Chiến lược ‘răn đe mở rộng’ ở châu Á đã đến hồi kết?

Nguồn:  David Santoro, “The End of Extended Deterrence in Asia?”, Foreign Affairs, 22/05/2025

Biên dịch: Viên Đăng Huy

Trong hơn 5 năm qua, các tàu của Trung Quốc triển khai ở Biển Đông đã nhiều lần va chạm với tàu của Philippines, đôi khi dùng vòi rồng xịt nước và làm bị thương thủy thủ. Đáp lại, Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung Typhon tới quốc đảo này vào năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp cho một đồng minh một vũ khí có tầm cỡ như vậy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc —và nó đã châm ngòi cho một cơn bão ngoại giao. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập luận rằng việc triển khai vũ khí này “phá vỡ hòa bình và ổn định khu vực, làm suy yếu lợi ích an ninh hợp pháp của các quốc gia khác và đi ngược lại nguyện vọng hòa bình và phát triển của người dân”. Trung Quốc sẽ “không ngồi yên” nếu Philippines từ chối dỡ bỏ nó, bộ này nói thêm.

Các hành động và mối đe dọa của Bắc Kinh đối với Philippines là một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm chống lại chính sách “răn đe mở rộng” của Mỹ, một chiến lược trong đó Washington cam kết bảo vệ các đồng minh của mình trước sự gây hấn, bao gồm, trong một số trường hợp nhất định, bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ. Bắc Kinh từ lâu đã chỉ trích chính sách răn đe mở rộng của Mỹ, với lý do đó là một cách để Mỹ thúc đẩy lợi ích của mình chống lại Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc hiện đang tăng cường nỗ lực để làm suy yếu chính sách này. Trung Quốc đã khắc họa Mỹ như một thế lực gây bất ổn trong khu vực, tìm cách chia rẽ các đồng minh của Mỹ bằng cách dùng các ưu đãi và trừng phạt kinh tế, và tiến hành các chiến dịch quân sự ngày càng đối đầu. Những hành động như vậy nhằm làm suy yếu uy tín của chính sách răn đe mở rộng của Mỹ, vốn dựa trên niềm tin vào Washington và niềm tin vào năng lực của Mỹ.

Đối với chính quyền Trump, việc duy trì răn đe mở rộng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên là một ưu tiên. Mỹ nên thách thức luận điệu của Bắc Kinh trong các diễn đàn ngoại giao và chống lại các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, cũng như tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh trong khu vực. Nếu không, quyền lực và ảnh hưởng của Washington trong khu vực sẽ sớm bị lu mờ.

Quan điểm của Bắc Kinh

Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, răn đe mở rộng của Mỹ không phải là một chiến lược phòng thủ mà là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm kiềm chế và thậm chí đẩy lùi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng bác bỏ ý kiến cho rằng răn đe mở rộng tồn tại vì các đồng minh của Mỹ muốn điều đó. Thay vào đó, các quan chức Trung Quốc coi chiến lược của Washington là sự áp đặt đối với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác mà, theo quan điểm của Bắc Kinh, thuộc về phạm vi ảnh hưởng chính đáng của Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã lập luận rằng răn đe mở rộng của Mỹ giúp kiểm soát sự phổ biến hạt nhân, bởi vì các đồng minh của Mỹ dưới sự bảo vệ của ô hạt nhân Mỹ không thấy cần phải phát triển kho dự trữ của riêng họ. Logic đó không thuyết phục đối với Bắc Kinh. Theo lời của Quách Hiểu Bình, một học giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, “Khái niệm ‘răn đe mở rộng’ tự nó là một yếu tố chính góp phần vào việc phổ biến hạt nhân” vì nó “phân tán vũ khí hạt nhân về mặt địa lý.” Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lặp lại quan điểm này, cáo buộc Mỹ có “tiêu chuẩn kép” về việc không phổ biến hạt nhân vì họ “gây áp lực tối đa lên các đối thủ địa chính trị” nhưng cũng “tăng cường các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân và răn đe mở rộng” với các đồng minh của mình.

Tại các diễn đàn ngoại giao, Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách làm suy yếu chiến lược răn đe mở rộng của Mỹ bằng cách chỉ trích Mỹ là thế lực gây mất ổn định trong khu vực. Trong một bài phát biểu năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự không hài lòng của mình với việc Mỹ đóng vai trò là người bảo đảm an ninh. Ông Tập nói: “Người dân châu Á phải tự đảm đương công việc của châu Á, giải quyết các vấn đề của châu Á và duy trì an ninh của châu Á”. “Người dân châu Á có khả năng và trí tuệ để đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua hợp tác tăng cường”.

Trung Quốc cũng đã tấn công trực tiếp chiến lược răn đe mở rộng của Mỹ. Năm ngoái, Bắc Kinh đã kêu gọi tất cả các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua chính sách không ưu tiên sử dụng hạt nhân và sử dụng đề xuất này để tấn công răn đe mở rộng, lập luận rằng nó là mối đe dọa đối với hòa bình, góp phần vào phổ biến hạt nhân và ngăn cản việc thiết lập các khu vực phi hạt nhân. Theo quan điểm này, không có chỗ cho các liên minh của Mỹ trong khu vực. Theo Bắc Kinh, nếu Mỹ không duy trì sự hiện diện quân sự lớn như vậy ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sẽ có ít khủng hoảng hơn để quản lý. Do đó, cách để ngăn chặn và giảm thiểu khủng hoảng trong khu vực là Mỹ phải rút quân—hoặc hạn chế đáng kể việc triển khai chúng.

Ngoài việc thách thức các liên minh của Mỹ và răn đe mở rộng trong các diễn đàn ngoại giao, Bắc Kinh còn thực hiện các biện pháp  kinh tế để làm suy yếu vai trò khu vực của Washington. Họ làm điều đó bằng cả cây gậy và củ cà rốt. Trước khi bắt đầu đe dọa các tàu của Philippines trên biển, Bắc Kinh đã cố gắng, nhưng vô ích, ngăn chặn sự hợp tác quân sự sâu sắc hơn giữa Philippines và Mỹ bằng cách đưa ra các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và các ưu đãi kinh tế thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.

Năm 2016, sau khi Mỹ triển khai hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn Cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, Bắc Kinh đã cấm các tour du lịch theo nhóm của Trung Quốc đến Hàn Quốc, đưa các ngôi sao Hàn Quốc vào danh sách đen để họ không thể xuất hiện trên các chương trình truyền hình Trung Quốc, áp đặt các hạn chế đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Quốc và loại Hàn Quốc khỏi một số sáng kiến ngoại giao và văn hóa do Trung Quốc dẫn đầu. Tương tự, sau khi Úc bắt đầu tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ vào cuối những năm 2010, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế đối với hàng xuất khẩu của Úc.

Các phản ứng quân sự của Bắc Kinh đối với chiến lược răn đe mở rộng của Mỹ cũng trở nên quyết đoán hơn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng các chiến thuật vùng xám chống lại các đồng minh của Mỹ ở nhiều lĩnh vực, nhưng đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải và không gian mạng, nơi không có lằn ranh đỏ rõ ràng nào có thể kích hoạt phản ứng từ Mỹ. Bắc Kinh đã dần quân sự hóa Biển Đông, triển khai cảnh sát biển và dân quân biển Trung Quốc để quấy rối các tàu của đồng minh Mỹ. Bắc Kinh cũng đã dàn dựng các chiến dịch gây ảnh hưởng và các chiến dịch mạng chống lại Đài Loan và các đồng minh khác của Mỹ. Các tin tặc Trung Quốc cũng đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ để chứng minh khả năng của Bắc Kinh trong việc làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu và ngăn cản sự can dự của Mỹ vào các cuộc xung đột khu vực.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tuần tra và tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở các vùng biển tranh chấp, và họ đã tăng đáng kể quy mô và phạm vi của các cuộc tập trận đó. Đô đốc Samuel Paparo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã gọi các cuộc tập trận như vậy là “diễn tập” vì chúng mô phỏng các cuộc tấn công vào các đồng minh của Mỹ, chẳng hạn như một cuộc xâm lược Đài Loan. Ví dụ, vào năm 2024 và 2025, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn (Hợp Kiếm -2024A và Hợp Kiếm – 2024B) bao gồm các hoạt động phối hợp của hải quân, không quân, lực lượng tên lửa và cảnh sát biển Trung Quốc quanh Đài Loan. Đầu năm nay, Bắc Kinh cũng đã tăng cường các cuộc xâm nhập quân sự vào không phận và vùng biển của Đài Loan.

Cuối cùng, Bắc Kinh đang xây dựng lực lượng quân sự của mình để cho phép hành động nhanh chóng, chẳng hạn như chiếm giữ và kiểm soát lãnh thổ gần Trung Quốc, và để khiến Mỹ phải trả giá đắt nếu can thiệp. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10 năm 2017, ông Tập đã tuyên bố rằng Trung Quốc cam kết xây dựng “lực lượng quân sự hàng đầu thế giới” vào năm 2049. Kể từ đó, Bắc Kinh đã đầu tư đáng kể vào vũ khí thông thường và hạt nhân. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có chương trình phát triển tên lửa đạn đạo tích cực và đa dạng nhất thế giới và hiện đang theo đuổi việc tăng cường hạt nhân. Bắc Kinh cũng đang tăng cường khả năng của mình trong không gian mạng, không gian vũ trụ và tác chiến điện tử.

Tóm lại, những bước đi này nhằm mục đích khiến Mỹ phải chùn bước khi có sự cố xảy ra—và gieo rắc sự nghi ngờ trong tâm trí các đồng minh của Mỹ rằng Washington sẽ tuân thủ các cam kết quốc phòng của mình.

Địch và ta

Trung Quốc không đơn độc trong việc chống lại răn đe mở rộng của Mỹ. Nga từ lâu đã chỉ trích chiến lược này, và gần đây, hai nước đã hợp lực để chống lại nó. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh vào đầu năm 2022, chỉ hai tuần trước khi Nga phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố “tình hữu nghị không giới hạn”. Với tinh thần đó, Bắc Kinh và Moscow đã thúc đẩy “sự ổn định chiến lược toàn cầu”, kêu gọi một thế giới đa cực hơn và chỉ trích Mỹ vì theo đuổi “an ninh tuyệt đối”. Họ đã chỉ trích thỏa thuận an ninh giữa Úc, Anh và Mỹ (AUKUS) là một trong những nỗ lực mới nhất nhằm quân sự hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và họ đã bày tỏ sự báo động về các kế hoạch của Mỹ nhằm triển khai thêm tên lửa tầm trung trong các khu vực tương ứng của họ.

Bắc Kinh và Moscow cũng đang tăng cường hợp tác quân sự, tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự chung và tuần tra hàng không và hàng hải chung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu-Đại Tây Dương, bao gồm cả gần các lãnh thổ của các đồng minh Mỹ như Nhật Bản và các nước Bắc Âu. Hơn nữa, theo một cuộc điều tra của Reuters năm 2024, Moscow đã thiết lập một chương trình bí mật ở Trung Quốc để phát triển máy bay không người lái tấn công tầm xa. Nga cũng đang hỗ trợ Bắc Kinh phát triển hệ thống cảnh báo sớm tên lửa.

Kể từ những thập kỷ đầu của thế kỷ này, các chính quyền Mỹ liên tiếp đã thực hiện các biện pháp quan trọng để thích ứng với phương pháp tiếp cận đang phát triển của Trung Quốc. Chính quyền Biden đã làm nhiều điều để tăng cường các liên minh khu vực và việc đi đầu trong quan hệ đối tác an ninh AUKUS cũng đã giúp thúc đẩy ổn định trong khu vực. Chính quyền Trump dường như cam kết tiếp tục quỹ đạo tương tự và tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ và răn đe khu vực. Để làm được điều đó một cách hiệu quả, họ nên hành động thêm trên một số mặt trận bổ sung.

Tại các diễn đàn ngoại giao, Washington nên tăng cường nỗ lực thách thức luận điệu của Trung Quốc về vai trò của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và mục đích của răn đe mở rộng của Mỹ. Các quan chức Trung Quốc đã miêu tả Mỹ là một thế lực gây mất ổn định trong khu vực, nếu không phải là mối đe dọa hiện hữu đối với Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2022, hội nghị thượng đỉnh quốc phòng thường niên lớn nhất châu Á, Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó, đã gọi Mỹ là “kẻ bắt nạt” và cáo buộc Washington “can thiệp” vào các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Ông nói: “Một số người ở Mỹ cố gắng đàn áp Trung Quốc trên tất cả các mặt trận”. Để giành lại quyền kiểm soát diễn ngôn, các quan chức Mỹ nên làm rõ các mục tiêu của răn đe mở rộng và chia sẻ hạt nhân. Washington cũng nên tăng cường chú ý đến các biện pháp ngày càng hung hăng của Trung Quốc chống lại các đồng minh của Mỹ, cũng như việc Trung Quốc tăng cường hạt nhân.

Ngoài ra, Mỹ nên tăng cường nỗ lực chống lại các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Washington và các đồng minh đã tăng cường hợp tác tình báo, và họ đã chống lại thông tin sai lệch và các cuộc tấn công mạng. Họ nên củng cố hơn nữa khả năng phối hợp chính sách và tác chiến và tăng cường khả năng chống chịu ở các khu vực dễ bị tổn thương, chẳng hạn như Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Để chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Quốc, Washington và các đồng minh nên tích hợp tốt hơn các công cụ kinh tế của họ, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt. Nếu không có hậu quả nghiêm trọng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục và thậm chí tăng cường các hành động cưỡng chế của mình.

Điều quan trọng là, Mỹ và các đồng minh nên phát triển các khái niệm và khả năng quân sự cho phép họ đáp trả sự gây hấn một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nói cách khác, họ nên nỗ lực hết sức để có thể từ chối các hành vi chiếm đoạt lãnh thổ của Trung Quốc. Họ nên chuẩn bị để chiến đấu và giành chiến thắng trong một cuộc xung đột với Bắc Kinh, nếu cần, bất chấp cái bóng hạt nhân ngày càng lớn mà Trung Quốc phủ lên khu vực. Họ nên, đến lượt mình, xem xét cách họ có thể tận dụng tốt nhất sức mạnh quân sự tập thể của mình, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, chống lại Trung Quốc.

Cuối cùng, Washington và các đồng minh nên mong đợi Bắc Kinh và Moscow sẽ tăng cường quan hệ an ninh trong những năm tới. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga có ý nghĩa quan trọng đối với cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu-Đại Tây Dương. Khi cả hai tăng cường hợp tác quốc phòng, Mỹ và các đồng minh từ các khu vực này cũng phải tăng cường hợp tác an ninh của họ. Không làm như vậy có thể khiến chiến lược răn đe mở rộng của Mỹ thất bại, với những hậu quả sâu rộng đối với sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ.

David Santoro hiện là Chủ tịch và CEO của Diễn đàn Thái Bình Dương.