Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Các ngân hàng Mỹ tiếp tục báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ, khi biến động do thuế quan gây ra vẫn chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận. Bank of America vượt dự báo quý I, được hỗ trợ bởi kỷ lục giao dịch cổ phiếu, với lợi nhuận tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên 7,4 tỷ USD. Citigroup báo cáo doanh thu giao dịch tăng 23%, trong khi Goldman Sachs và JPMorgan Chase cũng hưởng lợi từ thị trường biến động. Tuy nhiên, thuế quan đang phủ bóng triển vọng: phí từ hoạt động mua bán & sáp nhập (M&A) giảm 3% tại Bank of America.
Donald Trump gợi ý rằng Đại học Harvard có thể mất quy chế miễn thuế sau khi trường này trở thành cơ sở Ivy League đầu tiên bác bỏ các thay đổi chính sách mà chính quyền ông yêu cầu. Harvard cho biết các yêu cầu đó — bao gồm việc truy lùng sinh viên có tư tưởng bài Do Thái — là nhằm “kiểm soát” cộng đồng của trường và xâm phạm tính độc lập của họ. Trước đó, chính quyền Trump cho biết sẽ đóng băng 2,2 tỷ USD tiền quỹ liên bang dành cho Harvard.
Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã ra lệnh cho các hãng hàng không dừng tiếp nhận máy bay Boeing và mua linh kiện máy bay để trả đũa các mức thuế của Donald Trump. Động thái này khiến khoảng mười chiếc 737 Max bị mắc kẹt và làm suy yếu thêm vị thế của Boeing tại Trung Quốc, nơi phần lớn đơn hàng hiện nay thuộc về đối thủ châu Âu là Airbus. Trước đó, Ryanair và Delta Airlines cảnh báo có thể trì hoãn đơn hàng nếu thuế quan làm tăng chi phí.
Mỹ đã chặn một tuyên bố chung của G7 lên án vụ tấn công chết người nhất của Nga vào Ukraine trong năm nay, với lý do không muốn làm chệch hướng các cuộc đàm phán hòa bình. Không quân Ukraine cho biết Nga tiếp tục không kích thành phố Sumy hôm thứ Ba. Cuộc tấn công trước đó hôm Chủ nhật đã giết chết 35 người. Sau đó Nga thừa nhận trách nhiệm, mâu thuẫn với nhận định trước đó của ông Trump rằng vụ tấn công tên lửa là “một sai sót.”
Ollanta Humala, tổng thống Peru giai đoạn 2011–2016, đã bị kết án 15 năm tù vì rửa tiền. Ông bị cáo buộc nhận tiền từ Odebrecht, tập đoàn xây dựng Brazil từng một thời lừng lẫy, để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử tổng thống. Cuộc điều tra về ông Humala bắt đầu từ năm 2016, khi người ta phát hiện Odebrecht đã chi 800 triệu USD tiền hối lộ trên ba châu lục — một trong những bê bối tham nhũng lớn nhất tại Mỹ Latinh.
Bộ trưởng tư pháp Pháp Gérald Darmanin cam kết sẽ có “phản ứng cứng rắn và can đảm” sau các vụ tấn công vào nhà tù trên khắp đất nước. Những kẻ tấn công đã bắn súng tự động vào một nhà tù ở thành phố Toulon, miền nam nước Pháp, và đốt xe bên ngoài các trại giam khác. Ông Darmanin cho rằng các cuộc tấn công nhằm đáp trả chiến dịch trấn áp buôn lậu ma túy và kế hoạch siết chặt an ninh nhà tù, trong bối cảnh lượng cocaine nhập lậu đạt mức kỷ lục.
Bốn người ở Kenya đã nhận tội buôn lậu kiến quý ra khỏi đất nước, trong một vụ việc mà Cơ quan Bảo tồn Động vật Hoang dã Kenya (KWS) gọi là “mang tính bước ngoặt.” Theo Reuters, những người này—gồm công dân Bỉ, Kenya và Việt Nam—bị bắt giữ với hơn 5.000 con kiến thu hoạch châu Phi khổng lồ, được đóng gói trong các ống nghiệm và ống tiêm đặc biệt. KWS cho biết vụ việc phản ánh “sự chuyển dịch trong xu hướng buôn lậu.”
Con số trong ngày: 3.500 USD, là giá tiềm năng của một chiếc iPhone nếu Apple chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất về Mỹ.
TIÊU ĐIỂM
Với thuế quan mới, liệu Trung Quốc có ổn?
Thuế quan tạo ra rào cản đối với thương mại. Song các mức thuế trong tương lai có thể thúc đẩy mua bán tại thời điểm hiện tại, khi người mua vội vàng đặt hàng trước khi thuế có hiệu lực. Điều đó lý giải vì sao xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,4% tính theo đô la trong tháng 3, trước khi Donald Trump công bố các mức thuế “đáp trả” vào ngày 2 tháng 4.
Những gì xảy ra sau đó đã xuất hiện rõ ràng trong dữ liệu tần suất cao: số lượng đặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ giảm 64% trong tuần kết thúc ngày 8 tháng 4 so với tuần trước, theo công ty theo dõi container Vizion. Trung Quốc đang hy vọng chi tiêu trong nước có thể bù đắp khoảng trống này. Dữ liệu chính thức được công bố vào thứ Tư có thể cho thấy GDP quý I tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ có thể cũng đã cải thiện trong tháng 3. Song vẫn còn lo ngại về thị trường bất động sản, nơi đà phục hồi vừa chớm nở có thể đang chững lại. Thuế quan không có lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu, trong khi tâm lý bất ổn do cuộc chiến thuế quan gây ra cũng có thể gây hại cho bất động sản.
Ngành sản xuất chip đối mặt với thời kỳ khó khăn
Có hai gã khổng lồ bán dẫn sẽ công bố lợi nhuận trong tuần này: ASML của Hà Lan vào thứ Tư và TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, vào thứ Năm. Hiện tại doanh số bán hàng vẫn mạnh. Nhu cầu cho chip trí tuệ nhân tạo (AI) đang tăng vọt; vì lo sợ cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Mỹ có thể đẩy giá lên, người mua đang gấp rút tích trữ. Doanh thu quý I của TSMC tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc tăng trưởng này có thể tiếp tục hay không sẽ phụ thuộc vào việc làn sóng AI kéo dài bao lâu — và mức độ leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ.
Cho đến nay, ngành này đã tránh được những tác động tồi tệ nhất. Thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc hiện vẫn chưa bao gồm chip bán dẫn. Trung Quốc đã áp thuế trả đũa lên một số chip do Mỹ sản xuất, nhưng tác động là hạn chế vì chỉ khoảng 3% trong tổng số 386 tỷ USD nhập khẩu chip của Trung Quốc đến trực tiếp từ Mỹ, theo ngân hàng Bernstein. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu là mối lo lớn hơn. Từ năm 2022, Mỹ đã cấm bán các loại chip tiên tiến và công cụ sản xuất cho Trung Quốc. Việc siết chặt hơn nữa có thể sẽ xảy ra.
Thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục phát triển
Hệ thống thương mại toàn cầu hiếm khi nào mong manh như hiện nay. Nhưng bất chấp sự bất ổn, người ta vẫn buôn bán. Hồi tháng 3, Liên Hợp Quốc ước tính thương mại toàn cầu đạt mức kỷ lục 33 nghìn tỷ USD trong năm 2024, tăng 3,7% so với năm trước. Thương mại dịch vụ tăng 9%. Vào thứ Tư, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ công bố báo cáo Triển vọng Thương mại Toàn cầu hàng năm, xem xét dữ liệu mới nhất và đưa ra dự báo cho năm 2025 và 2026.
Trong hai mươi năm qua, thương mại đã đi qua các cuộc khủng hoảng tài chính, đại dịch, chiến tranh ở châu Âu, và xu hướng bảo hộ gia tăng. Động lực thúc đẩy thương mại vẫn còn: người tiêu dùng muốn hàng hóa rẻ, còn các công ty muốn mở rộng quy mô toàn cầu. Từ năm 2016 đến 2023, thương mại hàng hóa và dịch vụ đã tăng trung bình gần 6% mỗi năm.
Các quốc gia cũng đang thích ứng với xung đột địa chính trị. Nhiều nước đang ký kết các hiệp định song phương mà không cần đến Mỹ, quốc gia đang mất dần vai trò trong hệ thống thương mại toàn cầu. Hiện nay Mỹ chỉ chiếm 13% tổng nhập khẩu hàng hóa toàn cầu. Và thương mại dịch vụ —mảng tăng trưởng nhanh nhất hiện nay — ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan hơn. Hệ thống thương mại không sụp đổ. Nó đang tự điều chỉnh.
Bộ trưởng Y tế Mỹ gieo rắc nghi ngờ về vắc-xin
Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) sẽ kết thúc một cuộc họp vào thứ Tư. Ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 2, cuộc họp này đã bị chính quyền Trump hoãn lại để có thêm thời gian lắng nghe ý kiến công chúng. Với trách nhiệm tư vấn về việc sử dụng vắc-xin tại Mỹ, uỷ ban đang họp lại trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự can thiệp chính trị từ chủ tịch mới — Robert F. Kennedy Jr., vị bộ trưởng y tế có tư tưởng hoài nghi vắc-xin.
ACIP là một nhóm độc lập các nhà khoa học với nhiệm vụ xác định ai nên tiêm vắc-xin nào và bao lâu. Tuần này, ủy ban đang xem xét các hướng dẫn liên quan đến HPV, covid-19, cúm, RSV, và chikungunya. Họ cũng sẽ cập nhật về đợt bùng phát sởi đã khiến ba người thiệt mạng. Có sự lo ngại về quan điểm mập mờ của ông Kennedy đối với vắc-xin sởi, vốn có thể bị ảnh hưởng bởi niềm tin sai lệch lâu nay của ông là vắc-xin gây tự kỷ. Các chuyên gia cảnh báo ngay cả những thay đổi nhỏ trong khuyến nghị của ACIP cũng có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng vào tiêm chủng — và dẫn đến nhiều cái chết có thể phòng ngừa được hơn.