Kỳ 8: Giang Thanh ‘một bước lên trời’
Tro tàn hỏa táng Lưu Thiếu Kỳ chưa kịp nguội, thì đến lượt Phó thủ tướng Đào Chú – người dám đập bàn chỉ trích thẳng mặt Giang Thanh – phải nhận lấy “cái chết lưu đày” ở An Huy giữa một ngày tuyết lạnh cuối năm 1969…
Ở tuổi xế chiều, hai vợ chồng Mao Trạch Đông – Giang Thanh vượt qua những cách biệt về sở thích riêng trong cuộc sống hằng ngày, để tìm đến “một chỗ chung” hòa hợp trên chính trường đang “nóng” của những năm 1966 – 1976.
Mao Trạch Đông và Giang Thanh – người được tạp chí Time bình chọn là một trong 25 người phụ nữ quyền lực nhất thế kỷ 20
Cuốn “Bốn người vợ của Mao Trạch Đông” viết: “Quan hệ hôn nhân của họ lúc bấy giờ đã trở thành chủ yếu là quan hệ hôn nhân mang màu sắc chính trị. Do đó tại Đại hội IX năm 1969 Giang Thanh đã ung dung một bước đến trời, trở thành Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng.” (tr.175).
Đại hội trên kéo dài từ ngày 1 đến 24.4.1969 đưa Giang Thanh lên đỉnh cao mới và chính thức nhận chìm Lưu Thiếu Kỳ (theo biểu quyết từ Hội nghị lần thứ 12 – khóa VIII – Xem kỳ 7). Cuốn “Mười năm cuối đời của Mao Trạch Đông” do Trần Trường Giang và Triệu Quế Lai viết (*) nhận xét “quyết định sai lầm tai hại” của Đại hội IX là đã tạo thế lực cho Giang Thanh (và “tập đoàn Lâm Bưu”) lộng hành.
Mao Trạch Đông còn khẳng định đã “đưa vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc các nhân tố mới, có bầu nhiệt huyết mới, tăng cường thêm sinh lực” (ám chỉ các “lãnh tụ” của đại cách mạng văn hóa vừa được bầu vào BCH TW Đảng) song “Chủ tịch không ngờ chúng đi ngược lại ý nguyện của Người (…) không những không thực hiện được mục tiêu sự nghiệp của Chủ tịch mà còn gieo mầm bạo loạn cho Trung Quốc sau này. Thật bất hạnh vô cùng”. Viết như thế, tác giả “Mười năm cuối đời của Mao Trạch Đông” cho đường lối và mục tiêu của Mao Trạch Đông vẫn đúng, chỉ có tập đoàn Giang Thanh thực hiện sai.
Nhưng một số nhà nghiên cứu trong đó có Tân Tử Lăng nhận định khác hẳn. Hãy lùi lại hơn nửa năm trước Đại hội IX ấy, tức vào tháng 8.1968, Hồng vệ binh đem 3 cặp vợ chồng của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tử Bình và Đào Chú ra quảng trường Thiên An Môn đấu tố, bắt cả 6 người ngồi theo kiểu “bó gối”, thay nhau đấm đá túi bụi. Đào Chú mang thương tích đầy người vì ông phản ứng dữ dội nhất và cũng vì ông là đối tượng cá biệt có “ân oán riêng” với Giang Thanh. Chuyện thế này:
Đào Chú thuộc thế hệ cách mạng kỳ cựu, làm Bí thư thứ nhất Cục Trung Nam kiêm Chính ủy thứ nhất Đại quân khu Quảng Châu. Khi đại cách mạng văn hóa sắp bùng nổ lớn, Mao Trạch Đông gọi ông về Bắc Kinh, giao giữ Thường trực Ban bí thư, Phó thủ tướng, Cố vấn Tổ cách mạng văn hóa. Một lần nọ, Giang Thanh dựa thế chồng mình “sai” Đào Chú mang chỉ thị đến Viện Khoa học xã hội…Đào Chú chống lại, không đi. Giang Thanh trợn mắt, đập tay xuống thành ghế, quát: “Ông phải đi. Không đi không được”. Đào Chú không khuất phục, cũng đập tay xuống mặt bàn, hét trả: “Không đi ! Đây là tổ chức của Đảng, bà can thiệp quá nhiều rồi !”
Câu nói Đào Chú “vừa đúng, vừa sai”. Đúng vì bấy giờ Giang Thanh không phải là Ủy viên Trung ương Đảng nên chẳng đủ tư thế để “sai bảo” hoặc “bắt bẻ” một Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị như Đào Chú được. “Sai” vì “Giang Thanh ra lệnh với thân phận hoàng hậu, đại bất kính với hoàng hậu là đại bất kính với hoàng đế, làm sao Mao Trạch Đông có thể bỏ qua” (Tân Tử Lăng). Nên chẳng ngạc nhiên chút nào khi Mao Trạch Đông để yên cho Giang Thanh hành động, hạ chỉ điều một đám Hồng vệ binh xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội nhục mạ Đào Chú liên tục trong 6 giờ liền ngày 30.12.1966.
Đến chiều 4.1.1967, đoàn tạo phản to tiếng phê phán Đào Chú “không đi theo đường lối Mao Chủ tịch” để ngay tối hôm ấy bắc loa phóng thanh hô to khẩu hiệu “Đánh đổ Đào Chú !” quanh “bức tường đỏ” Trung Nam Hải. Mấy ngày sau, Đào Chú không bao giờ nhận được các tài liệu “tham khảo nội bộ” nữa, đường dây “điện thoại đỏ” dành riêng cho ông cũng bị cắt bỏ thẳng thừng. Không mấy chốc từ vị trí là nhân vật số 4 trong Đảng, Đào Chú trở thành “phạm nhân” luôn có 2 tiểu đội canh giữ bên ngoài, 3 vọng gác thiết lập trong khuôn viên nhà. Ngay phòng ngủ của ông cũng luôn luôn có các nhân viên đội đặc vụ lận súng ngắn thay nhau đứng ở đầu giường suốt 24/24 giờ, không để ông ngủ yên, dường như họ muốn dòm ngó xoi mói vào cả những giấc mộng không thành của người Chính ủy Đại quân khu Quảng Châu năm nào. Tân Tử Lăng viết:
“Việc Đào Chú bị đánh đổ với tội danh “phái bảo hoàng lớn nhất” đã chỉ ra phương hướng hành động cho các tổ chức tạo phản” do Giang Thanh ra mặt ủng hộ để làm loạn quân đội, như phê phán Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Tiêu Hoa là “hạng chính khách tư sản” và bắt “Phó tư lệnh Đại quân khu Nam Trung: Nhiếp Phượng Trí cho vào bao tải, đánh gãy 8 chiếc răng – Phó tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh kiêm tư lệnh Hạm đội Đông Hải Đào cũng bị dìm trong giếng nước tại nhà khách của hạm đội, đầu chúc xuống, chết sặc. Nhiều tướng lĩnh cấp cao bị tùy tiện bắt giam, khám nhà, hành hạ, có người tự sát, lãnh đạo Quân ủy trung ương lòng như lửa đốt”… (còn nữa)
Nguồn: Một Thế giới