- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 7 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
21/06/2015 at 07:21 #8664NCQTKeymaster
Napoleon và một số chuyện về sau
Nguyễn Giang
Kỷ niệm 200 năm trận Waterloo (18/06/1815), trận thua của Hoàng đế Pháp Napoleon trước liên quân do Công tước Anh Wellington chỉ huy, báo chí Anh nêu ra một luận điểm đáng chú ý.
Martin Kettle trên trang The Guardian hôm 17/06 cho rằng đây là giấc mơ cách mạng Pháp và nền dân chủ đã thua và phe phản động, bảo thủ mà Anh đứng đầu đã thắng.
Vì Napoleon thua trận, trật tự cũ kỹ gồm các nhân vật như Castlereagh, Metternich, Louis XVIII và Charles X của Pháp, Ferdinand VII của Tây Ban Nha đã thắng, xu hướng dân chủ hóa, ‘tự do, bình đẳng, bác ái’ bị đẩy lui, theo tác giả.
Nhìn từ nước Anh, xứ sở ngày nay vẫn có chế độ quân chủ lập hiến, đây quả là một cách nhìn táo bạo nhưng chưa hẳn đã đúng.
Thiên tài quân sự
Không ai phủ nhận Cách mạng Pháp 1789 đã thay đổi toàn bộ chính trị châu Âu, và là tiền đề cho nhiều cuộc cách mạng sau này, ở Nga, Trung Quốc, và cả ở Việt Nam.
Cách mạng Pháp đã lần đầu tiên thắng lợi với bạo lực của quần chúng để đổi đời triệt để, thay đổi toàn bộ xã hội theo các ý tưởng mới, luật pháp mới, văn hóa mới.
Cách mạng Pháp cũng đã đưa đỉnh cao quyền lực những người không hề có dòng máu quý tộc mà xuất thân bình dân, con của thợ thuộc da, thợ rèn, viên chức nhỏ, như Napoleon (một người tỉnh lẻ từ đảo Corsica) và nhiều nguyên soái của ông.
Về mặt quân sự, Napoleon được công nhận là một thiên tài, cả về chiến lược, chiến thuật, hiểu biết tâm lý binh sỹ, kiến thức quân khí.
Vào cuối thế kỷ 17 châu Âu bước vào cách mạng công nghiệp với trình độ luyện kim cho phép nòng pháo có chất lượng hơn hẳn các loại thần công bắn đạn đá, đạn sắt tròn trước đó.
Ông đã đưa pháo binh thành một bộ phận cơ động gắn liền với các binh đoàn tác chiến độc lập, thay cho cách dùng pháo như loại vũ khí nặng nề, chỉ phụ trợ cho bộ binh và bảo vệ lâu đài thời trước.
Ông cải tổ toàn bộ tư duy quân sự Pháp, lập ra quân đội hiện đại gồm các đơn vị tác chiến từ cấp trung đoàn trở nên có ban tham mưu, trinh sát, các quân chủng cùng phối hợp hỏa lực, bỏ hẳn quân đội trung cổ gồm các nhóm tư binh đánh thuê cho lãnh chúa.
Đây cũng là mô hình quân đội sau được các nước áp dụng, duy trì hơn 200 năm, cho đến tận Thế Chiến I.
Napoleon kết hợp pháo binh, kỵ binh và bộ binh hành quân nhanh, tập kích dụ địch tản quân, bao vây để rồi tập trung hỏa lực pháo, kỵ binh xung kích, bộ binh xung phong vào phút quyết định đánh vào trung tâm phá tan đội hình địch.
Điển hình cho cách đánh của ông là trận Austerlitz ở vùng đồi Moravia, nay là CH Czech, nơi 68 nghìn quân Pháp đã đánh tan 90 nghìn liên quân Nga – Áo do Hoàng thân Mikhail Kutuzov chỉ huy, tháng 12/1805.
Năm đó, Napoleon mới 36 tuổi.
Ai ‘phản cách mạng’?
Nhưng như rất nhiều cuộc cách mạng khác, ở châu Âu và châu Á về sau này, những nhân vật hàng đầu đã xoay ra tự mãn, và cầm quyền ngày càng độc đoán.
Napoleon thì ngỡ mình là Julius Ceasar tái sinh, các nguyên soái của ông và em trai được phong vương để thống trị bằng quân sự như lãnh chúa chiếm đóng ở Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bavaria…hóa ra lại củng cố trật tự phong kiến mà trước đó họ muốn phá bỏ.
Napoleon không chỉ có nhân tình là Maria Walewska, vợ một nhà quý tộc Ba Lan, mà sau còn bỏ Hoàng hậu Josephine để cưới Công chúa Marie Louise, con gái út của Hoàng đế nước Phổ.
Ông còn ký liên minh đầy bất trắc với Hoàng đế Alexander của Nga, quốc gia lạc hậu nhất châu Âu vì còn chế độ nông nô.
Như thế, cuộc cách mạng có đạt được nhiều thành tựu ở Pháp nhưng đã tàn ngọn lửa ở châu Âu và có lẽ đây là lý do 10 năm sau trận Austerlitz vang dội, Napoleon đã thua Wellington ở Waterloo.
Vào thời điểm diễn ra trận đánh ngày tại cánh đồng khi đó thuộc Hà Lan, đồng minh của Anh, sức chiến đấu và tinh thần của chính Napoleon và quân Pháp đã yếu nhiều.
Khi ấy, cả Napoleon và nguyên soái Arthur Wellesley Wellington đều chỉ cùng 46 tuổi và kinh nghiệm chiến trường của Napoleon còn hẳn đối thủ Anh nhưng quân Pháp không còn là ‘La Grande Armee’ một thời hừng hực khí thế cách mạng.
Nó chỉ là sự tập hợp yếu kém, vội vã sau khi Napoleon đã bị buộc phải thoái vị năm 1814 và đột ngột quay trở lại chiếm quyền.
Thời thế thay đổi
Người ta đã, đang và sẽ còn bình luận về các chi tiết trận Waterloo, như Wellington may mắn hay có giỏi có hơn hẳn Napoleon hay không, trinh sát Pháp có sai lầm, trận mưa ‘trời hại’ qua đêm khiến kỵ binh Pháp không triển khai được vì chiến trường lầy lội…
Nhưng nhìn chung về xu hướng thì Anh khi đó đã vượt lên Pháp.
Đằng sau chiến thắng của Wellington còn bóng dáng William Pitt của Anh dù ông qua đời 9 năm trước trận Waterloo.
Lên nắm quyền lần đầu năm mới 24 tuổi, William Pitt là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Anh, với cả sự nghiệp của ông nhằm ngăn chặn Napoleon và làn sóng cách mạng Pháp ở châu Âu.
Pitt đã thúc đẩy sự phát triển của hải quân mà đỉnh cao là chiến thắng Trafalgar năm 1805.
Chiến lược ‘dùng đất chống biển’ của Napoleon để ngăn Anh đã không thành công và sau khi Napoleon thua tại Waterloo, Anh Quốc vẫn tiếp tục thống lĩnh mặt biển trong nhiều thế kỷ.
Cho đến hôm nay, Pháp vẫn chỉ muốn quên đi trận Waterloo và năm nay, các lãnh đạo Pháp chỉ kỷ niệm lời hiệu triệu trên BBC của Tướng Charles de Gaulle kêu gọi dân Pháp chống phát-xít Đức năm 1940.
Ngày nay nhìn lại, điều thú vị là Anh và Pháp đều nhấn mạnh đến sức mạnh của tự do và liên kết quốc tế nhưng mỗi bên theo một cách khác hẳn nhau.
Nền cộng hòa từ thời Napoleon với bộ luật dân sự nổi tiếng là chất kết dính quốc gia, tạo ra bản sắc Pháp.
Mô hình Pháp cũng lan tỏa ra thế giới khiến gần như ở đâu có cách mạng lật đổ vua chúa thì người ta cũng lập ra nền cộng hòa, ít ra là trên danh nghĩa.
Ở Anh, thì ngược lại nền quân chủ mà có ý kiến cho là thế lực phản động (reactionary) cũng tiến hóa để đóng vai trò liên kết đó với Vương triều đại diện cho cả bốn xứ Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland.
Cũng nền quân chủ Anh với một nghị viện mạnh mẽ lại đem tư duy tự do thương mại phổ biến ra toàn thế giới.
Ngày nay, khó có thể nói hệ thống ở Anh là phản động, dù khác biệt giai cấp vẫn còn lưu cữu.
Ngược lại, Pháp thì để nhà nước nắm trọn nên cũng tạo ra sự trì trệ trong xã hội cho dù ‘tự do, bình đẳng, bác ái’ luôn được đề cao.
Có một chi tiết của cuộc đời Napoleon liên quan đến Việt Nam.
Cuộc tình của ông với bà quý tộc Ba Lan đã sinh ra con trai là Walewski, người không muốn tấn công Đà Nẵng năm 1858 khi Pháp nhân danh bảo vệ người Công giáo để trừng phạt vua chúa nhà Nguyễn.
Ông Walewski khi đó là Thượng thư Ngoại giao cho rằng phía Pháp không thực hiện điều ước 1787 ký với Nguyễn Ánh nên không có lý do can thiệp.
Nhưng vua Napoleon III đã nghiêng về ý kiến của Bộ Hải quân và thế là trận bắn phá Tourane bắt đầu, mở màn cho chiến tranh với Đại Nam và dẫn tới chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương.
Một lần nữa khẩu hiệu của Cách mạng Pháp (tự do tôn giáo) trở thành lý do cho can thiệp quân sự.
Nhưng phải đến năm 1945 thì Triều Nguyễn mới chính thức cáo chung vì một cuộc cách mạng khác của người Việt Nam, học theo cách mạng Nga 1917, một sản phẩm kiểu khác của Cách mạng Pháp.
Tự do, bình đẳng, bác ái vẫn tiếp tục thiếu vắng ở nhiều nơi trên thế giới và dù muốn hay không, chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của những gì thời đại Napoleon để lại, gồm cả hệ quả của những trận chiến 200 năm về trước.
Nguồn: BBC Vietnamese
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.