Reply To: Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

#3012
NCQT
Keymaster

Kỳ 10: “Bớt vài tấn đất” ngọn Chomolungma vẫn cao như thế?!

“Sấm sét” nổ lớn ngay những giờ đầu của “Đại hội 7.000 người” bởi các đại biểu tập trung phản đối nội dung bản báo cáo do Ủy ban khởi thảo của Mao Trạch Đông soạn ra…


“Bước đại nhảy vọt” của Mao đã khiến hơn 35 triệu người dân Trung Quốc chết đói

Nguyên do: dự thảo báo cáo đó muốn trút hết lỗi lầm trong những năm thực hiện “bước tiến nhảy vọt” cho lãnh đạo các địa phương từ cấp tỉnh trở xuống. Trong lúc Mao Trạch Đông mới chính là người gây hậu quả thảm khốc, đưa số người chết đói chiếm tỷ lệ 5,11% dân số cả nước và dẫn đến tình trạng rối bời khắp nơi. Có những trường hợp cố gắng “tự tháo gỡ”, như Bí thư tỉnh ủy An Huy là Trương Khải Phong ra lệnh giải tán toàn bộ hơn 4.000 nhà ăn tập thể ở huyện Vô Vi, bị Mao Trạch Đông phê bình là đã: “đứng trên lập trường giai cấp tư sản, mưu toan phá hoại nền chuyên chính vô sản, chia rẽ đảng Cộng sản”. Ông chỉ thị phải tiếp tục duy trì thiết chế “công xã nhân dân” với “bếp ăn tập thể”, đẩy An Huy trở thành tỉnh có tỷ lệ người chết đói cao nhất nước (chiếm 18,37% – tiếp đến là Tứ Xuyên 13,07%, Quý Châu 10,23%, Hồ Nam 6,81%, Cam Túc 6,45%, Hà Nam 6,12%, Hà Bắc 11%, Giang Tây 1,06%, Thiểm Tây 1,02%, Cát Lâm 0,94%, Chiết Giang 0,55%, Sơn Tây 0,37%…).

Tài liệu Tân Tử Lăng:

Từ mùa hè 1958, do sức ép từ trên xuống, các nơi đều phải khai tăng sản lượng lương thực lên gấp bội: “Dựa vào con số lương thực tự báo đó, trên lại giao mức lương thực phải bán cho nhà nước. Cán bộ cơ sở và nông dân đứng trước một thực tế gay gắt: nếu bán lương thực theo chỉ tiêu, thì không còn cái ăn và cũng hết sạch cả hạt giống”. Vì thế nông dân tìm mọi cách cất giấu lúa gạo khắp nơi: “Chôn dưới hầm, dưới gốc cây, chân tường, vùi trong thức ăn gia súc, thậm chí chia thành gói nhỏ, cài trong tổ chim trên cây cao, hoặc đặt dưới hố nước tiểu”. Để truy bức, các đội công tác đặc biệt được phái xuống nông thôn phát động mọi người tố giác lẫn nhau. Không khí nghi kỵ, rình rập, tố cáo bao trùm lên đời sống của 500 triệu nông dân. Kể cả các đội trưởng sản xuất bị quy tội che chở hoặc đứng về phía nông dân trong cuộc cất giấu lương thực ấy cũng phải chịu bắt bớ, tra khảo, vùi dập tàn nhẫn.

Dư luận thế giới chú ý đến tuyên bố của Mao Trạch Đông ngày 3.9.1958 về “bước nhảy vọt” thần kỳ: “Sản lượng lương thực năm nay có thể tăng xấp xỉ gấp hai lần năm ngoái: từ 185 triệu tấn lên khoảng 370 triệu tấn – nếu năm 1959 tới lại tăng gấp hai lần năm nay, thì sẽ lên 750 triệu tấn”. Song lãnh đạo các tỉnh báo cáo không đủ lương thực để nộp theo dự tính, làm Mao Trạch Đông sốt ruột “bởi đây là việc thật bẽ mặt” với quốc tế. Ông tự mình viết thông tri gởi khắp nơi nhấn mạnh“vấn đề phổ biến trong cả nước là các công xã, đội trưởng sản xuất che giấu sản lượng, chia nhau lương thực, tình hình nghiêm trọng phải giải quyết ngay” và cần thiết “phải tiến hành một đợt kiên quyết mới giải quyết được”. Kiên quyết như thế nào Mao Trạch Đông không chỉ rõ, cứ để lửng lơ “cho cấp dưới đầy đủ không gian tha hồ tưởng tượng, phát huy”. Tân Tử Lăng nhận định: “thủ đoạn “giáo dục kiên quyết” moi cả khẩu phần lương thực của nông dân là nguyên nhân chủ yếu gây chết đói trên quy mô lớn” và nêu ra trường hợp điển hình sau:

“Tỉnh Hà Nam vụ thu 1958 có tới 50% mùa màng bị hư hỏng ngoài đồng. Năm 1959 sản lượng lương thực giảm, chỉ có 9,75 triệu tấn, nhưng các nơi báo lên không thực: tới 22,5 triệu tấn!. Bí thư tỉnh ủy Ngô Chi Phí lấy đó làm cơ sở giao chỉ tiêu cưỡng bức thu mua lương thực, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ bị coi là “Bành Đức Hoài con”. Chuyên khu Tín Dương thực sản chỉ có 2 triệu tấn, Bí thư Khu ủy Lộ Hiến Văn vống lên 4,15 triệu tấn, tỉnh giao chi tiết thu mua 48 vạn tấn đã là quá cao, Khu ủy xung phong nhận 52 vạn tấn. Khẩu phần lương thực, hạt giống và thức ăn gia súc của nông dân bị cướp đi rất nhiều, bình quân đầu người chỉ còn hơn 50kg, đủ ăn trong 4 tháng, một số huyện thậm chí không đủ 3 tháng. (…) Để quán triệt tinh thần “kiên quyết giáo dục” của Mao Trạch Đông, Khu ủy đã tổ chức cuộc họp 6.000 người ở huyện Hoàng Xuyên, lôi hơn 60 người ra đấu tố, lại lôi thêm 4 người từ nhà tù ra xét xử công khai. Những nông dân đến dự đều gầy gò, vàng vọt, khoảng 40% mắc bệnh phù thũng, một người chết đói tại chỗ, 19 người chết trên đường về nhà. (…) Mùa xuân 1960, có làng 80 ngày người dân không được một hạt lương thực vào bụng. Nhiều người bỏ đi nơi khác kiếm ăn. Vậy mà Bí thư Khu ủy Lộ Hiến Văn vẫn lên giọng: “Không phải thiếu lương thực, mà lương thực rất nhiều, 90% là vấn đề… tư tưởng” (!). Ông ta chỉ thị cho cán bộ cơ sở và dân quân phong tỏa mọi nẻo đường, không cho dân chúng bỏ đi nơi khác”. Điểm lại quá khứ đó, “đại hội 7.000 người” không đồng ý với nội dung dự thảo làm Mao Trạch Đông trực nhận một điều không vui đối với mình: “đại đa số cốt cán không còn ủng hộ ông ta” như trước kia nữa. Mao Trạch Đông phải giao một ủy ban 21 người trong đó có Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình và Bành Chân chỉnh sửa lại báo cáo.

Sau 4 ngày soạn thảo, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình đều nhận trách nhiệm về mình để làm nhẹ bớt sai lầm của Mao Trạch Đông. Còn Bành Chân (một trong “bát đại nguyên lão” của Đảng Cộng sản Trung Quốc – từng làm Thị trưởng thành phố Bắc Kinh) phát biểu một câu làm Mao Trạch Đông sững người, để bụng: “Uy tín của Mao chủ tịch nếu không cao như ngọn Chomolungma của dãy Hy Mã Lạp Sơn thì cũng cao tựa Thái Sơn, nên dù có “bớt đi vài tấn đất” vẫn cao như thế. Cũng chẳng phải Mao Chủ tịch không có khuyết điểm gì. Nếu một phần trăm, một phần nghìn sai lầm của Chủ tịch mà không được kiểm điểm, thì sẽ để lại ảnh hưởng xấu trong Đảng ta”. Về sau Bành Chân bị thất sủng… (còn nữa)

Nguồn: Một thế giới