#62 – Ngoại giao công chúng và sự trỗi dậy của quyền lực mềm Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

MainPage_welcome page

Nguồn: Yiwei Wang (2008). “Public Diplomacy and the Rise of Chinese Soft Power”, The ANNALS of the American Academy of Political and Social Science, 616, pp. 257-273.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kiều Phương | Hiệu đính: Nguyễn Thành Trung

Những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm cách bổ sung quyền lực cứng truyền thống của mình bằng quyền lực mềm, do đó chính phủ Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến chính sách ngoại giao công chúng. Chính phủ Trung Quốc trước đây hiểu biết hạn chế về chính sách ngoại giao công chúng, xem đó như là hoạt động tuyên truyền đối ngoại hoặc một hình thức của quan hệ công chúng trong nước, nhưng điều này không ngăn Trung Quốc trở thành một chủ thể có kỹ năng ngoại giao công chúng tốt. Các khía cạnh chủ chốt trong chính trị và văn hóa truyền thống của Trung Quốc đã cho thấy những trở ngại lớn đối với chính sách ngoại giao công chúng của đất nước này. So với Hoa Kỳ, Trung Quốc cần phải có chiến lược ngoại giao công chúng hiệu quả và lâu dài cũng như cải thiện các kỹ năng nhằm tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông hiện đại. Sự trỗi dậy hòa bình/chính sách phát triển hòa bình trong đại chiến lược của Trung Quốc đã tìm cách tích hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm để tạo ra sự trỗi dậy mềm cho Trung Quốc.

Vào tháng 2/2007, Joshua Cooper Ramo, một chuyên gia phân tích phương Tây sống ở Trung Quốc hiểu rõ những vấn đề xung quanh sự phát triển của Trung Quốc trên trường quốc tế, đã phát biểu “mối đe dọa chiến lược lớn nhất của Trung Quốc hiện nay là hình ảnh quốc gia của mình”.  Trong một báo cáo có tiêu đề Thương Hiệu Trung Quốc,  ông đã đưa ra cái được gọi là vấn đề “chủ quyền hình ảnh” đối với Trung Quốc. Các nhà phân tích khác cũng đã đưa ra kết luận như Ramo. Trong thực tế, những năm gần đây, chính sách ngoại giao công chúng đã chuyển từ một khái niệm xa lạ thành một chủ đề nóng đối với nhiều học giả Trung Quốc. Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp chọn chính sách ngoại giao công chúng làm đề tài luận văn, trong khi báo chí Trung Quốc thường xuyên bàn luận về chủ đề này. Hầu hết các tranh luận tập trung vào hình ảnh của Trung Quốc và sự cần thiết thay đổi “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”. Khái niệm quyền lực mềm được các học giả, quan chức và giới báo chí sử dụng ngày càng rộng rãi. Ví dụ, sách trắng 2007 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã làm nổi bật tầm quan trọng của quyền lực mềm; Báo cáo Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 17 đã chủ trương “đề cao văn hóa như một phần quyền lực mềm của quốc gia nhằm đảm bảo hơn cho lợi ích và quyền lợi văn hóa cơ bản của người dân” (Hu 2007). Đây là lần đầu tiên cơ quan quyền lực nhà nước cấp cao nhất đưa ra một văn kiện thúc đẩy “quyền lực mềm”. Những năm gần đây, rất ít thuật ngữ quan hệ quốc tế phương Tây đi sâu và rộng vào kho từ vựng tiếng Trung như vậy.[1]

Cuối năm 2006, Ngô Hữu Phú (Wu Youfu), Phó Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ Công chúng Thượng Hải và Hiệu trưởng của Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, đã đề nghị Trung Quốc nên sử dụng gấu trúc làm biểu tượng quốc gia thay cho rồng. Việc làm này ngay lập tức làm dấy lên những chỉ trích lẫn các tranh luận sôi nổi giữa người Trung Quốc đại lục lẫn hải ngoại.[2] Nền tảng cho cuộc tranh luận nằm ở giả định của Trung Quốc cho rằng các khái niệm của Trung Quốc quá cụ thể về phương diện văn hóa đến nỗi người nước ngoài không thể hiểu chính xác. Dòng quan điểm chính về quan hệ quốc tế đang bị phương Tây chi phối do đó có lập luận cho rằng nếu chính phủ Trung Quốc thể hiện mình bằng ngôn ngữ quốc tế thông thường thì sẽ đánh mất bản chất Trung Quốc và bị người dân phê phán là quá Tây hóa. Điều này rất giống với vấn đề mà Karl Marx đã nhìn thấy ở những nông dân Pháp thế kỷ XIX: “họ không thể tự đại diện cho mình, họ phải bị đại diện” (Marx 1852). Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với chính sách ngoại giao công chúng và quyết tâm học cách nâng cao quyền lực mềm và thể hiện mình với thế giới một cách tích cực. Trớ trêu thay, về phần mình, thế giới lại đang mở rộng sự quan ngại đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc và quan tâm đến không chỉ quyền lực cứng mà cả quyền lực mềm đang gia tăng của nước này.

Bài viết này được chia thành bốn phần. Phần đầu tập trung vào chính sách ngoại giao công chúng theo cách hiểu của Trung Quốc. Phần này sẽ phân tích nhận thức đúng đắn và sai lầm của Trung Quốc về ngoại giao công chúng và đặc biệt cách mà lịch sử và văn hóa Trung Quốc hình thành nhận thức về quyền lực mềm và ngoại giao công chúng. Phần hai tập trung vào chiến lược ngoại giao công chúng của Trung Quốc, từ tư duy chiến lược nền tảng của Trung Quốc đến mối bận tâm hiện tại đối với nhiệm vụ tạo điều kiện cho sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Phần ba đề cập xa hơn chính sách ngoại giao công chúng và tập trung vào đại chiến lược trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Phần bốn cố gắng tích hợp quyền lực mềm và ngoại giao công chúng, tập trung vào thực tiễn và chiến lược ngoại giao công chúng của Trung Quốc. Chính sách ngoại giao công chúng của Trung Quốc đã cố gắng chuyển sự trỗi dậy của Trung Quốc từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm. Nói cách khác, Trung Quốc hi vọng trỗi dậy trong hòa bình, do hòa bình và vì hòa bình. Nhiệm vụ lâu dài của chính sách ngoại giao công chúng Trung Quốc là cho thế giới biết chính xác cách Trung Quốc sẽ sử dụng quyền lực của mình như thế nào sau khi hoàn tất sự trỗi dậy của mình.

1.   Nhận thức của Trung Quốc về ngoại giao công chúng

“Ngoại giao công chúng” là một khái niệm ngoại nhập tại Trung Quốc. Người Trung Quốc sử dụng thuật ngữ đối ngoại tuyên truyền (duiwai xuan chuan) hay ngoại tuyên (waixuan) và nhấn mạnh việc quảng bá những thành tựu của Trung Quốc và đưa hình ảnh quốc gia ra nước ngoài. Không giống như cách dịch trong tiếng Anh, xuanchuan (tuyên truyền) trong tiếng Hoa có ẩn ý tích cực liên quan đến các hoạt động cơ bản là ôn hòa như phát hành báo chí, định hình khái quát hệ tư tưởng hay thậm chí là quảng cáo. Xuanchuan có hai mức hiểu: neixuan (nội tuyên: tuyên truyền nội bộ) và waixuan (ngoại tuyên: tuyên truyền đối ngoại), nghĩa là quảng bá hình ảnh Trung Quốc ra nước ngoài. Trong khi hệ thống tuyên truyền quốc gia rất mạnh và có ảnh hưởng ở Trung Quốc thì ngoại giao công chúng của Trung Quốc tương đối yếu. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là chính phủ Trung Quốc đã pha trộn tuyên truyền nội bộ với tuyên truyền đối ngoại. Hơn nữa, người Trung Quốc hiểu ngoại giao công chúng bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao nhân dân (minjian waijiao). Trong ngữ vựng của Trung Quốc, khái niệm ngoại giao đi liền với một khái niệm then chốt khác, đó là waishi (ngoại sự). Tất các loại tổ chức quyền lực ở Trung Quốc đều có một bộ phận đối ngoại. Câu nói nổi tiếng của Chu Ân Lai, ngoại sự vô tiểu sự (waishi wu xiaoshi : không có vấn đề nào là nhỏ trong công tác đối ngoại) vẫn là kim chỉ nam cho ngoại giao đoàn của Trung Quốc. Hơn thế nữa, thực tiễn ngoại giao công chúng của Trung Quốc- cũng giống như của Pháp- nhấn mạnh cách thức trao đổi văn hóa/ ngoại giao văn hóa hơn là cách thức ngoại giao truyền thông theo kiểu Mỹ. Điều này phần lớn do văn hóa Trung Quốc phát triển cao trong khi phương tiện truyền thông vẫn chưa hội nhập toàn cầu. Năm Văn hóa Trung- Pháp 2004, Năm Quốc gia Trung- Nga 2005 và Năm Hữu nghị Trung- Ấn 2006 là những cột mốc trong ngoại giao văn hóa và trao đổi gần đây.

Trung Quốc ngày càng ý thức hơn về ngoại giao công chúng. Khái niệm ngoại giao công cộng (gongong waijiao) xuất hiện lần đầu trong cuốn sách Ngoại giao ở Nước ngoài  [Diplomacy Abroad] (được biên tập bởi Qipeng Zhou, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc), và khái niệm này được chuyển ngữ từ mục từ “public diplomacy” trong bách khoa toàn thư công pháp quốc tế 1990 (Zhou và Yang 1990). Tiếp theo, Giáo sư Yi Lu đã phân tích khái niệm này trong cuốn sách Nhập môn Ngoại giao [The General Introduction to Diplomacy] của ông nhưng lại dịch thuật ngữ này là “ngoại giao công chúng” (Gong Zhong Wai Jiao) (Lu 2004). Các học giả Trung Quốc vẫn còn nhầm lẫn giữa “ngoại giao công chúng” và “ngoại giao quần chúng/công dân” bởi vì từ tiếng Anh “public” có thể được dịch sang tiếng Hoa là “không cá nhân” hay “không phân biệt đối xử”. Những vấn đề dịch thuật như vậy không phải là hiếm trong giới khoa học Trung Quốc.

Hoạt động ngoại giao công chúng  của Trung Quốc ra đời trước khi có các nghiên cứu như thế và thực sự hình thành vào năm 1983 như là một phần của quá trình “mở cửa và cải cách”, bắt đầu bằng việc tạo ra hệ thống phát ngôn viên tin tức của Trung Quốc. Đầu tiên là Tiền Kỳ Sâm (Qian Qicheng), lúc đó là Vụ trưởng Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao. Sau đó các tổ chức chính phủ khác đã làm theo. Một Văn phòng Thông tin Quốc Vụ Viện (tức Chính phủ) được thành lập vào tháng 1/1991, thúc đẩy hệ thống phát ngôn viên tin tức lên tầm thể chế mới. Chính quyền địa phương cũng chậm chạp noi theo. Mãi đến tháng 6/2003 hệ thống phát ngôn viên địa phương mới được chính quyền Thượng Hải thành lập. Cho đến nay, 31 tỉnh, 74 tổ chức thuộc Quốc Vụ Viện, 7 cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm theo Thượng Hải và triển khai hệ thống phát ngôn viên của mình. Mặc dù có những nền tảng này nhưng chính phủ Trung Quốc hầu như không nghiêm túc quan tâm đến ngoại giao công chúng mãi đến khi cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ diễn ra ngày 11/9/2001. Trớ trêu thay, dù bị chỉ trích về chính sách ngoại giao công chúng trên chính đất nước mình và nhiều nơi khác, Hoa Kỳ lại là một hình mẫu chính cho chính sách ngoại giao công chúng của Trung Quốc. Ngày 26/9/2003, như một phần của chính sách ngoại giao công chúng đang nổi lên của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đã mời tác giả này thuyết trình về chủ đề “Lý luận và thực tiễn của ngoại giao công chúng” nhằm khởi đầu hàng loạt các hoạt động ngoại giao công chúng do Vụ Hoạch định Chính sách và Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện.

Ngày 19/03/2004, Phòng Ngoại giao Công chúng được thành lập trực thuộc Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao. Trong buổi tuyên bố thành lập, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thẩm Quốc Phóng định nghĩa ngoại giao công chúng là một “lĩnh vực rất quan trọng trong công tác ngoại giao”. Theo ông, “mục đích của cơ bản của ngoại giao công chúng là tăng cường trao đổi và tương tác với công chúng nhằm định hướng và đạt được nhận thức cũng như sự ủng hộ của công chúng đối với chính sách đối ngoại” (Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2004). Bộ trưởng Ngoại giao Lý Triệu Tinh bổ sung “chúng ta đã tích cực tiến hành ngoại giao công chúng bằng cách công khai chính sách và các hoạt động ngoại giao với công chúng Trung Quốc, nhờ đó đạt được sự cảm thông và ủng hộ của họ” (Li 2005). Rõ ràng, trong suy nghĩ của họ “công chúng” có nghĩa là “công chúng Trung Quốc”, và ngoại giao công chúng là cái mà người Mỹ gọi là “quan hệ công chúng”. Sự thay đổi trong cách dùng này không có gì quá xa lạ. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã khẳng định chính sách ngoại giao phải là cánh tay nối dài của chính sách đối nội và nên phục vụ chính trị trong nước.

Sự pha trộn giữa quan hệ công chúng và ngoại giao công chúng có nguồn gốc từ hệ thống chính trị của Trung Quốc. Không có cơ quan phụ trách riêng về ngoại giao công chúng và không có vị trí nào tương đương với chức thứ trưởng phụ trách ngoại giao công chúng và quan hệ công chúng như ở Mỹ. Công việc này được chia sẻ bởi nhiều cơ quan, trong đó có Văn phòng Giao tiếp Quốc tế của Ban Tuyên huấn Ủy ban Trung ương Đảng, Văn phòng thông tin liên lạc quốc tế của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc (NPC, gọi tắt là Nhân Đại, tức Quốc hội –NHĐ) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC, hay gọi tắt là Chính Hiệp), Cục Quan hệ Văn hóa Đối ngoại của Bộ Văn hóa, và Vụ Thông tin của Bộ Ngoại giao.

Chính sách ngoại giao truyền thống của Trung Quốc nhấn mạnh chính trị cấp cao mà bỏ qua chính trị cấp cơ sở. Các quốc gia nước ngoài được hiểu thông qua lăng kính trải nghiệm trong nước của Trung Quốc. Ví dụ, quan chức và công dân Trung Quốc đều cho rằng nếu quan hệ Trung-Mỹ tốt đẹp ở cấp cao nhất thì tất cả người Mỹ sẽ có cảm tình với Trung Quốc. Họ không hiểu trong khi Nhà Trắng có những cử chỉ thân thiện thì Quốc hội Mỹ lại tỏ thái độ thù địch.

Trước thời kỳ mở cửa và cái cách đầu những năm 1980, Trung Quốc đã tách biệt khỏi dòng chảy chính của cộng đồng quốc tế và cách nhìn nhận về quốc tế của nước này phản ánh gần như hoàn toàn nhận thức chính trị trong nước của mình. Về sau, chính trị trong nước vẫn có ý nghĩa to lớn và có lẽ vẫn là một nhân tố chủ đạo. Khác biệt quan trọng nhất giữa phương Tây và Trung Quốc nằm ở môi trường chính trị trong nước, tập trung vào vấn đề hệ thống chính trị đơn đảng, nhân quyền, và tự do báo chí. Các khác biệt lớn khác là vấn đề thống nhất đất nước và bất đồng về tình trạng Đài Loan và Tây Tạng. Trong quá khứ, Trung Quốc thụ động và không muốn thể hiện mình trong xã hội quốc tế. Thời kỳ đó đã qua.

Người Trung Quốc có nhiều nhận thức sai về hình ảnh quốc tế của họ. Các lỗi điển hình (và thường chồng lấn nhau) bao gồm:

  1. Trung Quốc cho rằng sức mạnh quốc gia là một chỉ số thể hiện hình ảnh quốc tế: nghĩa là nếu quốc gia này đủ mạnh và đủ lớn thì các quốc gia khác sẽ phải kính trọng. Quan điểm này gặp phải nghịch lý là Thụy Sĩ và các nước Bắc Âu nhỏ và yếu về quân sự nhưng hình ảnh quốc tế của họ vẫn rất tuyệt vời trong khi một cường quốc thống trị như Mỹ lại bị nhìn nhận một cách tiêu cực ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khuyến khích việc canh tân đất nước nhưng lại quan tâm nhiều đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn là đạt được quyền lực mềm bởi vì họ cho rằng sự phát triển Trung Quốc bắt nguồn từ tăng  trưỏng kinh tế thông qua xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Quan niệm này có xu hướng khiến cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc quá thực dụng. Trung Quốc đã bỏ qua việc nuôi dưỡng các mối quan hệ mật thiết với công chúng bên ngoài, và do đó đem lại cái được gọi là thuyết mối đe dọa Trung Quốc.
  2. Trung Quốc đã quan tâm đến vị thế quốc tế trong khi bỏ qua hình ảnh quốc tế. Dưới hệ thống triều cống trước đây, các hoàng đế và triều đình đã tìm cách duy trì thanh thế quốc gia. Ngày nay, danh tiếng bị lơ là.
  3. Trung Quốc đã tập trung mở rộng nền kinh tế trên toàn thế giới trong khi bỏ qua văn hóa hoặc  – khi văn hóa được xem xét –thì chính phủ Trung Quốc cũng chỉ tập trung vào mở rộng văn hóa truyền thống mà bỏ qua việc nuôi dưỡng xã hội dân sự ở hải ngoại thông qua trao đổi văn hóa.
  4. Người Trung Quốc quá khiêm nhường để có thể thúc đẩy hình ảnh Trung Quốc trong xã hội quốc tế.
  5. Người Trung Quốc cho rằng thế giới nên tôn kính Trung Quốc vì lịch sử lâu dài và nền văn minh rực rỡ của mình mà quên rằng lịch sử vẻ vang không tự nhiên trở thành ảnh hưởng  đương đại.

Những quan niệm sai lầm này cũng phổ biến trong giới lãnh đạo như trong quần chúng. Song song với chúng là những nghịch lý trong quan điểm của phương Tây về Trung Quốc, thể hiện trong các điểm tổng quát sau:

  1. Người phương Tây có vẻ thích lịch sử và văn hóa Trung Quốc nhưng không thích Trung Quốc hiện thời bởi vì Trung Quốc của bây giờ được xem là quá chính trị và ít mang màu sắc văn hóa  hơn trong suy nghĩ của họ.
  2. Người phương Tây có vẻ thích dân tộc Trung Hoa nhưng không thích chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng Sản.
  3. Người phương Tây có vẻ thích khái niệm “Trung Quốc” nhưng không thích khái niệm “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, vốn liên quan đến chủ nghĩa cộng sản.
  4. Người phương Tây có vẻ thích du lịch và đầu tư vào Trung Quốc nhưng không sẵn sàng sống ở Trung Quốc; nói cách khác, họ dường như hưởng quyền lợi từ sự đi lên của Trung Quốc nhưng không sẵn sàng trả giá cho sự đi lên này, như ô nhiễm chẳng hạn.

Thậm chí nếu có thể loại bỏ một số nhận thức sai lầm về Trung Quốc thì văn hóa Trung Quốc vẫn đặt ra một số trở ngại đáng kể đối với hiệu quả của chính sách ngoại giao công chúng. Vấn đề nằm ở truyền thống đạo đức. Người Trung Quốc thích sự tự vấn hơn và tìm kiếm sự tự thay đổi bản thân khi muốn thuyết phục hoặc làm người khác thay đổi. Về thế giới quan cơ bản, cách tiếp cận của phương Tây nhìn nhận cá nhân như là đơn vị để mà thông qua đó có thể hiểu thế giới và thường có suy nghĩ theo hướng tuyệt đối, nghĩa là, cái tốt và cái xấu rạch ròi. Bản ngã được xác định thông qua đức Chúa trời; còn tha nhân là kẻ ngoại đạo và là kẻ thù không thể hòa giải. Ngược lại, tư tưởng của Trung Quốc lại đòi hỏi nhiều chủ thể và đề xuất phương pháp giảng hòa với các chủ thể này để có một trạng thái hài hòa. Ở đây,  tha nhân có thể trở thành bản ngã. Vì vậy, “triết học phương Tây thừa nhận nguyên tắc khách quan nhưng triết học Trung Quốc thừa nhận nguyên tắc chủ quan” (Zhao 2005). Nói cách khác, diễn ngôn chính trị Phương Tây đặt ra câu hỏi đầu tiên “Bạn là ai?” Điều này liên quan đến vấn đề bản sắc, phân biệt giữa bạn và thù, giữa “chúng ta” và “những người khác”. Đây là thế giới quan dựa trên sự phân hóa. Ngược lại, tư duy chính trị Trung Quốc đặt ra câu hỏi “Chúng tôi là ai?”, tạo ra khái niệm “thế giới như một gia đình”, và nhấn mạnh việc tạo ra sự hài hòa. Kết quả là, mối quan tâm của phương Tây là điều chỉnh và tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh trong khi mối quan tâm của Trung Quốc là có thể cùng tồn tại một cách hài hòa (Zhao 2005).

Cách thức tạo dựng hình ảnh của Trung Quốc bắt đầu từ bên trong hơn là thể hiện ra bên ngoài. Văn hóa tinh thần của Trung Quốc khác văn hóa thể hiện ra ngoài theo kiểu phương Tây. Người Trung Quốc vẽ ra sự khác biệt giữa nội tâm (neixin) bên trong và thể diện (mianzi) bên ngoài. Hơn thế nữa, cách hiểu “quyền lực” trong văn hóa Trung Quốc làm cho việc tiếp cận ngoại giao công chúng lộn xộn hơn. Suy rộng ra, làm việc với một khái niệm như quyền lực mềm thậm chí càng khó hơn. Trong chính trị phương Tây, thuật ngữ quyền lực chỉ khả năng gây tác động đến thái độ hay hành động của một chủ thể hay tổ chức đối với một chủ thể hay tổ chức khác. Định nghĩa như thế liên quan mật thiết đến lập luận của Darwin xem nhân tố có quyền lực là chủ thể và nhân tố không có quyền lực là đối tượng. Trên thực tế, định nghĩa quyền lực không nên chỉ dựa vào khả năng của chủ thể quyền lực mà còn phải dựa vào mức độ chấp nhận của các đối tượng của quyền lực. Đây là sự khác biệt quan trọng giữa thời đại triều cống cổ xưa của phương Đông với hệ thống quốc tế hiện đại của phương Tây.

Ở Trung Quốc, quyền lực thường được dịch là Quanli. Thực ra, trong tiếng Trung Quốc truyền thống, Quanli có hai nghĩa cơ bản: “cái cân” (danh từ) hoặc “dĩ nguyên phản kinh” (động từ). Thực tế, quyền lực (quanli) luôn gắn liền với quyền thuật (quanshu: chiến thuật hay chiến lược). Vì vậy, trong lịch sử, mặc dù trong thời đại Chiến quốc (475-221 TCN) tồn tại sự cân bằng quyền lực nhưng không phải là hệ thống mà là chiến lược (JunshiShu : thuật quân sự). Trong triết học, Trung Quốc luôn hiểu quyền lực gắn liền với đạo đức. Rất nhiều trường phái triết học truyền thống của Trung Quốc giải thích mối liên kết này theo những cách khác nhau. Tuân Tử (313-238 TCN) lập luận quyền lực trái ngược với đạo đức (Quân tử dĩ đức, tiểu nhân dĩ lực ; lực giả, đức chi dịch dã : Người quân tử dùng đức, kẻ tiểu nhân dùng lực ; sức lực dùng để cho cái đức sai khiến – NHĐ), trong khi Khổng Tử (551-478 TCN) khẳng định “trở thành một nhà hiền triết từ bên trong và một hoàng đế từ bên ngoài” (“cai trị kẻ khác và tu dưỡng bản thân, “nội thánh ngoại vương”). Nói cách khác, đạo đức từ bên trong đem lại quyền lực từ bên ngoài. Khổng Tử cho rằng, “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Đừng áp đặt những gì chúng ta không muốn lên người khác). Lão Tử (854-770 TCN) dạy rằng “vô vi nhi trị ” (cai trị bằng cách không làm gì trái lại tự nhiên); và do đó cũng có thể hiểu là quyền lực đến từ tự nhiên.

Tóm lại, tư duy truyền thống của Trung Quốc về quyền lực cho rằng quyền lực đến từ đạo đức và đạo đức do tự nhiên mà có. Chế độ triều cống truyền thống Trung Quốc gộp chung quyền lực với đạo đức. Trong tư duy truyền thống Trung Quốc, không có khái niệm quốc gia, quốc gia dân tộc, chủ quyền, hay hệ thống quốc tế nhưng lại có ý niệm “Thiên hạ” (tianxia). Không có một Machiavelli Trung Quốc để có thể phân tách quyền lực và đạo đức. Vì vậy không khó để hiểu tại sao có thể lập luận rằng “không có lý luận quan hệ quốc tế Trung Quốc” (Wang 2005).

2.   Thực tiễn ngoại giao công chúng của Trung Quốc

Trỗi dậy đòi hỏi Trung Quốc phải suy tính về mặt quyền lực mềm, do đó chính phủ Trung Quốc ngày càng quan tâm đến chính sách ngoại giao công chúng hơn. Trong Hội thảo học thuật về Ngoại giao công chúng của Trung Quốc, khai mạc vào ngày 19/03/2004, Trung Quốc đã đưa ra một chiến lược ngoại giao công chúng mới. Mục tiêu ngoại giao công chúng của Trung Quốc là phải làm tròn hai vai trò – một là thực hiện chức năng tư duy chiến lược khôn ngoan và lý do phòng vệ, và một là nhiệm vụ cấp bách tạo điều kiện thuận lợi để gia tăng quyền lực mềm. Trung Quốc đang tìm kiếm con đường phát triển hòa bình. Cần phải thay đổi cách nhìn của quốc tế đối với Trung Quốc, khắc phục cái được gọi là mối đe dọa Trung Quốc và làm cho thế giới chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã vượt xa mô hình ngoại giao truyền thống vốn tập trung vào giao thiệp giữa chính phủ với chính phủ. Chính phủ Trung Quốc cũng cần phải bắt đầu chính sách ngoại giao công chúng để gắn kết với xã hội dân sự hải ngoại.

Thừa nhận điều này, phát biểu tại Hội nghị Đặc phái viên ngoại giao của Trung Quốc ở ngoài nước lần thứ 10 được triệu tập tại Bắc Kinh ngày 30/08/2004 để xác định chiến lược ngoại giao giữa nhiệm kỳ của quốc gia, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh rằng:

Nhiệm vụ chủ yếu và mục tiêu cơ bản trong công tác ngoại giao của Trung Quốc hiện tại và trong những năm tới là duy trì thời kỳ phát triển quan trọng đặc trưng bởi các cơ hội chiến lược và nỗ lực vì một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định, một môi trường láng giềng thân thiện, một môi trường hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, và một môi trường quảng bá thân thiện và khách quan để xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện (Nhân dân Nhật báo 2004).

Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu rằng “một môi trường quảng bá thân thiện và khách quan” là mục tiêu chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Khẳng định này đem đến cho các nhà ngoại giao Trung Quốc một nền tảng để hiểu ngoại giao công chúng ở cấp độ chiến lược. Từ đó, mong muốn hình thành một môi trường đối ngoại thuận lợi đã trở thành nhiệm vụ chính cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Ngoại giao công chúng  của Trung Quốc không phải là không có lợi thế nào. Đầu tiên, sự phát triển kinh tế và chính trị nhanh chóng của Trung Quốc đã thu hút được sự quan tâm của thế giới. Ngày càng nhiều nước khuyến khích và chào đón Trung Quốc trở thành một thành viên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế; ngày càng nhiều người đến tham quan và sinh sống tại Trung Quốc, bao gồm cả các chuyên gia truyền thông nước ngoài. Học viện Khổng Tử báo cáo rằng số lượng người nước ngoài học tiếng Trung Quốc ngày càng tăng. Đồng thời, Trung Quốc cũng có nhiều nguồn đầu tư vào ngoại giao công chúng; ví dụ, ngân sách viện trợ nước ngoài của Trung Quốc trong năm 2006 đã tăng thêm 14% lên 1,1 tỉ USD.

Thứ hai, Trung Quốc có lợi thế dân số khổng lồ. Trung Quốc có thể gửi hàng ngàn giáo viên dạy tiếng Hoa đến hàng trăm Học viện Khổng Tử trên thế giới. Trung Quốc cũng có thể gửi hàng trăm cảnh sát cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã đóng góp quân đội cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc nhiều nhất. Chỉ tính ở Liberia đã có 600 cảnh sát Trung Quốc trong đội quân gìn giữ hòa bình của Liên Hiêp Quốc. Bên cạnh sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, cảnh sát Trung Quốc còn tình nguyện giúp đỡ người dân địa phương, chiếm được cảm tình của người dân Liberia (The Economist 2006).

Thứ ba, Trung Quốc có một chính phủ mạnh và nguồn lực chính trị, kinh tế và văn hóa dồi dào. Do coi trọng ngoại giao công chúng nên không sớm thì muộn Trung Quốc cũng sẽ thành công trong việc tổ chức ngoại giao công chúng. Cụ thể, Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Thành công trong Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Châu Phi vào tháng 11-2006 với sự tham gia của những người đứng đầu chính phủ hoặc đại điện của họ từ 48 trong số 53 nước Châu Phi cho thấy khi Trung Quốc đã sửa đổi chính sách ngoại giao từ cách tiếp cận hướng đến xuất khẩu/ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành cách tiếp cận tập trung vào nhập khẩu/ quyền lực mềm, thế giới sẽ dễ tiếp nhận hơn.

Trung Quốc dự định sẽ xem Thế vận hội Olympic 2008 lẫn Hội chợ triển lãm thế giới Expo Thượng Hải 2010 là cơ hội để triển khai chính sách ngoại giao công chúng và thúc đẩy Thương hiệu Trung Quốc. Như Đại sứ Expo Chu Hán Dân đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn “Ngoại giao công chúng là gì? Rất đơn giản. Có hai lý do để thu hút các quốc gia khác tham dự triển lãm. Một là để nhiều người biết về chúng ta hơn. Hai là để mọi người thích chúng ta” (Hang 2002).

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội và thuận lợi, chính sách ngoại giao công chúng của Trung Quốc cũng phải vượt qua những khó khăn và thách thức lớn.

…..

3. Quyền lực mềm và sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc

4. Thực tiễn và chiến lược ngoại giao công chúng Trung Quốc

Kết luận: Từ quyền lực mềm đến trỗi dậy mềm

Tài liệu tham khảo

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Ngoai giao cong chung & su troi day quyen luc mem TQ.pdf


[1] Alex Berkofsky của tờ Asia Times đã lưu ý, “Tuy nhiên, quyền lực mềm của Trung Quốc hầu như không có gì liên quan với khái niệm quyền lực mềm gốc mà TS Joseph Nye đưa ra vào năm 1990.” Xem Alex Berkofsky, “China: The Hard Facts on Soft Power,” Asia Times, May 25, 2007; xem thêm Alex Berkofsky, “The Hard Facts on ‘Soft Power’”, PacNet, no. 26, May 31, 2007.

[2] Xem http://book.qq.com/a/20061205/000034.htm (theo khảo sát, 90% người Trung Quốc chống lại việc không dùng rồng làm biểu tượng quốc gia nữa).