NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 7 years, 11 months ago by TQNam.
-
AuthorPosts
-
-
01/10/2016 at 23:51 #18231TQNamModerator
Nguyệt san Ba Lan “Tân thư” số Tháng 4 có đăng bài phỏng vấn nhà văn Belarus Svetlana Aleksiyevich của Stanislav Lubenski.
Xin bà cho biết sự khác biệt giữa ký ức của người lớn với ký ức của trẻ thơ?
Đây là một chuyện phức tạp, bởi vì với cuốn “Những nhân chứng cuối cùng” tôi ghi lại tiếng nói của các bé vào thời điểm chúng đã là người lớn. Một công việc rất tinh tế. Có một giáo sư sử học nói có những điều khác biệt, đầy cân nhắc của “người lớn” về chiến tranh. Và nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, bốn hoặc năm giờ trò chuyện, để lộ ra diện mạo của bé trai có mẹ bị đám lính lôi ra khỏi nhà và bắn chết. Rằng bé nhìn tận mắt mình. “Tại sao chúng lại bắn mẹ? Mẹ con xinh đẹp làm sao… “. Cần phải đạt đến các tiểu tiết xác thực, tinh khiết, ngây thơ này. Vấn đề là ở chổ các câu chuyện nầy bị xoa sạch ở tuổi trưởng thành. Nhưng một khi ta gột tả các chi tiết đến vậy thì chúng gây xúc động rất mực. Hay chuyện của cô bé có mẹ bị thương, mà bé thì còn không biết máu là gì mà chỉ hỏi: – “Mẹ đừng ngủ nha!”. Chúng ta, người lớn, đánh mất những tiểu tiết này. Chúng ta hẳn không cần giải thích là mẹ đã chết rồi. Đơn giản đó là một thực tế mà với các bé tựa thể là một cái gì đó khó hiểu. Điều luôn làm cháu gái 5 tuổi của và tôi ngạc nhiên là cách cháu nhìn thế giới. Sự tương phản giữa những gì chúng ta cảm nhận với những gì các bé cảm nhận thật đáng kinh ngạc. Ví dụ, chúng nhận thức không gian hoàn toàn khác – bất chấp cái thực tế là chúng còn nhỏ và sự chú ý của chúng là tập trung vào cái vốn có trên đời. Tôi viết cuốn “Những nhân chứng cuối cùng” bởi tôi nghĩ rằng cái nhìn của trẻ về chiến tranh đánh thức người lớn chúng ta, nó cho thấy chúng ta dễ dàng chấp nhận cái ác và thậm chí tìm cách giải thích nó.Khi tôi đọc “Những nhân chứng cuối cùng”, tôi nghĩ rằng các em ghi nhớ các hình ảnh. Không nhất thiết phải là bản thân sự kiện, cứ như những bức ảnh. Ví dụ, các nhân vật trong cuốn sách của bà, nói về màu sắc chúng nhớ được.
Phải chăng chúng nhớ các cảnh tượng vì không có lời giải thích hợp lý cho các sự kiện? Trẻ vẫn còn được truyền thụ văn hóa, chúng không biết sự phụ thuộc vốn chi phối thế giới chúng ta, chúng không có kinh nghiệm. Thế giới đối với chúng như một bức tranh bị lấy đi một số mảnh. Sức mạnh nhãn quan của chúng là ở đây. Ở trẻ tính mẫn cảm tăng dần, chúng chú ý đến những điều mà người lớn thường bỏ qua, ví dụ, về màu sắc.Có một bé gái trong số các nhân vật của bà nói rằng trong một khoảng khắc nào đó bé gần như quên mình không có cả mẹ lẫn cha. Trên thực tế, tôi lập luận, liệu có thể tin vào ký ức của trẻ đến đâu? Ở đây có nguy cơ gì chăng là những người kể chuyện cho bà sau này nghe được?
Người ta cũng nói với tôi về mối nguy nầy khi tôi viết cuốn “Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ”. “Mấy mụ nầy lảm nhảm gì với bà vậy? Họ bịa, họ tưởng tương ra các câu chuyện cổ tích”. Không thể chế ra những câu chuyện mà những người phụ nữ hay các bé nầy kể cho tôi nghe. Thể loại mà tôi viết bùng tỏa mãnh liệt cảm xúc mà nó thiêu rụi mọi giả trá. Bằng chứng của trẻ vang lên như một câu chuyện hoàn chỉnh liên tiến. Sự giả trá, điều bịa đặt vang lên như một nốt nhạc lỗi điệu. Nhưng, mặt khác, tôi cho là nói chung không nên tin tưởng vào trí nhớ của con người, vì nó là công cụ không chắc chắn. Mỗi một câu chuyện là một hình thái sáng tạo phục dựng câu chuyện. Khi chúng ta kết thúc cuộc trò chuyện và chúng ta kể nó cho một ai đó thì sẽ có hai phiên bản của cùng một cuộc trò chuyện. Và bởi chúng ta không thể yêu cầu người ta cung cấp cho chúng ta bằng chứng tuyệt đối chính xác, khả tín. Dữ liệu xác thực – đó là một cái vé xe điện hay cuốn hộ chiếu. Mọi thứ còn lại – đó là niềm đau, nỗi khổ, cảm xúc nhân thế. Đừng tin điều ai người nói: – “Mọi thứ chính là vậy đó!”. Điều được kể ra, đó chỉ là một phần của sự thật. Người kể chuyện thêm vào đó kinh nghiệm, tập quán và giáo huấn của mình. Thậm chí khi đọc sử gia Tacitus, cần nhận thức rằng đó cũng là một loại sáng tạo văn chương. Khi kể lại cuộc chiến, ông biểu tỏ sự đồng cảm và ác cảm mình. Ký ức là một cơ cấu bất toàn.Nhiều nhân vật của bà nói những từ quả quyết ‘luôn luôn và ‘không bao giờ’. Một trong số họ nói, “Tôi không thể tha thứ.” Bà có nghĩ rằng chiến tranh đầu độc con người mãi mãi?
Những từ quả quyết “không bao giờ” và “luôn luôn” nầy xuất phát chính từ miệng của các bé. Tôi nhớ con gái tôi khi còn nhỏ và cháu để lại trên bàn cuốn nhật ký của nó. Tôi không đọc, tôi có thấy trên trang đầu có viết chữ lớn: “Khổ ải”. Khi đó cháu học lớp Hai, cũng có thể là lớp Ba gì đó. Cháu nó đó học lớp hai, có lẽ lớp ba. Cháu cãi nhau với cậu bé ngồi cùng bàn rồi ngồi tách riêng ra. Khi đó cháu cảm thấy cả thế giới sụp đổ.Nhưng rõ ràng nhân vật của bà đã là người trưởng thành, nhưng họ vẫn cứ nói các từ này.
Tôi hỏi họ để thử cảm nhận những trải nghiệm thời thơ ấu. Nếu như tôi cứ để cho họ kể chuyện với quan điểm hiện tại, toàn bộ ý tưởng của cuốn sách còn có ý nghĩa gì nữa. Nó là một cái gì đó hoàn toàn khác. Và tôi trở lại với câu hỏi: nếu bàn về việc liệu chiến tranh có ở cùng con người mãi mãi không thì tôi nghĩ rằng là có. Cũng cùng một cách thế: khi ta thôi yêu thương một ai hay phản bội người đó thì không còn đường lui, không còn là mình như trước nữa. Con người ta mãi là như vậy. Rõ ràng, điều nầy không còn quá mãnh liệt như thời chiến, khi ta thường xuyên đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Khi ứng xử với con người ta kiểu vậy là điều không thể được. Ta không thể đi đến nhất trí về những chuyện nấy. Thời chiến tranh Afghanistan (tôi đến đó với tư cách phóng viên), người ta đề nghị tôi bắn thử một khẩu carbine. “Đồng chí thử đi, nó tốt lắm”. Tôi từ chối. Họ thuyết phục tôi, rằng là, chổ họ có một nữ diễn viên nổi tiếng và cô ta rất thích nó. Họ lập luận là tôi sẽ thấy, sẽ cảm nhận ra nam giới khi bắn một khẩu carbine. Còn tôi thì muốn giữ mình trong trạng thái bình thường, không để mình bị rối trí, không để rơi vào sự lãng mạn của chiến tranh, bị tù hãm như các nhà văn và nhà báo thường rơi vào. Sau đó tôi có đọc, các phóng viên khoe rằng họ trải nghiệm không kém số thanh niên đã chết vô nghĩa lý.Bà thường nói là từ thời thơ ấu bà nhớ đến ngôi làng chỉ toàn phụ nữ độc thân cứ luôn miệng nói về chiến tranh. Làm thế nào để tìm ra thời thơ ấu của mình trong màn đêm ký ức đó?
Cha tôi là hiệu trưởng, mẹ tôi dạy cùng trường. Tôi có một tuổi thơ êm ả, cả hai bố mẹ yêu và chăm sóc tôi, nhà tôi đầy sách. Chúng tôi có một mối quan hệ khác hơn so với hầu hết các bạn đồng lứa của mình. Không giống như họ, tôi biết kẹo là gì. Chỉ mỗi mình tôi trong trường là có cặp, và mẹ đã la tôi vì để những đứa trẻ khác được mang cặp ké. Và cuối cùng tôi để cái cặp lại nhà và xin may cho tôi một cái túi giống y như các bạn khác. Bố tôi không bao giờ nói về chiến tranh, chỉ lặp đi lặp lại là với ông cái đó không có gì là hay ho. Thế giới vào thời kỳ đó nó bạo tàn, nhưng cha mẹ muốn bảo vệ tôi khỏi sự tàn bạo, và tôi nghĩ ông bà đã thành công với mục đích đó. Đương nhiên, song thân không thể bảo vệ tôi đến cùng, bởi vì sự sùng bái chủ nghĩa yêu nước và sùng bái chiến tranh thống trị mà chúng, ôi chao, vẩn còn nguyên đó đến tận bây giờ.
Tôi có đọc những cuốn sách về chiến tranh, nhưng khi tôi bắt đầu nghe những câu chuyện về những người phụ nữ nông thôn, điều nầy ngăn cách tôi khỏi đề tài chiến tranh. Vì vậy, tôi luôn nói rằng tôi không viết sách phản chiến, mà là không viết về chiến tranh.Đâu vài năm trước đây người ta chuẩn bị tái bản sách của bà, bà thấy là nên có một số thay đổi chăng. Vào giữa thập kỷ 1980, khi bà viết cuốn “Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ”, quan niệm về chiến tranh của bà hình thành từ sự tuyên truyền của chánh quyền Xô viết. Một năm sau đó là “Những nhân chứng cuối cùng”. Cuốn sách chịu ảnh hưởng của tuyên truyền, nhưng bà đã viết các cuốn sách đối nghịch gây gắt với quan niệm anh hùng thời chiến.
Tôi không thể nói là mình chịu ảnh hưởng của sự tuyên truyền. Đúng hơn đây là lúc lý tưởng chủ nghĩa cộng sản không còn sức hấp dẫn đối với tôi. Tôi đã hy vọng rằng chủ nghĩa xã hội của chúng tôi chỉ đơn giản là sai lầm, tuy nhiên, vẫn có một chủ nghĩa xã hội tốt đẹp, ví dụ, một nơi nào ở châu Âu. Chúng tôi từng muốn đất nước mình như ở Thụy Điển hay thể nghiệm chính các ý tưởng mà Dubcek đã cố gắng thực hiện ở Tiệp Khắc. Đối với chúng tôi chính là theo ý nghĩa này. Tôi học khoa báo chí và thấy rằng thế giới thật khác hẳn những gì chính thức phô bày ra. Tôi đi đến quyết định tìm hiểu mọi người nghĩ gì, và cuộc sống của họ trong ra sao.
Đối với tôi, việc trước tác cuốn sách “Những chàng trai bọc kẽm” là sự kết thúc ảo tưởng cộng sản (ấn bản tiếng Ba Lan năm 2007). Tôi đi vào cuộc chiến Afghanistan với quân đội của chúng tôi và thấy đất nước này biến thành đất nước nào sau các trận đánh. Tôi đã thấy những người lính của chúng tôi làm gì. Từ đó, tôi trở thành một người tự do. Tôi không còn bất kỳ ảo tưởng nào nữa cả.Tại sao bà lại chọn thể loại này – “tiểu thuyết của những giọng nói”
Trong truyền thống văn học Nga có thể loại văn học này, cố nhiên, không đúng y dạng thức của tôi. Cuốn sách đầu tiên của thể loại nầy được viết thời Thế Chiến I. Nó mang tựa “Lê dân trong chiến tranh”, cô y tá Sophia Fedorchenko sáng tác nên, cô ghi lại các cuộc trò chuyện của mình với những người lính. Cô không hỏi họ về các trận đánh, cô quan tâm nhiều hơn đến chính những thứ như, ví dụ, nhận thức của người dân về ý nghĩa của cuộc sống. Đối với tôi, các thể nghiệm văn chương có một ảnh hưởng rất lớn đến sự đơm hoa của một thể loại. Nhà văn Belarus Ales Adamovich tìm tòi chủ đề trong hai cuốn sách đồng viết với các tác giả khác nhau. Cuốn đầu tiên “Tôi đến từ ngôi làng rực cháy” (1977), về các ngôi làng mà nơi đó toàn bộ cư dân bị tàn sát. Khi đám quân càn quyét rời làng, thật bất ngời là còn một người nào đó sống sót. Thông thường thì đó là những đứa trẻ. 40 năm sau Adamovich và các tác giả khác tìm ra những người này và tiến hành phỏng vấn họ. Một cuốn sách khác, “Sống ở Leningrad bị bao vây, những ký ức bi thảm” (ấn bản tiếng Ba Lan – 2011), viết cùng Daniil Granin. Đó là ký ức của những người sống dài hai năm rưỡi tại Leningrad bị quân Đức bao vây. Sau khi đọc những cuốn sách này, tôi hiểu ra đây chính là thể loại của tôi – tôi nhìn ra và nghe ra thế gian nầy kiểu vậy đó. Adamovich, phải nói là, tôi xem như là thầy của mình. Cuối cùng tôi chọn “chuyện kể của những tiếng nói”, mặc dù trước kia tôi viết những cái khác nhau: thơ, truyện ngắn, kịch, nhưng không tìm ra bản thân mình trong đó. Đối với loại ký sự từ lâu không được coi trọng. Nó không được coi là một sáng tác văn học đúng nghĩa mà chỉ có thể là mang một cái gì đó riêng tư, cá nhân, tâm tình. Người ta đơn giản coi nó nó chỉ là một sưu tập các bài viết của mọi người, còn nhà văn đóng vai trò người truyền đạt thông điệp. Nhưng nó có vẻ như vậy chỉ bởi vì trên thực tế tác giả đóng dấu lên từng ngữ đoạn viết ra, cái quan điểm về cuộc sống của mình. Chính tác giả là nhân vật chính. Từ các sưu tập mà tôi thu thập được, trăm nhà văn viết nên trăm cuốn sách khác nhau. Vấn đề lớn nhất đối với những ai lao tâm khổ tứ ờ thể loại này là việc chắc lọc tư liệu. Thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra với “Quần đảo Gulag” nếu Solzhenitsyn ghi ra mọi nhân vật của mình?Ales Adamovich cũng là đồng tác giả kịch bản xuất sắc “Đến rồi sẽ thấy” với Elem Klimov. Đây là câu chuyện về Thế chiến II ở Belarus nhìn qua đôi mắt con trẻ. Trong một trong phân đội quân Đức nhốt dân làng vào kho thóc. Chúng phải đốt nhà kho. Người lớn có thể trốn đi với điều kiện là để lại đám trẻ bởi, như tên lính Đức giải thích, “mọi sự khởi đầu từ lũ trẻ.”
Cái ác – kẻ đồng hành ngàn đời của con người. Nhưng trong thế kỷ XX nó trở nên hung tàn và cuồng điên dị thường. Tôi lao vào thể tài chiến tranh, đã viết được hai cuốn sách về Đệ nhị thế chiến, một về cuộc chiến Afghanistan. Ông có thể tưởng tượng tôi đã nghe hàng bao điều quái dị trong suốt ngàn cuộc phỏng vấn. Nhưng, điều gây chấn động tôi nhiều nhất chính là kết luận thế nầy: đó là hệ tư tưởng cộng sản và phát xít, nhưng khi nói đến chiến trận, các hình dung về ý tư cứ nằm đâu đó ở phía sau. Trên thực tế, nói đến cuộc quyết đấu của hai phe, hay hai nhóm người, thì ở đây thường trở nên rõ ràng, một bên là người còn một bên thì không. Và ở đây cái quyết định không phải là lý tưởng, khi đánh nhau lại là kinh nghiệm cá nhân, môi trường và chính cái phương cách nào họ sở đắc. Và, tất nhiên, bản chất con người. Ai người có khoái lạc gây đau đớn cho người khác. Tôi không tham gia chiến tranh, chỉ nghe về nó, và tôi có cảm giác thế nầy, tôi chẳng bao giờ lại có thể tưởng tượng ra năng lực con người trong tình huống cực đoan. Và khi ông bắt đầu soi vào cái ác, thì ông sẽ biết rằng đó là một công việc nguy hiểm. Như lởi Nietzsche: “Nếu ta nhìn hoài vào vực thẳm, vực thẳm nghía lại ta”. Thật khó mà nói về cái ác sao cho nó không trở thành người hùng, mà là sự kháng cự của con người chống lại nó. Mà để làm lộ rõ tinh thần kháng cự nầy. Công việc của tôi, bất chấp các dữ liệu gây xúc động mạnh, chính là ác đó hiện ra ở mặt tiền. Và khi ông đọc cuốn “Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ” ông có nghĩ chăng về bao điều ác hay về chuyện tinh thần con người có thể chiến thắng nó?Đối với tôi rõ ràng là cuốn sách này đúng hơn là hơn về chiến thắng của tinh thần con người, và về cái tốt nhất trong con người.
Đây chính là cái quan trọng nhất. Cái ác biến con người thành hạng quái đản, và bởi vì chúng ta không có quyền phán xét chúng, chúng ta chỉ là thính giả. Không thể nào cảm nhận cái nỗi một người có con bị giết ngay trước mắt mình.
Cuốn “Đến rồi sẽ thấy” mà tôi nhắc đến đó cho thấy nhân vật chính sau các trải nghiệm chấn động đã biến thành một ông già ra sao. Mất đi tuổi thơ vốn lẽ ra là cái khoảng thời hạnh phúc nhất của đời người.
Phụ nữ và trẻ em – những nạn nhân bi thảm nhất của chiến tranh bởi họ hoàn toàn vô tội. Tôi nghe được câu chuyện như vầy: bon Đức bắt lũ trẻ trại mồ côi, đưa về trại để lấy máu của chúng. Máu cần để chửa trị cho đám thương binh. Thèm khát sự ôm áp và âu yếm, các bé chạy ra đón quân Đức miệng hét lên: “Bố đến!” Bé hành động theo một thực tế hoàn toàn khác vốn là lẽ thường tình. Trẻ vô tội và hồn nhiên, còn chúng ta, người lớn nhìn thế giới kiểu bị xô lệch, thông qua lăng kính các quan điểm, tâm tính, xu hướng của thời đại mà chúng ta đang sống và sự hiểu biết lịch sử. Đầu chúng ta như một cái bình chứa đầy cảm xúc: của ta và của tha nhân. Đứa trẻ thì hoàn toàn tinh khiết. Khi nhìn thấy một con chim bị thương, một con mèo con bị giết chết, với bé thì thế giới đã đổ sụp. Tôi cảm thấy đó là điều bình thường, vốn có ở con người, và do vậy con người ta phải nhìn thẳng vào thực tại.Theo một nghĩa nào đó, các cuốn sách của bà có thể được hiểu như là lời buộc tội của giới mình chống lại nam giới.
Chúng tôi sống trong thế giới đàn ông, rõ ràng là nam giới chứ không phải nữ giới khơi mào chiến tranh. Mặc dù vậy, họ buộc phải ra đi và giết chốc. Tôi nhớ câu chuyện của một cựu sĩ quan, ông đi qua suốt cuộc chiến, nhìn thấy những điều kỳ quặc, và ông đặc biệt nhớ một hình ảnh. Họ đi trên một con đường, và trên đó nằm phơi xác một cô gái bị hãm hiếp, dập nát. Và chỉ còn lại mỗi mái tóc, còn cơ thể thì bị chà nát bởi không phải chỉ mỗi một chiếc xe chạy qua. Và người đó nói là ông cảm thấy xấu hổ khủng khiếp trước một số phận như vậy lại đến với cô gái trẻ, xinh này. Còn các em bé hẳn hoàn toàn bất lực. Thực tế là chúng buộc phải sống … Ông biết đó, Belarus là khu vực mà bọn chiếm đống hành xử với người dân sở tại đặc biệt tàn bạo. Nhưng sức mạnh của thể loại của tôi, ngoài những điều khác, dựa trên chính cái cho phép ta tải hàng trăm câu chuyện, hàng trăm đề tài. Nó xuất hiện một hình tượng mạnh mẽ, một cốt lõi thế nầy, mọi điều được nhìn thấy từ bản thân sự tàn bạo, ông hãy nhìn vào bộ mặt của cái ác.Bà có nghĩ việc thiếu nam giới đã ảnh hưởng đến thế hệ hậu chiến?
Chắc là vậy. Chị em phụ nữ đã quá mệt mỏi đến độ không còn ra phụ nữ nữa. Đối với thế hệ này rõ ràng là họ được giáo dưỡng thiếu bàn tay người đàn ông.Bà bắt đầu viết cuốn “Những nhân chứng cuối cùng” từ nguyên cớ nào?
Khi tôi gặp các nhân vật chính của cuốn “Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ”, thường thì ở nhà họ tôi nghe hai câu chuyện. Phụ nữ và trẻ em. Khi bà mẹ, theo truyền thống Slavic của chúng ta, đi vào nhà để pha trà và chút gì đó nhấm nháp, chúng tôi bắt đầu gợi chuyện đám con gái hay con trai. Tôi thấy còn có một khối niềm đau, nó hoàn toàn vô vụ lợi, tinh khôi. Những ký ức về các bé thậm chí buộc tôi nói thẳng ra- chúng tôi cho đến nay là con tin của chiến tranh. Ở Liên Xô, người ta đã dạy dỗ chúng tôi tôn thờ chiến tranh và cách mạng, đối với chúng tôi thật tự nhiên các vấn đề được giải quyết bằng bạo lực. Chúng tôi đã quen với những điều đám đàn ông kể, về chuyện nầy phụ nữ có nhãn quan của mình, nhưng chính những câu chuyện về các bé bốc trần mọi điên rồ mà trong chiến tranh trở thành chuẩn tắc. Tôi quyết định điều này có thể là đề tài của cuốn sách tiếp theo. Tôi những muốn cuốn sách này chứng tỏ chiến tranh và sự tàn ác bất nhân của nó là bất khả biện minh. Ai biết được, có thể sau 200-300 năm nữa con cháu chúng tôi sẽ nghĩ chúng tôi là lũ ăn thịt người? Cũng như chúng ta tự hỏi: “Sao họ lại có thể ăn thịt người”, các thế hệ tiếp sau chúng tôi sẽ hỏi: “Tại sao họ không thể thương thảo liệu có cần thiết phải giết chốc hay không?”.Vasil Bykov, một nhà văn, một người bạn của bà và là người đã rời bỏ Belarus như là cách thể hiện sự chống đối chính quyền Lukashenko, đã viết một cuốn sách về chiến tranh của nam giới. Bà có nói chuyện với ông về sự khác biệt của chiến tranh theo quan điểm của một người đàn ông mà từ đó nhận ra cách nhìn của phụ nữ hay các bé?
Tôi nhớ khi ra cuốn “Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ”, Bykov cùng Kondratyev và các tác giả cựu chiến binh khác, họ nói hay cái là một phụ nữ đã viết một cuốn sách như vậy. Adamovich vốn cũng đá động chủ đề này, tôi đã đọc nó và nói rằng ông không để tâm đến những vấn đề thu hút nầy. Chẳng phải vô cớ, để viết về phụ nữ, Lenv Tolstoy đã khai thác nhật ký của người em họ. Trong trường hợp này, tác phẩm của ông dựa trên đó để tạo tác đôi nét người phụ nữ. Nay tôi muốn viết một cuốn sách về tình yêu, tôi nghe được rất nhiều chuyện thú vị của phụ nữ và tôi có cảm giác rằng phần dành cho nam giới của cuốn sách sẽ ít đi, bởi nó có thể chẳng mấy khơi gợi cảm xúc cho nam giới. Và để nghe ra một cái gì đó mới, ta phải đặt vấn đề theo cách mới.Tôi tìm ra cho bà thêm một bằng chứng nữa về trẻ. Đó là tiểu luận của Ryszard Kapuściński “Rèn luyện ký ức”, trong đó mô tả những hồi ức của mình từ khoảng thời gian tháng Chín năm 1939 tại Belarus. Rõ ràng là, đối với ông, chiến tranh bắt đầu hai năm sớm hơn so với các nhân vật của bà, nhưng cảnh tượng thì tương tự. Ông nhớ lại những chiếc máy bay bay qua đồng ruộng và kéo theo chúng là các tiếng nổ và hất tung các bựng đất lên. Ông không biết đó là bom và xăng xái chạy đến đó. Mẹ ông bắt lại, ra lệnh nằm xuống và giải thích rằng những trái bom mang lại cái chết.
Tôi không biết gì về bài này, ở nước chúng tôi người ta dịch Kapuściński rất ít.Trong tiểu luận nầy Kapuściński cũng viết rằng cả trẻ em rồi cũng quen với chiến tranh, và tôi không thể tưởng tượng cuộc sống hậu chiến trông ra sao. Các bé vượt lên các chấn thương chiến tranh thế nào?
Trong cuốn sách của tôi có một vài câu chuyện diễn ra như vầy. Có một sồ trường hợp, cả lớp học chỉ có mỗi một ông bố là trở về sau chiến tranh, và một cuộc sống bình thường bắt đầu thế đó. Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ được cứu bởi đơn giản là khi đó mọi người đều chịu khổ đau. Cuộc chiến tranh đó đã ảnh hưởng đến từng con người một. Và thực tế đó là một kinh nghiệm chung, là một kiểu nương tựa nào đó. Sau đó, bắt đầu cuộc sống, việc học tập, công tác và nhận thức chuyển sang những việc khác. Con người có thể chịu đựng nhiều điều, rồi một số điều có thể bị loại trừ. Thời chiến tranh có một vài người đã bị mất trí, và có vẻ như cơn ác mộng này có thể làm mất lý trí … Tuy nhiên, tinh thần con người ta có một cơ chế tự vệ. Xin dẫn ra một ví dụ: tôi được nghe kể câu chuyện bà mẹ cùng các con của mình bị bắn ra sao, và một bé đang ngủ vùi. Đó thật là một cú sốc mà ý thức bị đơ đi. Nhưng cũng có những người thế nầy, họ không thể và thảng khi cũng không thể đối phó với những cảm xúc nầy. Có một ông nói rằng ông biết vì lẽ nầy mà ông ta khó sống đến dường nào. Có một nhận xét lạ lùng nhất là trẻ thời chiến thường chết trước cha mẹ chúng. Có lẽ cái chấn thương thơ ấu này tác động không chỉ trên bình diện vật lý mà còn ảnh hưởng lên sự phát triển thể chất? Hiện tượng này nằm ở biên giới của siêu hình học chứ khó mà cảm nhận được với y học. Người đàn ông đó sống đến 50 tưởi, không bệnh tật, rồi đùng một cái – ngoẻo. Ngày càng nhiều, khi tôi gọi điện cho các nhân vật của mình thì được biết là họ đã qua đời. Chỉ mới đây thôi, tôi còn thả bộ với họ, và mà nay họ không còn, và hẳn cái sự nầy đã thôi đâu!Cuốn “Những nhân chứng cuối cùng” cho thấy rõ là bậc bố mẹ ra sức biết bao để bảo vệ con cái mình trước bối cảnh khủng khiếp của chiến tranh.
Bất luận thế nào thì đó là trong giới trí thức. Nhưng trong nhận thức chung của người Nga và người Belarus thì thực tế cuộc chiến vô hạn định vẫn tiếp diễn. Cuộc nầy kết thúc thì cuộc khác lại khởi sự. Nỗi khổ đau truyền đời. Thường trong các gia đình bình thường có một tín niệm thống ngự rằng chiến tranh, đó là một cái chi chi đó hoàn toàn bình thường.Trong các cuốn sách của mình, bà mô tả biến chủng: “homo sovieticus”. Đây không phải là một bức biếm họa, đúng hơn nó thuần là một càm xót. Các viên cứu hộ ở nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl vượt trên bản năng sinh tồn và tin vào lời tuyên truyền. Hàng ngàn người đã ra đi trong nỗi đau kinh hồn. Nhưng sự xả thân của họ chắc chắn đã cứu lấy hàng triệu sinh mạng. Đâu là những điều đang quý nhất ở con người Xô-viết?
Về con người Xô-viết tôi chưa bao giờ khinh bỉ kêu là “rác rưởi”. Tôi hẳn chẳng thể lăng mạ các bậc mẹ cha mình. Họ có một cuộc sống rất khốn khó – họ kể tôi nghe về thập niên 1930, về chiến tranh, về nạn đói. Tôi nhớ mình có nói với cha: “Bố, sao bố lại im lặng?”. Nay tôi đã chẳng hỏi một câu hỏi con trẻ như vậy. Chúng tôi hẳn cũng im lặng, cũng bất lực khi con người ta ngồi trong các nhà tù ở Belarus và Nga. Song nếu cần tôi định tính ngắn ngọn con người Xô Viết thì tôi có thể nói đó là con người của lý tưởng. Lý tưởng đưa y ta đến chủ nghĩa anh hùng, độc đáo hơn nữa là sự sẵn sàng cống hiến, hy sinh của y ta. Có lẽ đó là thế hệ cuối cùng có khả năng vậy đó. Ở Chernobyl chị em giặt quần áo cứu hộ bằng tay, vì không có máy giặt. Các bạn trẻ ngày nay cười cho vào mặt khi nói đến những hành động như vậy. Bây giờ con người ta không đồng ý chết dễ đến vậy, không nhẹ nhàng hiến dâng cuộc đời mình. Mà khi đó trạng thái thôi miên của lý tưởng này hoạt động, nó vốn đeo bám cho đến cùng. Và người ta sẵn sàng để chết. Tôi không nói rằng chuyện đó là tốt, nhưng tôi tin chắc là nếu không được như vậy thì hẳn sẽ không có chiến thắng Thế chiến II. Người văn minh không đánh bại được quân Đức bởi cả đám phạm phu tục tử cố giử lấy cuộc sống của mình. Nhưng Hồng quân để lại nơi chiến trường 30.000 tử sỹ và tiến lên. Cha tôi kể mỗi ngày như hàng trăm người chết và không thể nhớ hết những cái chết nầy. Có một sức mạnh to lớn trong những thành quả đó, sự phụng hiến này là đáng ngưỡng mộ, nhưng cũng đáng sợ. Tôi nghĩ rằng những con người này nay có còn đâu.Xin bà cho biết bà định viết gì tiếp?
Tôi sắp cho ra cuốn «Mạt thời. Sự cáo chung của người đỏ” (*) hay chuyện về sự suy vi của một Đế chế và cả đến ngày hôm nay. Về rằng thì sau chủ nghĩa cộng sản là đến chủ nghĩa tư bản, trái ngược với Marx. Về rằng thì chuyện đó thay đổi chúng tôi ra sao, và tại sao không ai thích cái hiện tồn đó. Hàng trăm cuộc trò chuyện với mọi người. Điều gì còn lại phía sau bản thân con người đỏ – tạo tác một triết lý Mác-Lênin? Một trong các nhân vật nói rằng “đẫm máu và nước mắt” – đó là những gì còn lại của những lý tưởng. Cái “chu kỳ đỏ” nầy, như tôi gọi tên, tôi cho là đã hoàn tất. Ngoài ra tôi những muốn viết một cuốn sách về tình yêu và cao niên. Tình yêu – là một chủ đề gian truân mà mỹ lệ. Còn cao niên – chủ đề này nay là một vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi vì đời người kéo dài hơn, người lớn tuổi cũng nhiều hơn. Để thấy rõ điều này, cần phải đi qua nhiều, nhiều đường phố châu Âu. Và một câu hỏi bật ra: “Phải làm gì tiếp nữa với những mảnh đời nầy?” Nếu sức khỏe cho phép tôi hoàn tất những cuốn sách nầy, thì toàn bộ sẽ là bảy cuốn.Vậy còn về sự khổ đau. Chiến tranh thế giới II lấy đi mạng sống của một phần tư dân số Belarus, hàng ngàn người tiếp sau ở Afghanistan. Những hậu quả của thảm họa Chernobyl chủ yếu đổ ập lên đất nước bà. Hiện nay Lukashenko kiểm soát Belarus. Bà từng nói: “Sự đau khổ là cái vốn chính của chúng ta”. Tại sao lại như vậy?
Hiển nhiên là điều này do lịch sử ràng buộc. Một tình huống tương tự ở Ukraine, Nga và Belarus. Như Dostoyevsky đã viết: “Cuộc đời vốn dĩ là sự đau khổ.” Các nhân vật của ông thèm muốn đau khổ, đó là cứu cánh tồn tại của họ. Thậm chí đức tin chính thống của chúng tôi còn dạy rằng con người ta nên mưu tìm sự đau khổ, bởi vì “chỉ có nỗi khổ đau mới chế ngự được con tim”. May thay, các thế hệ mới đang vượt thoát khỏi lối mòn này – họ mong muốn mặt trời và niềm vui. Điều này thường mang hình thái theo đuổi nhiều dung tục sự tiêu thụ vốn xuất phát từ sự thèm sống theo bản lai. Chúng tôi còn chưa biết sinh thú là ra làm sao. Giáo Hội cố gắng chống lại nền văn hóa tiêu thụ mới này và rất tích cực can dự vào chuyện thế tục. Nhưng giáo hội không đủ sức đề ra một cái gì đó mới, không có ý tưởng phải sống ra sao hay ít ra là trò chuyện với các bạn trẻ. Ước mơ của Putin là sao cho giáo hội trở thành một loại quy chế nhà nước về giáo dục, theo tôi nó là một biểu hiện của sự bất lực. Tôi không cho cái điều cứu vớt chúng tôi là chúng tôi sẽ trở thành một Iran chính thống. Mọi người nhìn về phương Tây, ước muốn một cuộc sống bình thường, có nhân tính.Vì sao bà lại quyết định quay trở về Belarus?
Bố mẹ tôi đã mất khi tôi còn ở nước ngoài, cháu gái lớn lên mà không có tôi, và tôi thì chẳng bao giờ muốn ở lại ở phương Tây. Công việc của tôi đòi hỏi tôi phải sống ở quê nhà mình. Việc trở về Belarus có một chút giống giải pháp kamikaze, bởi ở đó rất nặng nề. Chỉ toàn đám trẻ nổi loạn. Khó mà trò chuyện với mọi người, tất cả đều sợ sệt. Phe đối lập thì yếu. Mà tôi lại là một người cổ hủ, và tôi muốn sống ở quê nhà mình.
…………
Nguồn: http://www.alexievich.info/article_PL.html
…………
(*) Tựa bản tiếng Nga: “Время секонд хэнд. Конец красного человека”, bản tiếng Anh: “Secondhand Time: The Last of the Soviets”. ND
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.