Nguồn: James Palmer, “China Starts Construction on World’s Largest Hydropower Dam”, Foreign Policy, 22/07/2025
Biên dịch: Tạ Kiều Trang
Người Tây Tạng kịch liệt phản đối dự án năng lượng sạch gây tranh cãi này.
Tiêu điểm tuần này: Khởi công xây dựng siêu đập gây tranh cãi ở Tây Tạng; Lệnh cấm xuất cảnh được áp dụng với công dân Mỹ; Nhà vệ sinh nông thôn bị điều tra.
Trung Quốc khởi công xây dựng con đập phá kỷ lục
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thông báo vào cuối tuần qua rằng việc xây dựng một siêu đập trên sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng đã được bắt đầu.
Siêu đập dự kiến trở thành hệ thống thuỷ điện lớn nhất thế giới, chi phí ước tính 167 tỉ đô, đến nay là siêu đập đắt đỏ nhất mọi thời đại. Đập dự kiến cung cấp 300 tỉ kilowatt giờ điện mỗi năm, tức khoảng 4% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.
Các siêu đập gây ra siêu tranh cãi. Dù trên danh nghĩa là một hình thức sản xuất năng lượng sạch, nhưng chúng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt sinh thái và xã hội.
Tại Trung Quốc, việc xây dựng đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay, đã buộc 1,3 triệu người phải di dời. Con đập vẫn là nguồn cơn lo âu cho công chúng do những lo ngại liên tục về nguy cơ vỡ đập. Vào năm 1975, vụ vỡ đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam – với sức chứa khoảng một phần sáu mươi của đập Tam Hiệp – đã khiến khoảng 230.000 người thiệt mạng, ban đầu do lũ lụt, sau do nạn đói và dịch bệnh.
Việc di dời và sự tàn phá do các con đập gây ra là điều đặc biệt nhạy cảm ở Tây Tạng, nơi chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chương trình tái định cư cưỡng bức kéo dài hàng thập kỷ. Chương trình này, cùng các hành vi phân biệt chủng tộc, cũng như đàn áp văn hóa và tôn giáo, đã được đẩy mạnh dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chỉ mới năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình phản đối một dự án đập khác của Tây Tạng mà hiện nay đang được xây dựng. Dự án sẽ nhấn chìm một khu vực quan trọng về mặt văn hóa và tôn giáo, nơi có nhiều làng mạc và tu viện cổ.
Từ góc độ của Bắc Kinh, rủi ro của việc xây dựng đập thuỷ điện là không đáng kể khi xét đến những lợi ích tiềm năng liên quan đến khí thải carbon và chi phí điện. Điện giá rẻ không chỉ quan trọng đối với các hộ gia đình Trung Quốc mà còn đối với ngành công nghiệp – lĩnh vực mà giá điện mỗi kilowatt-giờ thấp hơn châu Âu 60 – 70% và thấp hơn Mỹ 30 – 40%. Dù đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, nhưng Trung Quốc vẫn phụ thuộc phần lớn vào sản xuất điện than để giữ giá điện ở mức thấp. Siêu đập ở Tây Tạng có thể góp phần hoá giải điều đó.
Bất cứ cuộc biểu tình nào của người Tây Tạng nhằm phản đối siêu đập mới cũng khó lay chuyển được quan điểm của chính quyền. Việc kiểm soát nguồn nước là biểu tượng cho quyền lực và tính chính danh của nhà nước tại Trung Quốc trong suốt hàng thiên niên kỷ. Nhà Hán học Karl Wittfogel đã gán đây là ví dụ của “chế độ chuyên chế thủy lợi” (hydraulic despotism). Một trong những vị khai quốc huyền thoại của Trung Quốc, Đại Vũ, được cho là người xây đập đầu tiên trên thế giới.
Trong lịch sử, những dự án lớn nhằm kiểm soát nguồn nước đôi khi đưa đến thảm họa chính trị. Chẳng hạn, triều Tùy tồn tại ngắn ngủi (năm 581 – 618) từng xây Đại Vận Hà để vận chuyển binh lính và vũ khí cho một cuộc chiến vô ích nhằm chống lại một vương quốc Triều Tiên, nhưng thay vào đó lại gây ra nạn đói, các cuộc nổi loạn và cuối cùng là sự sụp đổ của triều đại.
Mặc dù tác động của siêu đập mới lên người Tây Tạng có thể không mấy quan trọng với Bắc Kinh, nhưng nó có thể mang lại những tác động ngoại giao đáng chú ý.
Con sông bị đập chắn, sông Yarlung, chảy vào sông Brahmaputra của Ấn Độ. Một số nhà bình luận Ấn Độ cho rằng, đập mới có thể giúp kiểm soát lũ lụt, trong khi những người khác lại lo ngại về tác động tiềm tàng đến nguồn cung cấp nước và việc tưới tiêu. Tại miền nam Trung Quốc, việc chắn đập sông Mekong – cả ở trong Trung Quốc lẫn thông qua các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn ở Lào và Campuchia – đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia ở hạ nguồn.
Tuy nhiên, hiện dư luận xoay quanh siêu đập Tây Tạng chủ yếu là cái cớ để chính trị gia Ấn Độ và Pakistan công kích lẫn nhau, thay vì là nguồn cơn gây ra phản ứng dữ dội nhắm vào Bắc Kinh. Himanta Biswa Sarma, thủ hiến bang Assam ở đông bắc Ấn Độ, tuyên bố Pakistan đang lợi dụng con đập này như một “nỗ lực vô căn cứ” nhằm dựng lên một cuộc khủng hoảng về nước. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, vì Ấn Độ và Pakistan đang trong quá trình đàm phán căng thẳng về tương lai của Hiệp ước Nước sông Ấn (IWT).
Vẫn chưa có ngày hoàn thành chính thức cho dự án; đập Tam Hiệp mất hơn một thập kỷ để xây dựng, nhưng điều kiện núi non ở Tây Tạng có thể khiến quá trình này khó khăn hơn. Chi phí khả năng cao cũng sẽ đội lên đáng kể, như thường thấy ở các siêu dự án của Trung Quốc, do những khó khăn chính đáng lẫn nạn tham nhũng tràn lan.
Tin tức được quan tâm
Lệnh cấm xuất cảnh đối với công dân Mỹ. Trong tuần này, các chi tiết mới đã được hé lộ về việc hai công dân Mỹ bị áp lệnh cấm xuất cảnh khỏi Trung Quốc – một công cụ gây áp lực lâu nay, theo đó khách nước ngoài bị ngăn không cho rời khỏi đất nước dù không bị buộc tội.
Các trường hợp mới nhất liên quan đến một nhân viên Bộ Thương mại Mỹ và một nhân viên ngân hàng Wells Fargo. Nhân viên ngân hàng, Mao Thần Nguyệt (Mao Chenyue), là người gốc Hoa, và nhiều khả năng nhân viên Bộ Thương mại – một người đang sang thăm gia đình – cũng vậy.
Xuất phát từ tâm lý có “quyền sở hữu” cộng đồng người Hoa lưu vong, Bắc Kinh liên tục tỏ ra sẵn sàng sử dụng hình thức cưỡng ép này để chống lại người gốc Hoa. Nhiều trường hợp như vậy liên quan đến con cái hoặc người thân của những người đã trốn khỏi Trung Quốc – những người mà chính quyền đang cố buộc họ về nước để trừng phạt.
Phản ứng của chính quyền địa phương với cuộc cách mạng nhà vệ sinh. Một trong những ưu tiên dài hạn của ông Tập là cuộc “cách mạng nhà vệ sinh” ở Trung Quốc. Khởi động lần đầu tiên vào năm 2015, dự án hướng đến thay thế các nhà vệ sinh công cộng nổi tiếng là mất vệ sinh và không có giấy – vốn vẫn được nhiều người dân không có nhà vệ sinh riêng ở nhà sử dụng thường xuyên – bằng những tiện nghi hiện đại sáng bóng và vệ sinh. Mặc dù ban đầu phần lớn nhắm đến các điểm du lịch, nhưng qua nhiều năm, chiến dịch đã chuyển sang hỗ trợ các vùng nông thôn nghèo, tuy kết quả rõ ràng là không đồng đều.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng nhà vệ sinh là một chủ đề dễ bị đem ra bàn luận trong một vấn đề kinh điển của chính quyền Trung Quốc: Khi các chiến dịch được chỉ đạo từ cấp trên, các cơ sở thường được xây dựng chỉ để kiểm tra, không để sử dụng. Việc giữ cho hồ bơi, trung tâm cộng đồng hoặc nhà vệ sinh sạch sẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu không ai được phép vào trong.
Hóa ra điều đó đã xảy ra với các nhà vệ sinh nông thôn. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra các cơ sở ở huyện Tắc Sơn, tỉnh Sơn Tây chỉ mở cửa cho các chuyến thăm hoặc hoạt động kiểm tra, còn lại bị khoá. Điều này đã thúc đẩy chính quyền Tắc Sơn mở một cuộc điều tra chính thức – dù chưa rõ liệu đây có thực sự là ưu tiên số một của chính quyền hay không.
Công nghệ và Kinh doanh
Trì hoãn áp thuế. Ngay cả khi đang cân nhắc đánh thuế diện rộng lên các đối tác thương mại toàn cầu của Mỹ, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn tránh một cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc ở quy mô ngang như vụ bất đồng sau “Ngày Giải phóng”. Một phần có lẽ vì Bắc Kinh không thực sự nghĩ Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi những đe dọa gần đây nhất của ông Trump.
Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã tuyên bố, ngày 1 tháng 8 là “hạn chót rất cố định” cho các quốc gia đạt được thỏa thuận thương mại mới với Mỹ để tránh bị áp thuế. Ông cũng nói rằng, thời hạn tạm dừng áp thuế đối với Trung Quốc trong vòng 90 ngày có thể sẽ được gia hạn.
Dựa trên tiền lệ của Trump trong việc thực hiện các đe dọa nhắm vào Trung Quốc từ trước đến nay, chẳng hạn như liên tục từ chối thi hành lệnh cấm TikTok đã được luật định, Bắc Kinh có cơ sở để cho rằng Trump đang dọa suông.
Nâng cấp đường sắt. Trung Quốc chuẩn bị nâng cấp mạng lưới đường sắt cao tốc nổi tiếng, tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ và công nghệ thay vì mở rộng hệ thống, vốn đã gần đạt mục tiêu bao phủ 50.000 km (khoảng 31.000 dặm).
Tuy nhiên, nhà địa lý kinh tế nổi tiếng Lục Đại Đạo (Lu Dadao) chỉ ra, hệ thống này vẫn tốn kém, xây dựng dư thừa và đầy rẫy tham nhũng. Quá trình thiết lập mạng lưới đường sắt cao tốc ban đầu đã vượt xa ngân sách và quá nhiều tiền bị biển thủ, đến mức toàn Bộ Đường sắt đã bị giải thể. (Một bộ trưởng từng giám sát dự án này hiện đang thụ án chung thân).