Nga và Việt Nam: Quan hệ đối tác nhiều thách thức

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

  • This topic is empty.
Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #42147
      NCQT
      Keymaster

      Nga và Việt Nam: Quan hệ đối tác nhiều thách thức

      Nguồn: Nikola Mikovic, “Russia and Vietnam: Analliance of convenience, The Interpreter, 02/08/2021.

      Biên dịch: Nguyễn Thành Long

      Các lợi ích liên quan đến vũ khí và dầu mỏ của Hà Nội khiến Moscow phải thực hiện một sự cân bằng chiến lược khó khăn với Bắc Kinh.

      Nga là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á, trong đó riêng Việt Nam là một khách hàng lớn đối với vũ khí của Nga. Dù ước tính cho thấy trong suốt những năm 1980, Moscow đã cung cấp cho Việt Nam trung bình 1 tỷ USD viện trợ quân sự và 1 tỷ USD hỗ trợ kinh tế mỗi năm, nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, Điện Kremlin đã mất ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia này. Giờ đây, Nga đang tìm cách lấy lại vị thế đã mất.

      Hợp tác quốc phòng dường như là một trụ cột chính trong nỗ lực của Nga nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Hà Nội, và đảm bảo Moscow có một vị trí then chốt ở Đông Nam Á. Điều này được nhấn mạnh qua các cuộc nói chuyện vào tháng 6 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Việt Nam Phan Văn Giang, và sau đó không lâu khi Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Lê Huy Vịnh tiếp ông Anatoly Chuprynov, đại diện Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật – Quân sự Nga, cũng như các cuộc họp gần đây giữa các quan chức cấp cao.

      Về mặt chính thức, Nga và Việt Nam là đối tác chiến lược, cam kết giúp đỡ lẫn nhau về quốc phòng và an ninh. Việt Nam được biết là quan tâm đến việc mua tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung mang động cơ ramjet BrahMos do liên doanh BrahMos Aerospace của Nga – Ấn sản xuất. Vào tháng 11 năm 2020, Phó Đại sứ Nga Roman Babushkin cho biết, Ấn Độ và Nga đang có kế hoạch xuất khẩu tên lửa hành trình BrahMos cho Philippines và một số quốc gia khác. Vẫn chưa rõ liệu Việt Nam có nằm trong số đó hay không.

      Điểu bất lợi đối với Moscow là việc bán tên lửa BrahMos cho Hà Nội có thể làm suy yếu mối quan hệ của Nga với Trung Quốc, quốc gia có lịch sử đối địch với Việt Nam và các yêu sách chủ quyền lãnh thổ mâu thuẫn ở Biển Đông. Vì vậy, có thể Nga đang có những kế hoạch khác nhằm tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam, gợi nhớ lại di sản thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

      Căn cứ hải quân Vịnh Cam Ranh trên bờ biển Đông Nam Việt Nam được Hoa Kỳ thiết lập như một tiền đồn quân sự trong Chiến tranh Việt Nam, nhưng sau đó phần lớn được các lực lượng Liên Xô sử dụng từ sau năm 1979. Năm 1984, Việt Nam và Liên Xô đã ký một thỏa thuận về xây dựng cơ sở hạ tầng đồn trú cho nhân viên quân sự trong vịnh. Theo thỏa thuận, các cơ sở này sẽ được Hải quân Liên Xô vận hành cho đến năm 2004. Nhưng đến năm 2002, hạm đội Nga đã rời Cam Ranh, chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất cho Việt Nam.

      Hiện nay một số nhà phân tích ở Nga lập luận rằng quyết định từ bỏ căn cứ này của Điện Kremlin là một sai lầm. Quay trở lại Vịnh Cam Ranh sẽ là một thách thức trong môi trường địa-chính trị hiện nay. Giả sử Hà Nội có cho phép Moscow triển khai quân tới cơ sở hải quân Cam Ranh, thì Trung Quốc sẽ phản ứng với một động thái như thế nào vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bắc Kinh, cũng như Washington, có thể đều quan tâm đến việc sử dụng Vịnh Cam Ranh như một căn cứ hải quân, điều này sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với khó khăn trong việc cân bằng các lợi ích cạnh tranh nhau của ba cường quốc.

      Tuy nhiên, trong trường hợp hợp tác quân sự giữa Nga và Việt Nam gia tăng, Hà Nội có thể cho phép Moscow sử dụng các cơ sở sửa chữa tàu ở Vịnh Cam Ranh. Điều này có nghĩa là các tàu hải quân của Nga thỉnh thoảng có thể cập cảng Cam Ranh, nhưng theo cách chưa đủ để Moscow có thể giành được toàn quyền kiểm soát đối với vị trí chiến lược quan trọng này.

      Ngoài quan hệ quốc phòng, Nga cũng đang tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

      Hai nước đang có kế hoạch khởi động tuyến đường biển Azov-Hải Phòng trước năm 2024, cho phép phát triển các bến cảng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa dân dụng. Một dự án như vậy, không giống như bất kỳ thỏa thuận nào về căn cứ hải quân Cam Ranh, có vẻ thực tế hơn, vì thương mại giữa Moscow và Hà Nội đạt kinh ngạch 4,05 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020, tăng hơn 7% so với năm 2019. Nga xếp thứ 24 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam tính đến đầu năm 2020, và có kế hoạch tăng cường đầu tư năng lượng tại Việt Nam.

      Công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Nga Zarubezhneft cho biết đã đồng ý mua lại cổ phần trong hai dự án thăm dò và phát triển dầu khí ngoài khơi Việt Nam từ công ty đồng hương Rosneft, cùng với một đường ống dẫn khí ngoài khơi thông qua Vietsovpetro, liên doanh của công ty này với PetroVietnam. Ước tích Vietsovpetro sản xuất tới 1/3 lượng dầu của Việt Nam.

      Một gã khổng lồ về năng lượng thuộc sở hữu nhà nước khác của Nga – Gazprom – cũng đang kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á này. Công ty muốn mua cổ phần tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, và Zarubezhneft cũng có ý định xây dựng các trang trại điện gió ngoài khơi Việt Nam. Ngoài ra, trong năm 2016, Nga và Việt Nam đã ký năm hiệp định nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và sản xuất dầu khí.

      Nhưng Trung Quốc vẫn là vấn đề lớn. Trong quá khứ, Rosneft đã xem khu vực Đông Nam Á như một thị trường dầu thô tiềm năng, nhưng Trung Quốc đã cảnh báo công ty về các hoạt động trong một khu vực mà Bắc Kinh coi là vùng ảnh hưởng của mình. Đó là một lời nhắc nhở rằng mặc dù Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác thân thiết nhất ở Đông Nam Á, nhưng Moscow sẽ cẩn thận để không hy sinh mối quan hệ của mình với Bắc Kinh.

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.