Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Donald Trump cho biết ông dự định sẽ nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần, sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý cắt giảm mạnh thuế quan trong 90 ngày. Thị trường chứng khoán tăng vọt vào thứ Hai, với chỉ số S&P 500 tăng hơn 3% và Nasdaq tăng 4%. Tuy vậy, ông Trump đe dọa mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại, cáo buộc Liên minh châu Âu tống tiền các công ty dược và nói rằng khối này “trên nhiều mặt còn xấu xa hơn Trung Quốc.”
Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng đã công bố sắc lệnh hành pháp nhằm giảm giá thuốc bằng cách buộc các công ty dược phải điều chỉnh giá bán theo mức mà họ áp dụng ở các nước khác. Nếu không tuân thủ trong vòng sáu tháng, Mỹ có thể áp đặt hạn chế nhập khẩu hoặc trần giá. Dù bị đe dọa, cổ phiếu của Merck, Pfizer, và Gilead vẫn tăng. Các nhà đầu tư nghi ngờ tính khả thi của sắc lệnh; vì những nỗ lực trước đây đều thất bại tại tòa án.
Tổng tham mưu trưởng của Ấn Độ và Pakistan đã tổ chức hội đàm sau khi một lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian được ký kết vào thứ Bảy, chấm dứt nhiều ngày giao tranh. Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, tuyên bố Ấn Độ đã “chứng minh được sự vượt trội của mình” trong khi người đồng cấp Pakistan gọi đây là một “chiến thắng lịch sử.” Hòa bình mong manh được duy trì vào thứ Hai, khi không có vụ pháo kích mới nào được ghi nhận. Ấn Độ đã mở cửa trở lại 32 sân bay và thị trường ở cả hai nước đều tăng điểm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị ông Trump tham dự các cuộc đàm phán hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này. Lời mời công khai là động thái mới nhất trong loạt tương tác ngoại giao bất thường giữa các nhà lãnh đạo thế giới, sau khi ông Trump thúc giục ông Zelensky “NGAY LẬP TỨC” đồng ý với đề nghị đàm phán trực tiếp do tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất. Ông Putin vẫn chưa xác nhận liệu ông có tham dự hay không.
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã công bố chính sách nhập cư mới, cảnh báo rằng nước Anh đang có nguy cơ trở thành “một hòn đảo của những kẻ lạ.” Người nhập cư sẽ phải chờ 10 năm để được định cư trừ khi họ chứng minh được giá trị kinh tế và xã hội lâu dài. Chính phủ sẽ loại bỏ thị thực cho nhân viên chăm sóc và nâng yêu cầu cho các ngành nghề kỹ năng cao. Ông Starmer nói di cư “sẽ giảm đáng kể” nhưng bác bỏ việc đặt ra chỉ tiêu cụ thể.
Hamas đã trả tự do cho Edan Alexander, người được cho là con tin Mỹ cuối cùng còn sống ở Gaza. Anh này đã được đưa về Israel vào thứ Hai. Với mong muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thúc đẩy kế hoạch viện trợ nhân đạo của Mỹ cho dải Gaza, Hamas đã đàm phán trực tiếp với Washington. Israel đã ngăn chặn mọi hàng viện trợ thiết yếu vào Gaza trong 70 ngày qua.
Con số trong ngày: 1.500, là số lượng robot bốn chân giống chó mà công ty Boston Dynamics của Mỹ đã bán cho đến nay.
TIÊU ĐIỂM
Cơ hội mới của Brazil tại Trung Quốc
Hôm thứ Hai, tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã đến Bắc Kinh để tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh. Ông Lula hy vọng sẽ gặt hái được lợi ích giữa cơn bão thuế quan của Donald Trump. Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc gần như tăng gấp đôi khi nước này thay thế các mặt hàng nông sản từ Mỹ bằng hàng từ Brazil. Vào tháng Tư, các quan chức Trung Quốc đã đến Brasília để thảo luận cách tăng xuất khẩu nông sản Brazil giữa lúc Mỹ áp thuế trở lại.
Brazil đang nhìn thấy cơ hội thay thế xuất khẩu thịt bò, gỗ, ngô, bông, và gia cầm của Mỹ sang Trung Quốc. Chỉ số Ibovespa gồm các công ty lớn của Brazil đã tăng 13% kể từ đầu năm 2025. Song thuế quan của ông Trump cũng có thể mang lại rắc rối cho Brazil. Trung Quốc sẽ phải xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác ngoài Mỹ, trong đó có Brazil — nơi các nhà sản xuất trong nước lo ngại sẽ không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Thông điệp đó có lẽ sẽ không được chào đón ở Bắc Kinh.
Triển vọng ngừng bắn tại Ukraine
Sau khi bốn lãnh đạo châu Âu tới Kyiv vào thứ Bảy và Ukraine đề xuất lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày với Nga, hòa bình tưởng như đã gần hơn đôi chút. Nhưng phản ứng của Vladimir Putin — phớt lờ tối hậu thư và đề xuất đàm phán trực tiếp trong tuần này, kèm theo điều kiện — đã gần như dập tắt mọi hy vọng đó. Donald Trump sau đó từ chối ủng hộ tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thay vào đó thúc giục ông gặp ông Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm, bất kể có đạt được ngừng bắn hay không.
Ông Zelensky cho biết ông sẽ tham dự, nhưng vẫn kỳ vọng một lệnh ngừng bắn “toàn diện và lâu dài” sẽ bắt đầu từ thứ Hai. Tham gia đàm phán với Nga mà không có lệnh ngừng bắn sẽ bị coi là yếu thế đối với Ukraine. Nhưng từ chối đối thoại sẽ khiến ông Trump tức giận hơn nữa — người mà vào Chủ nhật đã nói rằng ông “bắt đầu nghi ngờ Ukraine sẽ tiến tới thỏa thuận.” Tổng thống Mỹ vẫn là nhân tố then chốt trong việc gây áp lực với ông Putin. Vấn đề là cho tới nay, ông gần như vẫn từ chối làm điều đó.
Các ứng viên tổng thống Ba Lan đối đầu
Cuộc tranh luận ngày 11 tháng 4 là điểm yếu nhất trong chiến dịch của Rafal Trzaskowski. Thị trưởng trung dung của Warsaw, được đảng cầm quyền Cương lĩnh Dân sự (PO) của thủ tướng Donald Tusk hậu thuẫn, là ứng viên hàng đầu cho vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan ngày 18 tháng 5. Nhưng khi ông mời đối thủ chính — Karol Nawrocki, một chính trị gia bảo thủ — tham gia tranh luận, sáu ứng viên khác đã bất ngờ tham gia vào phút chót. Buổi tranh luận hỗn loạn khiến ông Trzaskowski lúng túng trước loạt công kích, và tỷ lệ ủng hộ của ông đã giảm.
Tối thứ Hai vừa diễn ra cuộc tranh luận lớn và có thể là cuối cùng. Cả mười ba ứng viên dự kiến đã tham gia chương trình do đài truyền hình nhà nước và hai mạng lưới tư nhân lớn nhất đồng tổ chức. Lần này ông Nawrocki là người bị công kích. Một bê bối gần đây liên quan đến việc ông không khai báo sở hữu một căn hộ thứ hai — mà ông đã nhận để đổi lấy việc chăm sóc cho một người hưu trí tàn tật, người sau đó được phát hiện đang sống trong viện dưỡng lão — đã làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của ông.
Cuộc chiến nội bộ ở Philippines nóng lên
Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr và Sara Duterte — tổng thống và phó tổng thống Philippines — không hề ưa nhau. Họ liên minh để thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 nhưng lại sớm mâu thuẫn. Cuộc xung đột trở nên đặc biệt căng thẳng vào tháng 11, khi bà Duterte tuyên bố đã từng nói chuyện với sát thủ về việc ám sát “Bongbong” nếu bà bị giết. Màn đối đầu mới nhất của họ là cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào thứ Hai — một trận chiến ủy nhiệm giữa các ứng viên do hai bên hậu thuẫn.
Nếu các ứng viên của phe Marcos giành đủ ghế, họ có thể kết tội bà Duterte trong phiên tòa luận tội tại Thượng viện và loại bà khỏi đường đua tổng thống năm 2028. Bà Duterte hy vọng các đồng minh của mình giành chiến thắng và chặn đứng thủ tục luận tội. Nếu thành công, bà nhiều khả năng sẽ trở thành tổng thống tiếp theo. Khi đó, bà sẽ nối gót cha mình — Rodrigo Duterte, cựu tổng thống nổi tiếng với những lời lẽ thô tục, hiện đang bị giam giữ tại Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague với cáo buộc tội ác chống lại loài người. Một hệ quả có thể xảy ra nếu bà Duterte chiến thắng là Philippines sẽ xích lại gần Trung Quốc hơn.