Thế giới hôm nay: 25/02/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Mỹ đã bỏ phiếu chống một nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Đại hội đồng LHQ vẫn thông qua nghị quyết này với 93 phiếu ủng hộ, 18 phiếu chống, và 64 phiếu trắng. Hội đồng Bảo an LHQ, nơi Mỹ và Nga có quyền phủ quyết, dự kiến sẽ bỏ phiếu về vấn đề này vào cuối ngày thứ Hai. Donald Trump đã theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình song phương với Nga, khiến các đồng minh châu Âu lo ngại.

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng châu Âu đã “cung cấp tiền thực sự” — chứ không chỉ là các khoản vay như ông Trump khẳng định — cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga là “kẻ xâm lược.” Về phần mình, ông Trump từ chối gọi Vladimir Putin là nhà độc tài. Cả hai tổng thống Trump và Macron đều cho biết quân đội châu Âu có thể đóng vai trò gìn giữ hòa bình tại Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ hy vọng cuộc chiến có thể kết thúc “trong năm nay” khi ông đón tiếp khoảng một chục nhà lãnh đạo nước ngoài tại Kyiv nhân kỷ niệm ba năm cuộc xâm lược của Nga. Trong khi đó, bộ trưởng tư pháp Ukraine cho biết nước này sắp hoàn tất một thỏa thuận với Mỹ về quyền khai thác các mỏ khoáng sản hiếm của Ukraine. Olha Stefanishyna cho biết “gần như tất cả các chi tiết quan trọng” đã được thống nhất trong thỏa thuận.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử Đức, Friedrich Merz, gợi ý rằng ông có thể hợp tác với các đảng chính thống để nới lỏng “giới hạn nợ” của Đức, một quy định nghiêm ngặt về mức thâm hụt ngân sách liên bang, trước khi quốc hội mới triệu tập. Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo trung hữu của ông Merz hy vọng thành lập liên minh với đảng Dân chủ Xã hội trung tả. Song các đảng cực hữu và cực tả đã giành đủ số ghế để cản trở nỗ lực nới lỏng các quy tắc vay nợ của chính phủ. Quốc hội đương nhiệm sẽ tiếp tục hoạt động đến ngày 24 tháng 3.

Apple cho biết sẽ đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ và tuyển dụng thêm 20.000 nhân viên trong bốn năm tới. Khoản đầu tư này bao gồm việc mở một nhà máy sản xuất máy chủ tại Texas, một cơ sở đào tạo ở Michigan, và tăng chi tiêu với các nhà cung cấp hiện tại. Các công ty công nghệ Mỹ khác cũng đã công bố các gói đầu tư lớn nhằm lấy lòng chính quyền Trump.

JPMorgan tuyên bố cam kết thêm 50 tỷ USD vào nền tảng cho vay trực tiếp của mình, sau khi đã đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào hơn 100 thỏa thuận tín dụng tư nhân kể từ năm 2021. Tín dụng tư nhân, chủ yếu phục vụ các công ty tầm trung có mức rủi ro cao, đã bùng nổ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và các ngân hàng lớn như Citigroup và Wells Fargo cũng đang cố gắng tham gia vào thị trường này.

Starbucks thông báo cắt giảm khoảng 1.100 việc làm và đơn giản hóa thực đơn nhằm giảm chi phí và thúc đẩy doanh số đang suy giảm. Các nhân viên văn phòng của chuỗi cà phê — một nhóm nhỏ trong tổng số 360.000 nhân viên toàn cầu — được yêu cầu làm việc từ xa trước khi các quyết định sa thải được thực hiện. Thông báo này không ảnh hưởng đến nhân viên làm việc tại các quán cà phê.

Con số trong ngày: 71 tỷ bảng, là thặng dư thương mại của Anh với Mỹ, theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia. Anh

TIÊU ĐIỂM

Toà châu Âu xem xét kế hoạch của Ý về người nhập cư

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sẽ đưa ra phán quyết vào thứ Ba về một vụ kiện có thể có tác động lớn đến chính phủ bảo thủ của Giorgia Meloni tại Ý. Trọng tâm của vụ kiện là một chính sách nhập cư quan trọng của Ý: xử lý đơn xin tị nạn tại Albania. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Anh Keir Starmer đều bày tỏ quan tâm đến việc áp dụng một kế hoạch tương tự. Nhưng các thẩm phán Ý đã nhiều lần ra lệnh cho chính quyền đưa người di cư trở lại Ý, khiến hai trung tâm do Ý tài trợ tại Albania — xây dựng với chi phí hàng chục triệu euro — bị bỏ trống và không được sử dụng.

Các tòa án Ý dựa trên một phán quyết của ECJ vào năm ngoái, trong đó tuyên bố đơn xin tị nạn không thể được xử lý nhanh nếu quốc gia xuất xứ của người tị nạn không hoàn toàn an toàn. Chính phủ Ý đã sửa đổi danh sách các quốc gia “an toàn” của mình, trong đó gây tranh cãi khi đưa vào Ai Cập và Bangladesh. ECJ hiện phải làm rõ các tiêu chí xác định mức độ an toàn — và liệu Ý có quyền tự quyết về vấn đề này hay không.

Khủng hoảng chính trị ở Quần đảo Cook

Thủ tướng Quần đảo Cook, Mark Brown, đang đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm từ thứ Ba, sau khi ông ký một loạt thỏa thuận — bao gồm một hiệp định kinh tế gây tranh cãi — với Trung Quốc. Hôm thứ Bảy, chính phủ của ông công khai một bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải, trong đó nêu chi tiết các kế hoạch đầu tư của Trung Quốc vào xây dựng cảng và khai khoáng biển sâu — một ngành mà ông Brown mong muốn phát triển, nhưng bị nhiều quốc gia Thái Bình Dương khác phản đối do lo ngại tác động môi trường.

Thỏa thuận này đã làm căng thẳng quan hệ với New Zealand, quốc gia có quan hệ hiến pháp chặt chẽ với Quần đảo Cook (một thỏa thuận “liên kết tự do” giúp người dân Quần đảo Cook có hộ chiếu New Zealand và yêu cầu hai nước tham vấn về quốc phòng). Chính phủ bảo thủ của New Zealand cho rằng ông Brown đã quá bí mật và cần “thiết lập lại” quan hệ đối tác giữa hai nước. Nhiều người dân Quần đảo Cook dường như đồng tình với những lo ngại này. Tuần trước, hàng trăm người đã biểu tình phản đối chính sách đối ngoại của ông Brown tại Rarotonga, hòn đảo lớn nhất đất nước. Dù vậy ông khẳng định có đủ ủng hộ để vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và dường như vẫn cam kết hợp tác với Trung Quốc.

Liệu Hàn Quốc có giảm lãi suất?

Khi uỷ ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) họp vào ngày 16 tháng 1, họ đã đi ngược lại kỳ vọng. Mặc dù nhu cầu trong nước yếu, nợ hộ gia đình cao, và đồng won suy yếu, BoK vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3%. Các thành viên hội đồng lo ngại về bất ổn chính trị. Hàn Quốc vẫn chưa ổn định sau cuộc đảo chính của Yoon Suk Yeol hồi tháng 12 và vẫn còn đó một khoảng trống lãnh đạo. Và khi ấy, Donald Trump chỉ còn vài ngày nữa là quay lại nắm quyền.

Ngay sau ngày 16 tháng 1, ngân hàng trung ương bất ngờ hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 từ 1,9% xuống còn từ 1,6% đến 1,7%. Hàn Quốc vẫn đang chao đảo về mặt chính trị và đã yêu cầu ông Trump miễn một số loại thuế quan. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào thứ Ba nhằm kích thích tăng trưởng. Thống đốc Rhee Chang-yong cũng đã kêu gọi kích thích tài khóa. Nhưng điều đó đòi hỏi hành động chính trị — điều mà chính quyền Hàn Quốc đang chia rẽ khó có thể thực hiện.

Cần thêm tiền để bảo vệ đa dạng sinh học

Mọi con đường đều dẫn về Rome — ít nhất là đối với các nhà đàm phán về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc. Sau khi các cuộc đàm phán tại hội nghị đa dạng sinh học của LHQ ở Colombia hồi tháng 11 sụp đổ, các đại biểu sẽ tập trung lại tại thủ đô nước Ý vào thứ Ba để tham gia ba ngày đàm phán.

Vấn đề chính là cách hoạt động của một quỹ bảo vệ thiên nhiên toàn cầu. Năm 2022, các nước đã cam kết khôi phục hệ sinh thái và mở rộng mạnh mẽ các nỗ lực bảo tồn vào năm 2030 — cũng như thành lập một quỹ hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ các mục tiêu này. Nhưng đến nay rất ít tiền đã được huy động, và các đại biểu đã không thể thống nhất về cơ chế tài trợ hiệu quả hơn tại cuộc họp trước.

Trông chờ vào tài chính tư nhân — giống như trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải — dường như là điều không thực tế. Tháng trước, Viện Tài chính Quốc tế đã bác bỏ các đề xuất hiện có, cảnh báo rằng khu vực tư nhân không thể “dẫn dắt” tiến trình bảo vệ đa dạng sinh học nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính phủ và các ưu đãi lợi nhuận rõ ràng. Đây chính là thách thức mà các nhà đàm phán ở thành phố vĩnh hằng sẽ phải đối mặt.