Nhóm tin tặc Salt Typhoon của Trung Quốc gây hoang mang cho Washington

Nguồn: James Palmer, “Salt Typhoon Stirs Panic in Washington,”  Foreign Policy, 7/12/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Quy mô đầy đủ của vụ tấn công mạng vẫn chưa được công bố, nhưng vụ việc đã khiến thái độ đồng lòng chống Trung Quốc tại Washington thêm phần mạnh mẽ.

Tiêu điểm tuần này: Hoang mang tại Washington tiếp tục gia tăng do nhóm tin tặc Salt Typhoon (Bão Muối) tấn công vào hệ thống viễn thông của Mỹ; Công bố bài phát biểu nội bộ vào ngày 1 tháng 1 của Chủ tịch Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phát đi một thông điệp; Bộ Quốc phòng Mỹ đưa gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent vào danh sách đen do có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Mối đe doạ từ các cuộc tấn công mạng do Trung Quốc tiến hành

Giới chức tình báo và an ninh Mỹ thể hiện mối lo ngại ngày càng tăng trước tình trạng các mạng viễn thông của Mỹ bị nhóm tin tặc Salt Typhoon, có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, xâm nhập với quy mô diện rộng trong những năm gần đây.

Chưa có thông tin đầy đủ nào về mức độ thành công của Bắc Kinh trong vụ việc được công bố. Tuy nhiên, báo chí đã liên tục đưa tin về số lượng nhà cung cấp bị ảnh hưởng và quy mô của các vụ tấn công kể từ khi báo cáo về các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng do Salt Typhoon gây ra bắt đầu xuất hiện từ tháng 9 năm ngoái.

Nhiều quan chức Mỹ đương nhiệm và cựu quan chức (ẩn danh) nhận định rằng Washington đang “lâm vào bế tắc” và tình hình là “khủng khiếp.” Chính phủ Mỹ ban đầu xem nhẹ mối đe doạ này, nhưng giờ đây họ đang khuyến khích nhân viên chuyển sang sử dụng các ứng dụng nhắn tin mã hóa.

Tâm điểm của hoang mang xuất phát từ lo ngại rằng Trung Quốc nay đã có thể vào được các “cửa hậu” (backdoors) vốn được chính phủ Mỹ thiết lập ra nhằm giám sát các hoạt động trong nước. Dù chưa có báo cáo xác nhận nhưng một số nhà phân tích an ninh đã công khai bày tỏ việc họ tin rằng nhóm tin tặc Salt Typhoon đã xâm nhập vào các hệ thống nằm trong khuôn khổ Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài.

Vụ xâm nhập của Salt Typhoon để lại những hệ quả có tác động sâu rộng. Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc đã truy cập được những gì? Có thể đó là các bản ghi cuộc gọi, bản ghi âm các cuộc trò chuyện riêng tư giữa các chính trị gia, nhà ngoại giao, và quan chức an ninh Mỹ, hoặc còn nhiều hơn thế.

Giới chức Mỹ được cho là phải thận trọng khi sử dụng các phương thức giao tiếp không bảo mật; độc giả hẳn còn nhớ, vào năm 2016 vấn đề này là tin tức trang nhất, nhưng đến năm 2024 lại là tin nằm trang cuối. Trên thực tế, mọi người vẫn ưu tiên sự tiện lợi, do đó các biện pháp bảo mật hiệu quả phải là những giải pháp khả thi, không phải là những giải pháp hoàn hảo. Các cuộc thảo luận mật lâu nay đôi khi vẫn diễn ra qua các kênh không bảo mật.

Câu hỏi quan trọng hơn có lẽ là: Trung Quốc có thể làm gì với những thông tin thu thập được? Đây là câu hỏi có thể giúp các quan chức Mỹ cảm thấy an tâm phần nào. Trong quá khứ, những vụ xâm nhập vào các kênh thông tin mật của Mỹ, ví dụ như các cuộc trò chuyện bí mật của CIA, đã mang lại những thông tin tình báo không cần qua trung gian và cho phép Trung Quốc hành động, giúp loại bỏ được các điệp viên CIA và hỗ trợ cho các đồng minh như Iran và Nga.

Tuy nhiên, dữ liệu mà Salt Typhoon thu thập được có thể quá lớn khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn khi xử lý. Năng lực phân tích hạn chế có thể làm chậm công tác tình báo của Trung Quốc, nhất là khi việc chia sẻ thông tin nội bộ gặp phải những rào cản lớn. Tại Bắc Kinh, những người thông thạo tiếng Anh và có hiểu biết về văn hóa Mỹ thường không được tuyển vào những vị trí công việc có tính chất nhạy cảm trong chính phủ.

Dù vậy, điều này có nghĩa là Trung Quốc đang nắm giữ kho dữ liệu chứa thông tin quan trọng về các hành động của chính phủ Mỹ, những thông tin mà Trung Quốc chưa khai thác bây giờ nhưng có thể làm bất cứ lúc nào. Salt Typhoon cũng đã thâm nhập vào một số bộ phận của chính phủ Mỹ, những bộ phận trực tiếp xử lý các vấn đề quan trọng mà Bắc Kinh quan tâm, chẳng hạn như bộ phận phụ trách lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.

Và dường như Washington không có cách nào để đáp trả hiệu quả ngoài việc chấp nhận rằng hệ thống của họ đã bị xâm nhập. Các bản cáo trạng hình sự mà Mỹ liên tục đưa ra đối với các đối tượng có liên quan đến an ninh mạng Trung Quốc chỉ là những màn kịch rỗng tuếch, không có tác dụng răn đe với minh chứng là những cuộc tấn công liên tiếp đến từ Salt Typhoon.

Salt Typhoon đang khiến thái độ đồng lòng chống Trung Quốc của Washington trở nên cứng rắn hơn, nhất là trong thời điểm đầy biến động khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức. Cần nhớ rằng Mỹ cũng tiến hành hoạt động gián điệp mạng chống lại Trung Quốc; dù Bắc Kinh phủ nhận thực hiện vụ tấn công nhưng các quan chức Trung Quốc có thể sẽ thầm bác bỏ những lo ngại mà Mỹ nêu lên vì họ coi đó là đạo đức giả.

Dù vậy, cơn tức giận ở Washington không thể nào ngăn được, vì chẳng có gì làm các chính trị gia bực bội hơn là việc bị nước ngoài can thiệp vào đời sống riêng tư, nhất là đời sống của chính họ.

Tin tức đang được quan tâm

Một bài phát biểu quan trọng của Tập Cận Bình. Vào ngày 1 tháng 1, tạp chí Cầu Thị của ĐCSTQ đã công bố một bài phát biểu dài của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước các lãnh đạo cấp cao của đảng vào đầu năm 2023. Nếu các bài phát biểu nội bộ được công bố thì việc chúng được công bố muộn hơn so với thời điểm phát biểu là điều bình thường. Đây là một hình thức ra tín hiệu, đặc biệt là vào dịp đầu năm.

Bài phát biểu kiểu này thường khá nhàm chán, lặp đi lặp lại và rập khuôn, ngay cả khi xét theo tiêu chuẩn của diễn ngôn chính trị Trung Quốc. Bên cạnh nhấn mạnh thông điệp quen thuộc “Đảng là trên hết,” điểm nổi bật là Tập Cận Bình nhắc lại ý tưởng “Đông thịnh, Tây suy” và các nước đang phát triển đang trông đợi Trung Quốc dẫn dắt và ổn định trật tự.

Ý tưởng này đầu tiên phổ biến ở Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008 trong bối cảnh chung của chủ nghĩa tự ca ngợi về cái gọi là “thế kỷ châu Á.” Tuy nhiên, ý tưởng này giờ đây có vẻ lung lay khi xét đến tình trạng nền kinh tế Trung Quốc, và việc Tập nhấn mạnh lại ý này có thể là cách ông cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo khác rằng mọi thứ vẫn ổn, hơn là việc Tập thực sự tin vào ý tưởng đó.

Những cuộc thanh trừng không hồi kết. Trong một bài phát biểu khác trong tuần này, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng tham nhũng là “mối đe dọa lớn nhất” đối với ĐCSTQ và cam kết cam kết sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra một cách không khoan nhượng. Từ khi lên nắm quyền, Tập đã tận dụng cuộc chiến chống tham nhũng làm cái cớ để loại bỏ các đối thủ chính trị; điều này khá dễ làm ở Trung Quốc, nơi mà tham nhũng gần như là bắt buộc nếu muốn tham gia vào bộ máy lãnh đạo cấp cao.

Chiến lược này lại là con dao hai lưỡi. Lo sợ tham nhũng có thể đe doạ đến ĐCSTQ cầm quyền là lý do chính để một ban lãnh đạo vốn mang tính tập thể lại trao cho ông Tập quyền lực đặc biệt để hành động từ năm 2013. Tuy vậy, sau hơn một thập kỷ các chiến dịch chống tham nhũng, ngay cả những đồng minh ủng hộ Tập cũng có thể thắc mắc tại sao tham nhũng vẫn là “mỗi đe doạ lớn nhất.”

Công nghệ và Kinh doanh

Tencent bị đưa vào tầm ngắm. Tập đoàn công nghệ và trò chơi điện tử Trung Quốc Tencent, vốn nắm giữ cổ phần tại nhiều hãng trò chơi điện tử trên toàn cầu, đã bị liệt vào danh sách các công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc cùng với một loạt các doanh nghiệp khác cũng nằm trong một danh sách đen mới của Bộ Quốc phòng. Động thái này khiến giá cổ phiếu của Tencent lao dốc; tập đoàn kịch liệt phản đối, khẳng định họ không có bất kỳ mối liên hệ nào với quân đội Trung Quốc.

Có thể Tencent, một tập đoàn có trụ sở chính tại Thâm Quyến, đang nói thật. Rất khó có một tập đoàn Trung Quốc lớn nào như Tencent mà không có ít nhiều mối liên hệ nào với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan lớn với khối tài sản kinh tế đáng kể và có ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống Trung Quốc. Tuy nhiên, không có hoạt động nào của Tencent cho thấy chúng áp dụng trực tiếp được trên chiến trường.

Nỗi lo sợ về đại dịch. Tin tức về số ca nhiễm HMPV tăng – một loại virus hô hấp thường gặp vào mùa đông – đang gây lo lắng cho cộng đồng mạng ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng chỉ là đợt bùng phát theo mùa: Trung Quốc là một nước rộng lớn và là nơi SARS và COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện, nhưng cũng là nơi có các bệnh theo mùa không quá nghiêm trọng.

Tương tự như lúc cúm gia cầm ở Mỹ thu hút sự chú ý trở lại, việc mọi người tập trung vào HMPV một phần là do cú sốc tâm lý từ COVID-19, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự thật là cả Mỹ và Trung Quốc – nơi chính sách zero-COVID khắt khe đã dẫn đến các cuộc biểu tình rộng rãi – hiện nay đang ở trong một tình thế khó khăn hơn để đối phó với các đợt dịch bệnh so với hồi cuối năm 2019.