Thế giới hôm nay: 11/02/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hamas cho biết họ sẽ hoãn trả con tin cho Israel. Theo thỏa thuận ngừng bắn với Israel, nhóm vũ trang đáng lẽ phải thả ba con tin vào thứ Bảy qua. Họ cáo buộc Israel ngăn cản người Palestine trở về Gaza. Bộ trưởng quốc phòng Israel, Israel Katz, gọi tuyên bố này là “sự vi phạm hoàn toàn thỏa thuận ngừng bắn.”

Donald Trump cho biết những người Palestine bị đưa ra khỏi Gaza theo kế hoạch tiếp quản của Mỹ do ông đặt ra sẽ không có quyền trở lại. Tổng thống Mỹ cũng nói với Fox News rằng ông hy vọng thuyết phục được Ai Cập và Jordan đồng ý tiếp nhận những người Palestine bị di dời, đồng thời tuyên bố Gaza sẽ trở thành “một dự án bất động sản cho tương lai.” Ông Trump đề xuất kế hoạch này từ tuần trước.

Giá vàng đã vượt mốc kỷ lục 2.900 USD mỗi ounce vào thứ Hai sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Canada, Trung Quốc, và Mexico là những nhà cung cấp lớn nhất hai kim loại này cho Mỹ. Ông Trump cũng cam kết áp thuế đáp trả các đối tác thương mại. “Nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta sẽ đánh thuế họ,” ông nói.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, thông báo các khoản đầu tư trị giá 109 tỷ euro (113 tỷ USD) cho các dự án liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Ông cảnh báo các nước châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa để bắt kịp Mỹ và Trung Quốc. Ông Macron đưa ra bình luận trên trước thềm hội nghị thượng đỉnh về AI tại Paris, nơi các nhà lãnh đạo thế giới và các giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu, như Sam Altman của OpenAI, dự kiến sẽ tham dự.

Tổng thống Romania, Klaus Iohannis, cho biết ông sẽ từ chức sau khi phe đối lập cực hữu trong nước cố gắng luận tội ông. Quá trình này có thể đã dẫn đến một cuộc trưng cầu dân ý để phế truất ông. Người kế nhiệm ông Iohannis đáng lẽ được bầu từ tháng 12, nhưng ông vẫn tại vị sau khi Tòa án Hiến pháp Romania hủy bỏ kết quả bầu cử, viện dẫn lý do có sự can thiệp của Nga. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức lại vào tháng 5.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cáo buộc ông Trump đang tìm cách buộc nước ông phải “quỳ gối.” Ông đưa ra nhận xét này trong một bài phát biểu kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Hôm thứ Sáu, lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã bác bỏ ý tưởng bắt đầu đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của Iran. Ông Trump đã đe dọa tăng cường trừng phạt đối với Tehran.

Ít nhất 51 người đã thiệt mạng ở Guatemala sau khi một chiếc xe buýt lao khỏi đường cao tốc và rơi xuống vực sâu. Chiếc xe này chở khoảng 70 người và đến từ San Agustín Acasaguastlán, một thị trấn cách thủ đô Guatemala City khoảng 90km. Tổng thống Guatemala, Bernardo Arévalo, đã tuyên bố quốc tang.

Con số trong ngày: 30%, là tỷ lệ doanh thu của Sotheby’s đến từ các giao dịch mua bán riêng tư, tăng từ mức 12% của mười năm trước.

TIÊU ĐIỂM

Lãnh đạo đảng cánh hữu Đức thăm Hungary

Vào thứ Ba, Alice Weidel, đồng chủ tịch của đảng Sự Lựa chọn Thay thế cho nước Đức (AfD) theo chủ nghĩa dân túy và bài ngoại, sẽ đến thăm Viktor Orban tại Budapest. Bà Weidel là một người ngưỡng mộ thủ tướng Hungary. Cuộc gặp diễn ra ngay sau khi phe cánh hữu châu Âu tổ chức một cuộc tụ họp đầy hân hoan vào cuối tuần qua tại Tây Ban Nha. “Hôm qua chúng ta là những kẻ dị giáo,” ông Orban tuyên bố trong sự kiện. “Hôm nay chúng ta đã trở thành dòng chính.”

Đức sẽ tổ chức bầu cử quốc hội vào ngày 23 tháng 2. Theo mô hình dự báo của The Economist, đảng AfD của bà Weidel có khả năng trở thành lực lượng lớn thứ hai trong Bundestag. Ông Orban đang theo dõi sát sao tình hình. Ông đã chúc mừng AfD vì giúp Friedrich Merz, ứng cử viên thủ tướng của phe đối lập trung hữu, thông qua một nghị quyết không ràng buộc về các quy định di cư khắt khe hơn vào tháng trước. Ông Orban không có nhiều đồng minh quyền lực tại các thủ đô châu Âu, vì suốt nhiều năm qua Brussels đã cáo buộc ông làm suy yếu pháp quyền ở Hungary. Đó có thể là lý do tại sao ông vui mừng khi gặp bà Weidel.

Cuộc gặp khó khăn giữa Quốc vương Jordan và ông Trump

Vào thứ Ba, Quốc vương Abdullah của Jordan sẽ gặp Donald Trump tại Nhà Trắng. Nhà vua là nhà lãnh đạo Ả Rập đầu tiên gặp tổng thống Mỹ kể từ khi ông nhậm chức nhiệm kỳ hai — song chuyến thăm này lại là một gánh nặng hơn là một vinh dự. Trong nhiều tuần qua, ông Trump đã thúc giục Jordan, cùng với Ai Cập và có thể cả các nước Ả Rập khác, tiếp nhận người tị nạn từ Gaza.

Quốc vương đang tìm cách thuyết phục ông Trump từ bỏ ý định này. Jordan hiện đã là nơi cư trú của 2,4 triệu người Palestine, chiếm hơn một phần năm dân số 11 triệu người, bên cạnh hàng trăm nghìn người tị nạn khác từ Iraq và Syria. Ngay cả khi ông Abdullah muốn tiếp nhận thêm người tị nạn, ông cũng sẽ lo sợ về hậu quả chính trị. Nhiều thần dân sẽ coi ông là đồng phạm trong việc thanh trừng sắc tộc ở Gaza. Nhưng ông cũng không thể làm mất lòng ông Trump: năm ngoái Mỹ viện trợ tới 1,7 tỷ USD cho Jordan (tương đương 12% doanh thu của chính phủ).

Hiệu suất đáng thất vọng của BP

Kể từ khi British Petroleum cam kết chuyển sang năng lượng xanh cách đây 25 năm, công ty — đổi tên thành BP vào năm 2000 — đã liên tục thất bại trong việc thực sự “tiến xa hơn cả dầu mỏ.” So với các công ty dầu mỏ lớn khác, hiệu suất của BP vô cùng kém cỏi. Giá trị của BP chỉ bằng khoảng bốn lần thu nhập dự báo, thấp hơn đáng kể so với ExxonMobil, một gã khổng lồ dầu khí Mỹ. Với vốn hóa thị trường khoảng 90 tỷ USD, BP có giá trị chưa bằng một nửa so với Shell, một tập đoàn dầu khí lớn khác có trụ sở tại London.

Hiện BP đang gặp khó trong việc tạo ra lợi nhuận lớn ngay cả từ mảng kinh doanh dầu khí. Công ty dự kiến sẽ báo cáo kết quả kinh doanh ảm đạm vào thứ Ba, nhưng các nhà đầu tư sẽ chờ đến ngày 26 tháng 2, khi BP công bố kế hoạch chiến lược mới. Elliott Investment Management, một quỹ đầu tư chủ động đã mua cổ phần của BP, đang kêu gọi một cuộc cải tổ. Hầu hết các cổ đông có thể sẽ thúc ép công ty làm điều mà các tập đoàn dầu khí khác đã thực hiện trong những năm gần đây: từ bỏ hình ảnh xanh hóa và tối đa lợi nhuận từ dầu mỏ.

Trận chiến giành lại Khartoum

Quân đội quốc gia Sudan có thể sắp giành lại thủ đô của đất nước. Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã kiểm soát phần lớn Khartoum ngay sau khi cuộc nội chiến bùng nổ vào năm 2023. Nhưng hiện tại Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) đang giành lại lợi thế. RSF bị chia sức ở Darfur, một khu vực miền tây, khiến họ rơi vào thế phòng ngự.

Tháng trước, SAF đã tái chiếm Wad Madani, một thành phố nằm trong vùng nông nghiệp quan trọng của Sudan, nơi RSF đã chiếm giữ từ năm 2023. Quân đội sau đó đã phá vỡ vòng vây của RSF quanh trụ sở chính của họ ở Khartoum. Kể từ đó, SAF đã tiến nhanh lên phía bắc dọc theo sông Nile Xanh. Nhiều khi họ gần như không gặp phải sự kháng cự nào từ RSF. Song trong những tuần gần đây, giao tranh đã trở nên đẫm máu hơn. Binh lính SAF được cho là đã sát hại dân thường xung quanh Wad Madani, trong khi một cuộc tấn công của RSF vào một khu chợ gần Khartoum được cho là đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Nếu RSF tiến hành một cuộc phản công ở thủ đô, chắc chắn sẽ có nhiều thương vong.