Thế giới hôm nay: 03/04/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Donald Trump công bố thuế “đối ứng” lên hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Mỹ, cùng với mức thuế cơ bản tối thiểu 10%. Ông tuyên bố sẽ áp thuế 34% với Trung Quốc, 20% với Liên minh châu Âu, 24% với Nhật Bản, và nhiều nước khác. Những mức thuế này, bao gồm cả thuế cơ bản, được áp dụng bổ sung vào mức thuế 25% lên ô tô nhập khẩu, vốn sẽ có hiệu lực từ nửa đêm theo giờ địa phương.

Chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố ngừng bắn tạm thời ngay lập tức với các nhóm phiến quân để hỗ trợ công tác cứu trợ sau trận động đất tuần trước. Liên minh các nhóm nổi dậy đã kêu gọi ngừng bắn ngay sau thảm họa, nhưng các tướng lĩnh cầm quyền vẫn tiếp tục không kích, khiến cộng đồng quốc tế bất bình. Giới chức cho biết lệnh tạm dừng sẽ kéo dài đến ngày 22 tháng 4.

Tesla giao chưa tới 337.000 xe trong quý đầu năm 2025, thấp hơn nhiều so với gần 387.000 xe của cùng kỳ năm ngoái. Công ty Trung Quốc BYD gần đây đã vượt qua hãng xe của Elon Musk để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới tính theo doanh số. Người tiêu dùng đã kêu gọi tẩy chay Tesla do ông Musk công khai ủng hộ Donald Trump; trong khi cạnh tranh từ các hãng xe lâu đời và các công ty Trung Quốc cũng ngày càng gay gắt.

Quốc hội Nam Phi đã thông qua khung ngân sách mà không có sự ủng hộ của đảng lớn thứ hai. Liên minh Dân chủ, đối tác liên minh chính của Đại hội Dân tộc Phi (ANC), phản đối việc tăng thuế giá trị gia tăng. Các đảng nhỏ đã giúp ANC thông qua ngân sách với tỷ lệ phiếu 194–182. Liên minh Dân chủ, hiện nắm 22% số ghế so với 40% của ANC, bày tỏ lo ngại về tình hình tài chính công và tăng trưởng trì trệ.

Thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen, đã đến Greenland giữa lúc Donald Trump ngày càng leo thang lời kêu gọi chiếm hòn đảo này. Bà Frederiksen sẽ gặp thủ tướng mới của vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch. Bà cho biết muốn tăng cường quan hệ giữa chính phủ Copenhagen và Greenland, đồng thời nhấn mạnh “áp lực rất lớn” đang đè nặng lên hòn đảo. Tuần trước, phó tổng thống Mỹ J.D. Vance cũng đã có chuyến thăm Greenland.

Congo hủy bỏ án tử hình đối với ba công dân Mỹ bị cáo buộc âm mưu đảo chính tại quốc gia châu Phi này vào năm ngoái. Một tòa án quân sự kết án ba người này cùng với 34 người khác từ tháng 9. Song tổng thống Félix Tshisekedi đã giảm án cho ba người Mỹ xuống thành tù chung thân. Đặc phái viên của ông Trump về châu Phi, Massad Boulos, dự kiến sẽ thăm Congo trong tuần này.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc các nhân vật đối lập âm mưu “đảo chính kinh tế” sau khi họ kêu gọi người dân tẩy chay mua sắm trong một ngày. Đây là hành động phản đối mới nhất sau vụ bắt giữ thị trưởng Istanbul Ekram Imamoglu, đối thủ chính trị của tổng thống Recep Tayyip Erdogan, vào tháng trước. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt hơn 2.000 người kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra.

Con số trong ngày: 29%, là tỷ lệ cử tri Cộng hòa ở Mỹ coi Liên minh châu Âu là “không thân thiện” hoặc “là kẻ thù”, theo khảo sát của YouGov.

TIÊU ĐIỂM

Thuế đối ứng mới của Trump làm chấn động thế giới

Tổng thống Donald Trump công bố bước leo thang lớn nhất từ trước đến nay trong cuộc chiến thương mại của mình. Ông áp dụng mức thuế tối thiểu 10% cùng với các loại thuế “đối ứng” — lên đến 49% trong trường hợp của Campuchia — cho hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Mỹ. Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đã chuẩn bị cho kịch bản này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đe dọa sẽ đáp trả bằng cách nhắm vào ngành dịch vụ của Mỹ. (Ông Trump áp thuế 20% lên hàng hóa từ EU.) Còn Nhật Bản, phải đối mặt với mức thuế 24%, đã cảnh báo “mọi lựa chọn đều đang được cân nhắc.”

Mexico là nước gặp thách thức nan giải nhất. Tổng thống Mexico, Claudia Sheinbaum, đã bác bỏ việc trả đũa tương xứng, nhưng vào thứ Năm bà sẽ công bố một kế hoạch “toàn diện.” Hơn 80% hàng xuất khẩu của nước này là vào Mỹ, khiến nền kinh tế Mexico đặc biệt dễ tổn thương. Vì lý do đó, bà coi việc leo thang thuế quan là mối đe dọa nghiêm trọng, nhất là khi kinh tế hai nước đã gắn kết sâu sắc. Bằng sự khéo léo trong ngoại giao, bà Sheinbaum đã hai lần thuyết phục được ông Trump hoãn một tháng đối với mức thuế 25%. Giờ đây bà sẽ cần đến toàn bộ bản lĩnh của mình.

Rubio tìm cách xoa dịu các nước NATO khác

Nêu bỏ qua cho ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nếu ông cảm thấy lo lắng về phản ứng mà mình sẽ nhận được tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO ở Brussels vào thứ Năm. Đồng cấp Đan Mạch của ông có thể sẽ phàn nàn gay gắt về tham vọng của Donald Trump đối với Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch; trong khi phái đoàn Canada có thể bày tỏ phẫn nộ trước gợi ý của tổng thống Mỹ về việc biến nước họ thành “tiểu bang thứ 51” của Mỹ. Những nước khác chỉ mong nghe được lời cam kết gắn bó của Mỹ với liên minh.

Chắc chắn ông Rubio sẽ lặp lại thông điệp quen thuộc rằng châu Âu cần làm nhiều hơn để bảo vệ chính mình và hỗ trợ Ukraine. Nhưng ông cũng có thể hé lộ phần nào về khả năng người Mỹ hỗ trợ một lực lượng “bảo an châu Âu” tại Ukraine, nếu có tiến triển trong đàm phán ngừng bắn với Nga. Dù vậy, đồng minh NATO sẽ không mấy lạc quan. Rubio được xem là người thân thiện với NATO nhất trong ê-kíp của ông Trump, trong khi những người khác không mấy quan tâm đến việc trấn an các đồng minh này.

OPEC+ cuối cùng cũng bắt đầu tăng sản lượng dầu

Vào thứ Năm, OPEC+ sẽ họp để quyết định hạn ngạch sản lượng cho tháng 5. Tuần này, các nước xuất khẩu dầu đã bắt đầu đảo ngược các đợt cắt giảm sản lượng hàng triệu thùng mỗi ngày được thực hiện từ năm 2022. Cuộc họp nhiều khả năng sẽ xác nhận xu hướng tăng sản lượng. Các thành viên muốn tăng sản lượng từ lâu nhưng lo ngại về tăng trưởng toàn cầu yếu và việc nguồn cung gia tăng từ các nước ngoài OPEC+ đã giữ giá dầu dưới mốc 80 USD/thùng.

Những lo ngại này vẫn tồn tại, đặc biệt là khi thuế quan của Donald Trump có thể giáng đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Song các thành viên của khối đã bắt đầu mất kiên nhẫn. Họ có thể hưởng lợi từ việc Mỹ hạn chế xuất khẩu dầu của Iran, Venezuela, và có thể cả Nga – trên thực tế giá dầu đã nhích lên sau khi ông Trump dọa áp thuế “thứ cấp” lên các nước mua dầu Nga nếu Vladimir Putin không đồng ý ngừng bắn tại Ukraine. Tuy nhiên, điều này không phải là tin vui với toàn bộ OPEC+: sau Ả Rập Saudi, Nga là nhà xuất khẩu lớn thứ hai trong nhóm.

Châu Âu ve vãn Trung Á

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Liên minh châu Âu và năm nước Trung Á sẽ khai mạc vào thứ Năm tại Samarkand, Uzbekistan. Cuộc chiến tại Ukraine đã nâng tầm địa chiến lược của khu vực giàu tài nguyên này, nơi tiếp giáp với Afghanistan, Trung Quốc, Iran, và Nga. Các quốc gia phương Tây và nhiều nước khác đang tìm cách thiết lập tuyến thương mại không phụ thuộc vào Nga, cũng như tiếp cận khoáng sản đất hiếm và nguồn năng lượng tại đây.

Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan đều là các đồng minh lâu năm của Nga, vì từng là thuộc địa. Kremlin xem đây là khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng truyền thống của họ. Nhưng hành động gây hấn của Nga ở Ukraine đã làm các đồng minh Trung Á lo lắng. Dù không lên án cuộc xâm lược, họ cũng không công khai ủng hộ và đang tìm kiếm thêm đối tác thương mại. Các chính trị gia châu Âu, trong đó có chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, có thể sẽ được đón tiếp bằng thảm đỏ tại Samarkand, khi các lãnh đạo Trung Á nhìn thấy cơ hội để cân bằng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.