Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Donald Trump cho biết ông sẽ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đối với Syria để “trao cho nước này một cơ hội vươn tới sự vĩ đại.” Trừng phạt của phương Tây đã được áp đặt từ lâu nhằm cô lập Bashar al-Assad, cựu độc tài của Syria. Nhưng các biện pháp này giờ đây đang kìm hãm nỗ lực của chính phủ mới trong việc tái kết nối Syria với nền kinh tế toàn cầu. Ông Trump dự kiến sẽ gặp Ahmed al-Sharaa, tân tổng thống của Syria, tại Ả Rập Saudi trong tuần này.
Ông Trump đã ký kết một “quan hệ đối tác kinh tế chiến lược” trị giá 600 tỷ USD với Muhammad bin Salman, thái tử của Ả Rập Saudi. Thỏa thuận này bao gồm hợp đồng vũ khí trị giá 142 tỷ USD và cam kết từ Humain — công ty AI của vương quốc — về việc xây dựng hạ tầng bằng chip do công ty Nvidia của Mỹ sản xuất. Ông Trump và ông MBS cũng dự kiến sẽ thảo luận về an ninh khu vực trong các cuộc họp vào thứ Tư.
Nissan báo lỗ ròng 671 tỷ yên (4,5 tỷ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản dự báo doanh thu đạt 12,5 nghìn tỷ yên trong năm tài chính tới, nhưng không đưa ra dự đoán về lợi nhuận ròng, viện dẫn bất ổn kinh tế do thuế quan gây ra. Công ty cũng xác nhận sẽ cắt giảm 20.000 việc làm trên toàn cầu. Nissan đang ở tình trạng yếu kém nghiêm trọng, với thị phần suy yếu tại Bắc Mỹ và Trung Quốc.
Tỷ lệ lạm phát năm của Mỹ giảm còn 2,3% trong tháng 4, từ mức 2,4% của tháng trước. Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, đạt 2,8%. Giá tiêu dùng tăng 0,2% so với tháng trước, nhỉnh hơn mức tăng của tháng 4. Hệ quả từ cuộc khủng hoảng thuế quan do ông Trump gây ra sẽ hiện rõ hơn trong dữ liệu kinh tế những tháng tới đây.
Microsoft sẽ cắt giảm khoảng 3% lực lượng lao động — tương đương khoảng 6.000 người. Đây là đợt sa thải lớn nhất của tập đoàn công nghệ này kể từ năm 2023, khi họ cho nghỉ việc 10.000 nhân viên giữa lúc ngành công nghệ cắt giảm sâu hậu đại dịch. Microsoft vượt kỳ vọng của các nhà phân tích trong quý vừa qua và cho biết họ có kế hoạch nâng cao hiệu quả bằng cách “giảm các tầng quản lý.” Công ty cũng đã thực hiện các đợt cắt giảm dựa trên hiệu suất vào tháng 1.
Israel được cho là đã nhắm mục tiêu vào Mohammed Sinwar, một thủ lĩnh của Hamas, khi không kích gần một bệnh viện ở Khan Younis, phía nam Gaza. Bộ y tế của dải đất cho biết sáu người đã thiệt mạng. Hiện chưa rõ ông Sinwar có nằm trong số đó hay không. Israel đã tiêu diệt Yahya Sinwar, anh trai của Mohammed và là thủ lĩnh của Hamas, hồi tháng 10. Israel đang chịu áp lực ngày càng lớn phải đàm phán ngừng bắn để kết thúc cuộc chiến.
Cảnh sát Đức đã bắt giữ các thành viên của một nhóm cực hữu mang tên Reichsbürger (hay “công dân của Đế chế”) và cấm nhóm này hoạt động vì âm mưu lật đổ nhà nước. Những người bị bắt bao gồm Peter Fitzek, người tự xưng là “Vua của nước Đức.” Bộ nội vụ cáo buộc nhóm đã tự tài trợ thông qua “các cấu trúc tội phạm kinh tế.”
Con số trong ngày: 60 USD, là giá mỗi thùng dầu thô West Texas Intermediate, giảm từ mức 80 USD khi Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
TIÊU ĐIỂM
Cuộc thượng đỉnh xa hoa của Trump ở Ả Rập Saudi
Tổng thống Donald Trump đã đến Riyadh vào thứ Ba để bắt đầu chuyến công du các quốc gia quân chủ vùng Vịnh, hứa hẹn mang lại các hợp đồng béo bở dù thành quả ngoại giao thì chưa chắc chắn. Đây là lần thứ hai ông Trump bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống bằng chuyến thăm tới Ả Rập Saudi. Dự kiến sẽ có thỏa thuận với các vương triều Saudi, Qatar, và UAE trị giá hàng nghìn tỷ USD đầu tư và hợp đồng cho các công ty Mỹ — bên cạnh món quà là một chiếc máy bay từ Qatar.
Song hy vọng của ông Trump về việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia đang dần tan biến khi chiến tranh ở Gaza vẫn tiếp diễn. Một thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng chưa lộ diện. Ông Trump có thể sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt với Syria giữa tin đồn về cuộc gặp với cựu lãnh đạo thánh chiến Ahmad al-Sharaa. Ông cũng có thể bay đến Istanbul để tham dự đàm phán hòa bình giữa lãnh đạo Nga và Ukraine, mặc dù Điện Kremlin vẫn phớt lờ các yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức. Trong khi ấy, đàm phán với Hamas đã dẫn đến việc thả tự do cho Edan Alexander, một con tin người Mỹ ở Gaza. Do không nằm trong lịch trình công du của ông Trump, Israel đang lo lắng vì bị người bạn thân nhất của mình phớt lờ.
Bước tiếp theo cho Ấn Độ và Pakistan là gì?
Sau nhiều ngày xung đột leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan, một phần trật tự đang được khôi phục. Một lệnh ngừng bắn do Mỹ công bố vào thứ Bảy vẫn được duy trì — dù có cáo buộc vi phạm từ cả hai phía trong những giờ đầu tiên. Hôm thứ Hai, thị trường chứng khoán ở cả hai nước đều tăng và các sân bay được mở lại. Các quan chức quân sự của Ấn Độ và Pakistan đã đối thoại với nhau, nhưng chi tiết cuộc trò chuyện chưa được tiết lộ.
Hai nước sẽ còn tiếp tục tranh cãi. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố giành chiến thắng và đưa ra những tuyên bố lớn về mức độ thiệt hại mà họ gây ra cho phía bên kia. Mỹ muốn đưa hai bên vào bàn đàm phán, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ xảy ra. Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ đầy khó khăn. Ấn Độ muốn Pakistan chấm dứt quan hệ với các nhóm thánh chiến, trong khi Pakistan muốn bàn về quyền kiểm soát khu vực Kashmir, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Giao tranh đã tạm ngưng, nhưng căng thẳng vẫn còn cao.
Ông lớn quốc phòng của Đức cất cánh
Vào thứ Ba, công ty vũ khí Rheinmetall của Đức, sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Họ có nhiều điều để ăn mừng: nhu cầu về vũ khí từ các công ty quốc phòng châu Âu đang ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Rheinmetall đặc biệt hưởng lợi từ gói ngân sách quốc phòng ngoài ngân sách trị giá 100 tỷ euro (111,4 tỷ USD) do thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Hôm thứ Năm tuần trước, Rheinmetall đã công bố kết quả kinh doanh quý một mạnh mẽ. Doanh số bán thiết bị quân sự tăng 73% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng doanh thu của tập đoàn tăng 46% lên 2,3 tỷ euro. Mảng quốc phòng chiếm 78% doanh thu toàn tập đoàn, đủ bù đắp cho kết quả yếu kém trong mảng kinh doanh ô tô dân dụng. Rheinmetall giữ nguyên dự báo tăng trưởng doanh thu năm nay ở mức 25-30% và tỷ suất lợi nhuận hoạt động khoảng 15%. Công ty kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ kéo dài ít nhất đến cuối thập niên 2020.
Thuế của ông Trump bị các công ty Mỹ kiện
Vào thứ Ba, một tòa án ở thành phố New York sẽ nghe tranh luận trong một vụ kiện cáo buộc các chính sách thuế quan của Donald Trump vi phạm luật liên bang và hiến pháp. Năm doanh nghiệp tuyên bố rằng thuế quan sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng” cho hoạt động của họ. Dù hôm thứ Hai Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tạm thời giảm thuế lẫn nhau, các doanh nghiệp Mỹ vẫn chịu thiệt vì thuế quan với các đối tác thương mại hiện cao hơn trước đây.
Ông Trump cho rằng Đạo luật Quyền Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) được ban hành năm 1977 cho phép ông áp thuế để giảm thâm hụt thương mại “lớn và dai dẳng” của Mỹ. Phía nguyên đơn phản biện rằng những khoản thâm hụt này không đáp ứng tiêu chuẩn của IEEPA về một “mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng.”
Tòa án Tối cao Mỹ có thể sẽ là nơi đưa ra phán quyết cuối cùng. Kết quả sẽ phụ thuộc vào câu hỏi liệu phe đa số bảo thủ có tuân theo hai nguyên tắc từng được dùng để kiềm chế chính quyền Biden hay không. Thứ nhất là “học thuyết vấn đề lớn,” yêu cầu Quốc hội phải ủy quyền rõ ràng cho các hành động hành pháp quan trọng. Thứ hai là “học thuyết không chuyển giao,” vốn ngăn Quốc hội giao quyền hiến định của mình cho nhánh hành pháp.