“Hiệp định FTA thế hệ mới” là gì?

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #27639
      NCQT
      Keymaster

      “Hiệp định FTA thế hệ mới” là gì?

      Tác giả: Mạnh Cường

      Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe tới một thuật ngữ mới là “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”. Vậy FTA thế hệ mới là FTA như thế nào?

      Khá nhiều người bị nhầm lẫn khái niệm “mới” và “thế hệ mới”. “Thế hệ mới” thì chắc là phải là “mới” rồi, nhưng “mới” chưa chắc đã là “thế hệ mới”. Ví dụ, xe ô tô Toyato Camry mới sản xuất năm 2018 có đôi chút thay đổi về mẫu mã hay cải tiến một vài chi tiết so với Camry sản xuất năm 2015 nhưng đó chỉ là phiên bản mới (phiên bản 2018) của một Camry truyền thống chứ không phải là ô tô thế hệ mới. Còn một chiếc xe ô tô được sản xuất năm 2018 mà là loại tự điều khiển không có người lái thì đó đích thị là xe ô tô thế hệ mới.

      Đối với các FTA thì tiêu chí đánh giá cũng tương tự như vậy.

      Theo tôi thì FTA thế hệ mới có 4 đặc trưng cơ bản sau: thứ nhất là mức độ cam kết rộng nhất, bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ mà không có loại trừ; thứ hai là mức độ cam kết sâu nhất, cắt giảm thuế gần như về 0% hết mà không có loại trừ (tất nhiên có thể có lộ trình); thứ ba là cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ; và thứ tư là nó bao gồm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa,.. Trong 4 đặc trưng trên thì 3 đặc trưng 1,2 và 3 chỉ là việc “nâng cấp” các FTA truyền thống, còn riêng đặc trưng thứ tư thì đúng là cái mà nó làm nên sự khác biệt của một thế hệ FTA (cũng tương tự như chuyển từ thế hệ ô tô có người lái sang ô tô không có người lái vậy).

      Nếu căn cứ vào những đặc trưng trên để xác định một FTA thế hệ mới thì trong số 17 FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia (10 cái đã phê chuẩn và đang thực hiện, 4 cái đã kết thúc đàm phán đang đợi ký và phê chuẩn và 3 cái đang đàm phán) thì chỉ có 3 FTA được coi là thế hệ mới là TPP, CPTPP và FTA với EU (EVFTA). Có FTA có vẻ cũng cực kỳ “đồ sộ”, “hoành tráng” như Hiệp định RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) gồm 16 nước (10 nước ASEAN và 6 nước đối tác) thì nếu căn cứ vào nội hàm của nó thì FTA này mặc dù là sẽ được “sinh ra” sau TPP và EVFTA nhưng cũng chưa được coi là FTA “thế hệ mới”, thậm chí nếu hiệp định này đạt được mức độ “tiên tiến” của FTA thế hệ cũ thì cũng đã là một tham vọng lớn rồi.

      Về mặt học thuật, nếu ta đã nói “thế hệ mới” thì sẽ có người hỏi vậy thế hệ mới này là thế hệ thứ mấy và trước đó là những thế hệ nào?

      Tôi thì chưa thấy ai đưa ra một định nghĩa phân định rạch ròi về các thế hệ FTA, nhưng tôi chỉ đề cập ở đây sự phát triển của FTA qua các thời kỳ.

      FTA nguyên thủy ban đầu chỉ là cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa (thương mại hàng hóa). Sau đó nâng lên là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Rồi sau đó các FTA lại được nâng cấp lên tiếp bằng cách bổ sung thêm cấu phần bảo hộ đầu tư và sau này thì bổ sung thêm sở hữu trí tuệ. Mô hình FTA gồm 3 – 4 cấu phần như trên được coi là khá phổ biến cho tới khi xuất hiện FTA thế hệ mới như đã nói ở phần trên.

      Cũng có thể có một cách định nghĩa khác đơn giản hơn, đó là những FTA nào mà cao hơn và rộng hơn hẳn WTO (tôi nhấn mạnh là hơn hẳn chứ không chỉ là hơn một chút) thì đó là FTA thế hệ mới.

      Tóm lại, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, khi chúng ta nói tới FTA thế hệ mới thì đó chính là nói tới 2 FTA là CPTPP (mà tiền thân của nó là TPP) và FTA với EU.

      Nói như vậy thì chúng ta mới cảm nhận được việc Quốc hội sắp bấm nút thông qua CPTPP nó có ý nghĩa lớn như thế nào.

      PS: Lần tiếp mình sẽ viết về xu hướng đưa nội dung lao động vào trong các FTA trên thế giới trong những năm gần đây như thế nào

      Nguồn: Facebook Mạnh Cường

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.