Sáp nhập tỉnh thành: Cuộc cách mạng mới của Việt Nam

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 12 tháng 4 năm 2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong bức tranh hành chính của Việt Nam khi thông qua một kế hoạch toàn diện nhằm giảm số lượng tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương từ 63 xuống còn 34 thông qua sáp nhập. Ban Chấp hành cũng bật đèn xanh cho việc bãi bỏ chính quyền cấp huyện để thiết lập hệ thống chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm cấp  tỉnh và cấp xã. Số lượng các xã, hiện lớn hơn 10.000, sẽ được tinh gọn 60–70% . Việc tinh gọn này sẽ được áp dụng cho hệ thống ngành dọc của các cơ quan và thể chế nhà nước, bao gồm lực lượng quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát và các tổ chức quần chúng, khi các cơ quan cấp huyện của các ngành này sẽ bị xóa bỏ.

Việc sáp nhập tỉnh là một phần của “cuộc cách mạng tinh gọn” rộng lớn hơn dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Hồi tháng 2, Quốc hội đã thông qua nghị quyết hợp nhất một số bộ, cắt giảm số cơ quan cấp bộ từ 22 xuống còn 17. Việc tái cấu trúc tương tự đã được tiến hành nội bộ trong từng bộ ngành và các sở địa phương tương ứng.

Những cải cách này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đại tu bộ máy hành chính, tạo tiền đề cho một kỷ nguyên mang tính chuyển đổi trong quản trị và phát triển kinh tế. Chúng tạo nền tảng cho tầm nhìn lớn của Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm hiện đại hóa hệ thống kinh tế và chính trị – xã hội của Việt Nam, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập cao vào năm 2045. Mặc dù sáng kiến ​​này chủ yếu nhằm mục đích tăng cường quản trị hành chính công thay vì tập trung quyền lực vào tay ông Lâm, nhưng nó cũng tạo điều kiện để ông củng cố di sản của mình và có khả năng kéo dài nhiệm kỳ.

Có ba lý do chính thúc đẩy quá trình tái cấu trúc này. Đầu tiên, việc tinh giản bộ máy hành chính địa phương sẽ giảm bớt các điểm tiếp xúc, các lớp ra quyết định và các tuyến chỉ huy, qua đó cắt giảm thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả của toàn bộ bộ máy hành chính.

Thứ hai, việc tổ chức lại không gian phát triển của các tỉnh thành thúc đẩy sự tổng hợp nguồn lực kinh tế và hạn chế chủ nghĩa cục bộ địa phương. Sau khi sáp nhập, hầu hết các tỉnh mới sẽ có đường ra biển, cho phép phát triển kinh tế biển và cơ sở hạ tầng. Ví dụ, việc sáp nhập Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến ​​sẽ đưa thành phố này trở thành một trung tâm kinh tế lớn của Châu Á-Thái Bình Dương, tận dụng vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm thương mại và tài chính quốc gia, đi kèm cơ sở công nghiệp vững mạnh của Bình Dương và cơ sở hạ tầng dầu khí, hậu cần và du lịch biển mạnh mẽ của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thứ ba, các cải cách cũng nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, hiện đang phân bổ tới 70% cho các chi phí hành chính thường xuyên. Bộ Nội vụ dự kiến ​​sẽ tiết kiệm được ngân sách đáng kể và có kế hoạch chuyển hướng các khoản ngân sách này sang các dự án phát triển và phúc lợi xã hội, bao gồm miễn phí giáo dục công và hướng tới miễn viện phí cho toàn dân. Ngoài ra, các cải cách hệ thống công chức được khả thi hóa nhờ các khoản tiết kiệm này, chẳng hạn như điều chỉnh mức lương của khu vực công tương đương với mức lương của khu vực tư, nhằm giảm tham nhũng và thu hút nhân tài, cũng sẽ củng cố hơn nữa nền quản trị quốc gia.

Tuy nhiên, các cải cách cũng đối mặt với nhiều thách thức. Ví dụ, các cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra trên mạng về tên gọi của các tỉnh và nơi đặt trung tâm hành chính sau sáp nhập, có khả năng dẫn đến bất đồng nội bộ ngắn hạn trong một bộ phận dân cư tại các địa phương sắp mất tên. Việc ra quyết định và cấp phép cũng có thể bị gián đoạn khi các quan chức học cách thích nghi với cấu trúc hành chính mới, qua đó có thể tạm thời làm chậm các khoản đầu tư hoặc việc cung cấp dịch vụ công.

Tuy nhiên, thẩm quyền mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm đã đảm bảo việc thông qua các cải cách ở mức gần như nhất trí hoàn toàn, với rất ít sự phản kháng có thể nhìn thấy. Việc tái cấu trúc, dự kiến ​​hoàn thành vào tháng 9 năm 2025, cho phép có đủ thời gian để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào đầu năm 2026 và bầu cử Quốc hội sau đó. Với các mốc thời gian rõ ràng và sự chỉ đạo tập trung sát sao từ trung ương, bất kỳ sự gián đoạn nào, nếu có, cũng sẽ chỉ ​​là tạm thời.

Những cải cách này đại diện cho một cuộc cải tổ bộ máy hành chính tham vọng và có tác động sâu rộng nhất của Việt Nam kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1976, có khả năng định hình lại bối cảnh chính trị và kinh tế của đất nước trong nhiều thập niên tới. Quan sát các nền tảng truyền thông xã hội cho thấy sự ủng hộ của công chúng lớn hơn những lo ngại. Về mặt kinh tế, một bộ máy hành chính tinh gọn hơn hứa hẹn sẽ giảm bớt tình trạng quan liêu và tham nhũng, tăng cường khả năng phản ứng và thu hút đầu tư nước ngoài. Về lâu dài, hệ thống tinh gọn này dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam bằng cách thúc đẩy thực thi chính sách hiệu quả hơn, cũng như hình thành các cụm kinh tế khu vực.

Về mặt chính trị, các cải cách có thể sẽ dẫn đến việc tái cấu trúc thượng tầng lãnh đạo của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị mới, sẽ được bầu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, có thể sẽ thu hẹp do số lượng thành viên đại diện tỉnh thành ít hơn, qua đó tập trung ảnh hưởng vào Tổng Bí thư và các đồng minh của ông. Sự tập trung quyền lực này, một sản phẩm phụ của cuộc ‘cách mạng tinh gọn’ hơn là mục tiêu chính của nó, mang lại cơ hội cũng như rủi ro. Một mặt, nó đảm bảo sự ổn định chính trị để thúc đẩy phát triển và ứng phó với các bất ổn toàn cầu. Mặt khác, nó có nguy cơ gây mất ổn định về lâu dài nếu các lãnh đạo tương lai không có năng lực và tầm nhìn của ông Lâm, hoặc nếu họ lợi dụng sự tập trung quyền lực để phục vụ các mưu đồ cá nhân.

Thành công của cải cách phụ thuộc vào việc thực hiện và lòng tin của công chúng. Bằng cách ưu tiên tính hiệu quả, sự hiệp lực kinh tế và trách nhiệm ngân sách, các cải cách giải quyết tình trạng bộ máy quan liêu phình to lâu nay. Các kế hoạch về giáo dục và y tế miễn phí được người dân đồng tình, trong khi các nhà đầu tư dường như phớt lờ mối lo ngại về sự gián đoạn hành chính tiềm tàng khi đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đã tăng vọt 34,7% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2025. Tuy nhiên, chính phủ phải quản lý các bản sắc địa phương một cách nhạy cảm và đảm bảo bất kỳ sự gián đoạn nào cũng sẽ không làm xói mòn lòng tin. Vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và hướng đến hành động của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tạo ra động lực tiến về phía trước, nhưng để duy trì được động lực đó đòi hỏi sự gắn kết trong nội bộ đảng, thông tin minh bạch, cũng như các kết quả hữu hình.

Nhìn chung, việc sáp nhập tỉnh thành, tái cấu trúc chính quyền địa phương và cải cách bộ máy hành chính nói chung của Việt Nam đánh dấu một bước tiến táo bạo hướng tới hiện đại hóa. Chúng hứa hẹn mang lại một nhà nước tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, giúp giải phóng tiềm năng kinh tế và cải thiện mức sống của người dân. Mặc dù những thách thức như sự phản kháng của địa phương và sự gián đoạn tạm thời có thể xuất hiện, nhưng phạm vi đầy tham vọng của cải cách và sự ủng hộ của công chúng mang lại sự yên tâm. Về mặt chính trị, chúng có thể củng cố ảnh hưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm, mang lại sự ổn định cho hệ thống, nhưng đòi hỏi phải thận trọng để tránh tập trung quyền lực quá mức. Hiện tại, các cải cách này khơi dậy nhiều hy vọng hơn là lo ngại, có thể giúp Việt Nam định vị tốt hơn để đẩy nhanh quá trình phát triển, vươn lên bất chấp bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên chuyên trang bình luận Fulcrum, ngày 22/04/2025.