#181 – Lý giải sự tồn tại hay sụp đổ của các liên minh

Print Friendly, PDF & Email


Nguồn: Stephen M. Walt (1997). “Why alliances endure or collapse”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 39, No. 1, pp. 156-179.>>PDF

Biên dịch và Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Bài liên quan: Các bài về chủ đề “liên minh”

Giới thiệu

Sự hình thành và tính liên kết của các liên minh quốc tế có thể tác động sâu sắc đến an ninh của từng quốc gia riêng lẻ và có thể quyết định đến khả năng bùng nổ cũng như kết quả của chiến tranh. Bởi khả năng thu hút và duy trì hậu thuẫn từ đồng minh có thể trở thành một tài sản đáng kể, những người lãnh đạo cẩn trọng sẽ đặc biệt dành sự chú ý đến những thế lực có thể gắn kết hoặc chia rẽ các quốc gia.

Những vấn đề này đặc biệt nổi trội trong bối cảnh chiến lược mới. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối đe dọa rõ ràng từ Liên Xô và trạng thái tĩnh của cân bằng quyền lực toàn cầu ít nhiều giữ cho các liên minh chủ yếu ổn định suốt bốn thập kỷ. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã phá vỡ cơ sở căn bản hình thành nên nhiều liên kết (nổi bật nhất là NATO), dẫn đến một cuộc tranh luận sôi nổi về viễn cảnh tương lai của chính những liên minh này.[1] Tuy nhiên, nhìn chung, cuộc tranh luận này không dựa trên một sự hiểu biết mang tính lý thuyết lý giải về động lực của các liên minh. Lý do không chỉ bởi những bên tham gia từ giới hoạch định chính sách thường không quen với các lý thuyết học thuật về liên minh, mà còn bởi các tác phẩm lý luận gần đây đều có xu hướng coi nhẹ vấn đề tại sao các liên minh tan rã hay tồn tại.[2]

Bài viết này sẽ tìm cách thu hẹp khoảng trống này qua việc trả lời hai câu hỏi liên quan mật thiết với nhau. Thứ nhất, tại sao các liên minh tan rã? Các lực lượng hoặc sự kiện nào đã khiến các quốc gia từ bỏ những mối ràng buộc về an ninh mà họ đã từng hoan nghênh? Thứ hai, tại sao một số liên minh vẫn bền bỉ tồn tại bất chấp những căng thẳng đó? Cụ thể, vì sao một số liên minh vẫn tồn tại ngay cả sau khi nền móng cơ bản ban đầu đã biến mất? Tìm câu trả lời cho hai câu hỏi này, mục đích của bài viết là cung cấp một bản tóm tắt khái quát về những cơ chế có thể khiến một liên minh giải thể hoặc duy trì lâu dài. Do đó, những giải thích “hợp lý”, cũng như những yếu tố “phi lý” lý giải cho sự thay đổi và sự bền bỉ đều được xem xét. Một liên minh có thể tan rã bởi nó không còn phù hợp với lợi ích của một hay nhiều thành viên; trong những trường hợp như vậy, quyết định chấm dứt quan hệ đồng minh có thể xem như một phản ứng hợp lý với tình hình mới. Hay một cách lý giải khác, một liên minh có thể sụp đổ vì những lý do “phi lý” – ví dụ như từ nền chính trị trong nước, hay từ thù hận riêng hoặc nhận thức nhầm lẫn của cá nhân – bất chấp việc khi nhìn lại liên minh đó có dư lý do để tiếp tục tồn tại.

Những dấu hiệu tương tự cũng được áp dụng cho những liên minh tồn tại lâu dài. Một liên minh có thể kéo dài bất chấp những thay đổi mạnh mẽ từ bên ngoài, bởi các thành viên có nhiều lợi ích khi duy trì khối đồng minh hơn là từ bỏ nó. Mặt khác, nó cũng có thể vẫn tồn tại dù đã trở thành một chướng ngại, lý do bởi nền chính trị trong nước, nhận thức sai lầm hay đơn giản là lỗi lầm của cá nhân. Vì đời sống chính trị thường kết hợp cả những nhân tố hợp lý và phi lý, việc phân tích cũng sẽ xem xét cả hai cách lý giải.

Thế nào là một Liên minh?

Liên minh là sự cam kết chính thức hoặc phi chính thức về sự hợp tác an ninh giữa hai hay nhiều quốc gia. Mặc dù các liên minh khác nhau có những sự dàn xếp rất đa dạng, thì đặc trưng của mọi liên minh đều là sự cam kết hỗ trợ quân sự lẫn nhau nhằm chống lại một (hoặc vài) lực lượng bên ngoài trong một số trường hợp nhất định. Khái niệm này bao gồm cả những liên minh chính thức – khi cam kết được tuyên bố bằng một bản hiệp ước; và không chính thức – những hiệp định ad hoc (tạm thời) dựa trên những thỏa thuận ngầm, hoặc những dạng cam kết xác thực khác, như là sự đảm bảo bằng lời nói hay các cuộc tập trận chung. Nghiên cứu này bao gồm cả liên minh chính thức và không chính thức bởi các quốc gia có thể hỗ trợ đáng kể cho một quốc gia khác mà không cần dựa trên một bản hiệp ước chính thức nào, và bởi vì sự hiện hiện của một bản thỏa thuận như vậy thường cũng không nói lên được gì nhiều về cấp độ thực sự của cam kết.

Mục đích trước nhất của phần lớn các liên minh là kết hợp khả năng của các nước thành viên nhằm đẩy mạnh lợi ích từng bên. Tuy nhiên, hình thức liên kết và tính chất của sự cam kết lại rất đa dạng. Ví dụ như một liên minh có thể nghiêng về tấn công hay phòng thủ, mục đích có thể nhằm cung cấp phương tiện cho một cuộc tấn công của bên thứ ba, hay đóng vai người đảm bảo trong trường hợp một quốc gia khác tấn công một trong các nước thành viên. Các liên minh cũng có thể cân bằng về lực lượng hoặc không, tùy thuộc vào việc liệu các nước thành viên có sở hữu khả năng ngang bằng nhau và có cam kết đồng nhất đối với nhau hay không.[3] Một liên minh có thể chỉ đơn thuần là một sự thỏa thuận có lợi giữa các quốc gia khác nhau về chế độ và giá trị chính trị – như khối Đồng Minh trong Thế chiến thứ hai gồm Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Liên Xô– hoặc nó có thể tập hợp những nước có lợi ích chiến lược và ý thức hệ tương đồng và củng cố lẫn nhau – như NATO ngày nay.

Các liên minh cũng rất đa dạng về cấp độ thể chế hóa. Những liên minh hiện đại không chỉ là một sự tập hợp máy móc các tài sản độc lập của quốc gia; chúng còn là những thể chế xã hội có thể can dự vào những tương tác giữa các quốc gia thành viên. Ở một thái cực, những liên minh chính thức như NATO được thể chế hóa ở mức cao, với qui trình đưa ra quyết định phức tạp và một cơ quan hỗ trợ toàn thể. Loại liên minh này đương nhiên sẽ tạo nên một mạng lưới dầy đặc những mối quan hệ cao cấp và các thỏa thuận bổ sung, và có thể áp đặt một ảnh hưởng lâu dài hơn đến thái độ và hành vi của mỗi thành viên. Ở một thái cực khác, những liên kết ad hoc như liên minh phe Trục (1939-45) hoặc những liên minh giữa các nước Arab là những mối quan hệ đối tác hạn chế, trong đó mỗi thành viên hành động khá độc lập.

Thứ ba, các liên minh cũng khác nhau về chức năng hoạt động. Phần lớn liên minh giữa các cường quốc nổi lên nhằm tập hợp quyền lực: các thành viên góp nguồn lực của mình để đạt được một vài mục đích chung, hay ít nhất tương hợp với nhau. Tuy nhiên những thỏa thuận như vậy không tránh khỏi trường hợp các thành viên ảnh hưởng đến hành xử của nhau, điều này tạo điều kiện cho các cường quốc sử dụng liên minh để áp đặt một ảnh hưởng hạn chế lên đồng minh cũng như kẻ địch. Những cam kết trong liên minh cũng mang lại khả năng dự đoán được cao hơn trong quan hệ quốc tế, và có thể thúc đẩy giải quyết xung đột giữa các quốc gia thành viên.[4]

Cuối cùng, các liên minh có sự khác biệt quan trọng so với các dạng khác của hợp tác an ninh. Ví dụ như một thỏa thuận giảm căng thẳng giữa các bên đối địch thông qua một hiệp ước kiểm soát vũ khí, một quy trình hòa giải chính thức hay các giải pháp “xây dựng lòng tin” – không phải là một liên minh, bởi nó không liên quan đến thỏa thuận nào về phòng thủ chung. Vì thế, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) hay Hiệp ước phòng ngừa sự cố trên biển năm 1972 không phải là liên minh, mặc dù chúng cũng bao hàm hợp tác trên các vấn đề an ninh quan trọng.

Tương tự như vậy, một liên minh không phải là một hiệp ước an ninh tập thể. Một hiệp ước an ninh tập thể là một thể chế bao hàm (inclusive institutions): các thành viên cam kết chống lại bất cứ hành vi gây hấn nào, kể cả hành vi đến từ chính nước thành viên. Ngược lại, liên minh lại là những thể chế loại trừ (exclusive institutions): chúng đưa ra cam kết hỗ trợ các thành viên chống lại các quốc gia nằm ngoài liên minh. Mặc dù các nước đồng minh cũng có thể tham gia một tổ chức an ninh tập thể, hoặc các dạng khác của hợp tác an ninh, nhưng việc nhầm lẫn những khái niệm này có thể dẫn đến phân tích chệch hướng và rối loạn định hướng chính sách.[5]

Tại sao liên minh tan rã?

Có nhiều lý do vì sao một liên minh đang tồn tại sẽ suy yếu hay tan rã. Bài viết này cho rằng trở thành thành viên trong một liên minh đồng nghĩa với việc đánh đổi một số thứ – như gia nhập một liên minh thường làm giảm tính tự chủ của một quốc gia. Do đó, các quốc gia sẽ chấp nhận những đánh đổi này một cách miễn cưỡng một khi liên minh không còn có lợi cho mục đích nào đó. Vậy loại thay đổi nào có thể khiến các quốc gia suy nghĩ lại về cam kết đồng minh của mình?

Thay đổi nhận thức về mối đe dọa

Trong đa số trường hợp, hình thành liên minh thường được coi là lời đáp trả cho một mối đe dọa từ bên ngoài. Cấp độ của mối đe dọa là hệ quả của sự tương quan sức mạnh, độ gần gũi về địa lý, khả năng tấn công và các ý định được nhận thức. Giả sử các yếu tố khác không đổi, bất cứ yếu tố nào trong số này tăng lên sẽ đẩy cao mức độ mối đe dọa của một quốc gia với một quốc gia khác. Các quốc gia thường liên kết với nhau nhằm giữ cân bằng với (những) mối đe dọa lớn nhất, mặc dù những nước theo chủ nghĩa xét lại và đặc biệt là những nước yếu đôi khi sẽ “lôi kéo sự chú ý” bằng cách liên minh với một nước lớn mạnh hoặc hiếu chiến.[6]

Theo quan sát, các liên minh thường tan rã khi có sự thay đổi đáng kể về mức độ đe dọa mà các thành viên phải đối mặt. Loại thay đổi này có thể do nhiều lý do khác nhau. Sự thay đổi trong cân bằng lực lượng là hiển nhiên nhất. Một liên minh đang tồn tại dễ sụp đổ nếu như các quốc gia vốn là mối đe dọa lại trở nên suy yếu, bởi khi đó các thành viên sẽ giảm nhu cầu cần hỗ trợ từ bên ngoài. Xu hướng này giải thích tại sao các liên minh trong thời chiến thường giải tán ngay sau khi đạt được chiến thắng, đồng thời cũng tạo cơ sở cho niềm tin rằng NATO dần sẽ tan rã bởi mối đe dọa của Liên Xô không còn nữa.[7] Tương tự như vậy, các liên minh cũng nhiều khả năng giải thể nếu một trong số các thành viên trở nên mạnh hơn một cách đáng kể, vì cường quốc đang trỗi dậy đó sẽ giảm nhu cầu cần được đồng minh hỗ trợ, trong khi các thành viên khác lại có thể bắt đầu coi quốc gia đó như là một mối đe dọa đối với an ninh của mình.

Thứ hai, quan hệ trong một liên minh sẽ có xu hướng xấu đi nếu các thành viên nhận định lại về mục tiêu của các quốc gia khác. Cụ thể nếu như các thành viên của một liên minh được thuyết phục rằng kẻ thù của họ không hung hăng như họ đã từng e sợ, hoặc nếu một nước thành viên trở nên hiếu chiến, sẽ rất khó cho liên minh tồn tại. Trong bất cứ trường hợp nào, sự thay đổi trong mức độ hay nhận định về mối đe dọa chính sẽ châm ngòi cho một sự thay đổi trong quan hệ liên minh.

Hai yếu tố về sự đe dọa này thường có liên hệ với nhau: quốc gia nào có sức mạnh gia tăng thường theo đuổi nhiều mục tiêu quốc tế tham vọng hơn, qua đó gây e ngại cả kẻ thù truyền thống lẫn đồng minh hiện tại.[8] Một ví dụ kinh điển của khuynh hướng này là sự rã đám của mạng lưới liên minh của Otto von Bismarck và sự hình thành dần dần của Khối Hiệp ước ba bên chống Đức (the anti-German Triple Entente) từ 1902 đến 1907. Sự biến chuyển này một phần là lời đáp trả lại sự lớn mạnh của nước Đức, đồng thời nó cũng dựa trên cơ sở nhận thức rằng nước Đức dưới triều Wilhelm đang ấp ủ những ý định hiếu chiến bất thường.[9]

Những khuynh hướng tương tự này cũng lý giải tại sao những liên minh có thiên hướng tấn công nhìn chung lại mong manh hơn những liên minh nghiêng về phòng thủ. Các liên minh tấn công được hình thành nhằm công kích một mục tiêu cụ thể; một khi nạn nhân đã bị đánh bại, động cơ liên minh không còn và tranh cãi về việc phân chia quyền lực ảnh hưởng có thể nổ ra. Do đó, liên minh Phổ – Ý năm 1866 chỉ kéo dài một vài tuần, còn các nước tham gia Liên Minh Balkan năm 1912 gồm Bulgaria, Serbia và Hy Lạp bất ngờ tấn công lẫn nhau chỉ vài ngày sau chiến thắng Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 5 năm 1913. Tương tự, Hiệp ước Molotov-Ribbentrop đầy tai tiếng nhằm phân chia Ba Lan giữa Đức Quốc xã và Liên Xô chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, và chỉ giúp làm chậm lại tiến trình “đông tiến” của Adolf Hitler vẻn vẹn hai năm.[10]

Thứ ba, ngay cả khi mối đe dọa lúc đầu còn hiện diện, một liên minh vẫn có thể tan rã nếu các thành viên tìm cách bảo vệ lợi ích của mình bằng những phương thức khác. Ở đây nhu cầu liên minh sụt giảm không phải vì không còn mối nguy hiểm bên ngoài, mà bởi vì một hay nhiều nước thành viên đã dần có khả năng tự giải quyết bằng sức mình. Sự thay đổi này có thể diễn ra bởi năng lực của các đồng minh tăng nhanh hơn nước đối địch, hoặc do sự thay đổi trong công nghệ quân sự gây khó khăn cho các cuộc tấn công của kẻ thù.[11]

Trong Chiến tranh Lạnh, logic này đã dẫn đến dự đoán của một vài chuyên gia rằng phát minh về vũ khí hạt nhân sẽ khiến các liên minh giữa các nước lớn trở nên lỗi thời, vì các quốc gia sở hữu sức mạnh răn đe hạt nhân lớn sẽ có ít nhu cầu liên minh hơn, và bởi vì sự răn đe hạt nhân không thể mở rộng để bảo vệ các nước khác một cách đáng tin cậy được.[12] Mặc dù nhận định này rõ ràng đã bị phóng đại, sự quan ngại thường trực rằng vũ khí hạt nhân có thể chia tách Hoa Kỳ khỏi các đồng minh châu Âu chứng tỏ rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng với cả hai bờ Đại Tây Dương.[13] Những người hiện nay cho rằng nước Mỹ nên thực hiện chính sách “độc lập chiến lược” đã dựa trên lập luận rằng vũ khí hạt nhân đã loại bỏ nhu cầu liên minh.[14]

Mức độ khả tín giảm sút

Bởi liên minh hình thành trước nhất để tăng cường an ninh cho các nước thành viên, bất cứ điều gì gây nghi ngại đến khả năng hoàn thành mục tiêu này đều thôi thúc các thành viên đánh giá lại lập trường của mình. Ngay cả khi mức độ của mối đe dọa không thay đổi, một liên minh sẽ trở nên mong manh hơn nếu các thành viên bắt đầu nghi ngại liệu những cam kết hiện tại có đủ để đảm bảo an ninh hay không.[15] Ví dụ như trong Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo Mỹ lo ngại rằng một trở ngại đơn lẻ cũng có thể làm dấy lên nghi ngờ về độ đáng tin cậy của Hoa Kỳ, và đẩy các đồng minh về phe lập trường trung lập hay thậm chí ủng hộ Liên Xô. Bởi những người đứng đầu nước Mỹ lo sợ rằng một thất bại nhỏ cũng có thể đánh mất niềm tin nơi đồng minh, họ luôn sẵn sàng cam kết những nguồn lực đặc biệt cho các lĩnh vực mà nếu không đã không được để ý đến.[16]

Nghi ngại về tính hiệu quả của một liên minh có thể bùng lên bởi ít nhất hai lý do. Thứ nhất, các thành viên trong liên minh bị thuyết phục rằng họ thiếu nguồn lực vật chất để ngăn chặn hay đánh bại đối thủ. Nếu không tìm được nguồn lực bổ sung, việc quay lại bắt tay với kẻ thù hoặc chuyển sang lập trường trung lập là một hướng an toàn hơn. Các quốc gia yếu có xu hướng hành động như vậy hơn các nước mạnh, và loại hành vi này có lẽ phổ biến nhất trong thời chiến, khi cái giá của bên thua cuộc trở nên rõ ràng hơn. Bởi thế, Liên minh Thứ nhất năm 1793 chống lại cách mạng Pháp đã tan rã, sau khi một loạt chiến thắng của quân đội Pháp các năm 1794-95 đã làm cho Tây Ban Nha, Phổ và các nước đồng minh nhận ra sự đối đầu không còn đứng vững được nữa.[17] Rumani đã miễn cưỡng liên minh với Đức Quốc xã vào năm 1940 bởi nước này rõ ràng không có lựa chọn khác, rồi sau đó chuyển sang ủng hộ Liên Xô ngay khi thấy thất bại của phe Hitler là không thể tránh khỏi. Sự phản đối của các nước Arab với nhà nước Israel đã giảm dần sau mỗi thất bại của phe Arab sau các cuộc chiến tranh; và giữa thập niên 1970, Ai Cập rời bỏ liên minh với Liên Xô để chuyển sang quan hệ đối tác với Hoa Kỳ, quyết định này của Anwar Sadat khởi nguồn từ nhận định rằng Liên Xô không thể cung cấp những hỗ trợ về quân sự, kinh tế và ngoại giao mà ông cần để chiếm lại Sinai và chống đỡ nền kinh tế Ai Cập đang trên đà suy thoái.[18]

Thứ hai, một liên minh có thể tan rã nếu như các thành viên bắt đầu đặt câu hỏi liệu đồng minh của mình có thực sự gắn bó với cam kết hỗ trợ hay không. Đây là một câu hỏi về ý chí hơn là về khả năng, và những nghi ngại như vậy dễ dấy lên khi liên minh không còn chắc chắn nằm trong lợi ích của mọi thành viên. Vấn đề này sẽ trầm trọng trong trường hợp các đồng minh xa cách về mặt địa lý, bởi một mối đe dọa với một nước chưa chắc đã nguy hiểm với nước khác; và trong trường hợp có sự chênh lệch lớn về sức mạnh giữa các nước thành viên. Trong trường hợp thứ hai, những nước yếu hơn có thể nghi ngờ rằng mình không đủ quan trọng đối với những đồng minh mạnh hơn, và sẽ lo sợ bị bỏ rơi khi bị tấn công. Những nước đi xâm lược “lão luyện” sẽ lợi dụng những xu hướng này bằng cách thổi phồng sức mạnh của mình và phác họa mục tiêu một cách hạn chế nhằm đẩy cao cái giá phải trả cho sự kháng cự, đồng thời nhằm thuyết phục các đối thủ khác hãy để nạn nhân tự đối phó với số phận[19].

Tóm lại, những vấn đề này giúp lý giải tại sao các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á hiện lại đang dấy lên những nghi ngờ liệu cam kết của Mỹ có đáng tin hay không. Trong Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và các đồng minh Âu-Á cùng chia sẻ một lợi ích rõ ràng là ngăn ngừa chiến tranh và kiềm chế sự bành trướng của Liên Xô. Tuy nhiên, hiện nay Liên Xô đã sụp đổ, động lực để Mỹ tiến hành một cam kết bao quát không còn là điều hiển nhiên, bất chấp việc các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thường xuyên lặp lại điều này. Mặc dù nước Mỹ vẫn quan ngại về tình hình diễn biến chính trị ở châu Âu và châu Á, thì mối quan tâm của họ cũng không thể bằng những chủ thể trong khu vực. Sự cách biệt này có xu hướng tăng theo thời gian, điều này có nghĩa rằng những nghi ngại quanh cam kết của Mỹ chỉ có thể tăng lên.

Chính trị trong nước

Những giả thuyết đã bàn luận ở trên đều cho rằng các quốc gia là những chủ thể đặc biệt lý trí khi đưa ra quyết định để ứng phó với những thay đổi trong môi trường bên ngoài. Một góc nhìn khác giải thích sự tan rã của liên minh qua việc tập trung vào quá trình diễn biến chính trị bên trong mỗi liên minh, và đặc biệt là diễn biến chính trị giữa các nước thành viên. Những giả thuyết này được chia thành bốn mục.

– Các xu hướng dân số và xã hội. Mục này lý giải sự sụp đổ của liên minh bằng cách tập trung vào các xu hướng dân số hay xã hội dài hạn. Cụ thể, nếu một liên minh, ở một mức độ nào đó, hình thành dựa trên những kết nối xuyên quốc gia giữa hai xã hội – ví dụ như nền tảng dân tộc hay văn hóa chung, cùng chia sẻ những sự kiện trong quá khứ, v.v… – thì sự thay đổi trong thành phần cấu tạo của một bên bất kỳ sẽ làm loãng đi sự hợp nhất này. Tương tự như vậy, nếu hai quốc gia liên kết với nhau bởi những nguồn gốc lịch sử chung, ví dụ như Khối thịnh vượng chung Anh, những sự ràng buộc này rồi sẽ yếu dần qua thời gian.[20] Giả thuyết này nhấn mạnh rằng thay đổi về dân số và thế hệ ở Mỹ có thể làm xói mòn cam kết truyền thống của nước này với châu Âu, và khuyến khích nước này tham gia chủ động hơn ở châu Á hay Mỹ Latinh.[21] Quan điểm này nhìn nhận căn nguyên của liên minh không chỉ dừng lại ở những tính toán bề mặt về sức mạnh và mối đe dọa, mà còn trong sự nhận thức về một nền tảng chung, về các giá trị và di sản nữa. Nếu thực sự như vậy, bất cứ điều gì làm phai nhạt “chất kết dính” xã hội này đều có thể trở thành vấn đề nổi cộm.

– Sự cạnh tranh trong nước. Một liên minh đang tồn tại có thể bị đặt trong nguy hiểm nếu những người đứng đầu có ảnh hưởng quyết định rằng họ có thể cải thiện tình hình nội địa bằng cách công kích chính liên minh. Vấn đề này có xu hướng xảy ra khi lợi ích của liên minh trở nên thiên lệch về phía một nhóm thành viên (qua đó dẫn đến sự bất công); hoặc khi những điều khoản của liên minh bao gồm những biện pháp có thể coi như sự xâm phạm đến chủ quyền quốc gia. Trong những trường hợp này, rút ngắn hoặc chấm dứt liên minh có thể mang lại những lợi ích chính trị đối nội có giá trị hơn những rủi ro chiến lược. Bởi thế, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle mới củng cố địa vị trong nước của mình bằng việc rút Pháp ra khỏi bộ chỉ huy quân sự hợp nhất của NATO năm 1967; và các chính trị gia cánh tả tại Wellington đã làm lung lay Khối hiệp ước quân sự Úc – New Zealand – Hoa Kỳ (ANZUS) năm 1985-86 bằng việc tuyên bố tàu chiến Mỹ không thể cập cảng New Zealand trừ khi họ đảm bảo không chở vũ khí hạt nhân. Sức ép trong nước cũng khiến Philippines buộc Mỹ phải rút quân khỏi căn cứ hải quân và không quân tại Vịnh Subic năm 1992, bất chấp những đóng góp đáng kể của Mỹ cho nền kinh tế bản địa.

Ba trường hợp trên đưa ra giả thuyết rằng những nỗ lực tận dụng sự phản đối trong nước trở nên phổ biến hơn, khi việc rút khỏi liên minh chỉ dẫn đến những hậu quả không nghiêm trọng về mặt chiến lược. Pháp có thể rút khỏi bộ chỉ huy NATO vào năm 1967 bởi cam kết của Mỹ với phần còn lại của châu Âu đã là một sự đảm bảo không chính thức cho an ninh của Pháp. Tương tự, sự chấm dứt của ANZUS và sự rút quân khỏi Vịnh Subic không xóa bỏ vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương, vì thế những nước này vẫn tiếp tục được hưởng lợi ích từ sự bảo vệ của Mỹ, ngay cả sau khi mối quan hệ trước đó đã kết thúc. Tuy nhiên, những ví dụ này cũng khẳng định rằng một cam kết liên minh lâu dài vẫn có thể đi xuống ngay cả khi mối đe dọa chung không thay đổi, nếu như liên minh này được xem như trở ngại cho nền chính trị trong nước.

– Thay đổi chế độ. Nhóm giả thuyết thứ ba tập trung vào tác động của sự thay đổi chế độ. Bản chất lợi ích quốc gia không cố định, và những nhóm khác nhau trong cùng một xã hội có thể có những cách xác định lợi ích khác nhau. Nếu thành phần chính phủ thay đổi – thông qua con đường chính thống hay không chính thống – thì khả năng tái điều chỉnh sẽ tăng lên. Sự ảnh hưởng này sẽ ít tác động nhất nếu chỉ có một sự thay đổi nhỏ (ví dụ khi một nhóm cầm quyền bị thay thế thông qua một cuộc bầu cử hợp pháp), nhưng tác động có thể lớn hơn khi vị trí lãnh đạo thay đổi bởi một biến động trong bản chất chế độ. Những lãnh đạo mới không chỉ ưu tiên những chính sách khác biệt rõ rệt với người tiền nhiệm, mà có lẽ họ còn hầu như không thấy có nghĩa vụ phải tôn trọng những cam kết từ trước.

Không mấy bất ngờ, những ảnh hưởng này đặc biệt mạnh mẽ sau một cuộc cách mạng lớn, và các quốc gia vừa trải qua một cuộc cách mạng càng có nhiều khả năng tiến hành những dàn xếp mới về liên minh. Nước Pháp sau cách mạng liền chấm dứt liên minh lâu đời với Áo; nước Nga Bolshevik ký một hòa ước riêng biệt với Đức và một vài thỏa thuận chia rẽ với khối Anh-Pháp; Cộng sản Trung Hoa đã cắt đứt mối quan hệ gần gũi với Mỹ và liên minh với Liên Xô (ít nhất mang tính tạm thời); và những chế độ cách mạng tại Cuba (1959), Iran (1979) và Nicaragua (1979) nhanh chóng phủ nhận những đồng minh của chế độ cũ (đáng kể nhất là Mỹ), và tìm kiếm những mối quan hệ tốt hơn với một vài nước đã từng đối đầu trước đó. Những sự kiện tương tự cũng xảy ra sau các cuộc cách mạng tại Mỹ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Angola và Ethiopia.[22]

Lời giải cho hiện tượng này rất dễ nhận thấy. Một phong trào nhằm lật đổ chế độ sẽ không có cái nhìn thiện chí với những đồng minh hiện tại, đặc biệt nếu những đồng minh này giúp đỡ chế độ nắm giữ quyền lực. Cũng vì lẽ ấy, những đồng minh cũng không mong muốn chế độ sụp đổ, bởi họ không thể biết chắc chắn chế độ mới sẽ xử sự ra sao. Vì những lý do này và cả những lý do khác, quan hệ giữa chính phủ mới và đồng minh của chế độ cũ thường có xu hướng ngờ vực quá mức, và những cam kết liên minh khó có thể vượt qua quá trình chuyển giao quyền lực.

– Sự chia rẽ về ý thức hệ. Cuối cùng, một nguồn gốc của tan rã liên minh là xung đột tư tưởng. Một cách giải thích của giả thuyết này cho rằng nguyên tan rã nằm ở sự bất đồng không tránh khỏi giữa các nước theo đuổi những tư tưởng khác nhau. Mặc dù một mối đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài có thể tạm thời vượt qua những bất đồng tư tưởng (như đã xảy ra trong Thế chiến thứ hai), những khác biệt căn bản về giá trị và mục đích sẽ sớm chia rẽ các đồng minh một khi mối đe dọa không còn.

Một biến thể khá thú vị là xu hướng xung đột tư tưởng giữa các quốc gia cùng theo đuổi những đức tin tương đồng. Cụ thể, một tư tưởng mà hướng những người ủng hộ hình thành một phong trào tập trung, thường mang tính chia rẽ hơn là tập hợp. Lý do rất đơn giản: khi tính chính đáng của mỗi chế độ dựa trên những nguyên tắc tư tưởng, áp đặt sự tuân thủ với một chính quyền trung ương độc nhất, hiển nhiên sẽ có tranh cãi về việc ai là người nắm giữ vị trí lãnh đạo. Và khi sự khác biệt tăng cao – đây là điều khó tránh khỏi, các phe phái khác nhau sẽ coi chỉ có quan điểm của mình là chính đáng, còn quan điểm của phe đối lập là dị giáo. Như trong lịch sử của Quốc tế cộng sản và chủ nghĩa liên Arab, những phong trào tư tưởng tập quyền trớ trêu thay lại có xung hướng chia rẽ nội bộ tồi tệ nhất. Một điều nghịch lý là mặc dù chủ nghĩa Marx-Lenin và chủ nghĩa liên Arab yêu cầu các nước thành viên tập hợp thành một phong trào gần gũi và kết dính, các liên minh giữa các nước cộng sản hay trong thế giới Arab thực sự vô cùng mong manh.[23] Một trong những điều lập luận này đưa ra là một liên minh có ý nghĩa giữa các nước Hồi giáo hiện nay gần như không tạo ra nguy hiểm – ngay cả khi những phong trào tôn giáo chính thống giành được quyền lực ở ngày càng nhiều nước – bởi những thể chế như vậy khó chia sẻ những nguyên tắc tương đồng và chúng sẽ có thiên hướng tranh cãi đi theo nhánh nào của đạo Hồi mới là đúng đắn.[24]

Tóm tắt

Các liên minh đi xuống và tan rã bởi nhiều lý do. Nguyên nhân rõ ràng và quan trọng nhất là sự thay đổi về đặc tính hay bản chất của mối đe dọa, yếu tố đã làm nên sự liên kết ban đầu. Nếu mối đe dọa suy giảm, hoặc bị một mối đe dọa lớn hơn thay thế, liên minh hình thành nhằm đối phó với mối đe dọa ban đầu có khả năng thay đổi. Các liên minh cũng có xu hướng sụp đổ khi các thành viên tìm kiếm những phương tiện khác để tự bảo vệ, hoặc khi các thành viên bắt đầu nghi ngờ khả năng cũng như sự sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của các đồng minh. Một liên minh đang tồn tại có thể gặp vấn đề nếu các quốc gia xác định lại lợi ích của mình sau một biến động chính trị trong nước, hoặc nếu các nguyên tắc tư tưởng xung đột với nhau và mức độ mối đe dọa quá thấp để gạt đi những khác biệt đó.

Sức mạnh của những xu hướng đa dạng này – đi cùng với sự mong manh của hệ thống liên minh hiện tại – dẫn đến sự khác biệt đáng kể giữa các trường hợp. Các liên minh có xu hướng nắm ít quyền lực hơn trong một thế giới đa cực, bởi các cường quốc sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi số lượng những nước này tăng, và bởi sự phân chia năng lực sẽ thay đổi thường xuyên hơn khi có nhiều nước lớn trong hệ thống. Việc xác định mối đe dọa lớn nhất cũng sẽ trở nên khó khăn hơn với mỗi quốc gia, và các liên minh quốc tế sẽ phải linh hoạt và di động hơn.

Chính trị trong nước sẽ trở nên quan trọng hơn khi có nhiều hơn những lựa chọn liên minh, bởi phạm vi lựa chọn tăng sẽ mở rộng phạm phi tranh luận công khai “có thể chấp nhận được”.[25] Những lựa chọn trong chính sách đối ngoại từng một thời được xem như dị giáo, nay có thể được xem xét công khai; ví dụ như những người ủng hộ Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập không còn bị coi như những kẻ dị đoan vô trách nhiệm, và cuộc tranh luận hiện tại về đường lối tương lại của chính sách đối ngoại Đức chưa bao giờ rộng mở như thế kể từ đầu những năm 1950.[26] Những cuộc tranh luận như vậy sẽ được bên ngoài quan sát, giúp các nước định hình được những tính toán và thảo luận của mình, qua đó củng cố tính linh động vốn gắn liền với hệ thống đa cực.

Những xu hướng này có thể sẽ đặc biệt quan trọng với Hoa Kỳ, nơi mà sự kết hợp giữa các nguồn lực và sự chia rẽ về mặt địa lý đảm bảo cho nước này nền an ninh và phạm vi tự do hành động mà không nước nào có.[27] Bởi thế, khi trật tự hai cực khiến Mỹ khuyến khích một mạng lưới toàn cầu các liên minh chống Liên Xô, thì sự nổi lên của trật tự đa cực sẽ mang lại cho Washington một phạm vi hoạt động rất lớn. Phạm vi đó cuối cùng được sử dụng như thế nào sẽ được định hình ít dựa trên hệ thống các cường quốc thế giới hơn, mà dựa trên tranh đấu chính trị trong nước nhiều hơn; những nhận xét tương tự cũng có thể áp dụng với các nước lớn khác. Kết quả là, cả chiều dài lịch sử suốt 45 năm qua lẫn những tuyên bố trước công chúng của các nhà lãnh đạo quốc gia đương thời đều không chỉ ra được đường lối đáng tin cậy dẫn đến tương lai, và nếu nói một cách cẩn trọng thì những cam kết liên minh hiện tại không còn được xem như lẽ đương nhiên.

Phân tích cho tới nay nhận định rằng các liên minh đương đại sẽ khó tránh khỏi những  căng thẳng gia tăng, và có thể khiến chúng ta tin rằng phần lớn sẽ sụp đổ. Tuy vậy NATO vẫn phát triển mạnh mẽ, và những liên minh Chiến tranh Lạnh khác vẫn còn nguyên vẹn, ít nhất là cho tới bây giờ. Thực tế này chứng tỏ rằng các liên minh đôi khi sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi động lực ban đầu dẫn đến sự thành lập đã không còn. Vậy một liên minh có thể tồn tại nhờ vào điều gì và như thế nào, khi môi trường chiến lược chiếm ưu thế đã hoàn toàn biến đổi?

Tại sao liên minh tồn tại lâu dài?

Sự lãnh đạo bá quyền

Giữ vững sự khả tín

Chính trị trong nước và sự thao túng của giới tinh hoa

Tác động của thể chế hóa

Đoàn kết về tư tưởng, bản sắc chung và “Cộng đồng an ninh”

Kết luận

Download toàn bộ văn bản tại đây: Ly giai su ton tai hay sup do cua cac lien minh.pdf

———

[1] Ví dụ về các quan điểm khác, tìm đọc John J. Mearsheimer, ‘Back to the Future: Instability in Europe after the Cold War’, International Security, vol. 15, no. 1, Summer 1990; Barry Buzan et al., The European Security Order Recast: Scenarios for Post-Cold War Europe (London: Pinter, 1990); Kenneth N. Waltz, ‘The Emerging Structure of International Politics’, International Security, vol. 18, no. 2, Autumn 1993; Stephen Van Evera, ‘Primed for Peace: Europe after the Cold War’, International Security, vol. 15, no. 3, Winter 1990-91; Stanley Hoffmann và Robert Keohane, (eds), After the Cold War: International Institutions and State Strategies in Europe, 1989-1991 (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1993); Richard H. Ullman, Securing Europe (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1992); và Charles L. Glaser, ‘Why NATO Is Still Best: Future Security Arrangements for Europe’, International Security, vol. 18, no. 1, Summer 1991.

[2] Một số tác phẩm mang tính lý thuyết về liên minh gần đây bao gồm: Stephen M. Walt, The Origins of Alliances (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1987); Steven David, Choosing Sides: Alignment and Realignment in the Third World (Baltimore, MD: Johns Hopkins University Press, 1991); Dan Reiter, Crucible of Beliefs: Learning, Alliances,and World Wars (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1996); Fred Chernoff, After Bipolarity: The Vanishing Threat,Theories of Cooperation and the Future of the Atlantic Alliance (Ann Arbor, MI: University of Michigan Press, 1995); và Randall K. Schweller, ‘Bandwagoning for Profit: Bringing the Revisionist State Back In’, International Security, vol. 19, no. 1, Summer 1994. Để tìm những tác phẩm học thuật trước đây về liên minh, xem Roger V. Dingman, ‘Theories of, and Approaches to, Alliance Politics’, in Paul Gordon Lauren (ed.), Diplomacy: New Approaches in Theory, History and Policy (New York: Free Press, 1979); Ole R. Holsti, P. Terrence Hopmann và John D. Sullivan, Unity and Disintegration in International Alliances (New York: John Wiley, 1973); và Michael Don Ward, Research Gaps in Alliance Dynamics (Boulder, CO: University of Denver Monograph Series, 1982).

[3] Hình thức cực đoan nhất của một liên minh bất cân xứng ở dưới dạng đảm bảo an ninh, trong đó một nước mạnh đồng ý bảo vệ một nước nhỏ hơn, nhưng không yêu cầu hay kỳ vọng điều gì từ phía nước này.

[4] Robert Osgood cho rằng “bên cạnh việc phát triển lớn mạnh, một chức năng đáng chú ý của các liên minh là kiềm chế và kiểm soát đồng minh”, và Paul Schroeder tranh luận rằng “tất cả các liên minh, trong một mức độ nào đó, đều hoạt động như một hiệp định kiềm hãm”. Tuy nhiên, như chính Schoroeder làm rõ, cách thức mà các đồng minh dùng để kiềm chế lẫn nhau phụ thuộc phần lớn vào sự đánh giá tầm quan trọng năng lực của đồng minh. Do đó sự phân biệt giữa “tập hợp sức mạnh” và “kiềm chế lẫn nhau” không được rạch ròi. Xem Robert Osgood, Alliances and American Foreign Policy (Baltimore, MD: John Hopkins University Press, 1968), p. 22; và Paul W. Schroeder, ‘Alliances, 1815-1945: Weapons of Power and Tools of Management’, in Klaus Knorr (ed.), Historical Dimensions of National Security Problems (Lawrence, KS: University of Kansas Press, 1976), pp. 230-31.

[5] Về sự phân biệt giữa thể chế bao hàm và loại trừ , xem John J. Mearsheimer, ‘The False Promise of International Institutions’, International Security, vol. 19, no. 3, Winter 1994-95; và Arnold Wolfers, ‘Collective

Defense vs. Collective Security’, in Arnold Wolfers (ed.), Alliance Policy and the Cold War (Baltimore, MD: Johns Hopkins University Press, 1959).

[6] Xem Walt, Origins of Alliances, pp. 17-33, 147-180; Walt, ‘Testing Theories of Alliance Formation: The Case of Southwest Asia’, International Organization, vol. 38, no. 2, Spring 1988; và Schweller, ‘Bandwagoning for Profit’. Các tác phẩm trước đề cập đến những tranh luận tương tự bao gồm Robert Rothstein, Alliances and Small Powers (New York: Columbia University Press, 1968), p. 52; và George Liska, Nations in Alliance: The Limits of Interdependence (Baltimore, MD: Johns Hopkins University Press), p. 13.

[7] Những đánh giá bi quan về tương lại của NATO có trong Mearsheimer, ‘Back to the Future’ ; Waltz, ‘Emerging Structure of International Politics’, especially pp. 75- 76; và Walt, Origins of Alliances,preface to paperback edition, p. vii.

[8] Xem Robert Gilpin, War and Change in World Politics (Cambridge: Cambridge University Press, 1981).

[9] Yếu tố đe dọa được đề cập trong bản ghi nhớ nổi tiếng của Eyre Crowe năm 1907 về chính sách của Anh đối với Đức. Crowe ghi chú rằng “chỉ riêng sự tồn tại và hoạt động hiệu quả của một nước Đức hùng mạnh chắc chắn là một phước lành với thế giới”, và nhấn mạnh “chừng nào hành động của Đức đi quá giới hạn bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng, nước Đức có thể luôn tin vào sự cảm thông và thiện chí [của Anh]”. Nhưng ông cũng đồng thời cảnh báo “thái động rộng lượng này sẽ mở đường cho một sự đối địch ngay khi có dấu hiệu lợi ích của nước Anh hay đồng minh gặp bất lợi”. Xem George Peabody Gooch và Harold Temperley (eds), British Documents on the Origins of the War, 1898-1914 (London: His Majesty’s Stationery Office, 1928), volume 3, pp. 397-420; xem Paul M. Kennedy, The Rise of the Anglo-German Antagonism, 1860-1914 (London: Allen and Unwin, 1980); và Imanuel Geiss, German Foreign Policy 1871-1914 (London: Routledge and Kegan Paul, 1977).

[10] Xem Schroeder, ‘Alliances, 1815-1945’, p. 241; Ernst C. Helmreich, The Diplomacy of the Balkan Wars, 1912-

1913 (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1938); và Geoffrey Roberts, The Unholy Alliance: Stalin’s Pact with Hitler (Bloomington, IN: Indiana University Press, 1989).

[11] Nhìn chung, các quốc gia ít có thiên hướng gia nhập một liên minh khi công nghệ quân sự thuận lợi cho phòng thủ, bởi các nước này sẽ ít có nhu cầu trợ giúp từ đồng minh, đồng thời khi đó chi phí chiến tranh sẽ cao hơn. Xem Thomas Christenson và Jack Snyder, ‘Chain Gangs and Passed Bucks: Predicting Alliance Patterns in Multipolarity’, International Organization, vol. 44, no. 2, Spring 1990.

[12] Ví dụ có thể xem: Pierre Gallois, The Balance of Terror: Strategy for the Nuclear Age (Boston, MA: Houghton

Mifflin, 1961); Gallois, ‘US Strategy and the Defense of Europe’, Orbis, vol. 7, no. 2, Summer 1963; Robert W. Tucker, Stability and the Nth Country Problem (Washington DC: Institute for Defense Analyses, 1962); và Henry A. Kissinger, The Troubled Partnership: A Re-Appraisal of the Atlantic Alliance (New York: McGraw-Hill, 1965), đặc biệt pp. 12-14.

[13] Xem David C. Schwartz, NATO’s Nuclear Dilemmas (Washington DC: Brookings Institution, 1981).

[14] Xem Eric Nordlinger, Isolationism Reconfigured: American Foreign Policy for a New Century (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1995), pp. 47-49, 123-25; và Earl Ravenal, Designing Defense for a New World Order: The 1992 Military Budget and Beyond (Washington DC: Cato Institute, 1991), pp. 64-68.

[15] Glenn Snyder chỉ ra rằng các liên minh phải đối mặt với một sự đánh đổi không tránh được giữa “bị ruồng bỏ” và “buộc vào tròng”. Các đồng minh buộc phải chứng minh những giá trị và cam kết của mình trong trường hợp bị bỏ rơi bởi các thành viên tìm đến những thỏa thuận khác. Tuy nhiên, khi một quốc gia mong muốn bày tỏ sự trung thành của mình, nó sẽ càng dễ bị các đồng minh “buộc tròng” liên đới với một cuộc chiến không mong muốn hoặc không cần thiết. Xem Glenn Snyder, ‘The Security Dilemma in Alliance Politics’, World Politics, vol. 36, no. 4, July 1984.

[16] John F. Kennedy đã cảnh báo rằng “nếu Mỹ chùn bước… toàn thế giới sẽ chuyển hướng sang khối Soviet”; Henry Kissinger tin rằng “nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới cho rằng nước Mỹ thiếu nguồn lực hay ý chí… họ sẽ tự điều chỉnh theo xu hướng mà họ cho là vượt trội”. Tương tự, Ronald Reagan một lần đã tranh luận rằng “nếu chúng ta không thể chiến thắng [ở Trung Mỹ], sự tín nhiệm với chúng ta sẽ sụp đổ và đồng minh của chúng ta sẽ tan rã”. Những trích dẫn này được lấy từ: Seyom Brown, The Faces of Power: Constancy and Change in US Foreign Policy from Truman to Johnson (New York: Columbia University Press, 1968), p. 14; House Foreign Affairs Committee, The Soviet Union in the Third World: Watershed in Great Power Policy (97th Congress, 1st session, 1977), pp. 157-58; và New York Times, 28 April 1983, p. A12.

[17] Xem Stephen M. Walt, Revolution and War (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1996), pp. 103-4.

[18] Về Romania, xem Norman Rich, Hitler’s War Aims: Ideology, the Nazi State, and the Course of Expansion (New York: Norton, 1973), pp. 187-92; về Ai Cập, xem Walt, Origins of Alliances, pp. 115-17, 125-26, 169 và 177.

[19] Hitler và Napoleon là bậc thầy của những chiến thuật này trong thời kỳ đầu sự nghiệp của mình. Trái ngược với đó, những kẻ chuyên gây hấn vô lý như Saddam Husein có thể kích động các liên minh thông qua ngoại giao áp chế và những hành vi công kích không đúng lúc.

[20] Quân đội Úc chiến đấu chống lại Đức trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, mặc dù Đức chưa bao giờ đe dọa trực tiếp đến Úc. Có ý kiến cho rằng lòng trung thành của các thuộc địa đối với Anh không phải kiểu “thuộc địa đối với một mẫu quốc, mà là thuộc địa đối với cả hệ thống đế quốc, ở bất cứ nơi nào tồn tại lý tưởng và lối sống Anh”. Xem James A. Williamson, Great Britain and the Commonwealth (London: Adam and Charles Black, 1965), pp. 180-81.

[21] Xem Philip H. Gordon, ‘Recasting the Atlantic Alliance’, Survival, vol. 38, no. 1, Spring 1996, pp. 36-38; and  Stephen M. Walt, ‘The Precarious Partnership: Europe and America in a New Era’, forthcoming in Charles A. Kupchan (ed.), The Future of Transatlantic Security Relations (New York: Council on Foreign Relations Press, 1997).

[22] Xem Walt, Revolution and War, chapters 3-6.

[23] Về những điểm chung, xem Walt, Origins of Alliances, pp. 35-36, 206-12; và Malcolm S. Kerr, The Arab Cold

War, 1958-1961: Gamal Abdel Nasser and His Enemies (London: Oxford University Press, 1962).

[24] Về điểm này, xem Walt, Revolution and War, pp. 246-48 và John L. Esposito, The Islamic Threat: Myth orReality? (London: Oxford University Press, 1992).

[25] Như Glenn Snyder đã chỉ ra, các liên minh lưỡng cực xác định những lợi ích được quyết định chủ yếu bởi cấu trúc bên ngoài của hệ thống, trong khi những liên minh đa cực tạo ra những lợi ích được hình thành một cách lỏng lẻo bởi sự phân phối của các cường quốc. Xem Glenn Snyder và Paul Diesing, Conflict Among Nations: Bargaining, Decisionmaking, and System Structure in International Crises (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1977), pp. 419-29.

[26] Xem Gunther Hellmann, ‘Goodbye Bismarck? The Foreign Policy of Contemporary Germany’, International Studies Quarterly, vol. 40, no. 1, April 1996. Hellmann coi chính sách đối ngoại của Bonn’s gượng ép hơn tôi, và tin rằng cuộc tranh luận đa chiều hơn gần đây nổ ra ở giới trí thức Đức sẽ không dẫn đến thay đổi đáng kể nào trong chính sách đối ngoại Đức.

[27] Rất dễ dàng để quên hiện nay Mỹ đang kiên cố như thế nào. Ngoài việc được che chắn bởi hai “chiến hào” đại dương mênh mông, Mỹ đồng thời cũng sở hữu một kho đạn hạt nhân dồi dào, quân đội được trang bị công nghệ kĩ thuật tinh vi bậc nhất thế giới, một nền kinh tế đa dạng, đất đai nông nghiệp màu mỡ và một trật tự trong nước tương đối ổn định. Điều này không có nghĩa là không có mối nguy nào có thể đe dọa Mỹ, nhưng có thể khẳng định rằng Mỹ là siêu cường vững chắc nhất trong lịch sử.