Thế giới hôm nay: 12/05/2025

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Donald Trump thúc giục tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, gặp người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, bất kể có lệnh ngừng bắn hay không. Đáp lại, ông Zelensky nói rằng ông “sẽ chờ Putin vào thứ Năm tại Thổ Nhĩ Kỳ,” nhưng cũng bày tỏ kỳ vọng về một lệnh ngừng bắn “toàn diện và lâu dài” bắt đầu từ thứ Hai. Trước đó, ông Putin đã phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn từ châu Âu và thay vào đó đề xuất các cuộc “đàm phán trực tiếp” với Ukraine.

Scott Bessent, bộ trưởng tài chính của ông Trump, ca ngợi “tiến triển đáng kể” trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi ông Trump áp đặt mức thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc, khiến nước này đáp trả bằng mức thuế 125%. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump ca ngợi đây là “một cuộc thiết lập lại hoàn toàn được thương lượng một cách thân thiện nhưng mang tính xây dựng.”

Ngoại trưởng Israel, Gideon Saar, cho biết nước này hoàn toàn ủng hộ kế hoạch của ông Trump nhằm đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza. Theo đề xuất, một quỹ tư nhân mới do chính phủ Mỹ hậu thuẫn sẽ thiết lập các điểm phân phát do các nhà thầu quân sự Mỹ bảo vệ và các nhân viên cứu trợ vận hành. Các quan chức Liên Hợp Quốc lo ngại điều này có thể gây nguy hiểm cho nhân viên của họ.

Ấn ĐộPakistan cáo buộc nhau “vi phạm” chỉ vài giờ sau khi đồng ý ngừng bắn. Có tin cho thấy pháo kích và tiếng nổ gần khu vực biên giới giữa hai nước, và hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Trước đó, ngoại trưởng Mỹ cho biết hai nước láng giềng Nam Á sẽ “bắt đầu đàm phán về một loạt vấn đề tại một địa điểm trung lập” (điều mà cả hai chưa xác nhận).

MỹIran đã hoàn thành vòng đàm phán mới nhất về chương trình hạt nhân của Iran. Một người phát ngôn Iran cho biết các cuộc đàm phán “khó khăn” nhưng “hữu ích.” Các nhà đàm phán Mỹ tỏ ra được khích lệ và cho biết hai bên sẽ tiếp tục gặp nhau. Steve Witkoff, đặc phái viên của Mỹ, cho biết một chương trình làm giàu uranium “sẽ không bao giờ được tồn tại trong lãnh thổ Iran nữa.”

Bộ trưởng nội vụ Anh công bố “một sự thay đổi căn bản” trong hệ thống nhập cư của nước này. Yvette Cooper hứa sẽ cắt giảm 50.000 thị thực cho lao động kỹ năng thấp trong năm nay. Một số ngành như xây dựng vẫn có thể tuyển dụng lao động từ nước ngoài trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng các ngành khác sẽ phải đào tạo lao động trong nước để thay thế.

Chính phủ lâm thời của Bangladesh đã cấm đảng cầm quyền trước đây là Awami League tham gia mọi hoạt động chính trị theo luật chống khủng bố. Awami League và lãnh đạo của đảng, Sheikh Hasina, đã bị lật đổ vào năm ngoái sau khi đàn áp dã man một cuộc nổi dậy lớn, khiến hàng trăm người biểu tình thiệt mạng. Đảng này gọi lệnh cấm là “bất hợp pháp.” Lệnh cấm sẽ được duy trì cho đến khi một tòa án hoàn tất điều tra.

Kosmos 482, một tàu vũ trụ của Liên Xô được phóng vào năm 1972, đã rơi xuống đâu đó trên Ấn Độ Dương. Tàu thăm dò nặng 500kg này được thiết kế để bay tới sao Kim nhưng đã bị mắc kẹt trong quỹ đạo Trái Đất. Những người yêu thích không gian hy vọng được theo dõi quá trình rơi của nó có thể sẽ thất vọng vì vị trí rơi vẫn chưa được xác định—dù với hơn 14.000 vệ tinh đang quay quanh Trái Đất, còn rất nhiều “rác không gian” khác cho họ theo dõi.

TIÊU ĐIỂM

Ả Rập Saudi đau đầu vì giá dầu

Saudi Aramco, công ty dầu mỏ quốc gia của Ả Rập Saudi, đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm. Như dự đoán, lợi nhuận đạt 26 tỷ USD — giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Aramco có thể đổ lỗi cho giá dầu thấp, một phần là vì các cuộc chiến thuế quan do Donald Trump phát động.

Song Aramco — nhà cung cấp khoảng 10% lượng dầu thô toàn cầu — cũng đang bị cản trở bởi chính các lãnh đạo chính trị của mình. Kể từ tháng trước, OPEC+ do Ả Rập Saudi dẫn đầu đã hai lần tăng sản lượng nhiều hơn dự kiến, góp phần khiến giá dầu giảm 15% kể từ đầu tháng 4.

Sau khi đã cắt giảm sản lượng khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày trong những năm gần đây, nhóm này dường như đang muốn giành lại thị phần. Nhưng Saudi cũng muốn trừng phạt các thành viên OPEC+ sản xuất vượt hạn ngạch, như Iraq và Kazakhstan. Ả Rập Saudi có khả năng chịu đựng giá dầu thấp tốt hơn, nhưng các nước vi phạm vẫn không có dấu hiệu tuân thủ. Giá dầu có thể sẽ còn phải giảm thêm nữa.

India và Pakistan xuống thang

Trong 18 ngày kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan liên tục leo thang. Hôm thứ Bảy, hai cường quốc hạt nhân đã không kích các căn cứ quân sự và thành phố nằm sâu trong lãnh thổ của nhau, vượt xa Kashmir. Nhưng ngay khi những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc đối đầu hạt nhân bắt đầu xuất hiện, Donald Trump bất ngờ viết trên mạng xã hội rằng hai bên đã đồng ý với một “LỆNH NGỪNG BẮN TOÀN DIỆN VÀ NGAY LẬP TỨC.” Cho đến nay, ngừng bắn dường như vẫn được duy trì dọc theo đường biên giới dài 3.000 km của hai nước, mặc dù vẫn có báo cáo về các vụ nổ ở Kashmir.

Vậy tiếp theo là gì? Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết cả hai bên đã cam kết “bắt đầu đàm phán về một loạt vấn đề tại một địa điểm trung lập.” Tuy vậy, cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều chưa xác nhận liệu đàm phán có thực sự diễn ra hay không, cũng như nội dung của chúng. Kết quả của bất kỳ cuộc đàm phán nào vẫn còn chưa rõ ràng. Và một câu hỏi lớn hơn vẫn tồn tại: hòa bình sẽ kéo dài bao lâu trước khi xung đột lại bùng phát? Nhưng hiện tại, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chiến thắng.

Đàm phán MỹIran có tiến triển

Các phái đoàn từ Mỹ và Iran đã gặp nhau vào Chủ Nhật trong vòng đàm phán hạt nhân thứ tư. Ba vòng trước đó đều kết thúc với những tuyên bố tích cực nhưng ít tiến triển cụ thể — và vòng này có vẻ cũng không khác. Iran cho biết các cuộc đàm phán “khó khăn nhưng hữu ích để hiểu rõ hơn quan điểm của nhau.” Phía Mỹ chỉ đơn giản cho biết họ mong chờ cuộc gặp tiếp theo.

Mỹ dường như vẫn chưa xác định rõ mục tiêu của mình trong các cuộc đàm phán. Tổng thống Donald Trump cho biết hôm thứ Tư rằng ông vẫn chưa quyết định liệu một thỏa thuận mới có nên cho phép Iran tiếp tục làm giàu uranium hay không — có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất trong các cuộc thương lượng. Khi được hỏi về việc làm giàu uranium tại một hội thảo cùng ngày, phó tổng thống J.D. Vance đưa ra quan điểm mập mờ ở cả hai phía.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi dự kiến sẽ đến thăm Ả Rập Saudi và Qatar vào thứ Bảy. Ông chọn thời điểm một cách không hề ngẫu nhiên: ông Trump sẽ đến thăm cả hai nước này cùng với UAE trong chuyến công du kéo dài bốn ngày vào tuần tới. Các quốc gia vùng Vịnh sẽ kêu gọi tổng thống Mỹ đạt được thỏa thuận với Iran; nếu không, khả năng chiến tranh là hoàn toàn có thể.