Vai trò của ngoại giao đa phương trong CSĐN của quốc gia tầm trung: Trường hợp của Indonesia

Print Friendly, PDF & Email

Indonesia

Tác giả:  Vũ Lê Thái Hoàng – Lê Linh Lan*

Tóm tắt: Với mục tiêu tìm hiểu về định nghĩa, tiêu chí phân loại và kiểu chính sách/hành vi đặc thù của nhóm các nước “tầm trung” trong quan hệ quốc tế, bài viết nghiên cứu mảng lý thuyết về các nước nhỏ/yếu (vốn được chú ý ít hơn mảng lý thuyết về các nước lớn) trong chủ nghĩa Tân Hiện thực và Thể chế Tân Tự do bởi đây là nền tảng khơi nguồn cho lý thuyết về các nước tầm trung. Qua đó, các tác giả nhận thấy chính sách ưu tiên ngoại giao đa phương và kiểu hành vi đối với các thể chế quốc tế, khu vực tạo nên một trong những đặc thù cơ bản nhất của các nước tầm trung nhằm khắc phục sự bất cân xứng về sức mạnh và giảm thiểu những rủi ro của chính sách cân bằng, phù thịnh hay trung lập trong quan hệ với các nước lớn. Bài viết cũng vận dụng khuôn khổ lý thuyết trên để hiểu rõ hơn về chính sách “cân bằng năng động” (dynamic equilibrium) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của quốc gia tầm trung In-đô-nê-xi-a dưới thời Tổng thống Xu-xi-lô Giút-đô-dô-nô, qua đó rút ra một số kinh nghiệm cho các quốc gia tầm trung ở khu vực trong một môi trường chiến lược đang có nhiều biến chuyển nhanh chóng, phức tạp.

Mở đầu

Đối tượng nghiên cứu truyền thống trong lĩnh vực quan hệ quốc tế là các nước lớn (ở cấp độ toàn cầu, khu vực) và ở một mức độ ít hơn là các nước nhỏ/nước yếu (trong mối quan hệ tương tác với các nước lớn). Thực tế số lượng quốc gia trên thế giới ngày càng nhiều;[1] sức mạnh, lợi ích và kiểu hành vi quá đa dạng nên việc phân loại thành hai nhóm nước lớn và nước nhỏ rõ ràng khó có thể giúp phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, chính xác bản chất của hệ thống quốc tế và mạng lưới quan hệ phức tạp giữa các quốc gia. Với nhận thức đó, các học giả, chính khách Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 đã đi tiên phong xây dựng nội hàm khái niệm “quốc gia tầm trung” (middle power), xác định tiêu chí phân loại cũng như khuyến nghị chính sách dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của hai quốc gia tầm trung này ở khu vực và trên thế giới. Về cả lý luận lẫn thực tiễn, cách tiếp cận này là một sự bổ sung cần thiết để làm sáng tỏ đặc trưng, ưu tiên chính sách, kiểu hành vi và tầm quan trọng ngày càng tăng của một nhóm quốc gia được xếp trên nhóm các nước nhỏ và dưới nhóm các nước lớn trong quan hệ quốc tế.

Lý luận về quốc gia tầm trung

Cơ sở lý thuyết “nước nhỏ/yếu” của khái niệm “quốc gia tầm trung”

Trong chuyên ngành nghiên cứu quan hệ quốc tế, khái niệm “quốc gia tầm trung” thực ra được phát triển từ cách giải thích về nước nhỏ/nước yếu[2] của hai trường phái lý thuyết nền tảng là chủ nghĩa Tân Hiện thực (Neorealism) và Thể chế Tân Tự do (Neoliberal Institutionalism). Robert Rothstein đưa ra định nghĩa trên cả hai phương diện vật chất và tâm lý/hành vi của quốc gia khi cho rằng nước nhỏ là nước tự thừa nhận rằng nếu chỉ dựa vào năng lực của bản thân mình thì không thể có an ninh, và nước nhỏ cần phải dựa vào sự hỗ trợ của các nước khác, của các thể chế, các tiến trình để đảm bảo an ninh; đồng thời nhận thức đó của các nhà lãnh đạo nước nhỏ cũng phải được các nước khác trong chính trị quốc tế thừa nhận.[3] Các nhà lý thuyết về nước nhỏ Robert Rothstein, David Vital và Annette Fox nhấn mạnh các nước nhỏ rất coi trọng sự độc lập, tự chủ về chiến lược và luôn tìm cách mở rộng không gian triển khai và lựa chọn chính sách.[4]

Theo định nghĩa trên, các nước nhỏ cơ bản có hai lựa chọn chính sách hay hai kiểu hành vi đặc thù nhằm tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài để đảm bảo an ninh cho chính mình: (i) hành vi trong các tình huống cân bằng quyền lực (ví dụ như phù thịnh hay nhất biên đảo (bandwagoning), chủ động tự cân bằng (balancing)); và (ii) hành vi đối với các thể chế quốc tế. Phương án lựa chọn chính sách thứ ba là trung lập (neutrality) theo kiểu trung lập tích cực hoặc biệt lập. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy chính sách trung lập tích cực là giải pháp tương đối hi hữu, phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn và pha trộn yếu tố “phù thịnh”; trong khi chính sách “biệt lập” ít được lựa chọn do không phù hợp với bối cảnh quan hệ quốc tế hiện đại.

Kiểu hành vi thứ nhất đã được tranh luận, phân tích sâu trong chủ nghĩa Tân Hiện thực, và thực tế cho thấy trong một hệ thống quốc tế mà nước lớn vẫn nắm quyền chi phối thì chỉ có nước lớn mới triển khai hiệu quả chính sách cân bằng (balancing), còn nước nhỏ hơn, yếu hơn buộc phải dựa vào các nước lớn (bandwagoning) để đảm bảo an ninh. Các học giả Tân Hiện thực nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan của các nước nhỏ hơn/yếu hơn là việc dựa vào một nước lớn để đảm bảo an ninh sẽ kéo theo chi phí, rủi ro cao, và dù có hành động cân bằng đơn lẻ hay hành động tập thể thông qua các thể chế đa phương thì các nước nhỏ/yếu đều không đủ khả năng để xử lý khủng hoảng và phải phụ thuộc vào nguồn lực, vai trò đầu tàu dẫn dắt của các nước lớn. Một số tổ chức/cơ chế quốc tế do chính các nước lớn thiết lập, chi phối, tập hợp lực lượng; các nước nhỏ/yếu chịu áp lực từ các nước lớn ít hơn và có không gian để triển khai chính sách rộng hơn, linh hoạt hơn trong những tổ chức/cơ chế lớn, có thành phần tham gia đa dạng (ví dụ như Liên Hợp Quốc), hoặc trong những tổ chức/cơ chế gồm toàn các nước nhỏ, do chính các nước nhỏ lập ra (ví dụ như ASEAN). Chịu ảnh hưởng của tư duy Tân Hiện thực, Ngoại trưởng Xinh-ga-po Shanmugam trong bài phát biểu tại Quốc hội về khủng hoảng U-crai-na cho rằng sự chênh lệch về sức mạnh giữa nước lớn và nước nhỏ vẫn rất quan trọng trong thế giới ngày nay; nước nhỏ luôn là “quân tốt thí” trên bàn cờ chiến lược của các nước lớn và ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan do một mặt dựa vào nước lớn để đảm bảo an ninh, bảo vệ chủ quyền sẽ gặp nhiều rủi ro (không có gì đảm bảo các thỏa thuận pháp lý về hỗ tương an ninh sẽ được thực thi trong tình huống khủng hoảng, các nước nhỏ thường bị các nước lớn chèn ép hoặc bị thỏa hiệp trên lưng), mặt khác sự ủng hộ các thể chế và luật pháp quốc tế cũng không thể đảm bảo an ninh chắc chắn cho các nước nhỏ vì các nước lớn đều theo đuổi lợi ích riêng, có khả năng chi phối mạnh các thể chế đa phương (Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là ví dụ điển hình), có quyền không tuân thủ các cam kết an ninh và diễn giải, áp dụng luật pháp quốc tế theo cách của mình, phục vụ cho lợi ích của mình. Tuy vậy, Shanmugam kết luận sự chọn lựa chính sách hợp lý nhất cho các nước nhỏ là kiên định độc lập, tự chủ, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại một cách linh hoạt, nhất quán ủng hộ thể chế đa phương và luật pháp quốc tế.[5] Đây là kiểu hành vi ngày càng phổ biến của các nước cả lớn lẫn nhỏ trong quan hệ quốc tế thời kỳ sau Chiến tranh lạnh và có thể được gọi là chính sách “giữ cân bằng linh hoạt” – không trung lập mà cũng không liên minh hẳn với nước lớn nào.

Về kiểu hành vi thứ hai, theo Rothstein, các nước nhỏ thường ưu tiên phương thức ngoại giao đa phương và ủng hộ các thể chế khu vực/quốc tế do ba đặc tính của nó là (i) tính bình đẳng chính thức (tương đối) giữa các nước thành viên, (ii) lợi ích về chính trị, an ninh mà tư cách thành viên có thể mang lại, và (iii) khả năng kiềm chế, can dự các nước lớn của các thể chế.[6] Quan niệm này dựa trên lập luận của chủ nghĩa Thể chế Tân Tự do về “sức mạnh thể chế tạo ra cho thành viên”, tức là thể chế quốc tế có sức mạnh độc lập (dù tương đối) với ý chí của các thành viên lập nên nó và hướng đến sự bình đẳng giữa các thành viên trong thể chế, qua đó giúp giảm bớt tính đẳng cấp, thứ bậc trong quan hệ quốc tế (mà chủ nghĩa Hiện thực coi là thuộc tính cố hữu).[7] Robert Keohane và Joseph Nye chia sẻ quan điểm này và cho rằng các tổ chức quốc tế thường là những thể chế thích hợp cho các nước yếu vì các quy chuẩn của nó nhấn mạnh sự bình đẳng về kinh tế, xã hội cũng như sự bình đẳng giữa các quốc gia; đồng thời, ngày càng có nhiều thể chế quốc tế để lựa chọn tham gia và chi phí cũng như rủi ro tham gia cũng không quá cao.[8] Một trong những lý do quan trọng để các quốc gia bất kể lớn nhỏ ưa thích hình thức ngoại giao đa phương và tham dự các hội nghị quốc tế (đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh) là chi phí thấp nhưng hiệu quả lớn của việc tổ chức các cuộc tiếp xúc song phương, họp nhóm bên lề hội nghị để bàn về các vấn đề cùng quan tâm. Theo Keohane, các nước nhỏ quan niệm rằng chức năng chính của thể chế quốc tế là thúc đẩy các chính sách, hành động có lợi cho an ninh vốn rất mong manh của chính họ, và tạo điều kiện giúp các nước nhỏ cùng phối hợp hành động để định hình nên các thái độ, quy tắc và chuẩn hành vi phù hợp của cộng đồng quốc tế.[9] Đặc biệt, thể chế quốc tế đề ra các chương trình nghị sự chung, tạo điều kiện cho việc hình thành các nhóm/liên minh và là diễn đàn thảo luận các sáng kiến chính trị và chiến lược kết nối của các nước nhỏ và yếu. Bên cạnh đó, các nước nhỏ có thể chọn diễn đàn/tổ chức quốc tế phù hợp để thúc đẩy thảo luận, tìm kiếm và huy động sự ủng hộ hay phiếu bầu quốc tế về một vấn đề cụ thể (mà họ có lợi ích).[10]

Nhận thức nói trên của các nước nhỏ về thể chế quốc tế dẫn đến sự lựa chọn chính sách xây dựng “tình trạng phụ thuộc lẫn nhau đa tầng nấc” (complex interdependence), trong đó các nước nhỏ tận dụng tối đa không gian hành động rộng lớn hơn được tạo nên bởi lợi ích về sức mạnh thể chế dành cho các thành viên. Với chính sách này, các nước nhỏ tham gia tích cực vào các thể chế quốc tế ở các tầng nấc, trong các lĩnh vực khác nhau, dùng cơ chế, luật lệ và tiêu chuẩn hành vi của các thể chế để tăng vị thế, khẳng định giá trị, bản sắc của mình trong quan hệ quốc tế, đồng thời đan xen lợi ích, ràng buộc hành vi, trách nhiệm của các nước lớn, và tăng các cơ chế xử lý mâu thuẫn với nước lớn khi có xung đột lợi ích. Như vậy, lựa chọn chính sách này là sự bổ sung quan trọng cho chính sách “cân bằng linh hoạt” nói trên của các nước nhỏ. Các nhà lý thuyết về nước nhỏ thiên về chủ nghĩa Thể chế Tân Tự do và các học giả nghiên cứu về quốc gia tầm trung tiếp tục kế thừa, phát triển mạch lập luận này.[11]

Thế nào là “quốc gia tầm trung”?

Là một khái niệm mang tính so sánh, về cơ bản có hai cách để phân loại, định nghĩa “quốc gia tầm trung”:

– Cách thứ nhất dựa trên các thước đo năng lực, sức mạnh quốc gia (sức mạnh cứng và sức mạnh mềm) như chỉ số tổng sản phẩm quốc gia (GNP)/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hay sức mạnh quốc gia toàn diện (CNP),[12] lợi thế cạnh tranh về kinh tế, sức mạnh quân sự, diện tích lãnh thổ, dân số và chất lượng dân số, tài nguyên thiên nhiên, sức hấp dẫn của văn hóa và mô hình chính trị, vị trí địa chính trị – địa kinh tế, uy tín/ảnh hưởng quốc tế (vị trí/ưu tiên trong chính sách đối ngoại của các nước khác, đặc biệt là các nước lớn)… Xu hướng hiện nay là các quốc gia (trong đó có cả các quốc gia tầm trung) quan tâm hơn đến việc phối kết hợp một cách hiệu quả nhất các sức mạnh, nguồn lực cứng và mềm sẵn có thông qua cách tiếp cận “toàn chính phủ” (whole-of-government)[13] để tạo nên một nguồn sức mạnh tổng hợp mới gọi là “sức mạnh thông minh” (smart power), qua đó giúp đạt được các mục tiêu chính sách một cách tối ưu.[14]

– Cách thứ hai dựa trên kiểu hành vi/chính sách đặc thù của quốc gia, đặc biệt là ưu tiên sử dụng phương thức ngoại giao đa phươngtrong chính sách đối ngoại thể hiện qua số lượng các tổ chức/cơ chế hợp tác quốc tế/khu vực tham gia, mức độ đóng góp tài chính vào các cơ chế đa phương, mức độ đóng góp vào các hoạt động ngoại giao đa phương như số lượng sáng kiến, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế, vai trò hòa giải/trung gian trong tranh chấp quốc tế, vai trò sáng lập các cơ chế đa phương, khả năng tranh thủ/lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước lớn… Như đã phân tích ở trên, kiểu hành vi/chính sách này chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Thể chế Tân Tự do, thể hiện tư duy “sức mạnh thông minh” với cách tiếp cận sáng tạo, linh hoạt nhằm khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết cố hữu, khó thay đổi của sức mạnh cứng, đồng thời phát huy những sức mạnh mềm, những lợi thế cạnh tranh riêng có của các nước nhỏ/yếu nhằm tạo thêm “thế” bổ sung cho “lực”, tạo thêm phương thức ngoại giao đa phương bổ sung cho ngoại giao song phương và các phương thức cân bằng quyền lực khác, qua đó có được sự độc lập, chủ động tương đối trong hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại, xác lập chỗ đứng ít bất lợi nhất trong một hệ thống quốc tế vẫn bị chi phối chủ yếu bởi các nước lớn.

Có thể thấy, cách thứ nhất chỉ thể hiện một quốc gia tầm trung có thể làm gì, chứ chưa nói lên được quốc gia đó sẽ làm gì bằng năng lực của mình (tức là ý chí muốn phát huy sức mạnh ra bên ngoài và kiểu hành vi đặc thù của quốc gia tầm trung). Trên thực tế cách thứ hai thường được sử dụng làm cơ sở chính cho các định nghĩa/phân loại, còn cách thứ nhất đóng vai trò bổ sung. Tuy nhiên, lý thuyết về quốc gia tầm trung nói riêng và chủ nghĩa Thể chế Tân tự do nói riêng đều được phát triển dựa trên những lập luận nền tảng của chủ nghĩa Tân Hiện thực (và Hiện thực cổ điển). Do đó, năng lực, sức mạnh của quốc gia tầm trung cần phải là điều kiện cần, còn chính sách, hành vi đặc thù của quốc gia tầm trung là điều kiện đủ để kết hợp tạo nên một thực thể được công nhận là “quốc gia tầm trung”. Trong nhiều trường hợp, các nước tầm trung (và cả các nước nhỏ) thông qua chính sách, hành vi đối ngoại của mình để tạo thêm “thế”, phát huy sức mạnh mềm nhằm giúp khắc phục hạn chế về “lực” (thường là cố hữu, khó có thể cải thiện được một sớm một chiều).[15]

Ngoài ra, còn có quan điểm cho rằng biên độ định nghĩa “quốc gia tầm trung” như trên là quá rộng và nên sử dụng phương pháp loại trừ, có nghĩa là dựa trên những định nghĩa, phân biệt đã được chấp nhận rộng rãi từ lâu về “nước lớn” và “nước nhỏ” trong quan hệ quốc tế (chủ yếu của chủ nghĩa Tân Hiện thực), có thể xác định quốc gia tầm trung là những quốc gia còn lại không đáp ứng hoàn toàn những tiêu chí của hai nhóm nước kia. Tuy nhiên, cách tiếp cận này còn gây nhiều tranh cãi.

Thuật ngữ “quốc gia tầm trung” được dùng để mô tả những quốc gia không có địa vị nước lớn (great power status) nhưng có ảnh hưởng quốc tế (international influence).[16] Theo Robert Keohane, quốc gia tầm trung là một nước mà theo quan điểm của giới lãnh đạo nước đó không thể hành động riêng lẻ một cách hiệu quả nhưng có thể phát huy ảnh hưởng trong một nhóm nhỏ các quốc gia hay thông qua một thể chế quốc tế.[17] Andrew Cooper cụ thể hóa hơn định nghĩa kiểu hành vi này, cho rằng các quốc gia tầm trung có xu hướng theo đuổi các giải pháp đa phương cho các vấn đề quốc tế, ủng hộ các lập trường mang tính thỏa hiệp trong tranh chấp quốc tế và ủng hộ quan niệm “công dân quốc tế mẫu mực” trong chính sách ngoại giao.[18] Robert Cox nhấn mạnh quốc gia tầm trung có lợi ích trong việc ủng hộ các tiến trình, tổ chức hợp tác quốc tế vì sẽ tạo nên một môi trường quốc tế trật tự và ổn định hơn là một trật tự thế giới do bất kỳ một quốc gia nào áp đặt lên toàn hệ thống quốc tế.[19] Như vậy, điểm chung của các định nghĩa trên là: quốc gia tầm trung xuất phát từ lợi ích quốc gia – dân tộc của mình luôn có ý thức về trách nhiệm quốc tế, có vai trò tích cực, chủ động trong các thể chế hợp tác quốc tế, ủng hộ các mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển quốc tế vì một trật tự thế giới ổn định hơn.[20]

Ngoài ra, một số quan điểm còn cho rằng các quốc gia tầm trung thường là những cường quốc khu vực (regional powers),[21] những cơ chế hợp tác khu vực được sử dụng làm “bàn đạp” để các quốc gia mạnh nhất trong một khu vực địa lý phát huy sức mạnh của mình ra bên ngoài.[22] Tuy nhiên, khác với khái niệm cường quốc khu vực, khái niệm quốc gia tầm trung không bị bó hẹp về địa lý kiểu tổ hợp an ninh (security complex) và được định nghĩa theo tiêu chí hành vi/chính sách hơn là thực lực hay vị trí địa chiến lược, địa kinh tế.

Theo cựu Ngoại trưởng Ô-xtrây-li-a Gareth Evans, do nguồn lực có hạn nên các nước tầm trung triển khai một mô hình ngoại giao mới (niche diplomacy) thực tế và hiệu quả với ba vai trò chính: (i) vai trò xúc tác (catalyst) thông qua các sáng kiến ngoại giao; (ii) vai trò điều phối, hỗ trợ (facilitator) thông qua xây dựng các chương trình nghị sự, xây dựng đồng thuận, xây dựng lòng tin; và (iii) vai trò quản lý (manager) thông qua hỗ trợ xây dựng thể chế đa phương.[23] Như vậy, theo quan điểm này, dựa trên quy mô sức mạnh/ảnh hưởng, lợi ích liên quan và lĩnh vực có lợi thế, trong khi các nước lớn có thể đóng vai trò lãnh đạo cấu trúc (structural leadership), các nước tầm trung có ưu thế đóng vai trò lãnh đạo về ý tưởng (intellectual leadership) thông qua khả năng tổ chức, xây dựng chương trình nghị sự cho các diễn đàn đa phương, đưa ra các sáng kiến ngoại giao để giải quyết các vấn đề quốc tế, xây dựng lòng tin hay xây dựng những cơ chế đa phương mới. Bên cạnh các khuôn khổ quan hệ song phương truyền thống, ngoại giao đa phương là kênh ngoại giao phù hợp nhất để các nước tầm trung phát huy ảnh hưởng, nâng cao vị thế ở tầm khu vực và quốc tế; là nơi các nước tầm trung có lợi thế tạo dựng được sự tin cậy của các bên tham gia (đặc biệt là các nước lớn vốn luôn nghi kỵ ý đồ của nhau), tập hợp sự ủng hộ cho nỗ lực làm trung gian, hòa giải trong các cuộc xung đột, tranh chấp và là nơi các nước tầm trung vừa cạnh tranh, vừa liên kết, phối hợp với nhau và với các nước khác để cùng đưa ra ý tưởng, dẫn dắt các nỗ lực quốc tế giải quyết các vấn đề chung, đặc biệt là các vấn đề an ninh phi truyền thống, các vấn đề nhân đạo.

Đặc thù chính sách/hành vi của các quốc gia tầm trung trên thế giới

Trong trật tự thế giới hai cực thời kỳ Chiến tranh lạnh, các nước tầm trung có ba sự lựa chọn chủ yếu để đảm bảo lợi ích: (i) Ngả về một cực thông qua một hình thức liên minh, liên kết (ví dụ như Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa); (ii) Tìm cách đứng trung lập, không dính líu vào xung đột giữa các nước lớn (ví dụ như Thụy Sỹ); và (iii) Tham gia vào cuộc chơi của các nước lớn nhưng không ngả hẳn về bên nào mà đóng vai trò trung gian, cầu nối, tranh thủ, lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước lớn để duy trì độc lập một cách tương đối (ví dụ như Ấn Độ và Thụy Điển). Đặc điểm nổi bật của các nước tầm trung trong thời kỳ Chiến tranh lạnh là xu hướng theo đuổi các giải pháp đa phương cho các vấn đề quốc tế và đứng ở vị trí trung gian trong các xung đột khu vực, thế giới. Vai trò của các nước này trong các vấn đề kinh tế, xã hội thường nổi bật hơn trong các vấn đề an ninh, chính trị.

Sau khi trật tự hai cực sụp đổ, Chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới đã trải qua “khoảnh khắc đơn cực” của Mỹ và đang trong thời kỳ quá độ sang trật tự đa cực, đa trung tâm. Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ, quyền lực của các nước lớn bị phát tán mạnh; tương quan so sánh lực lượng giữa các nhóm nước trong quan hệ quốc tế thay đổi nhanh với sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi, các nước tầm trung. Toàn cầu hóa cũng buộc các nước phải “tái định hướng” chính sách đối ngoại để giải quyết những thách thức mới mang tính toàn cầu. Nhận thức về thế giới, tư duy về đối ngoại và phương thức quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm đối đầu, tăng hợp tác – đối thoại, xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia không chỉ dựa trên “sức mạnh cứng” mà chú trọng hơn đến việc phát huy “sức mạnh mềm”, tăng cường hợp tác đa phương ở các tầng nấc khác nhau… Bên cạnh đó, các chủ thể liên quốc gia (inter-state actors) (bao gồm các tổ chức quốc tế liên chính phủ, các diễn đàn/cơ chế hợp tác tiểu vùng/khu vực/toàn cầu…) và phi quốc gia (non-state actors) (bao gồm mạng lưới các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn xuyên quốc gia…) phát triển mạnh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phối hợp nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề an ninh, phát triển của thế giới. Sự cân bằng quyền lực tương đối trong đó không có một nước lớn nào có khả năng chi phối hoàn toàn hệ thống quốc tế sẽ là môi trường chiến lược thuận lợi nhất đối với các nước tầm trung. Hay nói cách khác, việc hầu hết các nước, trong đó có các nước lớn, ủng hộ ngoại giao đa phương vì một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm đang mở ra những cơ hội lớn để các nước tầm trung có thể sử dụng lợi thế để phát huy vị thế của mình ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Cụ thể là:

Thứ nhất, thế và lực các nước tầm trung tăng lên giúp các nước này được các nước lớn, nhỏ coi trọng; với đa số là những nền kinh tế mới nổi, các nước tầm trung có nhiều nguồn lực và công cụ hơn để phát huy ảnh hưởng ra bên ngoài.

Thứ hai, trong nhiều vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, các nước lớn, các tổ chức quốc tế (như Liên Hợp Quốc) cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia tầm trung, về lực lượng tham chiến, hỗ trợ hậu cần, tái thiết và gìn giữ hòa bình, viện trợ nhân đạo…

Thứ ba, sự nổi lên của nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc, các vấn đề kinh tế – phát triển (hay còn gọi là an ninh phi truyền thống), và những nỗ lực giải quyết không thành công của các nước lớn đòi hỏi các nước tầm trung phải đóng vai trò tích cực, chủ động hơn trong việc đưa ra ý tưởng, sáng kiến về giải pháp, cơ chế…[24]

Thứ tư, bên cạnh kênh ngoại giao song phương truyền thống, ngoại giao đa phương và sự tham gia vào các thể chế/cơ chế hợp tác nhóm, tiểu khu vực/khu vực/toàn cầu để cùng nhau xây dựng đồng thuận, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực trong giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống đã trở thành ưu tiên chính sách quan trọng của tất cả các nước, kể cả các nước lớn. Các nước tầm trung thường được các nước lớn ủng hộ đóng vai trò “người cầm lái” trong các thể chế đa phương mới do các thể chế cũ của các nước lớn sáng lập hoạt động ngày càng kém hiệu quả và sự nghi kỵ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn (cũng như giữa các nước lớn và các nước nhỏ hơn) vẫn còn sâu sắc.[25] Đồng thời, kênh đa phương còn là nơi các quốc gia tầm trung tập hợp lực lượng để đấu tranh bảo vệ những lợi ích chung và chống lại sự áp đặt những quy định, luật chơi đã lỗi thời của trật tự quốc tế hiện tại.[26]

Trong môi trường quốc tế đang thay đổi đó, có thể rút ra một số nét đặc thù về chính sách/hành vi của các nước tầm trung (đặc biệt ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương) như sau:

– Đề cao định hướng “quốc tế hóa”, đa dạng hóa, đa phương hóa trong chính sách đối ngoại; chú trọng thúc đẩy ngoại giao đa phương, hài hòa hóa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích tập thể, chia sẻ những giá trị (values), nguyên tắc, chuẩn mực chung (norms);

– Cố gắng giữ vai trò lãnh đạo/đi đầu ở khu vực/tiểu khu vực (có thể thông qua các cơ chế hợp tác đa phương) hoặc trong một số vấn đề cụ thể mà nước đó có lợi ích và lợi thế;

– Giữ cân bằng (ở mức cao nhất có thể) trong quan hệ với các nước lớn và đóng góp vào duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các nước lớn;

– Đóng vai trò trung gian hòa giải (mediator) trong các tranh chấp, xung đột giữa các nước lớn và các nước nhỏ, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs);

– Thúc đẩy, mở rộng các khái niệm mới về an ninh như an ninh phi truyền thống, an ninh con người, an ninh hợp tác, an ninh toàn diện…; phát triển các nguyên tắc, sáng kiến an ninh đa phương; thúc đẩy thể chế hóa đối thoại, liên kết giữa giới hoạch định chính sách (kênh 1) và giới học giả (kênh 2); tăng cường khuyến khích, đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu của kênh 2 làm “nguồn cung ý tưởng” dồi dào cho kênh 1.

– Tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao đa phương (ở các cấp độ) thông qua việc đưa ra sáng kiến giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, sáng lập các cơ chế đa phương, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hoạt động hỗ trợ nhân đạo quốc tế…

Chính sách “cân bằng năng động” (dynamic equilibrium) của quốc gia tầm trung In-đô-nê-xi-a

Theo định nghĩa và tiêu chí phân loại (về sức mạnh và kiểu hành vi/chính sách đặc thù) nêu trên, In-đô-nê-xi-a tự định vị và được cộng đồng quốc tế thừa nhận là một quốc gia tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Xét về sức mạnh, In-đô-nê-xi-a là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới với hơn 17.500 hòn đảo lớn nhỏ nằm giữa lục địa châu Á và châu Đại dương, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương; có diện tích lớn thứ 15 (1,9 triệu km2) và dân số lớn thứ 4 (251 triệu người) trên thế giới. Kinh tế In-đô-nê-xi-a những năm gần đây tăng trưởng trên dưới 6%; tổng GDP năm 2013 đạt 934 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 16 của thế giới (theo sức mua danh nghĩa và thứ 15 theo sức mua tương đương) và là thành viên của nhóm G20.[27] Quân đội In-đô-nê-xi-a có quân số thường trực khoảng 300.000; ngân sách quốc phòng năm 2013 là 9,6 tỷ USD và đang triển khai dự án phát triển công nghiệp quốc phòng trị giá 17 tỷ USD trong 5 năm. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô (từ 2004), chính trị – xã hội In-đô-nê-xi-a tương đối ổn định và được phương Tây xem là nền dân chủ Hồi giáo lớn nhất thế giới. Sức mạnh của In-đô-nê-xi-a còn được thể hiện qua bề dày vị thế, uy tín đối ngoại khá cao ở tầm khu vực và toàn cầu xuyên suốt từ thập niên 50 của thế kỷ trước: là nước nêu ý tưởng đầu tiên và là một trong 5 nước sáng lập Phong trào Không liên kết với việc đăng cai Hội nghị Băng-đung lịch sử (hội nghị tiền thân của phong trào) năm 1955; là một nước sáng lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1967 và Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) năm 1969; có vai trò đi đầu, dẫn dắt các nỗ lực hợp tác của ASEAN như đưa ra sáng kiến Hội nghị Không chính thức Gia-các-ta (JIM) để giải quyết vấn đề Cam-pu-chia; chủ trì Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của ASEAN để cho ra đời Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) (hay còn gọi là Hiệp ước Ba-li) mang tính nền tảng, định hướng lâu dài cho hợp tác khu vực…

   Lịch sử ngoại giao In-đô-nê-xi-a cho thấy rõ đặc thù xuyên suốt về hành vi/chính sách của một quốc gia tầm trung, đó là ưu tiên cao mang tính chiến lược, dài hạn cho đẩy mạnh ngoại giao đa phương trên nền tảng tư tưởng độc lập, tự chủ và tự cường quốc gia, tự cường khu vực và đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Trong thời kỳ “Trật tự cũ” của Tổng thống Xu-các-nô, với tư tưởng đối ngoại “độc lập, tích cực” theo chủ nghĩa toàn cầu của Thủ tướng Mohammad Hatta, In-đô-nê-xi-a đã giương cao ngọn cờ trung lập và không liên kết để cùng các nước tập hợp lực lượng liên châu lục Á – Phi chống lại chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và sự áp đặt của trật tự hai cực thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong thời kỳ “Trật tự mới” của Tổng thống Xu-hác-tô, Ngoại trưởng Mochtar Kusumaatmadja có cách tiếp cận khiêm tốn, thực tế hơn khi đưa ra khái niệm chính sách đối ngoại kiểu “các vòng tròn đồng tâm” tập trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo đó các ưu tiên đối ngoại của In-đô-nê-xi-a được sắp xếp theo khoảng cách địa lý với vòng tròn trong cùng là ASEAN – hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại, vòng tròn tiếp theo là các nước láng giềng quan trọng ở Đông Á và vòng tròn ngoài cùng là các nước còn lại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (quan hệ với các đối tác khác chủ yếu dựa trên cơ sở lợi ích kinh tế).[28] Ngoại trưởng Ali Alatas – ngoại trưởng tại vị lâu nhất của In-đô-nê-xi-a từ 1988 đến 1998 – đã tiếp nối tư tưởng này và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác khu vực như sớm đưa ra tầm nhìn chiến lược về Cộng đồng ASEAN từ thập niên 1980 và đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng Hiến chương ASEAN. Trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của Tổng thống Abdurrahman Wahid (từ 1999-2001), Ngoại trưởng Alwi Shihab khơi gợi lại chủ nghĩa toàn cầu thời kỳ Trật tự cũ khi đưa ra khái niệm chính sách đối ngoại “thế giới đại đồng” (ecumenical) mang màu sắc Hồi giáo. Tuy nhiên, chính sách này nhanh chóng phá sản do tư duy không thực tế và cách thức triển khai không hiệu quả.[29]

Bước vào nhiệm kỳ 2 từ năm 2009, Tổng thống Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô xác định tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại của In-đô-nê-xi-a là “triệu người bạn, không kẻ thù”, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại trên nền tảng nguyên tắc “độc lập, tích cực”.[30] Tư tưởng chỉ đạo này thực chất là sự tiếp nối, kế thừa tư duy “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ thời Xu-các-nô về chủ nghĩa lý tưởng (Idealism) và chủ nghĩa toàn cầu (Globalism) mang tính truyền bá giá trị (tôn giáo) của quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, nền dân chủ lớn thứ ba thế giới (sau Ấn Độ và Mỹ),[31] và là nước sáng lập giữ vai trò “lãnh đạo” trong Phong trào Không liên kết và tổ chức ASEAN.

Trên nền tảng tư tưởng này, Ngoại trưởng Marty Natalegawa lần đầu tiên đã đưa ra khái niệm “cân bằng năng động” (dynamic equilibrium) trong Tuyên bố báo chí thường niên năm 2011[32] về định hướng chính sách đối ngoại của In-đô-nê-xi-a trong năm làm Chủ tịch ASEAN. Thực tế cho thấy khái niệm này thường bị hiểu lầm là một kiểu chính sách “cân bằng linh hoạt” theo tư duy của chủ nghĩa Hiện thực (đã phân tích ở trên). Theo Ngoại trưởng Marty, “cân bằng năng động” là trạng thái của một khu vực không có bá quyền, không có tình trạng đối đầu giữa các khối/liên minh mà là một mạng lưới quan hệ giữa các quốc gia được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và nguyên tắc an ninh chung, thịnh vượng chung bền vững cho toàn khu vực.[33] Đây là tầm nhìn của In-đô-nê-xi-a về một cấu trúc khu vực bền vững ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó quan hệ giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn, sẽ được đảm bảo mang tính hòa bình, ổn định và hợp tác thông qua mạng lưới các cơ chế hợp tác khu vực với vai trò “trung tâm” của Cộng đồng ASEAN và các cơ chế do ASEAN “cầm lái”.[34] Tầm nhìn này cho thấy In-đô-nê-xi-a tiếp tục coi ASEAN là hòn đá tảng và là điểm tựa cho tham vọng mở rộng ảnh hưởng ra phạm vi toàn cầu trong chính sách đối ngoại nói chung và chính sách ngoại giao đa phương nói riêng. Tư duy đó, một mặt, gợi nhớ lại chính sách “các vòng tròn đồng tâm” của Ngoại trưởng Mochtar dưới thời Tổng thống Xu-hác-tô nhưng mang những sắc thái mới; mặt khác, phản ánh rõ nét sự lựa chọn chính sách đặc thù của một quốc gia tầm trung.

Chính sách hay chính xác hơn là tầm nhìn chiến lược về sự “cân bằng năng động” và đề xuất chủ đề của ASEAN năm 2011 “Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu” là giải pháp của In-đô-nê-xi-a cho cuộc tranh luận nội bộ về sự lựa chọn chính sách đối với ASEAN và là sáng kiến giúp duy trì hòa bình, ổn định lâu dài trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đầy biến động. Đầu thời kỳ chính quyền Xu-xi-lô, trong bối cảnh cạnh tranh Trung – Mỹ có dấu hiệu gia tăng, liên kết khu vực ngày càng phát triển đa tầng nấc với vai trò nổi trội của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn dắt và nội bộ ASEAN nảy sinh một số vấn đề gây mất đoàn kết (ví dụ như tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Cam-pu-chia), ở In-đô-nê-xi-a đã diễn ra cuộc tranh luận giữa nhóm “ủng hộ ASEAN” (pro-ASEANists) và nhóm “hậu ASEAN” (post-ASEANists).[35] Tuy cùng nhất trí ASEAN (cũng như việc xây dựng Cộng đồng và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN) tiếp tục là ưu tiên đối ngoại hàng đầu và In-đô-nê-xi-a phải tiếp tục giữ vai trò “lãnh đạo” trong tổ chức khu vực này, song nhóm “hậu ASEAN” hoài nghi về giá trị và triển vọng thành công của ASEAN. Nhóm này cho rằng một chính sách đối ngoại quá coi trọng ASEAN sẽ là trở ngại đối với những tham vọng đối ngoại rộng lớn hơn của In-đô-nê-xi-a trên trường quốc tế khi thế và lực của quốc gia này ngày càng gia tăng; đồng thời những chia rẽ nội bộ kéo dài sẽ làm suy yếu ASEAN và tổn hại đến lợi ích quốc gia của In-đô-nê-xi-a. Do đó, họ đề xuất ASEAN không nên là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại của một quốc gia tầm trung như In-đô-nê-xi-a và nước này cần tăng cường phát huy vai trò, ảnh hưởng vượt ra ngoài khuôn khổ ASEAN trên phạm vi toàn cầu theo mô hình “vòng tròn đồng tâm” của Ngoại trưởng Mochtar.

Nhóm “ủng hộ ASEAN” cho rằng ASEAN vẫn luôn là ưu tiên xuyên suốt trong chính sách đối ngoại và gắn liền với nhiều thành tựu đối ngoại quan trọng của In-đô-nê-xi-a kể từ cột mốc Hiệp ước Ba-li năm 1976 (khi nước này chính thức tuyên bố ASEAN là “hòn đá tảng” trong chính sách đối ngoại) cho đến nay. Định hướng đối ngoại dưới chính quyền Xu-xi-lô cho thấy chính sách cân bằng lực lượng của riêng lẻ các nước hay các liên minh không đủ hiệu quả, thậm chí không khả thi, để ngăn ngừa nguy cơ xung đột hay thỏa hiệp giữa các nước lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ. Thực tế cho thấy không chỉ riêng In-đô-nê-xi-a mà hầu như tất cả các nước trong khu vực đều không muốn hai kịch bản trên xảy ra vì cả hai kịch bản đều không giúp duy trì hòa bình, thịnh vượng bền vững ở khu vực, đồng thời cản trở nỗ lực phát huy vai trò của các quốc gia tầm trung và ASEAN.[36] Như vậy, một môi trường chiến lược khu vực không có đối đầu, xung đột hay thỏa hiệp chia sẻ ảnh hưởng giữa các nước lớn (như giai đoạn hiện nay) là điều kiện thuận lợi nhất và là cơ hội lý tưởng mà các nước nhỏ, các nước tầm trung cần nhạy bén nắm bắt để phát huy vai trò “sở trường” của mình nhằm tạo dựng chỗ đứng tốt nhất trong bàn cờ chiến lược quốc tế thời gian tới. Hướng tới mục tiêu lâu dài là đảm bảo hòa bình, thịnh vượng chung bền vững cho khu vực, In-đô-nê-xi-a với tư cách là một quốc gia tầm trung đang nỗ lực hợp tác nâng cao vai trò của nhóm các quốc gia tầm trung và đang nổi thông qua khuyến khích sự can dự, tham gia của các nước lớn vào các thể chế đa phương khu vực do chính nhóm tầm trung “cầm lái” (với vai trò “đầu tàu” của In-đô-nê-xi-a), qua đó duy trì một tình trạng cân bằng tương đối mà trong đó không có nước lớn nào chiếm ưu thế áp đảo, chi phối và cũng không nước nào bị ngăn cản tham gia. Đây chính là tinh thần cốt lõi của ý tưởng “cân bằng năng động” của Ngoại trưởng Marty nhằm thiết lập và duy trì một hệ thống khu vực giúp xây dựng lòng tin và quy tắc ứng xử giữa tất cả các nước tham gia.[37] Trong bối cảnh sự nghi kỵ giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là giữa các nước lớn, còn sâu sắc và tương quan lực lượng chưa cho phép bất kỳ nước lớn nào áp đặt trật tự, luật chơi theo ý muốn, các nước nhỏ và tầm trung như ASEAN có lợi thế lớn để giữ vai trò “trung gian thực tâm” (honest broker) vì ít bị các nước lớn nghi ngờ về động cơ cũng như khả năng tạo thách thức chiến lược. (Thất bại của các sáng kiến như Cộng đồng Đông Á (EAC) của Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Hatoyama và Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương (APC) của Ô-xtrây-li-a dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd là những minh chứng cụ thể).

Với chính sách này, In-đô-nê-xi-a cùng các nước ASEAN trong những năm qua đã nỗ lực duy trì, nâng cao vai trò trung tâm của tổ chức ASEAN và Cộng đồng ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Vai trò trung tâm của ASEAN (ASEAN centrality) được hiểu là việc nâng cao vai trò của ASEAN dựa trên các cơ chế, tiến trình sẵn có, đặc biệt là các cơ chế do ASEAN khởi xướng như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), trong cấu trúc khu vực mới đa tầng nấc, đa tiến trình, đa lĩnh vực; tổ chức họp giữa ASEAN với các đối tác đối thoại gắn liền với các cuộc họp của ASEAN; chương trình nghị sự do ASEAN chủ động đề ra trên cơ sở tham vấn, phối hợp và đồng thuận; chia sẻ và nhân rộng các nguyên tắc, chuẩn mực chung đề ra trong các văn kiện pháp lý và Hiến chương của ASEAN ra khu vực Đông Á. Theo Ngoại trưởng Marty, quá trình thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong môi trường chiến lược hiện nay của khu vực là không dễ dàng, và ASEAN cần phát huy vai trò này thông qua sự tiên phong, dẫn dắt về ý tưởng (intellectual leadership) và khả năng can dự, kết nối, trung gian thực tâm và tạo dựng cân bằng (equilibrium maker).[38] Có thể thấy, chính quyền Xu-xi-lô coi mối liên hệ giữa “cân bằng năng động” và vai trò trung tâm của ASEAN là bổ sung lẫn nhau với ASEAN là điểm tựa hay đòn bẩy chính để In-đô-nê-xi-a mạnh dạn, tích cực hơn trong việc phát huy vai trò ngoại giao đa phương trên bình diện quốc tế rộng lớn hơn; đồng thời, In-đô-nê-xi-a cũng chủ trương định vị một ASEAN vừa giữ được vai trò “trung tâm” ở khu vực, vừa hướng ngoại hơn với vị thế cao hơn trên phạm vi toàn cầu.[39] Quan điểm này lý giải vì sao In-đô-nê-xi-a chọn chủ đề của ASEAN năm 2011 là “Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu”.

Thực tế triển khai chính sách “cân bằng năng động” của In-đô-nê-xi-a minh họa khá rõ nét cho kiểu hành vi đặc thù (như đã khái quát ở trên) của một quốc gia tầm trung ở khu vực. Trước hết, với tư tưởng đối ngoại độc lập, tự chủ và chính sách “triệu người bạn, không kẻ thù”, In-đô-nê-xi-a đã mở rộng thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước trong và ngoài khu vực (lập Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc tháng 10/2013; Đối tác toàn diện với Mỹ tháng 11/2010; Đối tác chiến lược với Nhật Bản tháng 11/2006; Đối tác chiến lược với Việt Nam tháng 6/2013).

Thứ hai, trên nền tảng mạng lưới quan hệ song phương ổn định đó, In-đô-nê-xi-a rất chú trọng thúc đẩy ngoại giao đa phương theo mô hình “vòng tròn đồng tâm” với ASEAN là tâm điểm. Có thể nói In-đô-nê-xi-a dù có lúc thăng lúc trầm nhưng luôn được các nước trong ASEAN coi là một trong những nước đầu tàu, có nhiều uy tín và ảnh hưởng chèo lái tổ chức khu vực tiếp tục phát triển. In-đô-nê-xi-a tích cực triển khai nhiều sáng kiến, hoạt động chuẩn bị cho xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 và tầm nhìn sau 2015. Năm 2011, In-đô-nê-xi-a đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch của ASEAN với một số dấu ấn như tổ chức Cấp cao Đông Á có sự tham gia của Mỹ và Nga (quyết định của ASEAN được đưa ra năm 2010 tại Hà Nội) và quyết định triển khai sáng kiến Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) (theo sáng kiến của Nhật Bản); tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất (ADMM+) (theo sáng kiến của Nhật Bản).

Thứ ba, In-đô-nê-xi-a ủng hộ mạnh mẽ việc chia sẻ và nhân rộng những giá trị (values), nguyên tắc (principles), quy chuẩn (norms) và luật lệ (rules) chung ở khu vực và trên thế giới, từ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế (trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS) ), đến 10 nguyên tắc Băng-đung của Phong trào Không liên kết, các nguyên tắc, giá trị nền tảng của ASEAN như Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Phi Vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ), các chuẩn mực, quy tắc ứng xử khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy nỗ lực hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… Đáng chú ý, UNCLOS có tầm quan trọng đặc biệt đối với an ninh và phát triển của In-đô-nê-xi-a – quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới và là một trong những nước khởi xướng xây dựng UNCLOS. In-đô-nê-xi-a cũng tích cực thúc đẩy các giá trị dân chủ mang “thương hiệu In-đô-nê-xi-a” như Diễn đàn Dân chủ Ba-li, đồng thời tham gia vào các nỗ lực trung gian, hòa giải các điểm nóng, căng thẳng ở Mi-an-ma, Bán đảo Triều Tiên, Xi-ri, Pa-lét-xtin, quan hệ I-ran và phương Tây…

Thứ tư, trong hơn hai thập kỷ qua, In-đô-nê-xi-a đã tự định vị là bên đóng vai trò trung gian hòa giải trong các tranh chấp trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin. Tháng 7/2012, sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 45 lần đầu tiên không ra được Thông cáo chung, Ngoại trưởng Marty đã ngay lập tức có chuyến công du một loạt các nước ASEAN để vận động ủng hộ sáng kiến ASEAN ra Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông. Hành động kịp thời này được dư luận quốc tế đánh giá cao về trách nhiệm, vai trò quan trọng của In-đô-nê-xi-a đối với vị thế, uy tín của tổ chức ASEAN cũng như khả năng của In-đô-nê-xi-a làm cầu nối trung gian hòa giải, dàn xếp bất đồng giữa các nước trong khu vực. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 vừa qua tại Mi-an-ma, Tổng thống Xu-xi-lô Bam-bang Dút-đô-dô-nô đã đề nghị được tạo điều kiện giúp Việt Nam liên lạc với Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp cho bất đồng trên biển xung quan vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.[40] In-đô-nê-xi-a cũng là nước đưa ra sáng kiến và chủ trì Tiến trình hội thảo thường niên có uy tín quốc tế cao về quản lý, khống chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông từ 1990 đến nay. Tuy nhiên, In-đô-nê-xi-a ngày càng lo ngại việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự (nhất là hải quân) và có các hành động quyết liệt, leo thang căng thẳng để áp đặt yêu sách chủ quyền, hiện thực hóa “đường lưỡi bò” và khẳng định quyền lợi trên Biển Hoa Đông và Biển Đông (đặc biệt sau vụ tranh chấp khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham giữa Philippin và Trung Quốc tháng 4/2012, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông tháng 11/2013, và vụ HD-981 tháng 5/2014) sẽ tạo ra nguy cơ lớn đối với khu vực quần đảo Natuna và các vùng biển xung quanh In-đô-nê-xi-a cũng như thách thức nghiêm trọng giá trị của UNCLOS và DOC.[41] Ngày 8/7/2010, tuy không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông nhưng In-đô-nê-xi-a đã gửi Công hàm kết luận bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) trong Công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại các quy định của UNCLOS 1982. Giới phân tích cho rằng Công hàm 2010 và những bước triển khai gần đây của In-đô-nê-xi-a dưới tác động của các vụ việc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông cho thấy In-đô-nê-xi-a thực chất đã khẳng định nước này là một bên tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, qua đó chấm dứt sự “mơ hồ chiến lược” trong quan hệ hai nước.[42]

Thứ năm, In-đô-nê-xi-a luôn tham gia tích cực, năng động vào các hoạt động ngoại giao đa phương mở rộng ra ngoài khu vực, và có nhiều kinh nghiệm và năng lực tổ chức tốt nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế lớn, qua đó tận dụng cơ hội quảng bá các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới như Đảo Ba-li. In-đô-nê-xi-a chủ trương ủng hộ cải tổ và dân chủ hóa Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tích cực tham gia các hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (bắt đầu từ năm 1961 với sứ mệnh ở Cộng hòa Công-gô).[43] Nước này là thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng tại một loạt các diễn đàn quốc tế và toàn cầu khác như G20, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế các nước Hồi giáo (D8), OIC, APEC (đóng vai trò Chủ tịch năm 2013), ASEM, Diễn đàn Hợp tác Đông Á – Mỹ La-tinh (FEALAC), Diễn đàn Đối tác Chiến lược Á – Phi mới (NAASP), Hội nghị Hợp tác các nước Đông Á vì sự phát triển của Pa-lét-xtin (CEAPAD)…, cùng rất nhiều các diễn đàn về hợp tác kinh tế và an ninh phi truyền thống khác.

Kết luận

Câu chuyện thành công của định hướng chiến lược “cân bằng năng động” của In-đô-nê-xi-a là kinh nghiệm tham khảo tốt cho các quốc gia tầm trung ở khu vực trong một môi trường chiến lược đang có nhiều biến chuyển lớn. Thứ nhất, được nhìn nhận như là một quốc gia tầm trung không có nghĩa là quốc gia đó đương nhiên hành động như một quốc gia tầm trung; việc tự ý thức và định vị đúng vị trí của một quốc gia trong hệ thống quan hệ quốc tế sẽ góp phần tạo ra tầm nhìn, mục tiêu chiến lược phù hợp, tương xứng với tầm, thế và lực của quốc gia đó. Thứ hai, việc tập trung phát triển nội lực luôn là ưu tiên hàng đầu vì thực lực là nhân tố quyết định tác động đến sự độc lập, tự chủ trong chính sách, cũng như đến vị trí, vai trò tại các diễn đàn đa phương của một quốc gia tầm trung. Thứ ba, lựa chọn chính sách đối ngoại phù hợp cho các quốc gia tầm trung là đa phương hóa, đa dạng hóa, quan hệ cân bằng với các nước lớn; đồng thời dành ưu tiên cao, dài hạn cho hội nhập quốc tế sâu rộng và ngoại giao đa phương (lợi ích của ngoại giao đa phương mang lại thường mang tính gián tiếp, vô hình và dài hạn nhưng là cấu phần rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của các quốc gia vừa và nhỏ), chọn lọc và phân loại ưu tiên các “sân chơi chung” phù hợp với lợi ích và năng lực tham gia (trong đó chú trọng các cơ chế hợp tác của các nước vừa và nhỏ, các nước cận kề địa lý), có những điều chỉnh cần thiết (về cả đối ngoại và đối nội) để tuân thủ những “luật chơi chung”. Thứ tư, trong triển khai ngoại giao đa phương cần hài hòa với lợi ích song phương, kiên trì và nhất quán về nguyên tắc, ủng hộ mạnh mẽ luật pháp quốc tế và các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung, nhưng linh hoạt, khéo léo về sách lược, biện pháp. Thứ năm, để phát huy vai trò và “sở trường” của mình, các quốc gia tầm trung cần tích cực nghiên cứu, đóng góp sáng kiến, ý tưởng, nhất là trong các vấn đề phát triển, các vấn đề an ninh phi truyền thống vừa phù hợp với lợi ích quốc gia vừa đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Cuối cùng, các quốc gia tầm trung phải đầu tư xứng đáng cho nghiên cứu khoa học để tạo nguồn cung dồi dào về sáng kiến, ý tưởng, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa kênh 2 và kênh 1; đồng thời cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan kênh 1 trong đề xuất và đôn đốc, triển khai hiệu quả các sáng kiến, hoạt động hợp tác đa phương./.

* TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại; Ths. Lê Linh Lan, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao. Những quan điểm trong bài viết này là của cá nhân các tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của nơi các tác giả đang làm việc.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 97 (6/2014), trang 87-116.

———————-

[1] Số quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc tính đến nay là 193.

[2] Theo Robert Keohane, nước nhỏ/yếu thường có ba đặc tính: (i) cần sự hỗ trợ từ bên ngoài để đảm bảo an ninh; (ii) có tình trạng an ninh không vững chắc và rủi ro do sai lầm chính sách là rất lớn; (iii) lãnh đạo các nước nhỏ/yếu coi những bất lợi, yếu điểm của họ là cố hữu. Xem thêm Robert Keohane, “Lillitputians’ Dilemmas: Small states in International Politics,” International Organization, Vol.23 (Spring), 1969, trang 293.

[3] Robert Rothstein, “Alliances and Small powers, Columbia University Press, New York, 1968, trang 29.

[4] Shannon Tow, “Southeast Asia in the Sino-US strategic balance,” Contemporary Southeast Asia, Vol.26, No.3, 2004, trang 439.

[5] Xem thêm phát biểu ngày 5/3/2014 của Ngoại trưởng Shanmugam tại trang web của Bộ Ngoại giao Xinh-ga-po: www.mfa.gov.sg/content/mfa/media_centre/press_room/ pr/2014/201403/press_20140305.html. Trong cuộc phỏng vấn tại Luân Đôn (Anh) với Gideon Rachman của báo Financial Times, Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Hiển Long khi bình luận về tác động của cuộc khủng hoảng ở U-crai-na đã đúc kết: “Do chúng tôi là nước nhỏ nên chúng tôi dựa vào luật pháp, điều ước và thỏa thuận quốc tế, cũng như tính thiêng liêng của những văn kiện đó, và nếu những văn kiện đó bị xem thường hay phớt lờ thì lúc đó chúng tôi sẽ gặp rắc rối to”. Xem thêm Gideon Rachman, “Lunch with the FT: Lee Hsien Loong”, Financial Times, ngày 11/4/2014, truy cập tại www.ft.com.

[6] Robert Rothstein, Alliances and Small powers, Columbia University Press, New York, 1968, trang 29.

[7] Chủ nghĩa Thể chế Tân Tự do cho rằng tổ chức và thể chế quốc tế ngày càng có vai trò lớn trong đời sống chính trị quốc tế vì: (i) Tổ chức quốc tế đặt ra luật lệ (rules), quy định quy chuẩn hành vi (norms) có tính ràng buộc cao đối với tất cả các nước thành viên; (ii) Tổ chức quốc tế với các thủ tục (procedure), quá trình ra quyết định có sự tham dự của tất cả các thành viên cũng như có sự minh bạch (transparency) tương đối do luật lệ quy định đã tạo sức mạnh pháp lý dần thay thế ý chí của các nước lớn; (iii) Các nước đều muốn duy trì các tổ chức quốc tế, bởi vì chúng giúp giảm chi phí giao dịch (transaction costs), tăng cường thông tin về các thành viên, từ đó giúp nâng cao tính minh bạch (transparency) về chính sách và hành vi của các thành viên, làm trọng tài trong trường hợp có tranh chấp giữa các thành viên. Xem thêmRobert Keohane, After Hegemony, Princeton University Press, Princeton, 1984; Stephan Krasner, Structural Cause and Regime Consequences: Regimes as Intervening Variables, Cornell University Press, New York, 1983, pp. 1-21; Robert Payne, Democratizing Global Politics, Westview Press, Boulder, 2006; Heikki Patomaki, Problems of Democratizing Global Governance,Oxford University Press, New York, 2006.

[8] Robert Keohane và Joseph S. Nye, Jr., “Power and Interdependence in the Information Age,” Foreign Affairs, số tháng 9/10, 1998, trang 31.

[9] Robert Keohane, “Lillitputians’ Dilemmas: Small states in International Politics,” International Organization, Vol.23 (Spring), 1969, trang 296-297.

[10] Robert Keohane và Joseph S. Nye, Jr., “Power and Interdependence in the Information Age,” Foreign Affairs, số tháng 9/10, 1998, trang 35-37.

[11] Trong khi đó, nhìn chung, chủ nghĩa Tân Hiện thực hoài nghi về vai trò, giá trị của thể chế quốc tế và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề an ninh, điều tiết cân bằng quyền lực giữa các nước lớn và là chỗ dựa đảm bảo an ninh cho các nước nhỏ/yếu; thể chế quốc tế chỉ là sự lựa chọn chính sách bổ trợ cho chính sách cân bằng quyền lực của các nước. Xem thêm Amitav Acharya (1999), “Realism, Institutionalism, and the Asian Economic Crisis,” Contemporary Southeast Asia, Vol.21, No.1 (April), 1999, trang 1-29; Leszek Buszynski, “Realism, Institutionalism, and Philippine security,” Asian Survey, Vol.42, No.3, 2002, trang 483-501.

[12] Chỉ số do Trung Quốc đưa ra để đo sức mạnh tổng hợp một quốc gia, trong đó kết hợp các chỉ số về sức mạnh cứng (như quân sự) và sức mạnh mềm (như kinh tế, văn hóa).

[13]“Toàn chính phủ” ở đây được các nước gọi theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn “chính phủ hợp nhất” (joined-up government), “chính phủ kết nối” (connected government, networked government) hay thậm chí là “gắn kết chính sách” (policy coherence), “quản lý theo chiều ngang” (horizontal management)… Song dù tên gọi như thế nào, các cách tiếp cận đó vẫn có cùng một nội hàm, mà theo các chuyên gia của Ô-xtrây-li-a, chính là việc “các  cơ quan công quyền phối hợp chặt chẽ và thường xuyên nhằm đạt được mục tiêu chung. Phương cách phối hợp có thể là chính thức hoặc không chính thức và tập trung vào xây dựng chính sách, quản lý chương trình hay cung cấp dịch vụ”. Trong lĩnh vực đối ngoại, xuất phát từ thực tế là ranh giới giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại, giữa các vấn đề chính trị-ngoại giao với kinh tế và các vấn đề khác trở nên mờ nhạt, nên cách tiếp cận liên ngành, toàn chính phủ trong đối ngoại là cần thiết để bảo đảm sự điều phối và hợp tác hiệu quả giữa các ngành, các cấp. Xem thêm Báo cáo “Connecting Government: Whole of Government Responses to Australia’s Priority Challenges”, Australian Public Service Commission, 2004, trang 4.

[14] Từ năm 2004, Suzanne Nossel (lúc đó là Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc) đã dùng thuật ngữ này làm nhan đề cho một bài báo trên Tạp chí Foreign Affairs để chỉ trích chính sách đối ngoại Tân bảo thủ của Tổng thống Bush con. Tuy nhiên, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Nye mới là người đầu tiên xây dựng, phát triển nội hàm của thuật ngữ này trong mạch lập luận về “sức mạnh mềm” (soft power) gây tiếng vang lớn từ đầu thập niên 1990 đến nay. “Sức mạnh thông minh” thường được giải thích khá linh hoạt theo hai khía cạnh không được tách bạch rõ ràng, đó là (i) việc sử dụng, kết hợp sức mạnh một cách thông minh, khôn ngoan nhất, hoặc/và (ii) một dạng sức mạnh mới được tạo ra từ sự kết hợp hiệu quả giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của một quốc gia. Cách hiểu thứ nhất chủ yếu liên quan tới việc hoạch định chính sách nhằm khai thác tối đa sức mạnh vật chất (cứng) và phi vật chất (mềm) của một quốc gia để đạt mục tiêu chính sách ở mức tối đa với chi phí tối thiểu. Cách hiểu thứ hai cho rằng sức mạnh thông minh là dạng sức mạnh có được do kết hợp từ sức mạnh cứng và mềm. Bên cạnh đó, khái niệm “sức mạnh thông minh” còn thể hiện tinh thần thực tiễn khi thường được vận dụng trong bối cảnh không thuận lợi về thế và lực của quốc gia. Đây được coi là “phiên bản mới” của cách tiếp cận sức mạnh mềm dựa trên logic của chủ nghĩa Hiện thực. Sức mạnh mềm theo cách giải thích của Joseph Nye thực chất mang tinh thần của chủ nghĩa Tự do, vì vậy “sức mạnh thông minh” chính là sự pha trộn, kết hợp giữa hai trường phái Tự do và Hiện thực.

[15] Giữa hai khái niệm “thế” và “lực” có mối quan hệ biện chứng, hữu cơ và thậm chí “chồng lấn” trong cách tiếp cận của cả phương Tây và phương Đông. “Lực” là nền tảng của “thế”, nhưng trong lực cũng có một phần của “thế” và “thế” đến lượt nó cũng sẽ tác động nhất định đến “lực” tùy vào “chất lượng” hoạch định và triển khai chính sách của từng quốc gia. Sự khác biệt cơ bản giữa “thế” và “lực” chính là tính thời điểmtính bối cảnh mà một quốc gia hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của mình, từ đó dẫn đến mối quan hệ mang tính chuyển hóa giữa “thế” và “lực” theo 4 tình huống: (i) thế và lực đều mạnh; (ii) thế mạnh nhưng lực yếu; (iii) thế yếu nhưng lực mạnh; và (iv) thế và lực đều yếu. Dĩ nhiên, việc xác định mạnh hay yếu chỉ mang tính tương đối, tùy thuộc vào đối tượng và phạm vi (địa lý) để so sánh tại từng thời điểm cụ thể.

[16] Daniel Flemes, “Emerging Middle Powers’ Soft Balancing Strategy: State and Perspectives of the IBSA-Dialogue Forum”, Working Paper, No.57, German Institute of Global and Area Studies, 8/2007, trang 4.

[17] Robert O.Keohane, “Lilliputians’ Dilemmas: Small States in International Politics”, International Organization, số 23, Vol.2, 1969, trang 298.

[18] Andrew Cooper, Richard Higgott & Kim Nossal, Relocating Middle Powers: Australia and Canada in a Changing World Order, Vancouver, 1993, trang 19.

[19] Robert Cox, “Middlepowermanship: Japan and the future of the world order”, trong Robert Cox, Siclair and Timothy (chủ biên), Approaches to world order, Cambridge, 1996, trang 245.

[20] Daniel Flemes, “Emerging Middle Powers’ Soft Balancing Strategy: State and Perspectives of the IBSA-Dialogue Forum”, Working Paper, No.57, German Institute of Global and Area Studies, 8/2007, trang 4-5.

[21] Một số quan điểm thiểu số khác còn đặt tên cho nhóm quốc gia không lớn, không nhỏ này là các “cường quốc tương lai” (would-be great powers) hay “quốc gia trung gian” (intermediate states).

[22] Xem thêm Martin Wright, “Power politics”, trong Hedley Bull (chủ biên), Classical Theories of International Relations, London, 1978; Oyvind Osterud, “Regional great powers”, trong Iver Neumann (chủ biên), Regional great powers in international politics, Basingstoke, 1992; Samuel Huntingon, “The lonely superpower”, Foreign Affairs, số 78, Vol.2, 1999.

[23] Gareth Evans & Bruce Grant, Australia’s Foreign Relations in the world of the 1990’s, Melbourne University Press, Melbourne, 1995.

[24] Xem thêm Ronald Behringer, “Middle power leadership on human security”, bài tham luận tại hội nghị thường niên của Hội khoa học chính trị Ca-na-đa tại Halifax, Nova Scotia, 5/2003.

[25] Về phương diện này, có thể thấy ASEAN là một dạng cường quốc tầm trung đặc biệt với vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc hợp tác khu vực ở Đông Á.

[26] Daniel Flemes, tlđd, trang 12.

[27] Kế hoạch tổng thể về mở rộng và phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2025 đặt mục tiêu đưa In-đô-nê-xi-a trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2025.

[28] Dewi Fortuna Anwar, “Reinvention in Indonesia’s foreign policy strategy”, East Asia Forum Quarterly, tháng 10-12/2013, trang 10.

[29] Như trên.

[30] Xem thêm bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô “SBY’s Inaugural Speech: The Text”, Báo Jakarta Globe, 20/10/2009, truy cập tại http://www.thejakartaglobe.com/archive/sbys-inaugural-speech-the-text/.

[31] Theo tiêu chí dân số.

[32] “Annual Press Statement of the Foreign Minister of the Republic of Indonesia Dr. R.M. Marty M. Natalegawa” tại địa chỉ www.deplu.go.id/Pages/SpeechTranscription Display.aspx?Name1=Pidato&Name2=Menteri&IDP=698&l=en.

[33] Xem thêm Tuyên bố Báo chí Thường niên của Ngoại trưởng Marty năm 2013 tại địa chỉ www.kemlu.go.id.

[34] Xem Phát biểu chính của Tổng thống Xu-xi-lô tại Đối thoại Shangri-La 2012 tại địa chỉ www.iiss.org.

[35] Xem thêm Leonard Sebastian, “Indonesia’s Dynamic Equilibrium and ASEAN Centrality”, truy cập tại địa chỉ www.nids.go.jp/english/event/symposium/pdf/2013/E-01.pdf.

[36] Gregory Poling, “Dynamic Equilibrium: Indonesia’s Blueprint for a 21st – Century Asia Pacific”, Center for Strategic & International Studies (CSIS), Washington D.C., 7/3/2014, truy cập tại  http://csis.org.

[37] Gregory Poling, “Dynamic Equilibrium: Indonesia’s Blueprint for a 21st – Century Asia Pacific”, Center for Strategic & International Studies (CSIS), Washington D.C., 7/3/2014, truy cập tại  http://csis.org.

[38] Xem thêm Marty Natalegawa, “Aggressively Waging Peace: ASEAN and the Asia-Pacific”, Strategic Review  (The Indonesian Journal of Leadership, Policy and World Affairs), 11-12/2011, Vol.1, No.2, trang 40-6.

[39] Leonard Sebastian, “Indonesia’s Dynamic Equilibrium and ASEAN Centrality”, truy cập tại địa chỉ www.nids.go.jp/english/event/symposium/pdf/2013/E-01.pdf, trang 11.

[40] Anh Ngọc, “Indonesia đề nghị thúc đẩy liên lạc Việt – Trung”, VNExpress, 13/5/2014, truy cập tại www.vnexpress.net.

[41] Thái Linh, “Indonesia hành động trước mối đe dọa Trung Quốc ở Biển Đông”, Đất Việt, 3/3/2014, truy cập tại www.baodatviet.vn.

[42] Jack Greig, “The next South China Sea crisis: China vs. Indonesia?”, The National Interest, 23/5/2014, truy cập tại www.nationalinterest.org.

[43] Xem thêm Yayan Mulyana, “Peacekeeping operations and Indonesian foreign policy”, Jakarta Post, 3/1/2012, truy cập tại www.thejakartapost.com.