Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Donald Trump công bố một thỏa thuận thương mại “khổng lồ” với Nhật Bản, theo đó áp dụng mức thuế “có đi có lại” 15% thay vì mức 25% như từng đe dọa. Trước khi đạt được thỏa thuận, hai bên đã áp dụng tạm thời mức thuế 10% trong quá trình đàm phán. Đổi lại, Nhật Bản cam kết đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ. Hàng chục quốc gia khác cũng đang đứng trước hạn chót 1 tháng 8 để đạt thỏa thuận nếu không muốn chịu mức thuế cao hơn từ phía Mỹ.
Thỏa thuận đến vào thời điểm then chốt đối với Ishiba Shigeru, người đang chịu áp lực từ chức sau khi Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền lâu năm của ông mất đa số tại Thượng viện hôm Chủ nhật. Theo truyền thông địa phương, thủ tướng Nhật Bản nói với các đồng sự rằng ông sẽ quyết định liệu có từ chức hay không trước cuối tháng 8. Hồi tháng 10 năm ngoái, liên minh cầm quyền của ông đã mất thế đa số ở Hạ viện — cơ quan quyền lực hơn.
Hàng trăm người biểu tình đã tập trung về Kyiv, thủ đô Ukraine, sau khi quốc hội nước này thông qua luật trao thêm quyền kiểm soát các cơ quan chống tham nhũng cho văn phòng tổng thống, làm suy yếu tính độc lập của chúng. Động thái này nối tiếp các nỗ lực khác nhằm kiểm soát các nhà cải cách và những người đấu tranh chống tham nhũng. Ủy viên phụ trách mở rộng EU, bà Marta Kos, gọi cuộc bỏ phiếu là “một bước thụt lùi nghiêm trọng” đối với Ukraine.
General Motors cho biết các mức thuế của Mỹ đã khiến hãng mất 1,1 tỷ USD lợi nhuận trong quý hai, khiến thu nhập ròng giảm khoảng một phần ba xuống còn 3 tỷ USD. Hãng sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ phần lớn đã lựa chọn hấp thụ chi phí sản xuất tăng cao thay vì chuyển sang cho người tiêu dùng. Nhưng công ty cũng không loại trừ khả năng sẽ tăng giá bán trong những tháng tới.
Mike Johnson, chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa, sẽ đóng cửa Hạ viện sớm cho kỳ nghỉ hè để tránh một cuộc bỏ phiếu gây khó xử liên quan đến Jeffrey Epstein. Trong nhiều ngày qua, các nghị sĩ Dân chủ cùng một số nghị sĩ Cộng hòa đã thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu buộc chính quyền Trump công bố các tài liệu liên quan đến kẻ ấu dâm quá cố. Hạ viện dự kiến sẽ nhóm họp lại vào tháng 9.
Tòa án Tối cao ở London đã phán quyết rằng tài sản của Mike Lynch, một doanh nhân người Anh tử vong khi du thuyền của ông bị chìm ngoài khơi Sicily năm ngoái, cùng đối tác kinh doanh cũ là Sushovan Hussain, phải bồi thường cho Hewlett Packard khoảng 740 triệu bảng Anh (1 tỷ USD). Phán quyết liên quan đến bản án từ năm 2022, khi tòa án đứng về phía tập đoàn công nghệ Mỹ trong vụ kiện cho rằng HP đã trả quá nhiều tiền để mua công ty phần mềm Autonomy.
Con số trong ngày: 200.000, là số lượng xe SUV điện mà công ty Trung Quốc Xiaomi bán được chỉ trong vòng ba phút sau khi tung ra thị trường vào tháng trước.
TIÊU ĐIỂM
Mây mù đang kéo đến với Google
Alphabet sẽ mở màn mùa báo cáo lợi nhuận của các tập đoàn công nghệ lớn vào thứ Tư với kết quả quý hai được dự đoán là khả quan. Mảng tìm kiếm của Google vẫn hoạt động tốt, dù trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI) đang đe dọa lượng nhấp chuột liên quan đến quảng cáo. Dòng mô hình AI Gemini của hãng là khá phổ biến, và YouTube tiếp tục mang lại doanh thu quảng cáo ổn định. Dịch vụ điện toán đám mây của Google cũng có một năm khởi sắc — trong tháng này Alphabet đã ký hợp đồng với OpenAI, nhà phát triển ChatGPT.
Cũng như các đối thủ trong mảng đám mây, Alphabet đang chi mạnh tay vào xây dựng trung tâm dữ liệu, và các nhà đầu tư phần lớn vẫn ủng hộ chiến lược này. Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố “Kế hoạch Hành động AI” của chính phủ trong thời gian tới, điều có thể tiếp thêm động lực cho các ông lớn như Google đầu tư. Dù vậy, công ty có thể phải đối mặt với nguy cơ bị chia tách theo lệnh tòa án do liên quan đến vụ kiện chống độc quyền trong mảng tìm kiếm. Đây cũng là lý do cổ phiếu Alphabet đang tụt hậu so với các ông lớn công nghệ khác trong năm nay.
Ukraine muốn tiếp tục đàm phán với Nga
Một vòng đàm phán trực tiếp mới giữa Ukraine và Nga có thể diễn ra vào thứ Tư tại Istanbul. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, thông báo cuộc gặp hôm thứ Hai, nhưng phía Nga dường như bất ngờ. Ông Zelensky cho biết ông muốn tập trung vào ba chủ đề: trao đổi tù nhân; trả lại 20.000 trẻ em Ukraine bị bắt cóc; và chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh giữa ông và ông Vladimir Putin để thảo luận về ngừng bắn.
Nga thường sẵn sàng đàm phán về trao đổi tù nhân, nhưng đã chế giễu cáo buộc về các vụ bắt cóc trẻ em. Ông Putin cũng chưa từng thể hiện mong muốn gặp trực tiếp ông Zelensky, trừ phi để chấp nhận sự đầu hàng của Ukraine. Trong các cuộc gặp trước đó, Nga thường cử phái đoàn ở cấp thấp như một sự coi thường. Tuy nhiên, ông Zelensky rõ ràng tin rằng việc ông chủ động đề xuất đối thoại sẽ tạo ấn tượng tích cực với Donald Trump, bằng cách cho thấy Ukraine nghiêm túc mong muốn kết thúc chiến tranh.
Ngân hàng UniCredit và thế lưỡng nan chính trị
Hiếm khi tương lai của một ngân hàng lại khó đoán như UniCredit của Ý, vốn sẽ công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm vào thứ Tư. Trong quý một, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ròng kỷ lục 2,8 tỷ euro. Nhưng các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của CEO Andrea Orcel — một nhà đàm phán dày dạn — phụ thuộc nặng vào chính trị.
UniCredit muốn mua lại Commerzbank, một ngân hàng của Đức, để tạo ra một siêu ngân hàng châu Âu. Nhưng hôm thứ Sáu, thủ tướng Đức Friedrich Merz đã chỉ trích kế hoạch này là “thù địch, sẽ không được chấp nhận và hỗ trợ.” UniCredit hiện nắm 20% cổ phần Commerzbank và có thể chuyển đổi các khoản phái sinh để sở hữu thêm khoảng 9%. Ở Ý, UniCredit cũng đang cố thâu tóm Banco BPM, một ngân hàng nhỏ hơn, nhưng gặp phải phản đối từ chính phủ cánh hữu của bà Giorgia Meloni.
Ủy ban châu Âu đã phê duyệt thương vụ vào tháng 6 và đang phản đối sự can thiệp của chính phủ Ý — có thể buộc chính phủ phải chấp thuận. Ông Orcel sẽ có một mùa hè đầy biến động.
Chính phủ Ba Lan cần được “khởi động lại”
Gần nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, nhưng chính phủ tự do của Ba Lan dưới quyền thủ tướng Donald Tusk vẫn chưa có nhiều thành quả. Trong tháng 6, ứng viên được ông Tusk ủng hộ, Rafal Trzaskowski, bất ngờ thua trong cuộc bầu cử tổng thống trước một đối thủ cực hữu, đẩy liên minh cầm quyền vào thế phải chung sống chính trị cho đến khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2027.
Chỉ dưới một phần ba người dân Ba Lan hiện ủng hộ chính phủ của ông Tusk. Các cử tri trung thành thì thất vọng vì tiến độ chậm trong việc khôi phục pháp quyền và buộc các chính phủ dân túy tiền nhiệm chịu trách nhiệm. Không ai hài lòng với việc nội các phình to mà vẫn không thống nhất được các ưu tiên chính sách.
Hồi tháng 6 ông Tusk đã hứa một “khởi đầu mới.” Dự kiến ông sẽ công bố cải tổ nội các vào thứ Tư. Một số bộ trưởng sẽ bị giáng chức, trong khi một số bộ sẽ được hợp nhất. Có tin đồn ông Tusk có thể từ chức, nhưng hiện tại chưa ai đủ năng lực — và đủ can đảm — để kế nhiệm ông.
Luật quốc tế và nghĩa vụ khí hậu
Các quốc gia có nghĩa vụ pháp lý gì trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu? Và hậu quả là gì nếu họ thất bại? Vào thứ Tư, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) sẽ trả lời những câu hỏi này. Liên Hợp Quốc đã yêu cầu tòa án đưa ra ý kiến hai năm trước sau khi được Vanuatu và các quốc đảo nhỏ khác vận động. Vụ kiện này đã thu hút nhiều bản đệ trình từ các tổ chức quốc tế và chính phủ hơn bất kỳ vụ kiện khí hậu nào trước đây.
Phán quyết của ICJ sẽ làm rõ các luật hiện hành chứ không ban hành luật mới. Ví dụ, tòa sẽ xét xem liệu các quốc gia có nghĩa vụ theo luật nhân quyền để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu hay không — vượt quá các cam kết trong các hiệp định như Thỏa thuận Paris. Tòa cũng sẽ xem xét liệu các quốc gia gây ra nhiều phát thải nhất có phải bồi thường cho những nước bị thiệt hại nặng hay không. Dù các phán quyết của ICJ có tính ràng buộc, tòa không có cơ chế để thực thi.