Vấn đề đối ngoại trong bầu cử tổng thống Hoa Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

election-20161

Nguồn: Richard N. Haass, “Foreign Policy and America’s Presidential Campaign,” Project Syndicate, 15/06/2015.

Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Không thể biết cử tri Mỹ sẽ chọn ai làm vị tổng thống tiếp theo của họ. Nhưng chắc chắn sự lựa chọn này sẽ mang lại những hệ quả sâu sắc, có thể tốt hơn hay tệ hơn, cho toàn bộ thế giới.

Hơn bất kỳ yếu tố nào khác, điều này phản ánh một thực tế về sức mạnh liên tục của Mỹ. Nó cũng cho thấy gần như chắc chắn rằng vị tổng thống tiếp theo sẽ được thừa hưởng một thế giới trong tình trạng hỗn loạn đáng kể. Những gì vị tổng thống mới chọn để làm, và cách thức mà ông/bà ta chọn để làm việc đó, sẽ có tác động lớn đối với người dân ở khắp mọi nơi.

Cũng phải nói thêm rằng rất khó để biết chính sách đối ngoại có vai trò gì trong việc xác định ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Phòng Bầu dục. Vẫn còn 17 tháng nữa cuộc bầu cử năm 2016 mới diễn ra. Rất nhiều điều có thể và sẽ xảy ra từ nay cho đến lúc đó.

Hai quá trình chính trị liên quan nhưng khác biệt – sự lựa chọn ứng cử viên của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa – sẽ diễn ra trong năm tới. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là ứng viên hàng đầu của Đảng Dân chủ, mặc dù chuyện đề cử bà không phải là việc đã ngã ngũ. Trong bất kỳ trường hợp nào thì chính sách đối ngoại cũng có thể sẽ đóng vai trò nhỏ trong quyết định chọn ứng cử viên, vì những điều mà hầu hết cử tri quan tâm khi tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ là các vấn đề đối nội và kinh tế.

Phía Đảng Cộng hòa có nhiều lựa chọn ứng cử viên và ít chắc chắn hơn, và nhiều khả năng chính sách đối ngoại sẽ đóng một vai trò lớn trong việc lựa chọn ứng cử viên của đảng này. Nền kinh tế đang được cải thiện dưới thời Tổng thống Barack Obama khiến kinh tế là một mục tiêu chính trị kém hấp dẫn hơn. Ngược lại, bất ổn toàn cầu đã cho Đảng Cộng hòa nhiều cơ hội để tấn công Obama và Đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, một số vấn đề chính sách đối ngoại sẽ thống trị các cuộc đối thoại trong cả hai đảng. Một trong số đó là thương mại, vốn bao hàm cả đối nội và đối ngoại. Obama đang tìm cách thúc đẩy Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), khúc dạo đầu cần thiết để đạt được sự ủng hộ của Quốc hội đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn có thể giảm bớt các rào cản thương mại giữa Mỹ và 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương khác. Nhiều – nhưng không phải tất cả – ứng cử viên của Đảng Cộng hòa ủng hộ TPP; nhưng ở phía Đảng Dân chủ thì thái độ chính trị với hiệp định này còn căng thẳng hơn, và có khả năng khiến bất kỳ ứng cử viên của Đảng Dân chủ nào ủng hộ TPP gặp nguy hiểm.

Vấn đề thứ hai chắc chắn sẽ thống trị trong cuộc tranh luận lựa chọn ứng cử viên của cả hai đảng là Iran và các cuộc đàm phán quốc tế để kiểm soát chương trình hạt nhân của nước này. Có thể thấy rằng nhiều ứng cử viên của Đảng Cộng hòa đang chống lại mọi thỏa thuận được đề xuất. Câu hỏi đặt ra là biện pháp trừng phạt nào sẽ được nới lỏng và vào thời điểm nào; các điều khoản để Iran tuân thủ thanh tra; và chuyện gì sẽ xảy ra khi một số giới hạn trong các hoạt động hạt nhân của Iran không còn hiệu lực. Các ứng cử viên của Đảng Dân chủ có nhiều khả năng cảm thông hơn với bất cứ điều gì đang được đàm phán; nhưng chắc chắn sẽ có sự khác biệt giữa các ứng cử viên của cả hai bên.

Vấn đề thứ ba là biến đổi khí hậu. Giáo hoàng Francis sẽ làm nổi bật vấn đề này hơn nữa khi ông đưa ra một tuyên bố quan trọng vào tuần sau. Tương tự, quá trình lập kế hoạch cho Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris vào tháng 12 sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý dành cho vấn đề này. Đảng Dân chủ sẽ hỗ trợ các cam kết sâu rộng hơn của Mỹ, dù một lần nữa, sự khác biệt về quan điểm sẽ xuất hiện ở cả hai đảng.

Thứ tư là các vấn đề liên quan đến Trung Đông. Cả hai đảng đều không mặn mà với giải pháp can thiệp quân sự quy mô lớn ở Iraq và Syria để chống lại Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Nhưng sẽ có cuộc tranh luận nóng bỏng với thái độ mạnh mẽ về những gì nên và không nên làm.

Sau đó là tất cả các vấn đề khác, từ sự hung hăng của Trung Quốc ở châu Á đến chủ nghĩa phục thù của Nga tại Ukraine. Quan điểm giải quyết, đặc biệt là ở phía Đảng Cộng hòa, sẽ là sức mạnh cơ bắp.

Người ta hy vọng rằng những gì nổi lên từ quá trình đề cử của các đảng sẽ cho thấy cách các ứng cử viên được chọn trả lời ba câu hỏi lớn.

Mối quan tâm đầu tiên là ứng cử viên đặt tầm quan trọng thế nào, cả về mặt tương đối và tuyệt đối, cho chính sách đối ngoại. Nếu nghĩ an ninh quốc gia là hai mặt của một đồng xu, với chính sách đối ngoại ở một bên và chính sách đối nội ở bên kia, thì mặt nào có khả năng được vị tổng thống tiếp theo xem xét? Đây là cuộc tranh luận “súng và bơ” cổ điển về việc các nguồn lực, từ tiền bạc cho đến sự chú ý của tổng thống, nên được phân bổ như thế nào.

Thứ hai, các mục đích và ưu tiên của chính sách đối ngoại là gì? Truyền thống hiện thực chủ nghĩa trong quan hệ quốc tế tập trung vào việc tác động lên chính sách đối ngoại của các nước khác và ít nhấn mạnh vào công việc nội bộ của họ. Phương pháp truyền thống chủ yếu khác làm theo cách ngược lại, cho rằng công việc nội bộ của các nước khác là những gì quan trọng nhất, cho dù vì lý do đạo đức và nguyên tắc, hay vì người ta tin rằng cách một chính phủ hành xử trong nước cũng ảnh hưởng đến cách họ hoạt động ở nước ngoài.

Theo quan điểm lý tưởng này, các nước dân chủ và tôn trọng công dân của họ nhiều khả năng cũng sẽ tôn trọng công dân của các nước khác. Tất nhiên, việc gây ảnh hưởng đến hướng đi của các nước khác thường là một mục tiêu lâu dài và khó khăn; trong khi đó, có những thách thức cấp bách toàn cầu cần được giải quyết, đôi khi với sự hỗ trợ của các chế độ không lành mạnh.

Câu hỏi cuối cùng liên quan đến phương pháp thực hiện các chính sách đối ngoại của các ứng cử viên. Sự kết hợp ưa thích giữa chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa đa phương của họ là gì, và những công cụ gì – từ ngoại giao và cấm vận đến hoạt động tình báo và quân sự – sẽ được họ sử dụng nhiều nhất?

Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong chiến dịch tranh cử. Trong quá trình đó, người dân Mỹ sẽ có được nhận thức tốt hơn về việc nên bỏ phiếu cho ai, và người dân ở khắp mọi nơi sẽ có nhận thức tốt hơn về những gì họ mong đợi trong tháng 1 năm 2017, khi vị Tổng thống Mỹ thứ 45 tuyên thệ nhậm chức.

Richard N. Haass là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), trước đây từng là Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush ở Bắc Ireland và là Điều phối viên của chương trình Tương lai của Afghanistan. Cuốn sách mới nhất của ông có nhan đề Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America’s House in Order.