Thế giới hôm nay: 03/02/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Donald Trump tuyên bố người dân Mỹ có thể phải chịu “một số khó khăn” sau khi Canada và Mexico trả đũa thuế quan mà ông áp đặt lên hàng xuất khẩu của họ. Ông Trump bảo vệ quyến định của mình, cho rằng “tất cả sẽ xứng đáng với cái giá phải trả.” Từ thứ Ba, Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời tăng thuế đối với Trung Quốc lên thêm 10%. Dầu của Canada sẽ chịu mức thuế thấp hơn, ở mức 10%.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 155 tỷ đô la Canada (107 tỷ đô la Mỹ). Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cũng hứa sẽ có động thái đáp trả tương tự. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu tuyên bố khối này sẽ “đáp trả mạnh mẽ” nếu ông Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ EU.

Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa đã gặp Muhammad bin Salman ở Ả Rập Saudi. Đây là chuyến công du chính thức đầu tiên của ông Sharaa kể từ khi ông lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ nhà độc tài Bashar al-Assad vào tháng 12. Ông Sharaa và thái tử Saudi đã thảo luận về kế hoạch tái thiết Syria và củng cố quan hệ của nước này với các quốc gia vùng Vịnh.

UniCredit thông báo đã mua lại 4,1% cổ phần của Generali, công ty bảo hiểm lớn nhất nước Ý. UniCredit tuyên bố đã mua số cổ phần này theo thời gian và không có “mục đích chiến lược” đối với Generali. Năm ngoái, UniCredit thông báo đã tích lũy được 28% cổ phần của ngân hàng Đức Commerzbank, và đã đưa ra lời đề nghị mua lại Banco BPM, một ngân hàng khác của Ý.

Chính phủ Mỹ đã rút lại tình trạng được bảo vệ của 300.000 người Venezuela đang ở nước này, khiến họ có nguy cơ bị trục xuất. Các biện pháp bảo vệ được cấp cho người di cư đến từ những nước mà Mỹ coi là không an toàn; Venezuela đã trở nên ngày càng độc tài dưới thời Nicolás Maduro. Hôm thứ Bảy, ông Trump cho biết Venezuela đã đồng ý nhận lại những người di cư bị trục xuất từ Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói với tổng thống Panama Jose Raul Mulino rằng “vị thế ảnh hưởng và kiểm soát” của Trung Quốc đối với kênh đào Panama là không thể chấp nhận được. Ông Rubio cảnh báo Mỹ có thể “bảo vệ quyền lợi của mình” theo hiệp ước kênh đào nếu Panama không hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông Mulino đã bác bỏ cảnh báo này, cho biết ông không thấy “bất kỳ mối đe dọa thực sự nào” từ Mỹ.

Cảnh sát ở Gruzia đã bắt giữ một số người trong cuộc biểu tình phản đối đảng cầm quyền thân Nga của nước này, Giấc mơ Gruzia. Nika Melia, lãnh đạo một đảng ủng hộ châu Âu, và Gigi Ugulava, cựu thị trưởng thủ đô Tbilisi, nằm trong số những người bị bắt giữ. Cuộc biểu tình kêu gọi tổ chức lại bầu cử quốc hội sau khi chiến thắng của Giấc mơ Gruzia vào năm ngoái bị phe đối lập bác bỏ.

Con số trong ngày: 90.000, là số người Mỹ tử vong do sử dụng ma túy quá liều, chủ yếu liên quan đến fentanyl, trong năm tính đến tháng 8 năm 2024.

TIÊU ĐIỂM

Chiến tranh thương mại và thế khó của ECB

Lời đe doạ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu của Donald Trump, chỉ vài ngày sau khi ông ra lệnh áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, là một thách thức đáng kể cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hôm 30 tháng 1, ECB đã cắt giảm lãi suất sau khi số liệu GDP cho thấy tăng trưởng yếu ở khu vực đồng euro trong quý cuối cùng của năm 2024. Nhưng mức lãi suất có thể giảm bao nhiêu nữa nếu lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu và EU cho tăng thuế đáp trả Mỹ, khiến giá cả tăng cao hơn? Vào thứ Hai, các số liệu lạm phát của tháng 1 sẽ giúp chúng ta hiểu được tình hình mà ECB đang đối mặt.

Các số liệu của tháng 12 gây lo ngại. Tỷ lệ lạm phát điều chỉnh theo mùa giữa tháng 11 và tháng 12 đạt 2,7% tính theo năm, cao hơn mục tiêu 2% của ECB. Giá dịch vụ đắt hơn 4% so với năm trước. Từ lâu ECB đã phải vật lộn với tăng trưởng thấp và lạm phát cứng đầu. Giờ đây các biện pháp thuế quan có thể sớm làm tình hình tồi tệ hơn.

Quốc hội Greenland nhóm họp trở lại

Quốc hội Greenland, với 31 thành viên, vào thứ Hai sẽ họp lần đầu tiên kể từ khi Donald Trump đẩy hòn đảo Bắc Cực này vào một cơn bão địa chính trị. Chương trình nghị sự sẽ khá bình thường, bao gồm các đề xuất về cải cách giáo dục, bảo vệ nhà cho thuê, và giảm thuế doanh nghiệp. Nhưng ông Trump vẫn là cái bóng lớn bao trùm lên phiên họp. Tuần trước ông đã một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ “giành được” Greenland: “Tôi nghĩ người dân muốn gia nhập cùng chúng ta [Mỹ].”

Người dân Greenland lại không nghĩ vậy. Trong cuộc khảo sát đầu tiên kể từ khi ông Trump tái khẳng định tuyên bố về hòn đảo, 85% người được hỏi cho biết họ không muốn trở thành một phần của Mỹ. Thủ tướng Greenland cũng nói vậy. Đan Mạch, nước có chủ quyền đối với Greenland, đã nhiều lần khẳng định hòn đảo không phải để bán. Thậm chí Pháp đã thảo luận về việc gửi quân đến Greenland để hỗ trợ. Song tham vọng của ông Trump đối với hòn đảo này đã làm sắc nét thêm các cuộc tranh luận về độc lập. Vấn đề chủ quyền của Greenland nhiều khả năng sẽ chi phối các cuộc bầu cử của hòn đảo, vốn phải được tổ chức trước ngày 6 tháng 4.

Netanyahu thăm Mỹ

Binyamin Netanyahu đã đến Washington, DC, để họp với các quan chức Mỹ. Vào thứ Ba, ông sẽ gặp Donald Trump. Việc Thủ tướng Israel sớm có mặt trong lịch trình của tân Tổng thống Mỹ cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa hai bên, cũng như sự cấp bách của các vấn đề cần giải quyết.

Chuyến thăm của ông Netanyahu diễn ra trong bối cảnh đàm phán về giai đoạn tiếp theo của lệnh ngừng bắn ở Gaza sắp bắt đầu. Mặc dù một số thành viên trong chính phủ Israel yêu cầu nối lại cuộc chiến với Hamas, ông Trump muốn chiến sự chấm dứt vĩnh viễn. Israel cũng muốn ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân — thậm chí là bằng cách tấn công quân sự nếu cần thiết — trong khi ông Trump ủng hộ việc sử dụng lệnh trừng phạt để buộc Iran đạt được một thỏa thuận. Ông Netanyahu cũng sẽ thảo luận về khả năng Israel tham gia vào một liên minh lớn với Ả Rập Saudi. Nhưng để điều đó xảy ra, ông sẽ phải nhượng bộ người Palestine, điều có thể khiến liên minh cực hữu ở trong nước của ông tức giận.

Lãnh đạo châu Âu thảo luận về quốc phòng

Vào thứ Hai, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU sẽ họp tại Brussels để thảo luận về trật tự thế giới mới dưới thời Donald Trump. Thủ tướng Anh, Keir Starmer, sẽ tham dự hội nghị cùng với Mark Rutte, tổng thư ký NATO. Tổng thống Mỹ đã yêu cầu các nước châu Âu chi tiêu 5% GDP cho quốc phòng, tăng từ mức mục tiêu 2% hiện tại. Lời đe dọa của ông Trump về việc lấy Greenland, một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, đã khiến châu Âu bối rối — và làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu họ có thể dựa vào hỗ trợ từ Mỹ hay không.

Người châu Âu cần xem xét cách giúp đỡ cho Ukraine nếu ông Trump quyết định cắt viện trợ quân sự. Hình thức của các bảo đảm an ninh tiềm năng trong một thỏa thuận hòa bình với Nga, bao gồm cả việc triển khai quân đội châu Âu đến Ukraine, cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Nhưng châu Âu đang chia rẽ. Một số nước, do Ba Lan dẫn đầu, muốn ưu tiên duy trì quan hệ với Mỹ, trong khi những nước khác, như Pháp, muốn châu Âu tự bảo vệ mình.

Tương lai bấp bênh của Tổ chức Y tế Thế giới

Vào thứ Hai, ban điều hành của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ họp tại Geneva. Họ sẽ thảo luận về tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe toàn dân, một báo cáo về di cư đạo đức của nhân viên y tế, biến đổi khí hậu, và ô nhiễm không khí.

Nhưng việc Mỹ rút khỏi tổ chức này, mà Donald Trump công bố vào ngày 20 tháng 1, sẽ phủ bóng lên cuộc họp. Mỹ đóng góp phí thành viên hàng năm 126 triệu đô la và cung cấp cho WHO tổng cộng 1,3 tỷ đô la mỗi năm, chủ yếu để hỗ trợ các chương trình cụ thể do Mỹ lựa chọn. Việc mất đi toàn bộ số tiền đó sẽ khiến tổ chức này thiếu hụt ngân sách 18%.

Mặc dù Mỹ sẽ tiết kiệm được tiền khi rút khỏi WHO, họ cũng bị thiệt hại. Mỹ sẽ mất quyền truy cập vào dữ liệu y tế toàn cầu, chẳng hạn như dữ liệu mà các công ty dược phẩm Mỹ sử dụng để thiết kế vắc-xin cúm hàng năm. Và việc Washington rút lui có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm của mình bằng cách dẫn dắt thế giới trong lĩnh vực y tế.