#68 – Sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc sau khủng hoảng tài chính

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Joseph S. Nye Jr (2010). “American and Chinese Power after the Financial Crisis”, The Washington Quarterly, Vol. 33, No. 4, pp. 143-153.>>PDF

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Ngân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Mỹ đã bị chỉ trích rất nhiều vì cuộc khủng hoảng tài chính gần đây. Khi nền kinh tế Mỹ đang chao đảo và Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong cuộc đại suy thoái 2008-2009, nhiều học giả Trung Quốc đã khởi xướng “làn sóng bình luận về sự suy tàn của nước Mỹ”.[1] Một chuyên gia cho rằng đỉnh cao sức mạnh Mỹ là vào năm 2000. Không chỉ có Trung Quốc nghĩ như vậy về Mỹ. Goldman Sachs đã dự đoán thời điểm nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ là vào năm 2027. Trong cuộc thăm dò năm 2009 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, đại đa số hay số đông 13/25 quốc gia tin rằng Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới.[2] Thậm chí trong năm 2002, Hội đồng Tình báo Quốc gia của Chính phủ Mỹ cũng dự đoán rằng tới năm 2025 thế thống trị của Mỹ sẽ bị suy yếu đáng kể.[3] Tổng thống Nga Dmitri Medvedev gọi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là dấu hiệu cho thấy thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đang đi đến hồi kết, và thậm chí một nhà quan sát đầy thiện cảm như lãnh đạo phe đối lập Canada là ngài Michael Ignatieff cũng cho rằng, tầm nhìn của Canada nên vượt ra ngoài Bắc Mỹ, Canada nên nhận ra rằng đã đến lúc hoàng hôn trên đất Mỹ và thế thống trị thế giới của Mỹ đã qua rồi.”[4]

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên thận trọng không nên suy đoán về những xu hướng dài hạn từ những sự kiện có tính chu kỳ, đồng thời nên nhận thức được hình ảnh ẩn dụ sai lầm về sự suy thoái hữu cơ. Các quốc gia không giống con người, có quãng đời có thể dự đoán được. Ví dụ, sau khi Vương quốc Anh để mất các thuộc địa ở Mỹ vào cuối thế kỷ 18, Horace Walpole tiếc nuối vì sự mất mát này khiến cho nước Anh “chỉ còn là một quốc gia chẳng mấy quan trọng như Đan Mạch hay Sardinia.”[5] Ông đã không thể lường trước được cuộc cách mạng công nghiệp có thể mang lại cho nước Anh một thế kỷ thứ hai đầy uy lực – thậm chí còn hùng mạnh hơn thế. Tương tự như vậy, Rome đã giữ vị thế thống trị trong suốt hơn ba thế kỷ kể từ sau thời kỳ cực thịnh của chính quyền La Mã. Nhưng Rome không bị diệt vong bởi sự trỗi dậy của nhà nước khác, mà bởi bị các man tộc xâu xé thành hàng ngàn mảnh. Thực tế, đối với những dự đoán rằng Brazil, Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ vượt mặt Mỹ trong những thập kỷ tới, mối đe dọa lớn hơn lại xuất phát từ những chia cắt do các man tộc hiện đại và các chủ thể phi nhà nước gây ra.

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo nên những hiệu ứng có tính lịch sử lên cái có thể gọi là “mô hình Phố Wall”. Sự vận hành kém hiệu quả của các thể chế tại Phố Wall và các nhà điều tiết ở Washington đã buộc New York phải trả giá đắt ở phương diện sức mạnh mềm hay nói cách khác đó là sự hấp dẫn trong mô hình kinh tế của nó. Đối với vấn đề thay đổi của các thể chế tài chính, năm ngân hàng đầu tư lớn nhất (Bear Stearns, Goldman Sachs, Lehman Brothers, Merrill Lynch, và Morgan Stanley) đã sụp đổ hoặc thay đổi về hình thức, và mớ tài chính hỗn độn những ngân hàng này đã tạo ra chính là nguyên nhân của sự suy thoái nghiêm trọng và những yêu cầu mới đối với việc điều tiết bằng chính trị. Điều trớ trêu là hai năm sau sự sụp đổ mà Châu Âu cáo buộc là do Mỹ gây ra, Washington đã có những bước tiến trong tái cơ cấu nhanh hơn Châu Âu, nơi cũng đang chìm đắm trong cuộc khủng hoảng do chính mình tạo ra – vì nợ công chứ không phải nợ tư nhân – và Mỹ đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, mặc dù vẫn còn chưa chắc chắn.”[6]

Vẫn còn quá sớm để đánh giá về những tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng tới sức mạnh của nước Mỹ, nhưng cuộc khủng hoảng không phải một đòn chí mạng nếu, trái ngược với Nhật Bản những năm 1990, Washington hành động nhanh chóng để hạn chế mất mát và thiệt hại. Diễn đàn Kinh tế Thế giới vẫn đánh giá nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh thứ hai trên thế giới (sau Thụy Sỹ) bởi tính năng động của thị trường lao động, nền giáo dục đại học, sự ổn định chính trị và sự cởi mở với sáng tạo, trong khi Trung Quốc chỉ xếp hạng thứ 29.[7] Trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ Nano và thế hệ World Wide Web thứ hai, Mỹ vẫn đứng hàng đầu. Tuy nhiên, trong khi một số người vẫn kỳ vọng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về sức mạnh quân sự trong vòng hai thập kỷ tới, nhiều người vẫn xem cuộc khủng hoảng là nhân tố gây biến đổi trong các quan hệ kinh tế và sức mạnh mềm. Do đó, việc quan trọng là cần phải tập trung vào những tác động của cuộc khủng hoảng để phân tích mối quan hệ quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ.

Sức mạnh mềm ở Trung Quốc của thế kỷ 21

Nhiều nhà quan sát cho rằng sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Châu Á và một số nước đang phát triển đang tăng dần, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, “sức mạnh mềm đã trở thành một từ khóa quan trọng…Trung Quốc có rất nhiều tiềm năng phát triển sức mạnh mềm.”[8] Ở nhiều khu vực trong thế giới các nước đang phát triển, cái gọi là “Đồng thuận Bắc Kinh” về chính quyền chuyên chế kết hợp với nền kinh tế thị trường thành công đã trở nên thịnh hành hơn cả “Đồng thuận Washington” từng áp đảo trước kia về kinh tế thị trường tự do kết hợp với chính quyền dân chủ. Nhưng cần nói thêm liệu người dân Venezuela và Zimbabwe có bị hấp dẫn bởi chính quyền Bắc Kinh hay họ chỉ ngưỡng mộ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong suốt ba thập kỷ qua, hay họ chỉ bị thuyết phục bởi triển vọng thâm nhập vào một thị trường lớn và đang phát triển? Hơn nữa ngay cả khi mô hình tăng trưởng độc tài của Bắc Kinh tạo ra sức mạnh mềm cho Trung Quốc tại các quốc gia như thế, điều này cũng không có tác dụng tại các quốc gia dân chủ. Nói cách khác, điều có vẻ là hấp dẫn với Caracas có thể bị khước từ ở Paris.[9]

Người Trung Quốc thật sự quan tâm tới khái niệm “sức mạnh mềm”. Từ đầu những năm 1990, hàng trăm tiểu luận và bài viết của giới học giả về chủ đề này đã được xuất bản ở Trung Quốc. Thuật ngữ này cũng đã có mặt trong ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc. Trong bài phát biểu quan trọng tại Đại hội lần thứ 17 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 15 tháng 10 năm 2007, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố rằng ĐCSTQ phải “củng cố văn hóa như là một phần của sức mạnh mềm của nước ta…một yếu tố ngày càng quan trọng trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh quốc gia tổng thể.”[10]

Trung Quốc có một nền văn hóa truyền thống rất lôi cuốn, nhưng giờ đây nó đang hòa nhập vào địa hạt của văn hóa đại chúng toàn cầu. Số lượng sinh viên nước ngoài tới Trung Quốc học tập tăng gấp ba lần trong thập kỷ vừa qua, và con số khách du lịch nước ngoài cũng tăng lên đáng kể. Trung Quốc đã xây dựng hàng trăm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới để giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa của mình, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc cũng tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng Anh lên tới 24 giờ/ngày.[11] Trong năm 2009-2010, Trung Quốc đã đầu tư 8,9 tỉ đô la vào “công việc quảng bá ra bên ngoài”, bao gồm kênh tin tức truyền hình cáp 24 giờ của Tân Hoa Xã mô phỏng theo kênh Al Jazeera.[12]

Trung Quốc cũng đã điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình. Một thập kỷ trước, Trung Quốc rất thận trọng với những thỏa thuận đa phương và thường bất đồng với các nước láng giềng. Sau đó, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đóng góp hơn 3.000 lính tới phục vụ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc đã trở nên hữu ích hơn với các hoạt động ngoại giao nhằm hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân (trong đó có việc tổ chức các vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên), giải quyết những tranh chấp về lãnh thổ với các nước láng giềng, và gia nhập nhiều tổ chức ở khu vực mà ví dụ gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Chính sách ngoại giao mới này đã giúp làm dịu bớt những lo ngại và giảm bớt khả năng các nước khác liên minh lại để cân bằng với một cường quốc đang lên.[13] Theo một nghiên cứu, “phong cách của Trung Quốc nhấn mạnh vào các mối quan hệ mang tính biểu tượng, các cử chỉ gây tiếng vang lớn, như việc viện trợ xây dựng tòa nhà Quốc hội Campuchia hay trụ sở Bộ Ngoại giao Mozambique.”[14]

Nhưng sức mạnh mềm của Trung Quốc vẫn còn có những hạn chế.

Năm 2006, Trung Quốc đã lợi dụng một chương trình kỷ niệm đánh dấu 600 năm cuộc thám hiểm hàng hải của Đô đốc Trịnh Hòa thời nhà Minh để vẽ nên một huyền thoại nhằm biện hộ cho sự bành trướng của hải quân nước này về phía Ấn Độ Dương. Nhưng điều này đã không mang lại cho họ sức mạnh mềm tại Ấn Độ, nơi mà những ngờ vực về tham vọng hải quân của Trung Quốc đã tạo ra bầu không khí nghi ky.[15] Tương tự, Trung Quốc nỗ lực gia tăng sức mạnh mềm bằng cách tổ chức thành công Thế vận hội tại Bắc Kinh năm 2008, nhưng những vụ đàn áp thẳng tay của họ đối với các sự kiện tại Tây Tạng, Tân Cương và các nhà hoạt động nhân quyền đã làm cho các thành quả sức mạnh mềm bị mất giá.

Năm 2009, Bắc Kinh tuyên bố các kế hoạch tiêu tốn hàng tỉ USD để phát triển những tập đoàn truyền thông khổng lồ mang tầm vóc toàn cầu để cạnh tranh với các hãng thông tấn như Bloomberg, Time Warner và Viacom, qua đó “sử dụng ‘sức mạnh mềm,’ chứ không phải sức mạnh quân sự để có thể thu phục bằng hữu bên ngoài.” Nhưng những nỗ lực của Trung Quốc gặp trở ngại bởi chính sự kiểm duyệt chính trị trong nước. Bất chấp những nỗ lực đưa Tân Hoa Xã và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cạnh tranh với CNN và BBC, “chương trình tuyên truyền gay gắt sẽ chẳng bao giờ có được khán giả quốc tế.”[16] Các bộ phim Bollywood của Ấn Độ còn có được lượng khán giả quốc tế lớn hơn rất nhiều so với phim Trung Quốc. “Gần đây, khi vị đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu được hỏi là tại sao phim của ông lại toàn là phim cổ trang, ông nói rằng các bộ phim về Trung Quốc đương đại đều có thể bị trung hòa đi trong quá trình kiểm duyệt.”[17]

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi một cuộc thăm dò ý kiến ở Châu Á vào năm 2008 cho thấy sức mạnh mềm của Trung Quốc vẫn còn kém xa so với Mỹ, và kết luận rằng chiến lược “Tấn công mê hoặc” của Trung Quốc thực sự không mang lại kết quả như mong đợi.[18] Điều này được khẳng định bởi cuộc thăm dò của BBC với 28 quốc gia năm 2010, kết quả cho thấy hình ảnh một Trung Quốc mang tính tích cực chỉ có ở Châu Phi và một vài vùng của Châu Á như Pakistan, trong khi hầu hết các nước ở Châu Mỹ, Châu Á và Châu Âu lại đánh giá hình ảnh nước này từ trung bình tới kém.[19]

Cho dù bị chỉ trích vì cuộc khủng hoảng tài chính, sức mạnh mềm của Mỹ vẫn lớn hơn nhiều so với của Trung Quốc – theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến của cả Hội đồng Chicago về Các vấn đề Toàn cầu và BBC. Các cường quốc ra sức vận dụng văn hóa và lịch sử của mình để tạo dựng sức mạnh mềm giúp tăng cường thế mạnh, nhưng phần lớn sức mạnh mềm được tạo nên từ xã hội dân sự chứ không phải từ chính phủ. Sức mạnh mềm của Mỹ dựa trên rất nhiều nguồn khác nhau, từ Hollywood đến Havard; từ Madona đến Gates Foundation; từ các bài diễn thuyết của Martin Luther King đến việc Barack Obama đắc cử tổng thống. Các chính quyền không dễ gì quảng bá được sức hấp dẫn của đất nước họ nếu như luận điệu của họ không nhất quán với các thực tế trong nước. Ở khía cạnh này, trừ thành công về mặt kinh tế thì Trung Quốc vẫn còn cả một chặng đường rất dài trước mắt.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và quyền lực

Một vài nhà phân tích tin tưởng rằng thành công ấn tượng của Trung Quốc khi vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và gia tăng dự trữ đô la đã làm tăng đáng kể sức mạnh của Trung Quốc so với Mỹ. Nhưng một phân tích kỹ lưỡng sẽ xem xét cẩn thận mối quan hệ giữa sự phụ thuộc lẫn nhau và quyền lực. Sự phụ thuộc lẫn nhau bao gồm sự nhạy cảm trong ngắn hạn và tính dễ bị tổn thương về dài hạn.[20] Sự nhạy cảm liên quan tới quy mô và tốc độ ảnh hưởng của sự phụ thuộc lẫn nhau; cụ thể là, khi một phần của hệ thống thay đổi thì sẽ dẫn tới thay đổi ở phần còn lại của hệ thống nhanh chóng đến mức nào? Ví dụ, năm 1998, khi các thị trường mới nổi ở Châu Á bị suy yếu đã có ảnh hưởng lan truyền, làm các thị trường mới nổi khác cũng bị ảnh hưởng, cho dù ở khoảng cách địa lý xa xôi như Brazil hay Nga. Tương tự, vào tháng 9 năm 2008, sự sụp đổ của Lehman Brothers ở New York cũng nhanh chóng tác động tới các thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, khả năng dễ bị tổn thương cao không giống với tính nhạy cảm cao. Tính dễ bị tổn thương liên quan tới những chi phí tương đối khi thay đổi cấu trúc của một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Tính dễ bị tổn thương tạo ra nhiều quyền lực hơn trong các mối quan hệ hơn so với sự nhạy cảm. Một quốc gia ít bị tổn thương hơn quốc gia khác không đồng nghĩa với việc quốc gia đó ít nhạy cảm hơn, mà là quốc gia đó sẽ chịu ít thiệt hại hơn khi tình hình thay đổi. Năm 1998, Mỹ đã nhạy cảm nhưng không dễ bị tổn thương bởi tình trạng kinh tế ở Đông Á. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Á đã khiến tốc độ tăng trưởng của Mỹ giảm 0,5%, nhưng với một nền kinh tế bùng nổ thì điều đó cũng không gây mấy khó khăn cho quốc gia này. Nhưng trái lại, Indonesia là một quốc gia vừa nhạy cảm, vừa dễ bị tổn thương với những thay đổi trong mẫu hình thương mại và đầu tư toàn cầu. Nền kinh tế của Indonesia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này dẫn tới những xung đột chính trị trong nước. Tính dễ bị tổn thương cũng có các mức độ khác nhau. Năm 2008, do tình trạng bong bóng của thị trường thế chấp dưới chuẩn và thâm hụt gia tăng, Mỹ đã tỏ ra dễ bị tổn thương hơn nhiều so với một thập kỷ trước khi nền kinh tế Mỹ đang ở thời kỳ hưng thịnh.

Tính đối xứng là khái niệm chỉ tình hình tương đối cân bằng, trái với sự chênh lệch, phụ thuộc. Việc ít bị phụ thuộc có thể là một nguồn tạo ra quyền lực. Nếu hai bên phụ thuộc lẫn nhau nhưng một bên ít phụ thuộc hơn thì bên đó sẽ có một nguồn quyền lực lớn hơn với điều kiện cả hai bên đều trân trọng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó. Thao túng một cách khéo léo tính bất đối xứng trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau là một khía cạnh quan trọng của quyền lực kinh tế. Một quan hệ đối xứng tuyệt đối là rất hiếm gặp; do đó, trong hầu hết các trường hợp, mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thường bao gồm một mối quan hệ về quyền lực tiềm ẩn.

Trong những năm 1980, khi Tổng thống Ronald Reagan cắt giảm thuế và tăng chi ngân sách, Mỹ đã trở nên phụ thuộc vào nguồn vốn nhập khẩu từ Nhật Bản để cân đối ngân sách chính phủ liên bang. Một vài người cho rằng điều này đã trao cho Nhật Bản một quyền lực to lớn đối với nước Mỹ. Nhưng ngược lại, Nhật cũng sẽ tự làm tổn hại đến chính mình nếu ngừng việc cho Mỹ vay vốn. Nền kinh tế của Nhật chỉ bằng hơn một nửa nền kinh tế Mỹ, và điều này có nghĩa là Nhật cần thị trường xuất khẩu của Mỹ hơn là Mỹ cần điều đó ở Nhật, mặc dù cả hai đều cần nhau và đều hưởng lợi từ mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đó.

….

Thận trọng với những định hướng chính sách do dự báo sai

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Suc manh My va TQ sau khung hoang tai chinh.pdf


[1] Xem Fu Mengzhi, trích từ Geoff Dyer, “The Dragon Stirs,” Financial Times, 25/09/2009.

[2] Trung tâm Nghiên cứu Pew, “13 of 25 – China Will Be World’s Top Superpower,” The DataBank, n.d., http://.pewresearch.org/databank/dailynumber/?NumberID=832.

[3] Xem Hội đồng Tình báo Quốc gia, “Global Trends 2025: A Transformed World,” tháng 12/2008, http://www.dni.gov/nic/PDF_2025/2025_Global_Trends_Final_Report.pdf.

[4] Dmitry Medvedev trích trong Andrew Kramer, “Moscow Says U.S. Leadership Era is Ending,” New York Times, 02/10/2008, http://www.nytimes.com/2008/10/03/world/europe/03russia.html và Michael Ignatieff trích trong “The Ignatieff Revival.” Economist, 25/04/2009, trang 42.

[5] Horace Walpole trích trong Barbara Tuchman, The March of Folly (New York: Random House, 1984), trang 221.

[6] Graham Bowley, “Its ‘America the Swift’s in Bank Reform,” New York Times, 25/06/2010, http://www.nytimes.com/2010/06/27/weekinreview/27bowley.html.

[7] Xem World Economic Forum, “The Global Competitiveness Report 2009-2010,” các trang 116, 292, 320, http://www.weforum.org/documents/GCR09/index.html

[8] “How to Improve China’s Soft Power?” People’s Daily, 11/03/2010, http://www.english.people.com.cn/90001/90785/6916487.html

[9] Ingrid d’Hooghe, “The Limits of China’s Soft Power in Europe: Beijing’s Public Diplomacy Puzzle,” Clingendael Diplomacy Papers, số 25/01/2010, http://www.clingendael.nl/publications/2010/20100100_cdsp_paper_dhooghe_china.pdf

[10] Joseph Nye và Wang Jisi, “The Rise of China’s Soft Power and Its Implications for the United States,” trong Richard Rosecrance và Gu Guoliang, Power and Restraint: A Shared Vision for the U.S.- China Relationship (New York: Public Affairs, 2009), các trang 28-30.

[11] Xem Joel Wuthnow, “The Concept of Soft Power in China’s Strategic Discourse,” Issue and Studies 44, 2 (06/2008): 2-24 và Mingjiang Li, ed., Soft Power: China’s Emerging Strategy in International Politics (Lanham, MD: Lexington Books, 2009).

[12] Xem David Shambaugh, “China Flexes Its Soft Power,” International Herald Tribune,, 07/06/2010, http://www.brookings.edu/opinions/2010/0607_china_shambaugh.aspx

[13] Xem Joshua Kurlantzick, Charm Offensive: How China’s Soft Power is Transforming the World (New Haven: Yale University Press, 2007).

[14] Xem Yee-Kuang Heng, “Mirror, Mirror on the Wall, Who is the Softest of Them All? Evaluating Japanese and Chinese Strategies in the Soft Power Competition Era,” International Relations of the Asia-Pacific 10 (2010): 298.

[15] Xem Toshi Yosshihara và James R. Holmes, “Chinese Soft Power in the Indian Ocean,” (paper, Toronto, 03/09/2009) (trình bày tại Hiệp hội Khoa học Chính trị Mỹ).

[16] David Barboza, “Trung Quốc Yearns to Form Its Own Media Empires,” New York Times, 04/10/2009, http://www.nytimes.com/2009/10/05/business/global/05yuan.html

[17] Geoff Dyer, “China’s Push for Soft Power Runs Up Against Hard Absolute,” Financial Times, 04/01/2010

[18]. Xem The Chicago Council on Global Affairs, “Soft Power in Asia: Results of a 2008 Multinational Survey of Public Opinion,” 2009, http://www.thechicagocouncil.org/UserFiles/File/POS_Topline%20Reports/Asia%20Soft%20Power%202008/Chicago%20Council%20Soft%20Power%20Report-%20Final%206-11-08.pdf

[19] “World Warming to US Under Obama, BBC Poll Suggest,” BBC News, 19/04/2010, http://www.news.bbc.co.uk/1/hi/word/8626041.stm

[20] Xem Robert O.Keohane và Joseph S. Nye, Jr., Power and Interdependence: World Politics in Transition (Boston, MA: Little Brown, 1977).