Nguồn: James Palmer, “TikTok Debate Could Stir White House Clash”, Foreign Policy, 21/1/2025
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Đề nghị còn mơ hồ về mặt pháp lý của Trump nhằm gia hạn thêm thời gian cho TikTok tìm người mua đã để quyền quyết định vào tay Bắc Kinh.
Tiêu điểm tuần này: Đề nghị gia hạn thời gian để TikTok tìm người mua mới của tổng thống Trump khiến tương lai của ứng dụng này phụ thuộc vào Trung Quốc; Đài Loan đối mặt với khủng hoảng hiến pháp sau ba dự luật gây tranh cãi được thông qua hồi tháng 12; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tương lai của TikTok phụ thuộc vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa tiếp quản Nhà Trắng, đã đề xuất gia hạn cho ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc TikTok 75 ngày để tìm kiếm người mua. Vào tuần trước, Tòa án Tối cao Mỹ đã giữ nguyên đạo luật yêu cầu công ty mẹ ByteDance phải bán nền tảng này; đạo luật chính thức có hiệu lực vào ngày 19 tháng 1.
TikTok ngừng hoạt động tại Mỹ vào cuối ngày 19 tháng 1 rồi tiếp tục nối lại hoạt động chưa đầy 24 giờ sau đó vào ngày diễn ra lễ nhậm chức, kèm theo là một lời cảm ơn gửi đến Trump. Điều quan trọng bây giờ không phải là quyết định của TikTok, mà là quyết định của ByteDance – và ByteDance, với tư cách là một doanh nghiệp Trung Quốc, không thể tự đưa ra các quyết định đối với những vấn đề có ý nghĩa địa chính trị.
Điều này có nghĩa là tương lai của TikTok phụ thuộc vào ĐCSTQ, và cách mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc phản ứng có thể cung cấp một số manh mối quan trọng cho mối quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian tới.
Lời đề nghị gia hạn của Trump khá mơ hồ về mặt pháp lý. Luật cho phép gia hạn thêm 90 ngày nếu như có tiến triển trong việc đạt được một thoả thuận trước khi đạo luật có hiệu lực. Oracle, nhà cung cấp dịch vụ máy chủ của TikTok tại Mỹ, có vẻ đang đặt cược rằng động thái của Trump sẽ không bị thách thức tại tòa. Đối với những công ty khác có thể đối mặt với án phạt tiền, họ không chắc chắn về tình huống này, đó là lý do tại sao TikTok vẫn chưa quay lại cửa hàng ứng dụng Apple và Google Play.
Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Một kịch bản có thể là trong vòng 75 ngày tới, một thỏa thuận sẽ được thực hiện và ByteDance bán TikTok cho một công ty của Mỹ hoặc một người mua nước ngoài khác.
Đây sẽ là cách tiếp cận khôn ngoan nhất của Trung Quốc, và cũng đồng nghĩa rằng Bắc Kinh có thể lợi dụng lòng tham của Trump theo cách mà họ đã không thể làm trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Trump luôn cởi mở với các thỏa thuận, nhưng trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi sau năm 2016, Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời đề nghị nào.
Một thỏa thuận theo hướng mà Trump đã vạch ra một cách mơ hồ – Mỹ sở hữu 50% TikTok – có thể để Bắc Kinh kiểm soát được hầu hết dữ liệu của ứng dụng và rất có thể cả các thuật toán nội dung của TikTok, nếu như phân nửa còn lại vẫn thuộc về ByteDance.
Dưới sự sắp đặt này, TikTok nếu không còn liên quan đến Trung Quốc thì có thể sẽ được dùng để quảng bá cho những tuyên truyền của cánh hữu tại Mỹ. Điều này cho thấy hiểu biết của Bắc Kinh về chính trị Mỹ đã được nâng cao – rằng các quan chức thay vì coi cả cựu Tổng thống Joe Biden lẫn Trump là một phần của mối thù địch kéo dài với Trung Quốc, họ sẵn sàng tạm ngưng việc bán TikTok cho đến nào khi chính quyền mới đưa ra một thỏa thuận tốt hơn.
Ngay cả khi TikTok được bán thẳng cho một đồng minh của Trump thì điều này cũng chỉ ra rằng Trung Quốc sẵn sàng đưa ra các thỏa thuận hấp dẫn đối với lợi ích cá nhân của Trump nhằm đổi lấy sự nhượng bộ của Mỹ ở những vấn đề khác, cho dù đó là về vấn đề an ninh Đài Loan, chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông hay các thỏa thuận thương mại.
Trước lễ nhậm chức, Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đã gặp cả Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance và Elon Musk. Bắc Kinh được cho là đã xem Musk như một người mua TikTok tiềm năng. Tuy nhiên, cuộc trao đổi có vẻ chỉ xoay quanh tương lai của các nhà máy Tesla của Musk tại Trung Quốc và vấn đề thuế quan. Dù thế nào đi nữa, Trung Quốc dường như vẫn xem Musk như là một “cửa sau” hữu ích.
Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng dường như Trung Quốc không sẵn sàng ra lệnh cho ByteDance bán TikTok. Các tuyên bố chính thức từ Trung Quốc và các phương tiện truyền thông nhà nước vẫn tỏ ra thù địch với ý tưởng này, trong khi hệ thống chính trị ở Bắc Kinh thì miễn cưỡng phải tin tưởng Trump. Học thuyết Marx – ít nhất là theo cách hiểu của ĐCSTQ – không thể giải thích một nhân vật hỗn loạn như Trump mà thay vào đó, họ xem Trump là công cụ trong tay các thế lực chính trị vĩ mô hơn.
Nếu không bán được TikTok, có khả năng Trump vì muốn một nền tảng mạng xã hội lớn đứng về phía mình nên sẽ cố gắng thúc ép giải quyết vấn đề này. Ông có thể gây áp lực lên các nghị sĩ đảng Cộng hòa để huỷ bỏ lệnh cấm TikTok bằng cách thông qua một đạo luật mới hoặc tiếp tục gia hạn thêm thời gian bất chấp văn bản đạo luật. Thậm chí ngay cả trước khi đạo luật có hiệu lực, những nội dung thiên hữu cũng đã tràn lan trên TikTok.
Luật này được thông qua với đa số phiếu áp đảo vào năm ngoái, nhưng không loại trừ khả năng áp lực mới từ phía Trump và từ các đảng viên Dân chủ như Hạ nghị sĩ bang California Ro Khanna – những người muốn lấy lòng các tập đoàn công nghệ lớn – có thể sẽ thúc đẩy một dự luật mới thay thế luật cũ. Dù thế nào đi nữa, tình trạng đạo luật không chắc chắn về mặt pháp lý có khả năng sẽ kéo dài trong nhiều tháng, và việc này củng cố thêm niềm tin cho giới lãnh đạo Trung Quốc rằng Washington là một đối tác vốn dĩ không đáng tin cậy.
Phương án cuối cùng là Trump trong cơn thất vọng sẽ quyết định thực thi lệnh cấm, từ đó mở màn cho những đợt đối đầu tiếp theo với Trung Quốc. Hành động này sẽ củng cố quan điểm rằng Washington không ngừng thù địch với Bắc Kinh và có thể khiến các công ty Mỹ gặp nhiều thách thức hơn khi hoạt động trong lãnh thổ Trung Quốc.
Rốt cuộc, đó là lựa chọn duy nhất không dẫn đến mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền Trump giữa các “diều hâu” chân chính trong vấn đề Trung Quốc và các đồng minh của tổng thống tư duy theo kiểu “giao dịch”. Trong các nhóm trò chuyện kín, các nhân viên tình báo và an ninh của đảng Cộng hòa đã tỏ ra tức giận trước hình ảnh CEO TikTok Châu Thụ Tư ngồi cạnh ứng cử viên giám đốc tình báo quốc gia Tulsi Gabbard tại buổi lễ nhậm chức.
Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Thượng nghị sĩ Pete Ricketts, cùng với một số người khác, đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với ByteDance. Tân Ngoại trưởng Marco Rubio vẫn giữ im lặng, nhưng dựa trên các lập trường trước đây của ông, khó có khả năng ông này ủng hộ đề nghị gia hạn của Trump. Tất cả những điều này báo trước những cuộc xung đột trong tương lai (và có lẽ là nghiêm trọng hơn lần này) nếu Trump vẫn cố gắng tìm cách thoả thuận với Bắc Kinh.
Tin tức đang được quan tâm
Cuộc khủng hoảng hiến pháp của Đài Loan. Chính phủ Đài Loan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn sau khi ba dự luật gây tranh cãi được thông qua tại quốc hội, Viện Lập pháp, vào tháng 12 năm ngoái. Viện Lập pháp hiện do đảng đối lập Quốc Dân Đảng (KMT) kiểm soát, một đảng thường được coi là thân Trung Quốc; trong khi đó, Đảng Dân Tiến (DPP) nắm giữ vị trí tổng thống.
Những luật này đã thay đổi đáng kể Tòa án Hiến pháp Đài Loan, mà đáng lẽ chúng phải được chính tòa án nơi đây xem xét về tính hợp pháp. Tuy nhiên, hiện tại tòa án đang rơi vào tình trạng tê liệt do Quốc Dân Đảng đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới, khiến tòa chỉ còn tám trên tổng số 15 thẩm phán – không đủ để đạt tỷ lệ hai phần ba mà luật mới yêu cầu.
Chính trường Đài Loan thường đầy những cuộc tranh cãi, với những bất đồng trong Viện Lập pháp đôi khi leo thang thành các cuộc ẩu đả. Tuy nhiên, mức độ căng thẳng của cuộc đối đầu lần này khá bất thường, nhất là khi mà quốc hội tìm cách cắt giảm ngân sách do Tổng thống Lại Thanh Đức đề xuất. Đài Loan vốn đã phải chật vật để chứng tỏ rằng họ có thể tự bảo vệ mình trước Trung Quốc; thế nên một cuộc khủng hoảng kéo dài có thể trao thêm sức mạnh cho các “diều hâu” ở Bắc Kinh.
Các cuộc điện đàm của ông Tập. Cuộc trò chuyện đầu tiên kể từ năm 2021 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Trump – diễn ra vào ngày 17/1, trước khi Tổng thống Mỹ nhậm chức – tương đối suôn sẻ. Các mức thuế quan mà Trump đe dọa áp lên Trung Quốc vẫn chưa thành hiện thực – dù không rõ liệu đó là do Trump đang cố gắng mặc cả với Bắc Kinh hay do các đồng minh kinh doanh của ông phản đối.
Đáng chú ý, cuộc trò chuyện giữa ông Tập và ông Trump đã được tiếp nối bằng một cuộc điện đàm dài hơn nhiều với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 21/1, điều này nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh trên thực tế giữa Bắc Kinh và Moscow. Hai cuộc gọi này là lời nhắc nhở rằng quan hệ Mỹ – Trung hiện đang bị ràng buộc với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nơi Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ của mình bằng cả lời nói và vật chất.
Ông Trump có thể tìm cách đạt được một “thỏa thuận lớn” để giải quyết cuộc chiến Nga – Ukraine với những điều khoản theo hướng có lợi cho ông Putin, nhưng nhiều thành viên phe diều hâu trong Đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến này và họ có thể sẽ không hài lòng với bất kỳ nỗ lực đàm phán nào.
Công nghệ và Kinh doanh
Tình huống khó xử của ByteDance. Không chỉ TikTok, một loạt các sản phẩm khác của công ty mẹ ByteDance cũng bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ. Trong khi đó, hàng trăm nghìn người dùng TikTok đã chuyển sang Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư), một ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc. Xiaohongshu hiện đang chật vật để đảm bảo rằng các tài khoản mới được kiểm duyệt đúng cách.
Như bao doanh nghiệp Trung Quốc thành công khác, Xiaohongshu có mối quan hệ sâu rộng với ĐCSTQ, khi đó một câu hỏi lớn hơn được đặt ra: Liệu việc cấm từng ứng dụng hay công ty riêng lẻ cụ thể có hợp lý không, nếu xét đến những yêu cầu mà Bắc Kinh đặt ra cho mọi doanh nghiệp? Hay liệu Mỹ sẽ hướng tới những quy định giống như của Ấn Độ, nơi có lệnh cấm rộng rãi đối với các ứng dụng Trung Quốc?
Trung Quốc thực sự đã dựng một bức tường ngăn cách internet của mình với phần còn lại của thế giới. Liệu internet của Mỹ có cần phải được ngăn cách với Trung Quốc, hay người dân Mỹ tự tin vào một kỷ nguyên khi mà thông tin sai lệch đến từ trong nước lẫn ngoài nước thì luận điệu nào hay nhất vẫn sẽ chiến thắng?
Mục tiêu tăng trưởng GDP bị hạ thấp. Một giọng điệu bi quan, hay là tiếng nói của hiện thực, đang bao trùm các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, khi một nửa trong số họ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 thấp hơn so với năm ngoái. (Mục tiêu tăng trưởng trung bình là 5,26%; năm 2024 là 5,41%). Chính phủ trung ương sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng chung vào ngày 5 tháng 3, và có khả năng sẽ dao động quanh mức 5%.
Số liệu GDP của các tỉnh Trung Quốc luôn vượt quá con số của chính quyền trung ương: Các lãnh đạo địa phương được đánh giá một phần dựa trên thành công của họ trong việc thúc đẩy GDP, và số liệu thống kê của Trung Quốc cũng rất không đáng tin cậy. Ngay cả những mục tiêu đã được điều chỉnh thấp hơn vẫn có thể nghe không thực tế khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng sau COVID và các chính quyền địa phương phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài khoá nghiêm trọng.