coi việc rà soát hiệp định thương mại tự do USMCA vào năm 2026 như một cơ hội để đàm phán. Ông cũng cam kết ngăn chặn fentanyl, một loại ma túy được các băng đảng Mexico sản xuất. Ông Trump có thể sẽ không ném bom các phòng thí nghiệm ma túy như đã đề xuất, nhưng sẽ áp dụng cách tiếp cận mạnh mẽ hơn đối với các mối đe dọa an ninh từ Mexico so với các chính quyền trước.
Điều gì sẽ xảy ra với đảng Dân chủ?
Bằng việc đưa đảng Cộng hòa trở lại Nhà Trắng, Donald Trump đã khơi mào cho những cuộc chỉ trích và thậm chí là tự vấn trong nội bộ đảng Dân chủ. Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về chính sách hay thông điệp. Liệu con đường chiến thắng của đảng nằm ở cánh tả hay hướng về trung dung? Chủ nghĩa dân túy kinh tế ủng hộ lao động của phe cánh tả có thể thu hút cử tri lao động đã chuyển sang ủng hộ ông Trump, nhưng cùng lúc đó lại làm xa lánh những người không đồng tình với quan điểm cánh tả về cảnh sát, nhập cư bất hợp pháp, và quyền chuyển giới.
Ít nhất đảng Dân chủ cũng có thể tự an ủi rằng họ đang có một thế hệ chính trị gia triển vọng, được tự do cạnh tranh để định hình hướng đi của đảng. Trong năm 2025 chúng ta sẽ được nghe đặc biệt nhiều về những thống đốc thực dụng trong các quyết định chính sách – như Gretchen Whitmer của Michigan, Josh Shapiro của Pennsylvania, cả hai bang chiến trường, hay Andy Beshear của bang Cộng hoà Kentucky.
Mô hình “bàn tay sắt” có lan rộng ở Mỹ Latinh?
Sự ủng hộ dành cho cách tiếp cận cứng rắn với tội phạm đang gia tăng ở Mỹ Latinh, một phần nhờ vào mô hình “bàn tay sắt” của Nayib Bukele. Kể từ khi ban bố tình trạng khẩn cấp vào năm 2022, tổng thống El Salvador đã bắt giam 80.000 người, tương đương gần 2% dân số. Các tổ chức nhân quyền cho rằng tra tấn trong tù rất phổ biến, nhưng hầu hết người dân Salvador dường như không phản đối: tỷ lệ giết người đã giảm mạnh và ông Bukele tái đắc cử với chiến thắng áp đảo vào năm 2024.
Trong năm 2025, các mối lo về tội phạm sẽ định hình bầu cử tổng thống ở Ecuador và Chile. Tổng thống Ecuador Daniel Noboa, đang tái tranh cử, đã triển khai quân đội và cảnh sát để đối phó với bạo lực băng đảng và có thể cam kết mạnh tay hơn nữa. Ở Chile, tỷ lệ giết người đã vượt Mỹ kể từ năm 2019. Nếu cử tri chọn những ứng viên cam kết cứng rắn với tội phạm, các nhà lãnh đạo khác chắc chắn sẽ chú ý.