Trung Quốc phản ứng thận trọng trước thuế quan của Trump

Nguồn: James Palmer, “China Responds to Trump’s Tariffs With Caution”,  Foreign Policy, 04/2/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Bắc Kinh rốt cuộc là mục tiêu duy nhất của các mức thuế mới từ Mỹ cho đến thời điểm hiện tại.

Tiêu điểm tuần này: Mức thuế 10% áp lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bắt đầu có hiệu lực; Những động thái ban đầu của chính quyền Trump tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia mà Trung Quốc có thể lợi dụng; Vẫn còn nhiều câu hỏi xoay quanh mô hình AI mới của công ty Trung Quốc DeepSeek.

Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước chính sách thuế quan của Trump?

Sau nhiều ngày bất định, Trung Quốc rốt cuộc đã trở thành mục tiêu duy nhất (cho đến nay) của các mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa từ lâu, trong khi Mexico và Canada được hoãn một tháng đối với mức thuế 25% vào đúng phút chót. Mức thuế mới 10% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc đã có hiệu lực từ thứ Ba – có nhiều trường hợp sẽ cộng dồn với cả mức thuế đã có từ nhiệm kỳ đầu của Trump.

Tuy nhiên, một điều khoản ít được chú ý trong các sắc lệnh hành pháp của Trump nhưng có thể là điều khoản gây tổn thất nghiêm trọng nhất đến các doanh nghiệp Trung Quốc trong dài hạn: Việc xoá bỏ một chính sách miễn thuế quan trọng có thể khiến các công ty thương mại điện tử gặp khó khăn trên thị trường Mỹ.

Giữa bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sản xuất rơi vào tình trạng giảm phát nghiêm trọng, khả năng ứng phó của Trung Quốc bị hạn chế hơn so với hồi nhiệm kỳ đầu của Trump, dù cho quy mô nền kinh tế Trung Quốc vẫn đáng kể. Do đó, Bắc Kinh phản ứng khá thận trọng với thuế quan mới của Trump: Trung Quốc nhắm vào một số lĩnh vực cụ thể của Mỹ, chẳng hạn như nhiên liệu hóa thạch, với mức thuế 15% – tuy chúng sẽ chưa có hiệu lực trong vòng năm ngày tới.

Quan trọng là, việc này mở ra cơ hội để đàm phán với Trump, giống như những cuộc thương lượng hôm thứ Hai đã giúp Mexico và Canada được hoãn thuế – và có thể giúp hai bên giảm căng thẳng. Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với một số khoáng sản quan trọng, tuy không cấm hoàn toàn, và thông báo sẽ mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google.

Phản ứng này vẫn còn tương đối hạn chế. Ví dụ, Google không còn hoạt động tại Trung Quốc đại lục nữa; năm 2010 họ rút lui dưới áp lực của chính phủ Trung Quốc, và các dịch vụ của Google gần như bị chặn hoàn toàn. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với năm khoáng sản quan trọng cũng đáng kể nhưng vẫn chỉ tập trung vào các lĩnh vực quốc phòng và năng lượng sạch thay vì các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Vậy Trung Quốc sẽ gây sức ép ở đâu nữa nếu tiếp theo không thấy Mỹ có thêm bất kỳ động thái nào? Mục tiêu tiềm năng hấp dẫn nhất là các hoạt động của Tesla tại Trung Quốc, nhưng khả năng này khó xảy ra. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi Elon Musk – người tự nhận là “khá ủng hộ Trung Quốc” – là một kênh quan trọng đến Nhà Trắng. Phó chủ tịch Trung Quốc đã gặp Musk trước lễ nhậm chức của Trump.

Mặc dù phương Tây đang nỗ lực xây dựng các chuỗi cung ứng độc lập nhưng Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế trong cả lĩnh vực sản xuất lẫn chế biến khoáng sản quan trọng. Năm ngoái, Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình bằng cách áp đặt hạn chế xuất khẩu lên các nguyên tố đất hiếm. Những nỗ lực tiếp theo có nguy cơ gặp phải vấn đề tương tự, giống như lúc Mỹ sử dụng lệnh trừng phạt chip với Trung Quốc: chúng thúc đẩy đối thủ tìm kiếm nguồn cung mới và tự phát triển dây chuyền sản xuất.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh nhìn chung thiếu hiểu biết sâu sắc về chính trị Mỹ, vì vậy khó có khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa nhắm vào Đảng Cộng hòa – như Canada từng cân nhắc.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc lại rất hiểu về quyền lực và quan hệ cá nhân. Một mục tiêu tiềm năng bị bỏ qua là ngành casino ở Macao, nơi nhiều dự án lớn của Mỹ đang được triển khai bởi các công ty có liên hệ với Trump. Việc chặn các sòng bạc mới này sẽ không những không gặp trở ngại gì về mặt ý thức hệ – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đây đã từng nhắm vào vấn đề cờ bạc và rửa tiền ở Macao – mà đồng thời còn gửi đi một thông điệp rõ ràng.

Trump tuyên bố rằng động cơ đằng sau các mức thuế quan của ông một phần là để ngăn chặn hoạt động buôn bán fentanyl. Nhưng Trung Quốc sẽ nhượng bộ như thế nào trong vấn đề fentanyl? Canada đã tìm cách trì hoãn áp thuế bằng cách đổi tên các biện pháp kiểm soát biên giới mà họ đã đồng ý trước đó, trong khi Mexico hoặc triển khai thêm quân đến biên giới Mỹ, hoặc chỉ đơn giản là họ duy trì lực lượng đã có sẵn ở đó.

Tương tự, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể thoả mãn mong muốn “giành chiến thắng” của Trump, đơn giản bằng cách họ tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác hoặc cam kết sẽ kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn, mà không thực sự thực hiện những biện pháp công nghiệp tốn kém để giảm sản xuất tiền chất của fentanyl.

Ngay cả khi Trung Quốc có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn thuế quan của Trump, vẫn còn một điều khoản bổ sung trong sắc lệnh hành pháp có thể gây tổn hại đến thương mại: tạm ngừng quy tắc De Minimis đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó miễn thuế cho các lô hàng từ Trung Quốc vào Mỹ có giá trị dưới 800 USD. De Minimis đã mở ra cơ hội lớn cho các công ty thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein tại thị trường Mỹ.

Nếu không còn quy tắc De Minimis, hàng triệu người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu thêm thuế – mà nhiều người đơn giản là sẽ không làm vậy. Nếu quy tắc này vẫn được duy trì nhưng thuế quan được gỡ bỏ, tình trạng quá tải trong khâu xử lý vẫn có thể xảy ra, do các nhân viên vốn đã làm việc quá tải tự nhiên phải kiểm tra một lượng hàng hóa lớn hơn rất nhiều.

Dù diễn biến thế nào đi nữa, các nước đi của Trump cũng sẽ tiếp thêm động lực thúc đẩy khuynh hướng hướng đến một nền kinh tế tự cung tự cấp của Tập Cận Bình, cũng như cổ vũ cho những người trong Đảng Cộng hòa có lập trường muốn tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc.

Tin tức đang được quan tâm

Khủng hoảng an ninh Mỹ. Đội ngũ của Trump đang tạo ra những lỗ hổng nghiêm trọng trong an ninh quốc gia Mỹ khiến Trung Quốc có cơ hội khai thác dễ dàng. Bộ An ninh Nội địa đã giải thể các hội đồng cố vấn an minh mạng quan trọng – bao gồm cả nhóm đang điều tra vụ tấn công mạng Salt Typhoon – một phần vì Trump có quan điểm chống lại các nỗ lực kiểm soát thông tin sai lệch trên mạng, mà cũng chính là nhiệm vụ các nhóm này.

Trong khi đó, FBI đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhuệ khí cùng với quá trình thanh lọc tư tưởng, điều có thể gây mất mát các kiến thức chuyên môn mà cơ quan này đã tích luỹ qua nhiều thập kỷ. Một số đặc vụ chuyên theo dõi ảnh hưởng của Trung Quốc đã bị điều chuyển sang điều tra vụ ngày 6/1 và giờ đây có thể bị sa thải khi chính quyền Trump tìm cách làm suy yếu FBI từ nội bộ.

Việc đóng băng các khoản tài trợ đang làm giảm năng lực của Mỹ trong việc giám sát ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Khoảng 60 nhà thầu của Bộ Ngoại giao, những người làm việc trong lĩnh vực thúc đẩy dân chủ, đã bị sa thải. Tuy nhiên, vấn đề còn nghiêm trọng hơn thế. Nhiều dự án như Dự án Theo dõi Cơ sở Hạ tầng Mê Kông (Mekong Infrastructure Tracker) của Trung tâm Stimson – dự án chuyên giám sát tác động môi trường và xã hội từ chính sách kiểm soát nguồn nước của Trung Quốc – đang bị dừng tài trợ.

Cuối cùng, tại các cơ quan trong đó có Bộ Tài chính Mỹ, một nhóm kỹ sư trẻ từ Bộ Hiệu quả Chính phủ của Musk, dù thiếu kinh nghiệm và chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, lại được cấp quyền truy cập đầy đủ vào những dữ liệu chính phủ cực kỳ nhạy cảm.

Tạm biệt friendshoring (dịch chuyển sản xuất qua nước bạn). Mặc dù Canada và Mexico tránh được thuế quan của Mỹ trong thời gian này, nhưng việc Trump sẵn sàng tấn công một số đồng minh lâu đời và thân thiết nhất của Mỹ cho thấy khái niệm “friendshoring” – quá trình chuyển chuỗi cung ứng từ các quốc gia đối địch (như Trung Quốc) sang các quốc gia thân thiện –  đã không còn khả thi.

Friendshoring chủ yếu là một sáng kiến thời Biden, tuy nhiên trong một số khía cạnh, nó lại phù hợp với mục tiêu chính sách đối ngoại của Trump trong nhiệm kỳ đầu. Nhưng hiện nay, Trump muốn đưa sản xuất quay trở lại Mỹ. Không có lý do gì để một công ty chuyển sản xuất sang Canada hoặc Mexico nếu như thuế quan ở đó cao hơn so với khi sản xuất ở Trung Quốc.

Công nghệ và Kinh doanh

Những câu hỏi về DeepSeek. Mô hình ngôn ngữ lớn của công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc DeepSeek, được biết đến với tên gọi DeepSeek R1, đã làm chấn động thị trường Mỹ hồi tuần trước và dư chấn vẫn còn đó.

Chuyên gia giáo dục Ryan Allen chỉ ra rằng lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc trước đây thường bị chi phối bởi những “con rùa biển”, thuật ngữ dùng để chỉ những người trở về từ các trường đại học nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các thành viên trẻ trong đội ngũ của DeepSeek đều học tại các trường đại học Trung Quốc, cho thấy rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào giáo dục AI từ năm 2017 đã mang lại hiệu quả. (Điều này cũng giúp bác bỏ ý tưởng rằng Mỹ có thể giành chiến thắng trong cuộc đua tài năng công nghệ bằng cách đóng cửa với Trung Quốc.)

Một bài phân tích hữu ích khác từ SemiAnalysis đi sâu vào chi phí của DeepSeek và làm rõ những điểm sáng tạo thực sự của mô hình R1 so với những điểm là cải tiến. Các tính toán từ SemiAnalysis, mặc dù chỉ là ước tính, cho thấy chi phí của DeepSeek rơi vào khoảng 1,6 tỷ USD –  không phải con số thấp như đã đưa ra tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với OpenAI.

Chứng khoán Trung Quốc đối mặt với cú sốc muộn. Thứ Ba là ngày cuối cùng các sàn chứng khoán Trung Quốc nghỉ Tết Nguyên Đán, hay Tết Âm Lịch từ tuần trước. Thứ Tư có thể sẽ là một ngày kinh tế khó khăn, khi mà chính sách thuế quan Trump bắt đầu gây ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường và làm giảm mức tăng trưởng cổ phiếu của Trung Quốc trong năm ngoái.

Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc có lẽ sẽ không muốn để thị trường chứng khoán giảm quá mạnh và có thể sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát như đã làm trong những thời kỳ nhạy cảm trước đây, chẳng hạn trong đại dịch COVID-19 hoặc cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 2015. Các nhà chức trách Trung Quốc thường đặt giới hạn giao dịch hoặc buộc các nhà đầu tư lớn không bán cổ phiếu; nếu thị trường vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đó sẽ là dấu hiệu của một đợt khủng hoảng thực sự.