Tương lai các liên kết tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi Trump trở lại chính trường

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

  • This topic is empty.
Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #57928
      NCQT
      Keymaster

      Tương lai các liên kết tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi Trump trở lại chính trường

      Tác giả: Phạm Quang Hiền

      Nước Mỹ trong năm 2024 đang trải qua quãng thời gian sôi động trong giới chính trường thể hiện qua cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ được ấn định kết quả vào tháng 11 tới. Giống với năm 2020, giai đoạn đầu của cuộc bầu cử năm nay vẫn chứng kiến màn tái đấu giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Joe Biden được cho là đã rút khỏi cuộc đua này, đồng thời ủng hộ ứng viên mới của Đảng Dân chủ. Đối với ứng viên bên phía Đảng Cộng hòa, rút kinh nghiệm từ thất bại 4 năm trước, quá trình vận động tranh cử lần này của cựu Tổng thống Trump được ông đưa ra nhiều hứa hẹn chính sách có lợi hơn cho nước Mỹ nhất là trong giai đoạn chính trị quốc tế nhiều bất ổn. Định hướng của ông Trump thể hiện qua quan điểm “nước Mỹ vĩ đại trở lại” dựa trên tiềm lực kinh tế, quân sự và lực lượng đồng minh hùng hậu. Trong đó các liên kết tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong cục diện đối đầu với Trung Quốc – quốc gia được liệt vào “mối đe dọa” trong Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ 2017. Vậy, những liên kết tiểu đa phương này sẽ được định hình thế nào trong tương tương lai và tác động đến cấu trúc an ninh khu vực ra sao khi ông Trump quay trở lại chính trường?

      1. Đánh giá tổng quan khả năng trúng cử của Trump

      Năm 2024 được gọi với cái tên “Năm siêu bầu cử” trong đó có những cuộc bầu cử để xác định ra những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới. Tại nước Nga, ông Putin vẫn tiếp tục làm chủ nhân của điện Kremlin và ông Modi có lần thứ ba đắc cử Thủ tướng Ấn Độ. Trong khi hai cường quốc hạt nhân đã lần lượt “về đích” tìm ra được người lãnh đạo thì tại Mỹ cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang trong quá trình “chạy đà”. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 47 chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của ứng viên Donald Trump. Một điều thú vị trong gần 30 năm qua, các đời Tổng thống Mỹ từ Clinton, Bush (con) và Obama đều trúng cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp cho đến thời Trump đã không giữ được mạch liên tục đó. Những nỗ lực của cựu Tổng thống Trump đều được dồn hết vào lần bầu cử này bởi trước đó ông đã để thua sít sao trước đối thủ Joe Biden năm 2020. Thực tế cho thấy quá trình tranh cử của ông Trump vừa có thuận lợi cùng khó khăn nhưng khả năng thắng cử của ông được giới truyền thông đánh giá ở mức cao.

      Hiện ông Donald Trump đang có rộng cửa hơn trong cuộc đua khi các ứng viên khác đã bỏ cuộc. Ứng viên Nikki Haley – cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc đã từ bỏ chiến dịch tranh cử sau thất bại trong ngày Siêu thứ Ba hôm 5/3. Ông  Trump đã thắng 14 trên 15 bang tổ chức bầu cử sơ bộ, trong khi bà Haley chỉ giành chiến thắng ở bang Vermont[1]. Như vậy, cựu Tổng thống Donald Trump đã chắc chắn đã trở thành ứng viên duy nhất của Đảng Cộng hòa. Chương trình Road To 270 của kênh CNN hồi tháng 1 cho thấy Đảng Cộng hòa đã vững chắc tại hơn 20 bang với 188 phiếu đại cử tri so với 175 phiếu của Đảng Dân chủ[2]. Kết quả sẽ còn phụ thuộc vào một số tiểu bang dao động như: Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania và Wisconsin đóng vai trò quan trọng trong việc xác định ứng cử viên nào giành chiến thắng trong Đại cử tri đoàn, cơ quan bầu ra tổng thống. Một cuộc thăm dò trước đó của Reuters/Ipsos được tiến hành vào ngày 11-12/6 cho thấy ông Trump dẫn trước 41% so với 39% của ông Biden. Cho đến sau cuộc tranh luận của hai ông trên truyền hình vào ngày 28/6 đã có một vài đảng viên Dân chủ cho rằng ông Biden nên bỏ cuộc do đã quá tuổi để tiếp tục lãnh đạo[3].

      Donald Trump cũng được đánh giá là ứng viên Đảng Cộng hòa có chính sách đối ngoại cứng rắn với các đối thủ của nước Mỹ điều mà đời tổng thống Đảng Dân chủ Obama đã bỏ lỡ và để Trung Quốc vươn lên. Hiện tại, ông Trump đang mắc phải vấn đề tuổi tác, bê bối bị luận tội, quá khứ trước khi đắc cử năm 2016 và được cho rằng đứng sau vụ bạo loạn đồi Capitol hồi năm 2021. Ông Trump cũng không được lòng nhiều quan chức NATO do thường đe dọa rút Mỹ ra và ngừng mở rộng hoặc giải thể tổ chức. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận dưới thời chính quyền Trump nước Mỹ thực sự đã đối đầu mãnh liệt với Trung Quốc nhưng không tạo ra khủng hoảng nào, và ông Trump cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên bước qua đường vĩ tuyến 38 sang Triều Tiên. Trong thời gian nắm quyền, chính quyền Trump gặp phải vấn đề với cách đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch Covid-19 nhưng so với việc đưa Mỹ bị cuốn vào những điểm nóng xung đột trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Biden đã khiến lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng. Điều này khiến cho khẩu hiệu “Make America Great Again” vốn đánh vào tính cách Mỹ trở thành niềm tin chung của người dân càng giúp khả năng trúng cử năm 2024 của ông Trump tăng lên. Theo các nhà dự báo, Donald Trump được dự đoán sẽ giành được hơn 300 phiếu đại cử tri.

      2. Quan điểm của Trump về các liên kết: AUKUS, JAPHUS, QUAD…

      Từ khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống, chính ông Trump đã nhìn ra được những sức ép ngày càng lớn mà Trung Quốc tạo ra cho nước Mỹ. Sự “hung hăng” của Trung Quốc khiến Mỹ cần điều chỉnh chiến lược mới, chuyển sang cạnh tranh trực tiếp với quốc gia này. Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) được công bố một năm sau khi ông Trump nhậm chức[4]. Tăng cường và mở rộng quan hệ đồng minh an ninh trong khu vực dựa trên hệ thống “trục nan” trong bối cảnh Mỹ không thể duy trì ưu thế sức mạnh tuyệt đối. Lầu Năm Góc xác định hệ thống liên minh khu vực là một trong những trụ cột quan trọng của Mỹ trong FOIP. Trong đó nổi lên những liên kết tiểu đa phương được thành lập giữa Mỹ và các đồng minh để bảo vệ lợi ích chung như QUAD, AUKUS, JAPHUS. Trong số đó có những liên kết được thành lập sau khi ông Trump rời Nhà Trắng nên quan điểm của ông khi chuẩn bị quay lại chính trường sẽ quyết định rất lớn đến tương lai của các liên kết đó.

      Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD), được thiết lập năm 2007 từ ý tưởng của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe như một sáng kiến nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, thịnh vượng (FOIP)*. Ban đầu, các thành viên của “Bộ Tứ” đều từ chối bất kỳ hoạt động quốc phòng phát sinh. Chỉ đến khi Trung Quốc thực sự bộc phát sức mạnh ra bên ngoài thông qua con đường kinh tế và quân sự cùng với chiến lược “tái cân bằng” được chính quyền Obama khởi động đã biến QUAD hoạt động như một cơ chế liên kết nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã làm “sống lại” Bộ Tứ nhằm tăng cường phối hợp chính sách với khu vực, từng bước thể chế hóa cơ chế này. Rõ ràng, từ cá nhân ông Trump – một người không mặn mà với chủ nghĩa đa phương và xây dựng các liên minh nhưng QUAD là ngoại lệ. QUAD không chỉ là liên kết được ông Trump “hồi sinh” khi xác định Trung Quốc sẽ đối trọng với Mỹ. Và QUAD cũng đáp ứng được khái niệm mà ông Trump đề ra “Ấn Độ – Thái Bình Dương”, điều này cho thấy ông Trump đặc biệt chú ý đến Ấn Độ, thừa nhận vai trò của New Delhi như một trong những cường quốc ảnh hưởng toàn cầu. Đồng thời, Nhật Bản dưới thời Trump cũng được cải thiện vị thế quốc gia rõ rệt. Năm 2017, trong các cuộc họp thường niên, ông Trump không chỉ tán thành sáng kiến FOIP của Nhật Bản mà còn bắt đầu khẳng định đó như một sự kế thừa có ý nghĩa hơn cho chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền Obama[5].

      Đối tác An ninh Ba bên (AUKUS), được tuyên bố thành lập vào tháng 9/2021, là liên minh giữa ba quốc gia: Mỹ, Anh và Úc dưới thời Tổng thống Biden. AUKUS cho thấy một thực tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nổi lên trở thành trung tâm trong các cấu trúc kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu[6]. Mục đích hoạt động của AUKUS được công bố nhằm giúp cho Úc có được năng lực quân sự tàu ngầm hạt nhân khai thác từ hai đồng minh Mỹ – Anh. Thỏa thuận này dựa vào nguồn lực quân sự của Mỹ trong bối cảnh hai Đảng lớn đều lên tiếng tranh luận về cải cách phân bổ ngân sách quốc phòng. Trump có thể ủng hộ một cách miễn cưỡng một dự án thời Biden, hoặc ông có thể phản đối một cách lặng lẽ nhưng không muốn kéo Anh và Úc vào những lời chỉ trích của mình như đối với NATO. Trump là người khó đoán, nhưng có thể ông sẽ ủng hộ hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ đặc biệt là khi cả ba đều chung mục tiêu hành động[7]. Nghị sĩ Rob Wittman, một người ủng hộ Trump cho biết “ông Trump có thể sẽ ủng hộ AUKUS và linh hoạt trong việc bán tàu ngầm”[8]. AUKUS có lợi cho Mỹ trong các vấn đề ở châu Á và AUKUS cũng không phải một liên minh ràng buộc phù hợp với quan điểm “nước Mỹ trên hết” và tính cách của ông Trump.

      Hợp tác An ninh ba bên JAPHUS, Nhật Bản, Mỹ, Philippines đã thành lập một liên kết an ninh mới, tương tự như QUAD. Mặc dù QUAD và JAPHUS có chung đặc điểm của một cơ chế hợp tác an ninh cũng như có chung hai thành viên chủ chốt là Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng đặc trưng của JAPHUS nằm ở nhân tố Philippines. Đồng thời cũng là rào cản chính, khiến Mỹ và các đồng minh không thể mở rộng Bộ Tứ thành Bộ Ngũ mà đưa Philippines vào một cơ chế riêng[9]. Trong 4 năm nắm quyền, ông Trump luôn đề cao vị trí của Nhật Bản và Đông Bắc Á hơn trong các trọng tâm chiến lược bởi hai đối thủ mà ông coi sẽ cản trở nước Mỹ gồm Triều Tiên và Trung Quốc. Alexander Gray, phó trợ lý của cựu Tổng thống cho biết Trump gần như chắc chắn sẽ coi trọng liên minh chiến lược đặc biệt Mỹ – Nhật Bản nếu ông trở lại Nhà Trắng[10]. Ngược lại, các vấn đề ở Đông Nam Á chưa được nhìn nhận tổng quát trong các chính sách của Nhà Trắng mà chủ yếu thể hiện quan điểm trong các tranh chấp ở Biển Đông. JAPHUS được thiết lập để tạo ra một cơ chế bên ngoài tăng cường an ninh cho Philippines trước Trung Quốc. Philippines là một bên tranh chấp nhưng nước này bị dao động lớn về quan điểm thậm chí từng quay lưng với Mỹ dưới thời ông Duterte. Ông Trump không thực sự đề cao liên minh Mỹ – Philippines.

      3. Một số dự báo về tương lai phát triển của các liên kết này

      Tiếp tục phát triển

      Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm cục diện an ninh – chính trị toàn cầu biến động mạnh mẽ và đẩy thế giới vào tình trạng “đa cực hỗn loạn”. Trong bối cảnh đó, xu hướng tăng cường tiểu liên kết đa phương là lựa chọn của nhiều quốc gia. Đặc biệt các liên kết có vai trò thiết yếu đối với Mỹ khi nước này phải vận hành cả hai mặt trận chiến lược ở châu Âu – Đại Tây Dương và châu Á – Thái Bình Dương[11].

      Sự xuất hiện của các trung tâm quyền lực mới có nhân tố Trung Quốc như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), trục quan hệ Nga – Trung Quốc – Iran – Triều Tiên…ngày càng thách thức Mỹ và đặt nước này vào câu hỏi làm thế nào để tập trung sức mạnh vào phát triển những liên kết tối ưu thế và lực nhất. Đặc biệt, đối với ông Trump, người cho rằng nước Mỹ đã tiêu tốn quá nhiều tiền vào các liên minh rườm rà. Trong quá trình tranh cử, ông Trump vạch ra lộ trình “tái định hướng triệt để” NATO đe dọa rút Mỹ khỏi tổ chức để giảm tải cho nguồn lực tài chính, quân sự[12].

      Do đó, định hướng phát triển các liên kết tiểu đa phương hay cơ chế hợp tác nhóm nhỏ là giải pháp tối tiếp tục phát triển các liên kết vốn có và thúc đẩy hình thành các liên kết mới trong tương lai. Thay vì tập trung vào một tập thể như NATO, Mỹ có thể phân mảnh ảnh hưởng thành các nhóm khắp các khu vực trọng yếu ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á mà không bị gò bó khi đưa ra quyết định như các liên kết đa phương thuần túy. Chúng mang tính thực tế, dễ thích nghi, tiết kiệm, tự nguyện, không ràng buộc thể chế. Triển vọng trọng chính sách đối ngoại khi ông Trump “trở lại” nằm ở khả năng biến trụ cột tam giác đồng minh Nhật Bản – Mỹ – Hàn Quốc từ song phương lên đa phương. Ngoài ra, cả QUAD và AUKUS đều đang tích cực mở rộng chương trình nghị sự (QUAD+) với những đối tác tiềm năng như ASEAN, Đài Loan, Hàn Quốc, New Zealand…Khi các quốc gia khác bắt đầu coi các liên kết tiểu đa phương là một sáng kiến có mục tiêu rõ ràng, thì tính vững chắc của nó sẽ được tăng cường hơn nữa.

      Phát triển bất cân xứng

      Khác với thời kỳ Obama lấy chủ nghĩa quốc tế làm trọng tâm chính sách đối ngoại thì đến thời Trump dần lùi về chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa thực dụng. “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” là khẩu hiệu xuyên suốt trong chiến lược phát triển quốc gia dưới thời kỳ chính quyền của cựu Tổng thống Trump. Trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào năm 2017, ông Trump đã tuyên bố: “Từ nay về sau sẽ chỉ có ‘nước Mỹ trước tiên, lợi ích nước Mỹ được đặt lên hàng đầu”. Trong khi đó, chính quyền Biden đề ra phương châm hành động “Nước Mỹ trở lại”. Chiến lược an ninh quốc gia thời thời Biden ưu tiên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hơn rõ rệt[13]. Hệ thống các liên kết tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có sự phát triển hơn so với khi ông Trump cầm quyền. Mặc dù đều hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho các hoạt động an ninh, chính trị, kinh tế của Mỹ ở mặt trận châu Á – Thái Bình Dương nhưng lại tồn tại sự phân biệt trong lựa chọn ưu tiên.

      Trước những thách thức do Trung Quốc đặt ra, mô hình “Trục bánh xe và nan hoa” cần có sự điều chỉnh. Phát triển các “nan hoa” thành các liên kết nhóm nhỏ trong đó mỗi thành viên đều phải có sức mạnh tự ứng phó tốt ngay cả khi thiếu Mỹ. Nếu nhân tố Úc trong AUKUS nhận được những hỗ trợ hạt nhân từ Anh – Mỹ thì Philippines lại chưa đáp ứng những điều kiện cần. Điều này sẽ định hướng phát triển bất đối xứng giữa các liên kết nếu ông Trump trở lại vì vai trò của Philippines có thể được thay thế bởi những nước giàu tiềm lực hơn như Indonesia, Việt Nam…

      Thời gian tới, phát triển AUKUS cùng với QUAD sẽ tạo nên thế “gọng kìm” ở khu vực Thái Bình Dương. Theo các nhà phân tích, trong khi QUAD được đánh giá cao đối với an ninh trên biển và các thách thức an ninh phi truyền thống thì AUKUS lại là một cơ chế tiểu đa phương với tham vọng hiện thực hóa các biện pháp phòng thủ để tăng cường năng lực thực chất cho khu vực[14]. Cùng với đó, quy cách hoạt động của AUKUS cũng linh hoạt hơn so với các cơ chế hợp tác từng có trước đây, có thể tạo thuận lợi để tăng cường năng lực răn đe quân sự tại khu vực. Đối với JAPHUS, các vấn đề trọng tâm của liên kết gói gọn trong khu vực Biển Đông – một trong số nhiều mối quan tâm và không phải công cụ cuối cùng phục vụ chiến lược toàn cầu của Washington.

      4. Tác động của các kịch bản đối cấu trúc an ninh khu vực

      So với châu Âu – Đại Tây Dương thời điểm hiện tại châu Á – Thái Bình Dương vẫn giữ được trạng thái hòa bình, ổn định. Cấu trúc an ninh khu vực vẫn trụ vững trước làn sóng ảnh hưởng từ quá trình hình thành trật tự mới. Năm 2021, Chiến lược An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Biden xác định rõ, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng toàn diện để thách thức “hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”[15]. Một trong những cách thức chính được Mỹ sử dụng trong quá trình cạnh tranh dài hơi với Trung Quốc đó là xây dựng hệ thống các liên kết nhóm tiệm cận liên minh. Thông thường trước kia các liên kết này sẽ được gọi như các “khối” như SEATO, ANZUS như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng hiện nay chúng được ghi nhận với các thuật ngữ “Khuôn khổ”, “Hợp tác an ninh, “Đối tác/thỏa thuận an ninh”…Điều này dẫn đến cục diện cân bằng hiện nay đang dần bị lung lay bởi chính sách lôi kéo đồng minh, cấu trúc an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng theo đó bị ảnh hưởng rất lớn.

      Thứ nhất, các cơ chế hợp tác nhóm đang tồn tại ở khu vực hiện nay hoặc do Mỹ đứng đầu, hoặc do Trung Quốc đứng đầu, điều này có thể khiến cuộc cạnh tranh giữa Mỹ – Trung càng trở lên gay gắt hơn. Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng và tập hợp lực lượng thông qua việc đẩy mạnh mở rộng của các cơ chế, diễn đàn do Trung Quốc dẫn dắt, thúc đẩy khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh”. Còn Washington vẫn kiên trì với chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình chủ trương tiếp cận bằng cách siết chặt các vòng vây đã thiết lập sẵn và củng cố thêm các vòng vây mới nhằm gây sức ép đến không gian sinh tồn từ mọi hướng. Sự tranh đua của hai siêu cường có thể làm phá vỡ thế đa cực ở châu Á – Thái Bình Dương. Thay vào đó, cuộc đấu “ai hơn ai” sẽ phá hủy cấu trúc quyền lực khu vực tạo ra chiều hướng vận động theo xu hướng lưỡng cực nguy cơ dẫn tới cuộc “Chiến tranh Lạnh 2.0”.

      Thứ hai, sự phát triển của các liên kết tiểu đa phương đang ngày càng thu hút sự quan tâm bên ngoài với đa dạng chủ thể khác can dự vào vấn đề nội bộ khu vực. Sau khi AUKUS được thành lập, EU đã lập tức đã công bố bản chiến lược đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tuyên bố đây là khu vực có tầm ảnh hưởng chiến lược hàng đầu đối với lợi ích của EU. Anh cũng trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên xuất hiện trong một liên kết an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Quá trình tập hợp lực lượng của Mỹ dễ gây ra những biến đổi chính trị tại khu vực, tạo điều kiện cho việc thiết lập một tổ chức quân sự thống nhất như NATO phiên bản châu Á tạo ra nhiều xáo trộn đe dọa hòa bình, ổn định, hợp tác thực chất cùng có lợi.

      Thứ ba, tình thế lựa chọn bước đi phù hợp cùng với kiểm soát tốt cân bằng chiến lược là điều các quốc gia cần hướng tới trong bối cảnh chia rẽ địa chính trị.  Ấn Độ và Philippines trở thành hai trường hợp điển hình. Trong khi Ấn Độ vừa đứng trong các quốc gia sáng lập QUAD nhưng đồng thời cũng đứng trong khối Brics, quốc gia Nam Á này đang thực hiện rất hiệu quả chiến lược cân bằng nước lớn rộng ra hơn là cân bằng quyền lực châu Á. Trong khi đó, Philippines khi tham gia vào JAPHUS đang dẫn tới những hệ lụy tiêu cực đến vai trò trung tâm của ASEAN. Việc liên minh hóa, quân sự hóa một thành viên của ASEAN với các nước bên ngoài khu vực là điều đi ngược với Hiến chương ASEAN và lợi ích chung. Lập trường trung lập của ASEAN khó có thể đưa ra một tuyên bố phản đối một cách cụ thể, do đồng thuận không thể đạt được bởi sự chia rẽ “phe phái” đang tồn tại trong nội bộ khối.

      Cuối cùng, tuy sự phát triển của các liên kết tiểu đa phương tác động tiêu cực đến cấu trúc an ninh khu vực nhưng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không phải của riêng nước Mỹ. Cạnh tranh nước lớn diễn ra tại khu vực có thể chuyển biến thành động lực để đoàn kết hợp tác chia sẻ lợi ích và tránh sự can thiệp từ bên ngoài. ASEAN là trường hợp điển hình nhất trong công cuộc gắn kết với các cường quốc tầm trung cùng xác lập một vị trí quan trọng trong cuộc chơi quyền lực. Đơn cử như các cơ chế Diễn đàn khu vực ARF; ASEAN+3 với Nhật Bản, Hàn Quốc; AISOM với ASEAN – Ấn Độ…

      5. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

      Trong bối cảnh thế giới hiện nay, sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia ngày càng tăng lên, tất cả các nước đều chịu ràng buộc bởi luật chơi chung, mỗi quốc gia không còn là một cá thể riêng biệt mà phải chấp nhận sự phụ thuộc lẫn nhau trong các mối quan hệ. Đặc biệt, nổi lên trong đó là các tổ chức theo dạng tiểu liên kết đa phương, thực chất “đa phương” ở đây chỉ có lợi ích nhóm và hoạt động mập mờ giữa lằn ranh hợp tác – xung đột. Đa số trong các liên kết đó do Mỹ dẫn đầu nhằm mục đích giành lợi thế trong hoàn cảnh cạnh tranh chiến lược mới. Do đó, Các liên kết tiểu đa phương này có tác động rất lớn đến cấu trúc an ninh, chính trị trong khu vực liên quan trực tiếp đến Việt Nam. Mục tiêu chính sách đối ngoại được xác định tại Đại hội XIII gồm: “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”[16]. Bởi vậy, ưu tiên tìm kiếm sự hợp tác đẩy lùi mâu thuẫn, cạnh tranh là vấn đề đặt ra cho Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội chính thức nâng cấp quan hệ mức cao nhất với Washington.

      Tận dụng thời cơ

      Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, với mục tiêu tổng quát: “Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[17]. Để bắt kịp so với các nền kinh tế phát triển của thế giới và tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới Việt Nam cần tận dụng được những ưu đãi đưa ra trong các liên kết tiểu đa phương. Tác động của dịch Covid-19 khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dòng chảy thương mại quốc tế bị ảnh hưởng nặng nề. Nhằm giảm thiểu rủi ro từ nền sản xuất của Trung Quốc, năm 2020 trong thời gian cuối nhiệm kỳ của ông Trump, Mỹ đã lên kế hoạch thành lập “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bằng cuộc đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD), và mời thêm 3 quốc gia khác là Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng tham gia. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, mục đích của nhóm QUAD mở rộng hiện nay là tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa nền kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước[18]. Cơ hội mở ra với nền kinh tế Việt Nam hiện đang có độ mở lớn và ngày càng hội nhập vào kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với QUAD đưa Việt Nam vào vai trò đối tác đối thoại giành được sự ủng hộ của các cường quốc trong nhóm về vấn đề với Trung Quốc tại Biển Đông. Đối với AUKUS, một liên minh mới hình thành mang tính khép kín cao hướng đến mục tiêu cung được công bố nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chung. Trong lĩnh vực hạt nhân ở trụ cột thứ nhất, Việt Nam đưa ra quan điểm nhất quán “việc phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân phải phục vụ mục đích hòa bình và phát triển kinh tế xã hội của các nước”[19]. Việc đảm bảo môi trường ổn định, an ninh để phát triển đất nước là một trong những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Do đó, Việt Nam cũng có thể tận dụng hợp tác ở trụ cột thứ hai về phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, mạng viễn thông, nâng cao năng lực quốc phòng và chia sẻ thông tin trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.

      Ứng phó thách thức

      Đi kèm với những cơ hội Việt Nam có thể tận dụng được để phát triển đất nước với sự hỗ trợ từ các cơ chế, liên kết tiểu đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng cần sẵn sàng ứng phó với những thách thức đặt ra. Đối với những liên kết nổi bật như QUAD, AUKUS và JAPHUS mặc dù không đặt trọng tâm hoạt động vào Việt Nam song ASEAN lại nằm trong phạm vi trọng tâm của Mỹ đặc biệt tại Biển Đông. Do vậy, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động tiêu cực về an ninh, chính trị xảy ra khi các liên kết này mở rộng. Giữ vị trí địa – chiến lược, Việt Nam đang dần đi lên trở thành quốc gia có tiếng nói trong khu vực. ASEAN và cả Việt Nam phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng khi có nhiều bên ở ngoài cùng can thiệp vào các vấn đề an ninh, chính trị ảnh hưởng lớn đến vai trò trung tâm của ASEAN. Thậm chí có thể dẫn đến những rạn nứt trong nội bộ khối khi không thể thống nhất lợi ích riêng với lợi ích chung. Việc mở rộng một liên kết chẳng hạn AUKUS có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt với Trung Quốc. Cân bằng nước lớn cần được tích cực duy trì và kiên định chính sách “4 không” tránh để xảy ra xung đột, chạy đua vũ trang đặc biệt với vũ khí hạt nhân. Các liên kết trên sẽ càng có sự tác động lớn hơn đến khu vực nếu ông Trump quay trở lại nắm quyền. Cựu Tổng thống Donald Trump là một người có cách tiếp cận đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong tổng thể chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc rất đặc biệt. Việt Nam đã tiếp đón ông Trump hai lần trong một nhiệm kỳ tổng thống (2017 và 2019). Cá nhân ông Trump cũng giành sự quan tâm đến các tranh chấp trên Biển Đông, sự tiếp xúc gần gũi hơn với Washington tạo cho chính quyền Bắc Kinh nhìn nhận có thể Hà Nội đang “chọn phe”. Điều này vô hình chung đưa Việt Nam vào trong thế ứng xử ngoại giao khó, cần phải kiên trì, kiên quyết tăng cường khẳng định lại lập trường, mục tiêu đối ngoại độc lập, hòa bình, tự chủ không thay đổi. Tiếp tục hội nhập sâu rộng vào các diễn đàn đối thoại, hợp tác quốc tế, làm phong phú hơn ngoại giao đa phương thông qua đó tiếp tục nâng cao vị thế quốc gia./.

      Bài viết được đăng lần đầu tại Nghiên cứu Chiến lược

      ————–

      Tài liệu tham khảo

      [1] Song Minh (2024), “Đối thủ duy nhất của ông Trump trong Đảng Cộng hòa bỏ cuộc đua”, Báo Lao Động. https://laodong.vn/the-gioi/doi-thu-duy-nhat-cua-ong-trump-trong-dang-cong-hoa-bo-cuoc-dua-1312169.ldo

      [2] David Chalian và Terence Burlij (2024), “CNN’s inaugural Road to 270 shows Trump in a position to win the White House”, CNN. https://edition.cnn.com/2024/01/05/politics/road-to-270-electoral-votes-2024/index.html

      [3] Jason Lange (2024), “Biden pulls even with Trump, Reuters/Ipsos poll shows”, Reuters. https://www.reuters.com/world/us/biden-has-marginal-1-point-lead-over-trump-reutersipsos-poll-shows-2024-03-14/

      [4] Văn Ngọc Thành và Trần Ngọc Dũng (2023), “Nhân tố Trung Quốc trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Donald Trump”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. https://www.inas.gov.vn/1250-nhan-to-trung-quoc-trong-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-tong-thong-my-donald-trump.html

      [5] Huyền Chi (2021), “QUAD – “Tứ giác kim cương” hay “NATO thu nhỏ vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Công an nhân dân. https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/QUAD-Tu-giac-kim-cuong-hay-NATO-thu-nho-vung-An-Do-Duong-Thai-Binh-Duong-i599666/

      [6] Hoài Thanh (2021), “Liên minh AUKUS: Sự hình thành và những tác động ảnh hưởng”, Báo Tin Tức. https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lien-minh-aukus-su-hinh-thanh-va-nhung-tac-dong-anh-huong-20210917162211294.htm

      [7] Patrick Triglavcanin (2024), “AUKUS is a Trump-style deal”, The Interpreter. https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/aukus-trump-style-deal

      [8] Matthew Cranston (2024), “Trump flexible on AUKUS subs: Republicans”, Financial Review. https://www.afr.com/world/north-america/trump-flexible-on-aukus-subs-republicans-20240412-p5fj92

      [9] Hoàng Hải (2023), “Hợp tác An ninh Ba bên JAPHUS – Giải pháp hay thách thức đối với an ninh Đông Á?”, Nghiên cứu Chiến lược. https://nghiencuuchienluoc.org/hop-tac-an-ninh-ba-ben-japhus-giai-phap-hay-thach-thuc-doi-voi-an-ninh-dong-a/

      [10] Toru Takei (2024), “Trump to champion U.S.-Japan alliance if he returns to power: ex-aide”, Kyodo News. https://english.kyodonews.net/news/2024/04/efa9d0a0954e-trump-to-champion-us-japan-alliance-if-he-returns-to-power-ex-aide.html

      [11] Nguyễn Anh Tuấn (2023), “Một số tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine tới cục diện thế giới”, Tạp chí Tuyên giáo. https://www.tuyengiao.vn/mot-so-tac-dong-cua-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-toi-cuc-dien-the-gioi-151056

      [12] Jim Sciutto (2024), “Trump will pull US out of NATO if he wins election, ex-adviser warns”, CNN Politics. https://edition.cnn.com/2024/02/12/politics/us-out-nato-second-trump-term-former-senior-adviser/index.html

      [13] Nghiên cứu Biển Đông (2023), “TỔNG QUAN CÁC VĂN BẢN CHÍNH SÁCH VỀ ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA CHÍNH QUYỀN BIDEN NĂM 2022”. https://nghiencuubiendong.vn/tong-quan-cac-van-ban-chinh-sach-ve-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-chinh-quyen-biden-nam-2022.56481.anews

      [14] Lâm Phương (2022), “AUKUS – khởi đầu những chuyển biến địa chính trị tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân. http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/aukus-khoi-dau-nhung-chuyen-bien-dia-chinh-tri-tai-an-do-duong-thai-binh-duong/18231.html

      [15] The White House (2021), “Interim National Security Strategic Guidance”. https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf

      [16] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.161-162.

      [17] Trần Thị Vân Hoa và Hoàng Văn Hoa (2024), “Hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030”, Tạp chí Cộng sản. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/huong-toi-muc-tieu-tro-thanh-nuoc-dang-phat-trien-co-cong-nghiep-hien-dai-thu-nhap-trung-binh-cao-vao-nam-2030

      [18] Nguyễn Nhâm (2020), “Tham gia “Bộ tứ mở rộng” có là cơ hội cho Việt Nam?”, Báo điện tử Đảng Cộng sản. https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/tham-gia-bo-tu-mo-rong-co-la-co-hoi-cho-viet-nam.html

      [19] Khánh Nguyễn (2021), “Việt Nam nêu quan điểm về liên minh AUKUS”. VTV Online. https://vtv.vn/chinh-tri/viet-nam-neu-quan-diem-ve-lien-minh-aukus-20210923182256921.htm

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.