#63 – Đối phó với một Trung Quốc mâu thuẫn

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: David Shambaugh (2011). “Coping with a Conflicted China”, The Washington Quarterly, 34:1, pp. 7-27.>>PDF

Biên dịch: Hồ Lê Trung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Những năm 2009-2010 sẽ được ghi nhớ là những năm Trung Quốc trở nên khó đối phó vì Bắc Kinh ngày càng thể hiện những hành động cứng rắn và hung hăng với những quốc gia lân cận ở Châu Á cũng như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU). Thậm chí mối quan hệ của Trung Quốc với Châu Phi và Mỹ Latinh cũng phần nào căng thẳng hơn, khiến hình ảnh quốc tế của quốc gia này vốn đã xấu đi kể từ năm 2007 càng trở nên sa sút hơn nữa.[1] Hành động quấy nhiễu của Bắc Kinh đã khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi sự cứng rắn này sẽ kéo dài bao lâu. Sẽ là xu hướng tạm thời hay lâu dài? Nếu xu hướng này là dài hạn và là một sự thay đổi về chất để trở nên cứng rắn và ngạo mạn hơn thì các quốc gia khác sẽ phải phản ứng như thế nào?

Những gì thế giới đang chứng kiến ở vị thế mới của Trung Quốc lúc này là một phần kết quả của những tranh luận nội bộ căng thẳng, thể hiện thành sự đồng thuận hiện thời của những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc và bảo thủ nhằm thực hiện chính sách cứng rắn và thể hiện sức mạnh ra xung quanh. Mặc dù dường như đã có sự đồng thuận nội bộ ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn là một cường quốc đang trỗi dậy với những mâu thuẫn sâu sắc, mang trong mình một loạt các bản sắc quốc tế đối chọi nhau.

Nhiều tiếng nói và chủ thể mới đang trở thành một phần của quá trình hoạch định chính sách đối ngoại phức tạp chưa từng thấy.[2] Kết quả của việc này là chính sách ngoại giao Trung Quốc thường thể hiện những trọng tâm đa dạng nhưng trái ngược nhau. Hiểu được những bản sắc đối chọi nhau này sẽ rất quan trọng để dự đoán cách thức hành vi ngày càng mâu thuẫn và đa chiều của Bắc Kinh sẽ biểu hiện như thế nào trên sân khấu thế giới. Mỗi chiều hướng mang những hàm ý chính sách khác nhau đối với Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác.

Tranh luận mở trong một môi trường hạn chế

Chưa từng có quốc gia nào có những tranh luận trong nước đa dạng, sống động và sâu rộng về vai trò của một cường quốc đang lên như ở Trung Quốc trong thập niên vừa qua. Các nhóm chính thức, bán chính thức và phi chính thức đều tranh luận tích cực về những cơ hội, nguy hiểm, rủi ro và trách nhiệm của một cường quốc lớn.[3] Chắc chắn là vẫn còn một bộ phận quan điểm chính thức không cho rằng Trung Quốc là một cường quốc lớn, mà thay vì vậy họ cho rằng  nước này vẫn đang là một quốc gia (xã hội chủ nghĩa) đang phát triển. Một bộ phận ý kiến đáng kể khác không xem Trung Quốc như là một cường quốc toàn cầu mà giỏi lắm chỉ là một cường quốc khu vực. Mặc dù những bản sắc truyền thống này vẫn được thể hiện ở những phát biểu và tài liệu chính thức, phần lớn tranh luận trong nước gần đây thừa nhận rằng Trung Quốc là một cường quốc lớn của thế giới, hoặc ít ra là đang trở thành như thế. Kết quả là cuộc tranh luận trong những năm gần đây đã chuyển thành việc xác định Trung Quốc nên trở thành một dạng cường quốc như thế nào.

Nếu có thì cũng rất ít các cường quốc lớn hay các quốc gia đang muốn thành cường quốc khác có những tranh luận mang tính tự vấn như vậy. Thậm chí còn có rất nhiều những cuốn sách “làm thế nào” được xuất bản ở Trung Quốc viết về việc làm thế nào để trở thành một đại cường quốc.[4] Mặc dù những thảo luận như vậy chủ yếu diễn ra ở giới làm chính sách và học giả bán chính thức, chúng cũng mở rộng ra ngoài xã hội với loạt phim tài liệu 12 phần “Các cường quốc đang trỗi dậy” (Daquo Jueqi) ở kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã xem loạt phim này. Loạt phim đã được phát lại một vài lần với nội dung khắc họa những điều kiện dẫn tới sự ra đời của các cường quốc thời hiện đại khác (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Vương Quốc Anh, Đức, Nga, Liên Xô, Nhật Bản, và Hoa Kỳ), qua đó các kinh nghiệm lịch sử có thể giúp định hình bối cảnh và lý giải về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù loạt phim này tập trung chủ yếu vào những điều kiện dẫn đến sự nổi lên (hoặc sụp đổ) của các cường quốc, chủ đề của tập cuối là về làm sao để tránh được “bẫy bất đối xứng” từng lặp đi lặp lại trong lịch sử giữa cường quốc lớn đã được xác lập và cường quốc đang lên, trong đó cường quốc đang lên thách thức vị trí bá quyền của cường quốc đã được xác lập trên hệ thống quốc tế dẫn đến căng thẳng, cạnh tranh, va chạm và thậm chí chiến tranh.[5] Loạt phim của CCTV xuất hiện sau loạt bài giảng về chủ đề này do giới học giả trình bày trước Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc những năm 2005-2006. Do đó, trong những năm gần đây cả quần chúng và tầng lớp tinh hoa Trung Quốc đều bận tậm dự kiến những tình thế khó xử của một cường quốc đang trỗi dậy.

Mặc dù môi trường học thuật tương đối bị hạn chế bởi những quy định của bộ phận tuyên giáo, việc tranh luận về bản sắc quốc tế của Trung Quốc lại phát triển mạnh mẽ và đa dạng, cho phép quan sát được các nhận định của người Trung Quốc về những quốc gia, khu vực, vấn đề quốc tế khác và đặc biệt là vai trò đang lên của chính Trung Quốc như là một cường quốc quan trọng đang nổi lên trong các vấn đề thế giới. Quan trọng hơn cả, điều này hé lộ về các bản sắc khác nhau và đôi khi mâu thuẫn nhau đang tồn tại trong thế giới quan của Trung Quốc cũng như những quan điểm đối chọi nhau về vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc ngày nay không chỉ có một bản sắc quốc tế đơn thuần mà là một loạt những bản sắc mâu thuẫn nhau.

Hiểu được nội dung và dãy phổ trong cuộc tranh luận nội bộ này là mấu chốt để hiểu bản thân người Trung Quốc đang trăn trở về điều gì khi quốc gia của họ đang nhanh chóng vươn ra vũ đài thế giới. Rõ ràng là Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho vị thế quốc tế mới của mình, và tốc độ vươn lên của nó đã nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến. Đối với người Trung Quốc, họ đã khá sốc khi bất ngờ đối mặt với những câu hỏi và đòi hỏi hoàn toàn mới từ bên ngoài về vị thế, vai trò và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc. Vậy những chuyên gia Trung Quốc về các vấn đề quốc tế nhìn nhận về thế giới và vai trò của Trung Quốc đối với thế giới ngày nay như thế nào?

Dãy phổ trong tranh luận về bản sắc quốc tế của Trung Quốc

Những trường phái hoặc những “xu hướng” tư tưởng và phân tích khác nhau tồn tại rõ ràng trong những tranh luận của Trung Quốc.[6] Mặc dù khác biệt về mặt học thuật nhưng nếu xem những trường phái này mang tính loại trừ lẫn nhau thì rất sai lầm; đôi khi chúng tương phản nhau nhưng cũng đôi khi lại bổ sung lẫn nhau. Hơn nữa các học giả quan hệ quốc tế và quan chức ở Trung Quốc thường theo quan điểm chiết trung; mặc dù mạnh mẽ ủng hộ một trường phái tư tưởng này nhưng họ cũng thường đề cập đến những quan điểm gắn với những trường phái khác. Sự phức tạp về nhận thức đang phổ biến. Cũng có thể nhận thấy là các nhóm nhà tư tưởng này không tương quan với các thể chế. Mặc dù sẽ thật tiện lợi nếu có thể gọi thể chế này là “theo chủ nghĩa hiện thực” hay thể chế khác là “theo chủ nghĩa toàn cầu”, nhưng thật sự mọi chuyện không đơn giản đến thế. Các trường phái tư tưởng giao cắt với các thể chế khác nhau.

Do có các bản sắc quốc tế đối chọi nhau, chính sách ngoại giao Trung Quốc phản ánh cùng lúc nhiều nhân nhân tố. Điều này thể hiện trong chính sách chính thức daguo shi guanjian, zhoubian shi shouyao, fazhanzhong guojia shi jichu, duobian shi zhongyao wutai (các cường quốc mạnh là chủ chốt, các khu vực xung quanh là ưu tiên hàng đầu, các quốc gia đang phát triển là nền tảng, và các diễn đàn đa phương là các vũ đài trọng yếu). Mặc dù đây rõ ràng là các định hướng chính sách khác nhau, nhưng chúng không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau. Qua nghiên cứu và tương tác với cộng đồng quan hệ quốc tế Trung Quốc, có thể thấy rất rõ ràng bảy quan điểm khác biệt nhau. Dãy phổ kéo dài từ xu hướng cô lập ở cực bên trái tới tham gia đầy đủ vào các thể chế và quản trị toàn cầu nằm ở cực phải. Giữa hai cực này là những trường phái tư tưởng khác trải dài từ xu hướng hiện thực đến xu hướng tự do.

(Vui lòng download văn bản để xem sơ đồ)

Chủ nghĩa cục bộ

Ở một cực của dãy phổ là trường phái “Chủ nghĩa cục bộ” tập hợp những người theo chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc bài ngoại và chủ nghĩa Mác. Trường phái này không tin tưởng vào thế giới bên ngoài, tìm kiếm sự tự chủ quốc gia tối cao, không tin vào các thể chế quốc tế, và cho rằng Trung Quốc không nên tích cực trong quan hệ quốc tế. Trường phái này đặc trưng bằng việc phê phán mạnh mẽ phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhóm này mang định hướng chủ nghĩa Mác mạnh mẽ. Những người theo chủ nghĩa cục bộ tạo nên một liên minh lỏng lẻo rải rác ở nhiều tổ chức; và thực tế trường phái này có một lượng lớn những người ủng hộ hàng đầu là những chuyên gia độc lập. Nếu xét đến ngôi nhà thể chế chung của họ, nhiều người trong số này làm việc trong các viện nghiên cứu thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản liên quan đến nghiên cứu lịch sử và tư tưởng của Đảng Cộng sản, và một số làm ở Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS).

Những người theo chủ nghĩa cục bộ này là anh em song sinh với phe “tân tả” (xin zoupai) trong các cuộc tranh luận chính sách đối nội. Cả hai đều tin rằng chính sách “cải cách và mở cửa” của 30 năm nay đã phải trả giá bằng tính toàn vẹn xã hội chủ nghĩa, làm thoái hóa nền văn hóa với ảnh hưởng tiêu cực từ nước ngoài, làm xói mòn sự tự chủ và chủ quyền của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Họ tin rằng nếu Trung Quốc không mở cửa với thế giới thì sẽ không bị mất những yếu tố này. Họ lập luận rằng cải cách trong nước (gaige) rõ ràng đã dẫn đến sự khôi phục chủ nghĩa tư bản của Trung Quốc, và “diễn biến hòa bình” (heping yanbian) – chính sách mà các nước phương Tây đã áp dụng để cố gắng chuyển hóa Trung Quốc một cách hòa bình nhằm làm xói mòn quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã trở thành mối đe dọa trong nước chính yếu. Về mặt này, “các cuộc cách mạng màu” ở Ukraina và Trung Á làm dấy lên nhiều lo ngại trong nhóm này. Do đó họ ủng hộ chính sách ưu tiên chống lại diễn biến hòa bình và đóng cửa Trung Quốc.

Những ví dụ ban đầu của luồng tư tưởng này xuất hiện trong những năm 1990 với trường phái “Trung Quốc Có thể Nói Không” (Zhongguo Keyi Shuo Bu). Biểu hiện gần đây hơn là hiện tượng bùng phát của những cuốn sách phổ biến có thể được gọi là “văn học bất mãn”: Trung Quốc không Hạnh phúc (Zhongguo bu Gaoxing), Ai ở Trung Quốc không Hạnh phúc? (Sheizai Zhongguo bu Gaoxing?), và Tại sao Trung Quốc không Hạnh phúc? (Zhongguo Weishenma bu Gaoxing?).[7] Nhóm tác giả của các cuốn sau bao gồm một số người đã đóng góp vào cuốn Trung Quốc Có thể Nói Không.

Về các vấn đề quốc tế, những người theo Chủ nghĩa cục bộ tin rằng hệ thống quốc tế không hề công bằng và ưu đãi cho những đế quốc giàu có. Do đó họ lập luận rằng những quốc gia đang phát triển không thể xóa bỏ hoàn toàn đói nghèo chỉ nhờ lao động cần cù – mà cần phải có một sự thay đổi căn bản trong trật tự toàn cầu để tạo ra sự tái phân phối thu nhập và nguồn lực từ phía Bắc xuống phía Nam. Về khía cạnh này, họ cùng chia sẻ quan điểm với trường phái “hướng Nam” (xem phía dưới). Là những người trung thành theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, những người theo chủ nghĩa cục bộ cũng lập luận rằng “toàn cầu hóa” thật ra chỉ là một quá trình quốc tế hóa tư bản, tương tự như mô tả của Lê-nin về Chủ nghĩa đế quốc.[8]

Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010 đã làm cho dòng tư tưởng này mạnh mẽ hơn bởi nhiều người đã cho rằng “chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước” (guojia longduan zibenzhuyi) cuối cùng đã mang thế giới đến bờ vực tai họa, như Lê-nin đã dự đoán năm 1917. Fang Ning, Giám đốc Viện Khoa học Chính trị thuộc CASS cho rằng hiện tượng này thật ra đã xuất hiện từ Chiến tranh Iraq 2003 vốn đánh dấu sự xuất hiện của kỷ nguyên “chủ nghĩa đế quốc mới”. Với Fang và những người khác, cuộc chiến này báo hiệu kỷ nguyên “hòa bình và phát triển” của Đặng Tiểu Bình đã kết thúc.[9] Chính sách ngoại giao của chính quyền George W. Bush đã dẫn đến sự khôi phục của những nghiên cứu theo hướng chủ nghĩa Mác – hay chính xác hơn là chủ nghĩa Lê-nin mới – về quan hệ quốc tế và một số các bài báo và cuốn sách về “chủ nghĩa đế quốc mới”.[10] Mặc dù lặp lại khá nhiều những phân tích từ những năm 1980,[11] mảng học thuật mới này đã đi xa hơn rất nhiều trong việc đào sâu phân tích cả những phát triển mới trong “chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước” lẫn trật tự quốc tế. Những tác giả này cũng buộc tội chính sách của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ là quá mềm mỏng và nhận định mối quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Hoa Kỳ chỉ là ảo tưởng. Những người theo chủ nghĩa cục bộ mang theo những nhân tố chủ nghĩa dân tộc cao độ và chống Hoa Kỳ mạnh mẽ (mặc dù không thô thiển như trên mạng internet của Trung Quốc).

Chủ nghĩa hiện thực mang đặc sắc Trung Quốc

Những người theo Chủ nghĩa hiện thực của Trung Quốc là nhóm áp đảo trong cuộc tranh luận về quan hệ quốc tế và vai trò quốc tế của Trung Quốc hiện tại (nếu không phải mãi mãi). Chủ nghĩa hiện thực đã bén rễ sâu trong cách nhìn thế giới của giới học giả Trung Quốc trong nhiều thế kỷ qua,[12] thậm chí trong suốt cả giai đoạn xã hội chủ nghĩa của quốc gia này. Những người theo chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc xem quốc gia – dân tộc là đơn vị phân tích cốt lõi, ủng hộ nguyên tắc chủ quyền quốc gia đứng trên tất cả, và bác bỏ lập luận rằng các vấn đề xuyên quốc gia sẽ thâm nhập xuyên biên giới. Cũng giống như những người theo chủ nghĩa hiện thực ở các nơi khác, họ thường cho rằng môi trường quốc tế là vô chính phủ và không thể lường trước được, do đó cần đặt ưu tiên xây dựng một quốc gia mạnh mẽ có thể xác định được đường đi của riêng mình trên thế giới và chống lại những áp lực từ bên ngoài.

Những người theo chủ nghĩa hiện thực của Trung Quốc có thể được chia thành nhóm “tấn công” và nhóm “phòng thủ”, cũng như nhóm “cứng” hoặc nhóm “mềm”. Mỗi nhóm đều tin rằng quốc gia cần phải xây dựng nên sức mạnh cho mình, nhưng cái phân biệt họ với nhau là mục đích sử dụng sức mạnh của quốc gia. Những người hiện thực theo đuổi quyền lực cứng cho rằng cần tăng cường sức mạnh quốc gia tổng hợp (zonghe guoli) – đặc biệt là các khía cạnh quân sự và kinh tế – trong khi phía những người theo đuổi quyền lực mềm lại nhấn mạnh về sức mạnh ngoại giao và văn hóa. Những người theo chủ nghĩa hiện thực tấn công cho rằng Trung Quốc nên sử dụng ảnh hưởng mới xây dựng được về quân sự, kinh tế, và ngoại giao để ép buộc các nước khác khác hướng đến mục tiêu Trung Quốc mong muốn. Họ tin rằng quyền lực sẽ ít có ý nghĩa nếu không được sử dụng. Ví dụ, trong suy nghĩ của họ, Trung Quốc nên dùng ảnh hưởng từ việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ để buộc Washington ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan, hoặc trừng phạt những doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn vì bán vũ khí cho Đài Bắc. Họ muốn Trung Quốc thành lập một sự hiện diện quân sự rộng rãi hơn (đặc biệt là hải quân) ở Tây Thái Bình Dương để ép Hoa Kỳ ngừng những hoạt động gần bờ biển Trung Quốc. Những người hiện thực phòng thủ đồng ý rằng Trung Quốc nên sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội, nhưng chỉ cần “giữ tư thế sẵn sàng” và sử dụng khi cần thiết để răn đe các cuộc xâm lược cũng như sự độc lập của Đài Loan.

Thảo luận với những người hiện thực hé lộ một sự uất ức: họ muốn Trung Quốc sử dụng quyền lực mới có, nhưng cảm thấy bị hạn chế không được làm như vậy. Một người nói: “Vì vị thế Trung Quốc đang lớn lên ở nước ngoài, những khoản đầu tư và lợi ích ở nước ngoài đang lớn lên. Chúng ta cần nghĩ cách để bảo vệ công dân, các khoản đầu tư và lợi ích của chúng ta. Một phương pháp đó là hãy ứng xử như một đế quốc với các chính sách ngoại giao pháo hạm – nhưng với quá khứ của chúng ta, cách này không khả thi.”[13]

Cũng có những yếu tố mang tính trả thù trong suy nghĩ của họ. Những người theo chủ nghĩa hiện thực mang nặng sự bất mãn sâu sắc về giai đoạn dài yếu kém của Trung Quốc, và tin rằng giờ đây khi Trung Quốc đã trở nên hùng mạnh thì nước này nên trả thù những quốc gia đã đối xử không tốt với Trung Quốc trong quá khứ. Shen Dingli, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải và là chuyên gia an ninh hàng đầu giải thích rằng, “trong 10 đến 20 năm năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành nước xuất khẩu kỹ thuật cao chủ chốt – có thể áp dụng những phương thức hạn chế thương mại lên những nước trước đây đã áp dụng phương thức này lên chúng ta!”[14] Ở một dịp khác, Shen khẳng định rằng “Trung Quốc là một cường quốc lớn, chúng tôi có thể xử lý một chọi một bất kỳ quốc gia nào. Đừng quốc gia nào cố gắng lãnh đạo chúng tôi, đừng quốc gia nào dạy chúng tôi nên làm gì.”[15]

Những người hiện thực này có mặt ở trong quân đội và một số trường đại học và các viện nghiên cứu tư vấn chính sách (think tanks). Các tập san và sách của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đầy ắp những lập luận theo chủ nghĩa hiện thực cứng. Một số học giả dân sự, như Diêm Học Thông (Yan Xuetong) của Đại học Thanh Hoa và Zhang Ruizhuang của Đại học Nam Khai (cả hai đều là nghiên cứu sinh đươc hướng dẫn bởi nhà hiện thực hàng đầu của Hoa Kỳ Kenneth Waltz, Đại học California-Berkeley), đều thừa nhận mình trung thành với chủ nghĩa hiện thực. Diêm giữ lập trường hiếu chiến trong rất nhiều vấn đề. Đối với ông, “trỗi dậy hòa bình” là một lý thuyết nguy hiểm vì nó chuyển đến những đối thủ tiềm tàng (gồm cả Đài Loan) một thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích dân tộc. Trong quá khứ, Diêm đã cho rằng Trung Quốc nên chọn sử dụng vũ lực khi cần thiết và không cần do dự để chống lại những động thái của Đài Loan tiến đến độc lập về pháp lý.[16] Cuốn sách của Diêm năm 1997 Sự nổi dậy của Trung Quốc là một tuyên ngôn về việc xây dựng và sử dụng sức mạnh cứng và toàn diện của Trung Quốc.[17]

Đối với Zhang Ruizhang, quan điểm về “phát triển hòa bình” kết hợp cùng mới “thế giới đa cực” và “đối tác chiến lược Mỹ-Trung” thể hiện những ý tưởng sai lầm, đánh giá sai tình hình thế giới và có thể dẫn đến sai lầm trong chính sách của Trung Quốc. Zhang tranh luận cho một chính sách cương quyết hơn với Hoa Kỳ, nói rằng “Hoa Kỳ đã gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc rất lâu rồi. Trung Quốc cần phải bất mãn, không phải thỏa mãn, với tình trạng quan hệ Mỹ-Trung.  Mối quan hệ này không ở trong trạng thái tốt. Nếu Trung Quốc không phản đối Hoa Kỳ, nước Mỹ sẽ vi phạm lợi ích Trung Quốc và Trung Quốc sẽ trở thành con rối của Mỹ.”[18] Zhang cũng cho rằng đa cực là cách nhìn quá lạc quan về trật tự sau Chiến tranh Lạnh, cách nhìn này đánh giá thấp những thử thách to lớn mà Trung Quốc đang phải đối mặt từ sự bá quyền của Hoa Kỳ và làm suy yếu sự cảnh giác của Trung Quốc.[19]

Về những khía cạnh này thì những người theo chủ nghĩa hiện thực đang bi quan về môi trường bên ngoài của Trung Quốc, về quan hệ với Đài Loan, và về Hoa Kỳ. Trên hết, họ đang áp dụng một định nghĩa hẹp hòi và vị kỷ về lợi ích quốc gia Trung Hoa, chối bỏ những khái niệm và chính sách toàn cầu hóa, những thách thức liên quốc gia, và quản trị toàn cầu. Người ủng hộ chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc (giống như chủ nghĩa cục bộ) có xu hướng cho rằng những cố gắng tranh thủ của phương Tây để kéo Trung Quốc can dự sâu hơn vào quản lý và quản trị toàn cầu là một cái bẫy nguy hiểm nhằm trói buộc Trung Quốc, làm cạn kiệt tài nguyên, và kiềm hãm sự phát triển của nước này. Tuy nhiên Chủ nghĩa hiện thực không phải là một trường phái ủng hộ sự cô lập – nó chỉ ủng hộ một định nghĩa cứng rắn và bảo vệ các lợi ích quốc gia hạn hẹp của Trung Quốc.

Trường phái Cường quốc chủ chốt

Mốt nhóm khác có thể được xem như là trường phái “Cường quốc chủ chốt”. Những thành viên nhóm này ủng hộ việc Trung Quốc nên tập trung khả năng ngoại giao để quản lý mối quan hệ với những cường quốc và các khối chủ chốt trên thế giới – Hoa Kỳ, Nga và có thể là Liên minh Châu Âu – trong khi ít chú ý hơn đến các quốc gia đang phát triển hay chủ nghĩa đa phương: ‘‘Daguo shi shouyao’’ (các cường quốc chủ chốt có tầm quan trọng chủ yếu) là khẩu hiệu nền tảng của họ. Không ngạc nhiên khi những học giả ở nhóm này là những chuyên gia về Hoa Kỳ, Nga, và Liên minh Châu Âu. Thú vị là những nhà phân tích này lại không xác định Ấn Độ, Nhật Bản, hoặc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là những “cường quốc chủ chốt”, mặc dù những nước này chắc chắn xác định Trung Quốc như vậy.

Trường phái này lập luận rằng không có những liên kết mạnh mẽ và ổn định với các cường quốc chủ chốt sẽ nguy hại cho những lợi ích của Trung Quốc và sẽ làm phức tạp những mối quan hệ khu vực khác của Trung Quốc. Động lực hiện đại hóa của Trung Quốc là một lý do hiển nhiên cho sự định hướng đến các cường quốc chủ chốt – các cường quốc phương Tây (Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu) là những nguồn chủ yếu của công nghiệ tiên tiến cũng như tư bản và đầu tư. Nga là một trường hợp riêng biệt, nhưng cũng được xem như là nguồn cung cấp năng lượng và vũ khí quan trọng, một nơi để đầu tư và có tầm quan trọng đáng kể đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Những nhà phân tích nhóm này thường xác định mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ như là chìa khóa của mọi chìa khóa (zhongzhong zhi zhong), do đó cho rằng duy trì mối quan hệ hài hòa với Washington nên là ưu tiên hàng đầu của ngoại giao Trung Quốc. Hầu hết thành viên của trường phái này hiện nằm trong cộng đồng Nghiên cứu Hoa Kỳ của Trung Quốc, ví dụ như Vương Tập Tư (Wang Jisi) (Đại học Bắc Kinh), Jin Canrong (Đại học Nhân Dân), Wu Xinbo (Đại học Phúc Đán), and Cui Liru (Viện Trung Quốc về Quan hệ Quốc tế Đương đại). Nhóm này đã áp đảo trong suốt nhiệm kỳ Giang Trạch Dân làm Chủ tịch nước, khi mà Giang thực hiện chính sách “Hoa Kỳ trước hết”, nhưng lại không còn ảnh hưởng như vậy nữa dưới thời Hồ Cẩm Đào, người đã thực hiện một chính sách ngoại giao đa dạng hơn.

Tuy nhiên, một số người trong trường phái này tin rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc nên nhấn mạnh vào Nga. Pan Wei của Đại học Bắc Kinh xem Hoa Kỳ như là ngõ cụt của Trung Quốc và cho rằng mong đợi quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Hoa Kỳ là không thực tế và sẽ có nhiều bất lợi hơn là thuận lợi.[20] Pan và những người cùng suy nghĩ cho rằng chính sách ngoại giao Trung Quốc nên được điều chỉnh và hướng tới một mối quan hệ gần gũi hơn với Matxcơva. Những người này kêu gọi một chính sách cứng rắn hơn đối với Hoa Kỳ (do đó chia sẻ cùng quan điểm với những người theo chủ nghĩa cục bộ và chủ nghĩa hiện thực). Họ có sự quan ngại tương tự đối tư tưởng mà Đặng Tiểu Bình đưa ra và được lựa chọn trong 30 năm qua, đó là nhấn mạnh vào việc mở cửa với những cường quốc phát triển của phương Tây.[21]

Một nhóm trong trường phái này cho rằng cho đến vài năm trước, Trung Quốc nên nhấn mạnh ngoại giao với Liên minh Châu Âu vì EU là một trụ cột chính trong thế giới đa cực, nhưng những ý kiến này đã biến mất từ năm 2008 với sự rối loạn ở Brussels và sự bất lực trong chính sách ngoại giao và an ninh của Châu Âu. Những nhà phân tích Trung Quốc đều thất vọng và trở nên mất niềm tin, bác bỏ EU sau khi đã hy vọng một thời gian dài rằng EU có thể trở thành một “cường quốc đang lên mới” (xinxing daguo) trong các vấn đề của thế giới.

Mặc dù các học giả và chuyên gia tranh luận về sự khôn ngoan khi chọn định hướng cường quốc chủ chốt, họ chỉ ra rằng đa số những lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc và những người làm chính sách đều thực dụng về những nhu cầu và lợi ích quốc gia của Trung Quốc và do đó vẫn sẽ chọn định hướng cường quốc chủ chốt. Logic của họ là Trung Quốc có thể trả một cái giá rất đắt nếu mối quan hệ với bất kỳ cường quốc nào trong ba cường quốc đề cập ở trên bị tổn hại. Tuy nhiên, rõ ràng là đã có một sự tái định hướng tránh khỏi việc chỉ tập trung vào một mình Hoa Kỳ (như đã thực hiện suốt thời kỳ Giang Trạch Dân) và hướng đến một chính sách toàn cầu và cân bằng hơn dưới thời Hồ Cẩm Đào.

Trường phái Châu Á trước tiên

Trường phái hướng Nam 

Chủ nghĩa đa phương có lựa chọn

Chủ nghĩa toàn cầu

Hàm ý đối với chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ

Đáp trả Chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc bằng Chủ nghĩa hiện thực Hoa Kỳ?

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Doi pho voi mot TQ mau thuan.pdf


[1] Xem ‘‘Views of China’s Influence,’’ WorldPublicOpinion.org, January 2009, http://www.worldpublicopinion.org/pipa/images/feb09/BBCEvals/BBCEvals2.htm; và ‘‘GlobalViews of United States Improve While Other Countries Decline,’’ BBC News, April 18, 2010, http://news.bbc.co.uk/2/shared/bsp/hi/pdfs/160410bbcwspoll.pdf.

[2] Về khía cạnh này, xem Linda Jakobson and Dean Knox,‘‘New Foreign Policy Actors in China,’’ SIPRI Policy Paper, no. 26 (Stockholm: Stockholm International Peace Research Institute, 2010), http://books.sipri.org/files/PP/SIPRIPP26.pdf.

[3] Nếu tiếp muốn tiếp cận một đánh giá gần đây, xem Zhu Liqun, ‘‘China’s Foreign Policy Debates,’’Chaillot Papers (Paris: Institute for Security Studies European Union, September 2010); một đánh giá trước đây, xem Daniel Lynch, ‘‘Chinese Thinking on the Future of International Relations: Realism as the Ti, Rationalism as the Yong?,’’ The China Quarterly 197 (March 2009): pp. 87—107.

[4] Xem ví dụ Xue Yong, Zenmayang Zuo Da Guo? [How to be a Great Power] (Beijing: Zhongxin chubanshe, 2009); and Yu Defu,Daguo Faze [The Rules for Great Nations] (Beijing: Zhongguo Huaqiao chubanshe, 2009).

[5] Xem Robert Gilpin, War and Change in Global Politics (Cambridge: Cambridge University Press, 1983).

[6] Tốt hơn có thể xem nhóm này như “những xu hướng để phân tích” thay vì là những trường phái tư tưởng không thay đổi. Nghiên cứu đầu tiên về “xu hướng phân tích” là của H. Gordon Skilling và William Griffiths, Interest Groups in Soviet Politics (Princeton: Princeton University Press, 1973).

[7] Wang Xiaodong et al., Zhongguo bu Gaoxing [China is Unhappy] (Beijing: Jiangsurenmin chubanshe, 2009); and He Xiongfei, Zhongguo Weishenma bu Gaoxing?[ Why is China Unhappy?] (Beijing: Shijie zhishi chubanshe, 2009).

[8] Zhang Wenmu,‘‘Shijie lishi zhong de qiangguo zhilu yu Zhongguo de Xuanze’’ [The Road

of Great Powers in World History and China’s Choice], in Zhanlue yu Tansuo [Strategy and Exploration], ed. Guo Shuyong (Beijing: Shijie zhishi chubanshe, 2008), pp. 33, 54.

[9] Fang Ning,‘‘Xin diguozhuyi yu Zhongguo de zhanlue xuanze’’ [The New Imperialism and China’s Strategic Choice], in Zhanlue yanjianglu [Lectures on Strategy], ed. Guo Shuyong (Beijing: Peking University Press, 2006), pp. 132—133.

[10] Xem Wang Jinsong, Diguozhuyi Lishi de Zhongjie: Dangdai Diguozhuyi de Xingcheng he Fazhan Qushi [Imperialism is the Final Stage of History: Contemporary Imperialism’s Formation and Development Trends] (Beijing: Shehui kexue wenzhai chubanshe, 2008).

[11] Xem David Shambaugh, Beautiful Imperialist: China Perceives America, 1972—1990 (Princeton: Princeton University Press, 1990).

[12] Xem Alastair Iain Johnston, Cultural Realism: Strategic Culture and Grand Strategy in Chinese Culture (Princeton: Princeton University Press, 1998).

[13] Học giả ở Diễn đàn Cải cách Trung Quốc, trong buổi phỏng vấn với tác giả, Bắc Kinh, 20 Tháng Một, 2010.

[14] Shen Dingli, diễn thuyết tại New Zealand Institute of International Affairs, 28 Tháng Sáu 2010

[15] Shen Dingli, diễn thuyết tại Bàn tròn với các chuyên gia Chính sách ngoại giao Trung Quốc, Wellington, New Zealand, 29 Tháng Sáu 2010.

[16] Yan Xuetong,‘‘An Analysis of the Advantages and Disadvantages of Containing Legal Taiwan Independence by Force,’’ Strategy and Management 3 (2004): pp. 1—5.

[17] Yan Xuetong, Zhongguo Jueqi [China’s Rise] (Tianjin: Tianjin renmin chubanshe, 1997).

[18] Zhang Ruizhang, phát biểu tại hội nghị ở Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, 7 Tháng 5, 2010.

[19]Zhang Ruizhang, ‘‘Chonggu Zhongguo waijiao suochu zhi guoji huanjing-heping yufazhan bingfei dangdai shijie zhuti’’ [Reassessing the International Environment of China’s Foreign Affairs – Peace and Development are Not the Main Theme of Today’sWorld], Strategy and Management 1 (2001): pp. 20—30.

[20] Xem Pan Wei, ‘‘Yetan heping jueqi’’ [Again Discussing Peaceful Rise], http://www.360doc.com/content/07/0831/17/41440_708164.shtml; và Pan Wei,‘‘Diqiushang conglai mei fasheng guo‘heping jueqi’ zhezhongshi’’ [There Was Never Such a Thing as ‘Peaceful Rise’ in the World’s Past], http://www.360doc.com/content/09/1102/17/346405_828157.shtml.

[21] Xem Wang Yizhou, Zhongguo Waijiao Xin Gaodi [High Land over China’s Foreign Affairs] (Beijing: China Academy of Social Sciences Press, 2008), p. 7.