Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Donald Trump cho biết Ukraine và Nga muốn đạt được hòa bình, sau khi ông điện đàm riêng với lãnh đạo của cả hai nước. Ông nói chuyện trước với tổng thống Nga Vladimir Putin và tuyên bố Mỹ sẽ “ngay lập tức” bắt đầu đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh. Trước đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã nhận định rằng việc Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga sáp nhập từ năm 2014 là “không thực tế.”
Lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến trong tháng 1, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 2,9% của tháng 12. Lạm phát cơ bản, tức không tính các mặt hàng thực phẩm và năng lượng, đã tăng từ mức 3,2% trong tháng 12 lên 3,3%. Những con số này là tin xấu cho những người đang kêu gọi giảm lãi suất nhanh chóng, bao gồm cả tổng thống Donald Trump.
Đảng Tự do cánh hữu của Áo (FPÖ) đã trả lại quyền thành lập chính phủ sau khi không thể xây dựng được liên minh. FPÖ đứng đầu trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 9 nhưng không thể đạt được thỏa thuận chia sẻ các bộ với Đảng Nhân dân trung hữu. Tổng thống Alexander Van der Bellen có thể sẽ bổ nhiệm một chính phủ kỹ trị hoặc trao cơ hội thành lập liên minh cho các đảng khác.
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn Tulsi Gabbard làm giám đốc tình báo quốc gia với tỷ lệ 52-48 phiếu bầu. Quan điểm mềm mỏng của bà đối với Nga là một trong những lý do khiến ngay cả một số thành viên đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại về đề cử của ông Trump. Song số người phản đối là không đủ để cản trở bà; chỉ có một thượng nghị sĩ Cộng hòa, Mitch McConnell, bỏ phiếu chống. Cho đến nay, Thượng viện đã phê chuẩn tất cả các ứng viên nội các có ra điều trần của tổng thống Trump.
Chevron tuyên bố sẽ sa thải từ 15% đến 20% lực lượng lao động trong nỗ lực cắt giảm chi phí lên tới 3 tỷ USD. Gã khổng lồ dầu mỏ Mỹ, với khoảng 45.000 nhân viên vào năm 2023, gần đây đã báo cáo kết quả kinh doanh quý đáng thất vọng. Kế hoạch mua lại công ty thăm dò năng lượng Hess trị giá 53 tỷ USD của hãng đang đối mặt với các thách thức pháp lý từ đối thủ ExxonMobil.
Belarus đã trả tự do cho ba tù nhân, bao gồm nhà báo Andrey Kuznechyk người Belarus và một công dân Mỹ không được tiết lộ danh tính. Đặc phái viên phụ trách vấn đề con tin của Mỹ cho biết động thái này là đơn phương, nghĩa là Belarus không nhận được gì để đổi lại. Trong khi đó, để đổi lấy việc Nga thả Marc Fogel, một giáo viên người Mỹ, chính quyền Trump chuẩn bị thả Alexander Vinnik, một ông trùm sàn giao dịch tiền điện tử Nga đã nhận tội rửa tiền vào năm 2024.
Một tên lửa của Trung Quốc đã được phóng thành công trong nhiệm vụ đầu tiên, đưa các vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Tên lửa Trường Chinh 8A là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm cạnh tranh với Starlink, dịch vụ internet vệ tinh do SpaceX của Elon Musk vận hành, hiện có khoảng 7.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo. Trung Quốc có ít vệ tinh hơn nhiều.
Con số trong ngày: 30.000, là số lượng binh sĩ được Ukraine huy động mỗi tháng trong năm qua, theo tổng thống Volodymyr Zelensky.
TIÊU ĐIỂM
Thủ tướng Ấn Độ thăm Nhà Trắng
Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, sẽ gặp Donald Trump tại Nhà Trắng vào thứ Năm. Ông Modi hy vọng sẽ khôi phục được tình bạn mà họ từng có trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Nhưng tổng thống Mỹ giờ đây mang tính giao dịch nhiều hơn, và chắc chắn cũng theo chủ nghĩa bảo hộ hơn trước.
Ông Modi sẽ phải xử lý ba vấn đề tiềm ẩn xung đột. Với khoảng 725.000 người, công dân Ấn Độ có thể là nhóm di dân không giấy tờ lớn thứ ba ở Mỹ. Ông Trump đã bắt đầu trục xuất di dân người Ấn bằng máy bay quân sự, trong khi còng tay họ, làm dấy lên phẫn nộ ở Ấn Độ. Song Delhi vẫn phải thể hiện sự hợp tác trong quá trình trục xuất, đồng thời đảm bảo công dân của mình được đối xử công bằng.
Về quốc phòng, ông Trump sẽ thúc ép Ấn Độ mua nhiều vũ khí hơn từ các nhà sản xuất Mỹ và ủng hộ chính sách của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc. Ấn Độ lo ngại rằng chủ nghĩa dân tộc công nghệ do Elon Musk khởi xướng có thể cản trở tham vọng vươn lên của họ để trở thành nước hàng đầu trong cuộc đua toàn cầu về phát triển và phổ biến công nghệ quan trọng. Hai ông Trump và Modi có thể sẽ nở nụ cười trước ống kính, nhưng những cuộc thảo luận phía sau hậu trường chắc chắn sẽ rất thẳng thắn.
Thảo luận về tương lai của Syria tại Paris
Vào thứ Năm, Pháp sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria, hội nghị đầu tiên bên ngoài Trung Đông kể từ khi chế độ Assad sụp đổ vào tháng 12. Các bộ trưởng và quan chức từ châu Âu, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Ả Rập sẽ gặp ngoại trưởng mới của Syria, Asaad al-Shaibani. Các nước châu Âu sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của một chính phủ toàn diện và nỗ lực phối hợp trong khu vực để ổn định và tái thiết đất nước.
Ông al-Shaibani được dự đoán sẽ kêu gọi dỡ bỏ ngay các lệnh trừng phạt. Tổng thống Syria mới, Ahmed al-Sharaa, từng tuyên bố “không có lý do gì” để duy trì chúng. Liên minh châu Âu đã đồng ý nới lỏng một số lệnh nhưng hầu hết các nước châu Âu vẫn thận trọng. Họ muốn đảm bảo chính quyền mới của Syria tôn trọng những tuyên bố họ đã đưa ra về việc mở rộng đại diện trong chính phủ, tôn trọng quyền phụ nữ, và thực sự nghiêm túc trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Thương vụ hợp nhất giữa Honda và Nissan gặp khó khăn
Thỏa thuận hợp nhất giữa Honda và Nissan, nhằm tạo ra một trong những hãng xe lớn nhất thế giới, sẽ tiếp tục là tâm điểm trong báo cáo kết quả tài chính quý 3 của cả hai công ty vào thứ Năm. Chênh lệch giữa hai hãng xe Nhật sẽ được thể hiện rõ: Nissan dự kiến báo cáo lợi nhuận thấp, trong khi Honda có kết quả khả quan hơn.
Nissan được cho là sẵn sàng rút khỏi thương vụ, vốn được công bố vào tháng 12, sau khi biết Honda muốn biến Nissan thành một công ty con. Một thương vụ sáp nhập có thể giúp hai công ty đầu tư nhiều hơn vào xe điện – lĩnh vực mà cả hai đều đang tụt hậu so với các đối thủ phương Tây và Trung Quốc. Thay vào đó, Nissan được dự đoán sẽ công bố một kế hoạch tái cấu trúc và có thể quan tâm đến việc hợp tác với Foxconn, một công ty công nghệ Đài Loan chuyên sản xuất iPhone nhưng đang nuôi tham vọng trở thành một thế lực lớn trong ngành xe điện. Về phía mình, Honda có thể cũng muốn rút khỏi thương vụ nếu không thể kiểm soát hoàn toàn Nissan để đưa ra chiến lược quản lý mới.
Cuộc chiến chống quan liêu: Tusk theo chân Musk
“Không cần hô hào về cắt giảm quy định nữa, giờ là lúc hành động cụ thể,” thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố trong tuần này.Ngày càng có nhiều chính phủ tuyên bố sẽ cắt giảm bộ máy quan liêu. Hôm thứ Hai, Ba Lan đã đề cử Rafal Brzoska, giám đốc điều hành công ty giao nhận InPost của Ba Lan, làm “sa hoàng” phụ trách cải cách hành chính. Ông dự kiến sẽ trình bày các ý tưởng thúc đẩy khởi nghiệp tại một hội đồng cố vấn mới vào thứ Sáu.
Chính phủ Ba Lan hy vọng có thể kích thích đầu tư, vốn bị kìm hãm bởi các quy định quan liêu phức tạp. Ông Tusk dự đoán đầu tư có thể đạt mức kỷ lục 650 tỷ zloty (160 tỷ USD) vào năm 2025. Tuần này, ông sẽ gặp gỡ các giám đốc điều hành từ Google và Microsoft – cả hai công ty đều có văn phòng hậu cần tại Ba Lan – để thảo luận về các kế hoạch đầu tư tiếp theo của họ. Việc tăng đầu tư có thể giúp tăng trưởng kinh tế đạt mức 4% hàng năm, theo ông Tusk. Mức độ khả thi của mục tiêu này sẽ hiện rõ vào thứ Năm khi cơ quan thống kê chính thức công bố số liệu GDP sơ bộ của quý cuối năm 2024.