Thuế thép của Trump và tác động đối với Trung Quốc

Nguồn: James Palmer, “What Trump’s Steel Tariffs Mean for China”,  Foreign Policy, 11/02/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Bắc Kinh đứng trước nguy cơ mất kênh tiếp cận gián tiếp vào thị trường Mỹ, nhưng điều này cũng khó mà làm suy yếu được ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc.

Tiêu điểm tuần này: Thuế thép và nhôm của Mỹ khó làm lung lay vị thế thống trị của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu; Trung Quốc có thể trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho nhân tài khoa học toàn cầu trong bối cảnh Mỹ cắt giảm tài trợ; Bắc Kinh dường như đang tăng cường sức ép nhằm dập tắt những lo ngại về thuốc generic sản xuất tại Trung Quốc.

Các mức thuế mới gián tiếp nhắm vào Trung Quốc

Vào hôm thứ Hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Đây là một phần trong cuộc chiến thương mại kéo dài nhằm vào Trung Quốc. Nghịch lý ở chỗ, Trung Quốc hiện gần như không xuất khẩu thép hay nhôm trực tiếp sang Mỹ do có các mức thuế được áp dụng dưới cả thời Trump và cựu Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, với sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu – cùng với tình trạng sản xuất dư thừa và giảm phát trong nước – hiện nay các quốc gia khác đang tràn ngập thép và nhôm giá rẻ từ Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất 54% thép toàn cầu và gần 60% nhôm toàn cầu. Một phần trong số đó vẫn đến được Mỹ sau khi được đóng gói lại bởi các quốc gia như Việt Nam.

Việc Trung Quốc sản xuất thép cũng cho phép Canada và Mexico xuất khẩu kim loại của họ trong khi sử dụng thép Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước. Do đó, logic của chính quyền Trump là: Nếu Bắc Kinh đang lách thuế thông qua các quốc gia thứ ba, thì cách duy nhất để thực sự áp được chi phí lên Trung Quốc là đánh thuế lên mọi quốc gia – mà logic này thì không giống với cách tiếp cận của đội ngũ Biden có phần chọn lọc hơn.

Tuy nhiên, có lẽ sẽ rất khó để làm suy yếu được ngành thép lớn mạnh của Trung Quốc. Những khoản trợ cấp vẫn tiếp tục gây ra tình trạng dư thừa sản xuất ở Trung Quốc, điều vốn bắt nguồn từ những chính sách đã được áp dụng từ nhiều năm trước. Đến năm 2020, ngành bất động sản bùng nổ ở Trung Quốc kéo theo nhu cầu về thép. Tuy nhiên, khi bong bóng bất động sản bắt đầu xẹp, nhu cầu thép trong nước cũng giảm theo.

Sau đại dịch COVID-19, một phần nhờ vào các nỗ lực kích thích kinh tế mà ngay cả khi giá thép giảm, sản lượng thép của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng. Nhu cầu sụt giảm giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc đã khiến sản lượng thép giảm nhẹ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, giá thép vẫn ở mức thấp kỷ lục, các công ty chủ yếu phải tìm nguồn cầu ở các thị trường nước ngoài.

Việc chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy ngành thép nghe có vẻ kỳ lạ, nhất là khi mà trước đại dịch chính phủ đã có những nỗ lực nhằm xử lý vấn đề dư thừa công suất, trong đó bao gồm thực hiện các vụ sáp nhập lớn để hợp nhất sản xuất. Ngành thép cũng là nguồn phát thải carbon chính của Trung Quốc, chính điều này đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm nâng cấp các lò luyện thép tiên tiến hơn.

Phần lớn ngành thép của Trung Quốc do nhà nước quản lý, nghĩa là ngành thép vừa phụ thuộc vào chính phủ, vừa có ảnh hưởng đến chính phủ. Ngành thép chỉ trực tiếp tạo ra khoảng 1,8 triệu việc làm, nhưng lại chủ yếu tập trung ở các khu vực địa phương mà ở đó cả thị trấn hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà máy. Điều này khiến việc cắt giảm việc làm trong ngành thép trở thành một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị.

Các quyết định trong ngành thép cũng bị chi phối bởi một yếu tố khác mang tính hoài niệm chủ nghĩa Mác, mà ở đó, chủ nghĩa cộng sản nhấn mạnh đến ngành công nghiệp nặng và sức mạnh quốc gia mà nó đại diện. Thép và nhôm vẫn là biểu tượng của quyền lực thực sự – cả trong công nghiệp lẫn quân sự. Ngay cả việc mất đi kênh tiếp cận gián tiếp với thị trường Mỹ cũng khó mà làm lung lay được quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với thị trường kim loại toàn cầu.

Tin tức đang được quan tâm

Liệu các nhà nghiên cứu có chọn Trung Quốc? Với việc chính quyền Trump đang cố gắng cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu khoa học ở Mỹ, Trung Quốc có thể trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với các tài năng trên thế giới. Trung Quốc không thiếu dự án khoa học lớn, từ máy gia tốc siêu hạt (supercollider) thế hệ mới, cho đến cuộc khảo sát khoa học địa chất SinoProbe II trị giá 1 tỷ USD sẽ khởi động trong năm nay.

Không giống như ở Mỹ, sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc khó mà biến mất chỉ sau một đêm: Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu phát triển khoa học làm mục tiêu dài hạn. Các nhà khoa học Trung Quốc ngày càng chuộng làm việc trong nước hơn là tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, đặc biệt là sau khi chương trình “Sáng kiến Trung Hoa” (China Initiative) được triển khai trong khoảng thời gian nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump và nhắm vào các nhà khoa học gốc Hoa.

Việc đưa nhân tài nước ngoài vào Trung Quốc vấp phải nhiều rào cản lớn. Bắc Kinh cung cấp rất ít cơ hội nhập cư lâu dài, chủ yếu là thị thực một năm, dù có thông tin cho rằng chính sách này có thể thay đổi đối với giới khoa học. Hơn nữa, môi trường thể chế tại Trung Quốc cũng không thực sự thân thiện với người nước ngoài, họ có thể gặp khó khăn vì những căng thẳng chính trị hoặc thậm chí đối mặt với áp lực phải tham gia vào các hành vi sai trái trong nghiên cứu.

Dẫu vậy, vẫn có những trường hợp hòa nhập thành công – và có lẽ Trung Quốc sẽ ngày càng có nhiều sức hút hơn khi Mỹ ngày càng trở nên kém hấp dẫn.

Siết chặt kiểm soát các thông tin quân sự rò rỉ. Chính quyền Trung Quốc đã ban hành một loạt quy định hà khắc hơn về việc đăng tải nội dung liên quan đến quân đội trên mạng. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thường kín tiếng ngay cả theo tiêu chuẩn của Bắc Kinh và cực kỳ cảnh giác với hoạt động gián điệp. Các binh sĩ PLA phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt – đến năm 2018 họ thậm chí vẫn bị hạn chế sử dụng điện thoại di động ngay cả trong thời gian cá nhân.

Một trong những nguồn tài liệu quân sự Trung Quốc đáng tin cậy còn sót lại là diễn đàn của trò chơi War Thunder, nơi vốn nổi tiếng với tình trạng rò rỉ thông tin. Trên đó, nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc trên thế giới với quyền tiếp cận tài liệu mật thường xuyên chia sẻ những tài liệu như vậy. Vì War Thunder sử dụng thông số kỹ thuật thực tế, nên việc tiết lộ thông tin mật có thể giúp thuyết phục nhà phát triển tăng sức mạnh cho một số phương tiện trong game.

Công nghệ và Kinh doanh

Khủng hoảng thuốc generic. Vài tuần sau khi công chúng phẫn nộ về các loại thuốc generic sản xuất tại Trung Quốc với chất lượng kém, chính quyền trung ương đang nỗ lực hết sức để dập tắt câu chuyện này. Các nỗ lực bao gồm phản bác từ các cơ quan quản lý và bài viết trên các phương tiện truyền thông nhà nước nói rằng các báo cáo của bác sĩ và bệnh nhân về việc thuốc không hiệu quả chỉ là mang tính truyền miệng.

Mức độ phủ nhận sự việc cho thấy đang có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Ngành dược phẩm Trung Quốc vừa mang lại lợi nhuận cao vừa có ảnh hưởng chính trị lớn; các cơ hội tham nhũng trong ngành, vốn được coi là bình thường, càng nở rộ trong đại dịch COVID-19. Một chiến dịch chống tham nhũng tập trung vào lĩnh vực y tế vào năm 2023 hầu như không động đến các công ty lớn.

Bất kỳ vấn đề nào trong ngành dược phẩm của Trung Quốc đều nên khiến các cơ quan chức năng Mỹ lo ngại, bởi vì Mỹ thường xuyên nhập khẩu thuốc generic từ Trung Quốc.

DeepSeek và tuyên truyền. Mô hình trí tuệ nhân tạo R1 do phòng thí nghiệm DeepSeek Trung Quốc phát triển khiến các chuyên gia lo ngại về vấn đề kiểm soát truyền thông của Trung Quốc, khi mà mô hình này sử dụng các kỹ thuật đã được chính phủ áp dụng lâu nay để định hướng hoặc ngăn chặn các câu chuyện. Những kỹ thuật này bao gồm phủ nhận một cách đơn giản (simple denial), trình bày rằng một số vấn đề là do nước ngoài can thiệp hoặc do bên ngoài chỉ trích, và nhất quán cho rằng chính phủ Trung Quốc là nguồn tin có thẩm quyền nhất.

Không rõ liệu hành vi của mô hình này được huấn luyện một cách có chủ đích hay là kết quả phát triển tự nhiên từ việc huấn luyện mô hình với dữ liệu của Trung Quốc, vốn đã chứa đựng những kỹ thuật kiểm soát thông tin trên. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là khi xử lý những thông tin thật sự nguy hiểm, mô hình R1 lại có xu hướng ít kiểm duyệt hơn so với các mô hình trí tuệ nhân tạo phương Tây.