Trung Quốc nỗ lực phục hồi kinh tế trong lúc thuế quan được tạm dừng

Nguồn: James Palmer, “China Tries to Revive Economy Amid Tariff Pause”, Foreign Policy, 20/05/2025

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Giới chức hy vọng thúc đẩy được chi tiêu nội địa, nhưng triển vọng là rất mong manh.

Tiêu điểm tuần này: Trung Quốc tìm cách củng cố nền kinh tế trong lúc tạm ngừng leo thang thuế quan với Mỹ; Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố chiến dịch “thắt lưng buộc bụng”; Huawei ra mắt dòng laptop đầu tiên của hãng.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kinh tế

Chỉ mới hơn một tuần kể từ khi giới chức Mỹ và Trung Quốc đồng ý tạm ngừng leo thang thuế quan, thuế suất thực tế hiện vẫn ở mức cao kỷ lục.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc là 51,1%, trong khi của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu Mỹ là 32,6%. Con số này cao hơn nhiều so với hai mức tương ứng là 30% và 10% phổ biến trên mặt báo.

Dù các nhà máy Trung Quốc đang tranh thủ việc mức thuế 145% được giảm và đang tái khởi động dây chuyền sản xuất cho khách hàng Mỹ, tuy nhiên, bầu không khí thương mại ảm đạm vẫn đang kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc. Số liệu kinh tế tháng Tư công bố hôm thứ Hai cho thấy, chi tiêu và tâm lý tiêu dùng, cùng với các chỉ số khác, vẫn ở mức thấp.

Một sự chia rẽ rõ rệt đang nổi lên trong những phản ứng giữa chính phủ Trung Quốc, bên muốn nền kinh tế trở nên tự chủ hơn – và các nhà máy, bên không thể tồn tại nếu thiếu thị trường toàn cầu. Giới lãnh đạo chính trị của Trung Quốc từ lâu đã muốn hướng đến thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nhưng vấp phải rào cản từ xu hướng tiết kiệm thay vì chi tiêu của người dân.

Chiến lược “tuần hoàn kép” – dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – được giới thiệu vào năm 2020, với mục đích giảm vai trò của ngoại thương và khuyến khích chi tiêu nội địa. Chiến lược vấp phải trở ngại từ đại dịch COVID-19, khi mà áp lực tài chính do các đợt phong toả khiến cho việc tiết kiệm, thay vào đó, càng trở nên quan trọng hơn.

Với tình hình thương chiến tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn chưa dứt, vào hôm thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phản ứng bằng cách hạ lãi suất cho vay chuẩn 10 điểm cơ bản nhằm khuyến khích đầu tư trong nước. Song song đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tham dự và xúc tiến một cuộc họp quy mô lớn diễn ra vào tuần trước với các quan chức nhằm khuyến khích “lưu thông nội địa”.

Thủ tướng Lý Cường coi việc kết nối với giới doanh nghiệp là trọng tâm vai trò của mình, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp lại tỏ ra không mấy lạc quan trước những nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Một ngoại lệ là lĩnh vực công nghệ: thành công của DeepSeek-R1, mô hình ngôn ngữ lớn của công ty DeepSeek, cùng với sự khuyến khích từ chính phủ, đang thúc đẩy một làn sóng về AI. Năng lượng sạch, lĩnh vực giúp Trung Quốc lần đầu tiên giảm được lượng khí thải carbon, cũng tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng.

Nhưng các nhà máy không thể cứ thế nhồi nhét AI vào lò vi sóng hay đồ chơi trẻ em, họ cũng không thể tìm ra thị trường nội địa mới giữa bối cảnh vòng xoáy giảm phát và công chúng vốn đã bất an do lo ngại về căng thẳng thương mại với Mỹ.

Điều này đồng nghĩa với việc chuyển sang những cách thức khác – thường là gian lận – để tăng doanh số. Tuy nhiên, phương thức chính vẫn là tìm cách lách thuế của Mỹ. Việc này đã từng xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi mà Mexico và Việt Nam trở thành điểm đến phổ biến để trung chuyển hàng hoá Trung Quốc.

Mỹ đã gây sức ép buộc Việt Nam ngừng hoạt động này, nhưng vào tháng trước, lượng hàng trung chuyển vẫn đạt mức cao kỷ lục kể từ sau đại dịch. Thêm vào đó, nhiều công ty Trung Quốc đang chuyển hẳn hoạt động sản xuất sang Việt Nam, bỏ qua hoàn toàn nhu cầu trung chuyển.

Nhưng hoạt động sản xuất cũng có thể chỉ là tấm bình phong. Ở Việt Nam, các nhà máy địa phương, nhất là những cơ sở do doanh nghiệp Trung Quốc điều hành, thường nhập hàng do Trung Quốc sản xuất rồi dán lại nhãn mác. Họ được trợ giúp bởi các mạng lưới buôn lậu và tội phạm có tổ chức tinh vi dọc theo biên giới Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, thường có cả các sĩ quan quân đội Trung Quốc tiếp tay.

Tin tức được quan tâm

Chiến dịch “thắt lưng buộc bụng”. Triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc đã thôi thúc các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ kêu gọi chính phủ thực hành tiết kiệm. Không rượu, thuốc lá, cao lương mỹ vị và hoa trang trí; thay vào đó là tiết kiệm, tái sử dụng và lối sống mộc mạc.

Chính quyền địa phương thực sự cần phải cắt giảm chi tiêu, bởi họ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân sách lan rộng do đại dịch và bong bóng bất động sản vỡ. Việc này buộc họ phải tìm mọi cách huy động nguồn lực. Tuy nhiên, tiết kiệm dường như không phải là một giải pháp hiệu quả. Ông Tập đã nhiều lần thử các chiến dịch tương tự, nhưng chúng dường như chưa bao giờ mang lại hiệu quả lâu dài.

Tuy nhiên, các chiến dịch khắc khổ cũng thường là các chiến dịch mang tính hình ảnh. Sự phẫn nộ của công chúng đối với nạn tham nhũng từng là một trong những yếu tố giúp ông Tập vươn lên thành một nhà lãnh đạo với quyền lực vượt trội, bởi ông cam kết với ĐCSTQ rằng mình sẽ vừa kiểm soát tham nhũng, vừa trấn áp truyền thông phanh phui các vụ việc đó.

Chiến dịch khắc khổ mới đây nhất diễn ra đặc biệt đúng thời điểm sau vụ bê bối “4+4” gần đây, trong đó phơi bày tình trạng con ông cháu cha tràn lan trong nội bộ Đảng, nơi vốn bị chi phối bởi các gia tộc quyền lực. (Ông Tập là con trai của một cựu lãnh đạo cấp cao, vợ đầu của ông là con gái của một nhà ngoại giao cấp cao).

Làn sóng COVID-19 ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Một đợt bùng phát COVID-19 tại Hồng Kông đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng bất thường đến trẻ nhỏ, các khoa nhi chật kín và nhiều bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch. May mắn là bệnh thường diễn biến nhẹ ở trẻ em, tuy vậy vẫn có thể để lại di chứng lâu dài. Các bác sĩ cho biết hầu hết bệnh nhi tại Hồng Kông đều chưa được tiêm phòng.

Với vị thế là một trung tâm du lịch, nếu một biến thể mới xuất hiện tại Hồng Kông, việc này có thể gây nên một tác động toàn cầu – đặc biệt là trong bối cảnh chính quyền Trump đã đảo ngược nhiều chính sách tiêm chủng trẻ em trước đó.

Công nghệ và Kinh doanh

HarmonyOS. Vào hôm thứ Hai, Huawei đã chính thức ra mắt dòng laptop đầu tiên của hãng, trong đó sử dụng hệ điều hành HarmonyOS do Trung Quốc phát triển nhằm thay thế cho Microsoft Windows và macOS của Apple. HarmonyOS ban đầu tương thích với Android – và thường bị chỉ trích là sao chép Android – nhưng giờ đây đã trở thành một hệ sinh thái riêng, tuy vẫn còn tương đối chưa hoàn thiện.

Huawei tuyên bố có hơn 1000 ứng dụng khả dụng, nhưng con số này vẫn quá nhỏ so với khoảng 1,8 triệu ứng dụng trên App Store của Apple.

Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc vẫn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một hệ điều hành nội địa 100% do lo ngại các hệ điều hành nước ngoài sẽ tạo ra lỗ hổng an ninh mà tình báo Mỹ có thể khai thác. Các lệnh cấm dùng chip ngoại trong máy tính của chính phủ cũng nhấn mạnh đến những mối quan ngại an ninh này. Tuy nhiên, trên thực tế, những nỗ lực trước đó nhằm cấm sử dụng Windows trong các cơ quan nhà nước thường thất bại.

Đẩy mạnh truy thu thuế toàn cầu. Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia duy nhất tìm cách đánh thuế công dân sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi vai trò chủ chốt của Mỹ trong hệ thống ngân hàng toàn cầu cho phép nước này giám sát tình hình tài chính của công dân một cách chặt chẽ hơn, Trung Quốc nhìn chung lại gặp khó khăn để làm điều tương tự.

Chính thức được công bố vào tháng Ba, một chiến dịch của chính phủ hiện đang sử dụng dữ liệu lớn để truy xuất các khoản đầu tư nước ngoài, vốn cũng thuộc diện chịu thuế. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc đã tạo ra một ngành công nghiệp rửa tiền quy mô lớn mà giới nhà giàu tận dụng triệt để, khiến cho việc truy vết các khoản đầu tư trên toàn cầu của họ vô cùng khó khăn.