NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 8 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
18/04/2015 at 11:10 #7200NCQTKeymaster
ĐIỂM SÁCH: Chảo dầu Châu Á: Biển Đông và sự kết thúc một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ổn định
Cuốn sách của Robert Kaplan đề cập đến một trong những chủ đề đang được các học giả thế giới quan tâm nhất trong thời gian gần đây: chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc trong so sánh với học thuyết cường quốc biển của Alfred Mahan và học thuyết Monroe của Mỹ từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Cuốn sách Asia’s Cauldron: the South China Sea and the End of a Stable Asia – Pacific (Tạm dịch:Chảo dầu Châu Á: Biển Đông và sự kết thúc một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ổn định) của Robert Kaplan đề cập đến một trong những chủ đề đang được các học giả thế giới quan tâm nhất trong thời gian gần đây: chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc trong so sánh với học thuyết cường quốc biển của Alfred Mahan và học thuyết Monroe của Mỹ từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Là một chuyên gia địa chính trị, Robert Kaplan đã xuất bản 3 cuốn sách trong vòng 4 năm gần đây liên quan đến lĩnh vực này. Với phong cách kết hợp giữa phân tích địa chính trị, quan hệ quốc tế với sử và ký đặc trưng, trong cuốn Chảo dầu Châu Á, Kaplan đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về Biển Đông mà trong đó, mỗi mảng màu tượng trưng cho một quốc gia xung quanh vùng biển này. Lấy tư liệu từ quá trình tự mình ngao du tìm hiểu về các nước ở khu vực, ông đã viết nên những câu chuyện cuốn hút về lịch sử, về cá nhân lãnh đạo tài giỏi và trên hết, về cạnh tranh địa chính trị phức tạp ở Biển Đông.
Robert D. Kaplan mở đầu cuốn sách với hình tượng sụp đổ của nền văn minh Champa. Có thể hình tượng đó truyền tải hàm ý rằng không có cường quốc nào là bất biến, luôn có sự vận động hình thành một lực lượng mới song song với lực lượng đang tồn tại. Do đó, tương lai luôn khó đoán định và luôn tồn tại nhiều khả năng khác nhau mà các dự đoán sắc bén nhất cũng chưa chắc đã chính xác. Cũng trong lời mở đầu, Kaplan viết rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể suy yếu hoặc sụp đổ xuất phát từ những áp lực kinh tế và xã hội ngay bên trong đất nước là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai. Với mục đích xác định viễn cảnh của Biển Đông và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, việc khởi động ngòi bút với hình tượng Champa đã phần nào giúp tác giả gửi gắm thông điệp của mình đến với người đọc.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt 9 chương sách của Kaplan là câu hỏi: Tương lai của Biển Đông sẽ ra sao: yên bình hơn hay bất ổn hơn, và liệu chiến tranh nóng có xảy ra hay không? Xoay quanh câu hỏi lớn đó, những vấn đề nhỏ hơn mà tác giả muốn nhấn mạnh là Trung Quốc có thể trở thành bá chủ khu vực không, các nước xung quanh Biển Đông có bị chi phối (Finlandization – Phần Lan hóa) không, và vai trò của Mỹ đến đâu.
Đầu tiên, để chứng minh cho luận điểm “Biển Đông đang dần trở thành vùng nước gây tranh cãi nhất thế giới”, tác giả Kaplan nhận định điều này không chỉ xuất phát từ nguồn tài nguyên năng lượng, các tranh chấp lãnh thổ phức tạp mà còn do cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực. Để nhấn mạnh hơn, ông cho rằng: khác xa so với Biển Caribbean, Biển Đông chính là “cuống họng” nối Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với các tuyến đường thương mại và tuyến thông tin liên lạc then chốt. Hơn hết, Biển Đông còn là mấu chốt quan trọng của chính trị nước lớn trên thế giới. Tuy có độ vênh về tầm quan trọng chiến lược giữa hai vùng biển này nhưng tác giả chỉ ra rằng tình hình hiện nay ở Biển Đông rất giống với Biển Caribbean trước đây, và yêu sách chủ quyền hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông thực chất cũng không khác là mấy so với lập trường của Mỹ đối với Caribbean vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Caribbean là biển kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, do đó độc chiếm được Caribbean cũng đồng nghĩa với việc Mỹ kiểm soát được Tây bán cầu. Tương tự, Biển Đông kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, do đó nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ có khả năng tác động đến cân bằng quyền lực ở Đông Bán cầu. Bên cạnh đó, một đặc trưng địa chính trị then chốt của Caribbean là rất gần với Mỹ và rất xa các cường Quốc châu Âu. Biển Đông hiện nay thì quá xa Mỹ và các cường quốc Phương Tây, trong khi lại rất gần cường quốc đang trỗi dậy Trung Quốc. Ngoài ra, mặc dù Mỹ rất muốn đẩy Châu Âu ra khỏi Caribbean nhưng vẫn xích lại gần các nước này về mặt chính trị, và tìm cách gần gũi hơn với các nước châu Mỹ – Latin. Còn Trung Quốc hiện nay tuy muốn giảm ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ nhưng không thể không hợp tác với Mỹ và cũng tìm mọi cách “tấn công hấp dẫn” (charm offensive) hay mua chuộc các nước ở sân sau của mình.
Vậy liệu số phận Biển Đông sẽ tương tự với số phận của Caribbean ngày trước hay không? Tuy không trực tiếp đưa ra dự báo nhưng Kaplan mang đến những nhận định khá hữu ích và lạc quan về tương lai cho các nước ở khu vực trong cuộc chiến cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Các quốc gia bao quanh Caribbean vào thời điểm đó đều là những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ ly khai yếu ớt, bất ổn định. Trong khi đó, các quốc gia bao quanh Biển Đông hiện nay phát triển hơn rất nhiều, thậm chí Philippines và Indonesia đều là những quốc gia mạnh mẽ và Việt Nam là cường quốc tầm trung đầy tiềm năng.
Việc so sánh Trung Quốc – Biển Đông với Mỹ – Caribbean kể trên được coi là một trong những cơ sở lý giải cho cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc trong những năm gần đây. Đồng thời, khi đọc nhận định của Kaplan về vấn đề này, ta có thể thấy rõ góc nhìn “hiện thực” của ông: “Những việc Trung Quốc đang làm không hề có gì là hiếu chiến một cách bất thường”, hay “tại sao chúng ta lại mong đợi rằng Trung Quốc sẽ hành xử khác so với những gì mà Mỹ đang từng làm?”. Ngoài ra, tác giả còn lập luận rằng việc một quốc gia tìm cách thống trị vùng biển gần mình, nơi có rất nhiều dầu khí và lại được bao bọc bởi các quốc gia nhỏ và yếu hơn, là điều hết sức tự nhiên. Nếu điều này không xảy ra cũng đồng nghĩa với việc chính trị nước lớn trong hàng thập kỷ qua không còn tồn tại nữa.
Sau khi khái quát về bức tranh toàn cảnh, Kaplan bắt đầu đi sâu phân tích về từng nước xung quanh Biển Đông. Ông đã đi, tìm hiểu và rồi viết nên các chương sách sinh động về các từng nước một, lần lượt là Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines và Đài Loan. Trong mỗi chương, ông khái quát lại về lịch sử đất nước, cá nhân lãnh đạo nổi bật, mối quan hệ với Trung Quốc và đặc điểm chính trị nội bộ, kinh tế, quân sự hiện tại của các quốc gia đó. Có thể kể đến một vài điểm đáng chú ý trong các chương viết về các quốc gia này như sau:
Thứ nhất, về Malaysia, ông cho rằng nước này không hề muốn và cũng không đủ năng lực trong tranh chấp với Trung Quốc nhưng lại công khai được bảo vệ chống lại sức mạnh của Trung Quốc bởi 50 chuyến thăm mỗi năm của tàu chiến Mỹ đến Malaysia. Thứ hai, ông nhận định Singapore là một đất nước khá thực dụng. “Không có chính sách đối ngoại và quân sự của bất kỳ nước nào trên thế giới “máu lạnh” bằng chính sách của Singapore…… Người Singapore thì thoải mái hơn với một kẻ thù thực sự hơn là một người bạn không thực chất. Về quốc gia Philippines, Kaplan cho rằng đất nước này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, “Philippines bị bao vây bởi Trung Quốc, bởi các phiến quân nội chiến và bởi sự phức tạp về văn hóa.”
Đối với Đài Loan, Kaplan dành khá nhiều từ ngữ ưu ái. Ông cho rằng Đài Loan thực sự là một đất nước rất mạnh mẽ và việc chiếm đóng đảo Ba Bình đã chứng minh được điều đó. Lý do Kaplan so sánh Đài Loan tương tự như bức tường Berlin là bởi ông cho rằng Đài Loan chính là biểu tượng của sự tự do nếu đem so sánh với Trung Quốc, và là đầu tàu của tình hình chính trị và quân sự ở Tây Thái Bình Dương trong tương lai. Theo Kaplan, nếu sự độc lập trên thực tế của Đài Loan được Trung Quốc chính thức nhượng bộ, thì các nước xung quanh Biển Đông cần âm thầm đánh giá lại chính sách quân sự của mình và tìm cách thích ứng tốt hơn với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hơn cả chính số phận của bản thân mình, Đài Loan đang phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn thế.
Đặc biệt về Việt Nam, tác giả Kaplan dường như rất hiểu và thông cảm với việc nước nhỏ phải sống chung với một nước láng giềng mạnh hơn. Ông đã sử dùng cụm từ “số phận của Việt Nam” để đặt tiêu đề cho chương sách. Bên cạnh đó, ông còn nhận định rằng không có một quốc gia nào bị đe dọa bởi Trung Quốc nhiều bằng Việt Nam. Và kinh nghiệm cho thấy rằng không nên hoàn toàn tin tưởng vào một cường quốc ở xa, với ví dụ về quan hệ Việt Nam – Liên Xô vào giai đoạn 1978-1979. Sinh động hơn, ông còn trích lại châm ngôn của các quan chức Việt Nam rằng “Nước xa không dập được lửa gần.” Cũng từ cơ sở đó, ông đưa ra lời khuyên cho các nước châu Á nói chung không nên hoàn toàn dựa vào Mỹ, và cần tự cân bằng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Quan điểm “tự cứu lấy mình” (self-help) này một lần nữa góp phần khẳng định góc nhìn mang màu sắc chủ nghĩa hiện thực của tác giả.
Tuy chiếm một phần rất nhỏ nhưng tác giả cũng đã đưa ra một vài gợi ý cho Mỹ. Đó là nên chấp nhận vị trí của hải quân Trung Quốc, tìm cách chung sống với sự trỗi dậy của Trung Quốc, và quan trọng nhất là vẫn phải đảm bảo được các chuẩn mực toàn cầu về tự do hàng hải, tự do thương mại và duy trì được cân bằng quyền lực ở khu vực.
Về tương lai, mặc dù nhận định rằng tình hình sẽ ngày một bất ổn hơn nhưng tác giả dự đoán chiến tranh nóng sẽ không xảy ra ở khu vực. Tình hình bất ổn hơn bắt nguồn từ việc tăng ngân sách quốc phòng, nâng cấp hải quân và mua sắm vũ khí của Trung Quốc cũng như của các nước khác trong khu vực. Bên cạnh các nguy cơ truyền thống, tình hình bất ổn hơn có thể do các mối đe dọa phi truyền thống như cướp biển hay an ninh năng lượng. Ngoài ra, xung đột có vũ trang là điều khó xảy ra vì theo nhận xét của Kaplan, việc phát động chiến tranh trên biển khó khăn rất nhiều lần so với trên đất liền mà tiêu biểu là vấn đề khoảng cách, huy động quân đội và tàu chiến hay vấn đề hậu cần. Tuy nhiên, do dự báo về tương lai là một điều hết sức khó khăn, nên có thể có nhiều khả năng khác và tác giả bỏ ngõ rằng không nên chỉ nghĩ theo một hướng.
Với những ai chưa quen phong cách kết hợp sử và ký vào việc phân tích địa chính trị của tác giả, có thể sẽ cảm thấy khó nắm bắt được các luận điểm chính của cuốn sách. Tuy nhiên, càng nghiền ngẫm sẽ càng cảm thấy cuốn hút khi hiểu được những ẩn ý, những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Lồng vào trong những nhận định về cân bằng quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương, những miêu tả sinh động của Kaplan về những vùng đất mà ông đặt chân đến làm cuốn sách thêm phần hấp dẫn và thu hút. Ngoài ra, văn phong của tác giả còn góp phần làm dịu đi những căng thẳng của cạnh tranh địa chính trị phức tạp ở Biển Đông.
Nhìn chung bố cục của cuốn sách khá hợp lý, mạch lạc và đã góp phần giúp tác giả trả lời được câu hỏi về tương lai Biển Đông, đáp ứng được mong đợi của độc giả. Bên cạnh tính hấp dẫn, cuốn sách cũng đã đảm bảo được độ chính xác của thông tin, khi mang đến cho người đọc những trải nghiệm mắt thấy tai nghe và trích dẫn nhận định của nhiều chuyên gia, học giả, quan chức tại các nước trong khu vực. Tuy đôi chỗ còn phân tích chưa sâu nhưng cuốn sách “Chảo dầu Châu Á” của Robert D. Kaplan thực sự là tài liệu hữu ích cho những ai đang “đói” các thông tin về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, về các nước trong tranh chấp, về cạnh tranh địa chính trị ở khu vực và về tương lai của một vùng biển đầy sóng gió.
Nguyễn Thùy Anh
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.