Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Volodymyr Zelensky nói Nga đang cố gắng tạo ra “hình ảnh chung chung” về một lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục Sinh nhưng vẫn tiếp tục tấn công Ukraine. Ông cáo buộc Vladimir Putin không thực hiện “bước đi thực sự” nào để chấm dứt chiến tranh. Ukraine đã phát hiện khoảng 60 cuộc pháo kích chỉ trong sáng Chủ Nhật. Ông Zelensky cho biết quân đội Ukraine sẽ tiếp tục đáp trả các cuộc tấn công của Nga một cách “đối xứng”.
Israel cho biết hôm Chủ Nhật rằng vụ giết 15 nhân viên cứu trợ ở Gaza vào ngày 23 tháng 3 là do một “sai sót trong tác chiến.” Kết luận này đến từ một cuộc điều tra do Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thực hiện. IDF đã cách chức phó chỉ huy tiểu đoàn chịu trách nhiệm về vụ việc. Hôm thứ Bảy, Binyamin Netanyahu cho biết Israel “không còn lựa chọn nào khác” ngoài việc tiếp tục chiến đấu ở Gaza.
Một nhánh của al-Qaeda tuyên bố đã giết 70 binh sĩ trong một cuộc tấn công vào hai tiền đồn quân sự ở miền bắc Benin. Tin này chưa được xác minh độc lập. Các nhóm liên kết với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo gần đây đã thực hiện nhiều vụ tấn công ở Benin và nước láng giềng Togo. Các phần tử thánh chiến trong khu vực gần đây đang mạnh lên.
Giáo hoàng Francis đã gặp J.D. Vance, phó tổng thống Mỹ, trong một cuộc trò chuyện “ngắn” tại Vatican. Giáo hoàng từng chỉ trích các chính sách nhập cư của chính quyền Trump. Trước đó trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Giáo hoàng đã chào mừng các tín hữu từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Ông được xuất viện từ tháng trước sau điều trị viêm phổi.
Thẩm phán Samuel Alito phản đối quyết định của Tòa án Tối cao chặn chính quyền Trump trục xuất những người gốc Venezuela bị giam giữ ở Texas. Ông gọi phán quyết này là “chưa từng có và không thoả đáng về mặt pháp lý.” Lệnh tạm dừng được toà đưa ra sau kháng cáo của các luật sư từ Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU). Donald Trump viện dẫn một đạo luật từ năm 1798 để trục xuất các nghi phạm bị cho là thành viên băng đảng.
Trong khi đó, hàng nghìn người đã xuống đường tại các thành phố trên khắp nước Mỹ để biểu tình phản đối các chính sách của ông Trump. Hơn 400 cuộc biểu tình, chủ yếu do một nhóm có tên 50501 tổ chức, đã diễn ra trong cuối tuần. Những cuộc biểu tình chống Trump tương tự từng được tổ chức vào hôm 5 tháng 4. Nhóm 50501 tự mô tả mình là một “phong trào cơ sở ôn hòa, ủng hộ dân chủ, bảo vệ hiến pháp, và chống nạn lạm quyền của nhánh hành pháp.”
Harvard cho biết họ xem xét một cách nghiêm túc lá thư từ chính phủ yêu cầu giám sát các hoạt động của trường, bất chấp tin từ New York Times cho thấy lá thư này có thể đã bị gửi nhầm. Lá thư, có chữ ký của các quan chức liên bang, đã đặt chính phủ và Harvard vào thế đối đầu. Chính phủ đã đóng băng khoản tài trợ nghiên cứu trị giá 2,2 tỷ USD, đặt câu hỏi về tình trạng miễn thuế của Harvard, và đe dọa tước quyền nhận sinh viên nước ngoài. Song trường này tuyên bố sẽ không “từ bỏ” quyền tự chủ của mình.
Con số trong ngày: có tới 17.000 tấn rác bị bỏ bê bên lề đường ở Birmingham, Anh, sau một cuộc đình công của công nhân thu gom rác.
TIÊU ĐIỂM
Chính sách tiền tệ của Trung Quốc liệu có thay đổi trong thương chiến?
“The Fix” là một bộ phim khoa học viễn tưởng gần đây nói về một loại thuốc có thể thay đổi cả thế giới. Nó cũng là tên gọi không chính thức của tỷ giá hối đoái chuẩn của đồng nhân dân tệ, được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thiết lập hàng ngày để làm mốc cho giao dịch tiền tệ. Sau khi Mỹ áp đặt thuế quan cao lên Trung Quốc trong tháng này, “the fix” đã thu hút sự chú ý lớn. Các nhà đầu tư đang tự hỏi liệu Trung Quốc có cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá nhanh để hỗ trợ xuất khẩu hay không.
Fix không phải là công cụ duy nhất trong tay ngân hàng trung ương. Họ cũng có thể cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nhu cầu. Vào thứ Hai, Trung Quốc sẽ công bố Lãi suất Cho vay Cơ bản (Loan Prime Rate), một điểm tham chiếu cho các khoản vay thế chấp. Dự kiến lãi suất này sẽ không giảm cho đến khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất chính sách. Song trong quá khứ, LPR từng đi trước một bước. Nới lỏng tiền tệ có thể thúc đẩy vay mượn và chi tiêu, nhưng cũng có thể làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc. Như đoạn giới thiệu phim The Fix đã nói: “mỗi loại thuốc đều có cái giá của nó.”
Ngân hàng Thế giới tự quảng bá mình với Donald Trump
Với tư cách một ông trùm bất động sản, Donald Trump từng có mối quan hệ phức tạp với các ngân hàng. Giờ đây trên cương vị tổng thống Mỹ, ông đang lãnh đạo cổ đông lớn nhất của một ngân hàng rất quan trọng: Ngân hàng Thế giới. Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương sẽ họp tại Washington vào thứ Hai cho kỳ họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mà Mỹ cũng là cổ đông lớn nhất.
Bộ trưởng tài chính Scott Bessent dự kiến sẽ phát biểu, lần đầu tiên trình bày quan điểm của chính quyền Trump về các tổ chức này. Chính quyền ông đã cắt giảm mạnh USAID, vốn từng là phần đóng góp lớn của Mỹ cho phát triển toàn cầu. Giám đốc Ngân hàng Thế giới, Ajay Banga, đã chuyển trọng tâm từ các chương trình khí hậu sang tạo việc làm và khu vực tư nhân. Ông hy vọng sẽ thuyết phục được ông Trump rằng ngân hàng này là một khoản đầu tư thông minh. Joe Biden từng cam kết đóng góp 4 tỷ USD trong ba năm tới trong đợt kêu gọi tài trợ gần nhất của Ngân hàng Thế giới. Số tiền này sẽ được phân phối cho các nước nghèo dưới dạng các khoản vay giá rẻ. Chính quyền Trump có thể thực hiện cam kết đó — hoặc sửa đổi nó.
Thái Lan lấy lòng Trump
Các lãnh đạo châu Á đang thử nhiều cách khác nhau để đối phó với cuộc chiến thương mại của Donald Trump. Trung Quốc thì trả đũa. Nhưng Đông Nam Á — nơi đang phải chịu một số mức thuế cao nhất của ông Trump — đang tìm cách xoa dịu ông. Việt Nam đã đề nghị mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ và cắt giảm thuế nhập khẩu về mức 0%. Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia), sẽ là nước đàm phán tiếp theo. Xuất khẩu của họ đang đối mặt với thuế suất 36%. Bộ trưởng tài chính và thương mại Thái Lan sẽ gặp các quan chức Mỹ vào thứ Hai.
Các quan chức Thái Lan hứa sẽ tăng nhập khẩu từ Mỹ và cố gắng cân bằng thương mại trong vòng mười năm. Họ cũng cam kết sẽ không để các nước khác dùng Thái Lan để né thuế. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan. Và nền kinh tế Thái Lan vốn đã gặp khó khăn ngay cả trước khi có thông báo về thuế quan, với tăng trưởng yếu và các ngành xuất khẩu bị chi phối bởi các công ty truyền thống cũ kỹ. Các nhà đàm phán Thái Lan hy vọng ông Trump sẽ hài lòng với món quà mới nhất của họ: cắt thuế nhập khẩu đối với bắp Mỹ.
Trump loại bỏ trứng nhựa
Sự kiện Cuộn Trứng Phục Sinh tại Nhà Trắng — một truyền thống từ những năm 1870 — sẽ diễn ra vào thứ Hai. Kế hoạch cho sự kiện đã bị xáo trộn vì câu hỏi liệu có nên dùng trứng thật trong bối cảnh thiếu hụt trứng trên toàn quốc. Các hoạt động — bao gồm săn trứng, trang trí trứng, và cuộc đua cuộn trứng nổi tiếng — sẽ cần tới 30.000 quả trứng. “Người ta nói tôi là trong Phục Sinh này, ‘Đừng dùng trứng. Dùng trứng nhựa được không?’ Nhưng tôi nói chúng ta không muốn làm vậy,” Donald Trump cho biết hồi đầu tháng.
Không rõ ai đã yêu cầu ông Trump sử dụng trứng nhựa, nhưng tổng thống đã nhận được ủng hộ từ Emily Metz, chủ tịch Ủy ban Trứng Mỹ. “Tiếp tục tổ chức sự kiện Cuộn Trứng Phục Sinh tại Nhà Trắng sẽ không tạo thêm áp lực lên nguồn cung hoặc giá trứng quốc gia,” bà nói. Bà chỉ ra rằng mỗi ngày nước Mỹ bán gần 9 triệu quả trứng.