#191 – Mặc cả chủ quyền trong hội nhập khu vực

Print Friendly, PDF & Email

business-comment_04_temp-1338448209-4fc71951-620x348

Nguồn: Walter Mattli (2000). “Sovereignty Bargains in Regional Integration”, International Studies Review, Vol. 2, No. 2, pp. 149-180.

Biên dịch: Nông Thị Nghi Phương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Hãy suy nghĩ lại: Vấn đề chủ quyền

Giới thiệu

Mô hình nhà nước Westphalia thường được định nghĩa là một hệ thống quyền lực chính trị dựa trên lãnh thổ và quyền tự trị. Tính lãnh thổ hàm ý rằng quyền lực chính trị được xác định dựa trên một không gian địa lý nhất định, và quyền tự trị có nghĩa là không một chủ thể bên ngoài nào có thể có quyền lực trong biên giới của một quốc gia (Krasner 1990: 115 – 116). Như Stephen Krasner (1990) đã chỉ ra gần đây, những sự xâm phạm chống lại mô hình Westphalia – thông qua các hiệp định, giao ước, cưỡng ép, hay áp đặt – đã trở thành một đặc điểm lâu bền của môi trường quốc tế.[1]

Một loại hình ngày càng nổi bật của dàn xếp khế ước quốc tế thường xuyên vi phạm mô hình Westphalia là sự hình thành của các liên minh khu vực về kinh tế và chính trị, mặc dù nó vẫn phù hợp với cách hiểu pháp lý về chủ quyền. Sự vi phạm xuất hiện khi những liên minh này thiết lập các cấu trúc quyền lực làm xóa bỏ các đường biên giới lãnh thổ và vượt qua quyền tự trị bằng cách trao quyền kiểm soát cho các chủ thể siêu quốc gia. Một ví dụ gần đây là Liên minh Châu Âu (European Union – EU). Tổ chức này sở hữu những cơ chế siêu quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong số tất cả các hệ thống hội nhập khu vực hiện nay. Ví dụ, Ủy ban Châu Âu vừa là cơ quan hành pháp vừa là cơ quan hành chính chính của EU. Nó có “quyền đưa ra sáng kiến”, có nghĩa là quyền đưa ra dự thảo luật của EU. Nó cũng thực hiện nhiệm vụ giám sát quan trọng, giám sát để các quốc gia thành viên không thực hiện các hành vi trái với luật định của EU. Nó có thể khiển trách một quốc gia thành viên bằng cách yêu cầu chấm dứt vi phạm, hoặc bằng cách đưa vấn đề ra Tòa án Công lý châu Âu (European Court of Justice – ECJ) để có được quyết định cuối cùng. Tòa án cũng đóng vai trò giám sát và thực thi pháp luật quan trọng. Đáng chú ý nhất là, nó đã chứng minh hiệu quả của cơ chế thực thi pháp luật của EU thông qua hai nguyên tắc căn cứ trên quyết định của các thẩm phán: quyền lực tối cao và ảnh hưởng trực tiếp. Nguyên tắc quyền lực tối cao cho rằng luật pháp của EU đứng trên luật pháp quốc gia, và nguyên tắc ảnh hưởng trực tiếp có nghĩa là pháp luật EU có thể áp dụng trực tiếp cho công dân các quốc gia thành viên mà không cần can thiệp trước bởi chính phủ của họ (Burlet và Mattli 1993). Trong một bước tiến quan trọng để nâng cao hiệu quả của Tòa án, EU đã trao cho ECJ quyền có thể áp đặt những chế tài nặng lên các quốc gia thành viên không tuân thủ các quy định của Tòa án.

Hội nhập khu vực được thúc đẩy bởi giả định hay niềm tin rằng lợi ích của hội nhập, cụ thể là sự thịnh vượng quốc gia được tăng lên, là xứng đáng với cái giá phải trả khi quyền lực và quyền tự do hoạch định chính sách quốc gia bị suy giảm. Thủ tướng Anh James Callaghan đã nhắc đến vấn đề này vào cuối những năm 1970 khi tranh luận về việc liệu Vương Quốc Anh có nên tham gia Hệ thống Tiền tệ Châu Âu (European Monetary System – EMS) hay không: “Khi gia nhập NATO chúng ta đã đánh đổi một số quyền lực của chính mình nhưng nhận định chung của Nghị viện, kéo dài trong một phần tư thế kỷ, là với việc đánh mất những quyền lực này chúng ta đã củng cố được an ninh của mình. Đó chắc chắn là phép tính mà mọi người cần phải áp dụng vào đề xuất này. Nếu (gia nhập EMS) có nghĩa là giảm quyền lực để tăng thịnh vượng, thì Nghị viện sẽ phải đưa ra quyết định liệu nên tiếp tục nghèo đói và độc lập hay sẵn sàng hy sinh một phần quyền lực và trở nên giàu có hơn” (Ludlow 1982: 144).

Tuy nhiên, sự thịnh vượng không phải là lợi ích duy nhất của hội nhập khu vực. Việc tham gia vào một liên minh khu vực có thể làm tăng ảnh hưởng của bất cứ thành viên nào đối với các thành viên khác, từ đó giúp nó đạt được các mục tiêu chính sách cụ thể một cách trực tiếp hơn. Ví dụ, khi những người theo chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu của Anh đưa ra đòi hỏi rằng Anh Quốc phải rời khỏi EU trong cuộc tranh cãi về vấn đề chính phủ Pháp từ chối bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Anh, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Tony Blair đã nhắc nhở họ rằng chỉ có nhờ vào vị trí thành viên EU của Anh mà ông mới có thể kiện Pháp, thêm vào đó: “Chúng ta có khúc mắc với Châu Âu ở đâu thì chúng ta sẽ giải quyết ở đó…[và] tôi sẽ không từ bỏ ảnh hưởng [của Anh] ở Châu Âu” (Preston 1999:5)

Ví dụ này nhấn mạnh sự hợp lý của khái niệm “mặc cả chủ quyền” (sovereignty bargains) – một thuật ngữ được đưa ra gần đây bởi Karen Litfin – đối với việc nghiên cứu hội nhập khu vực (Litfin 1997: 167-204). Các quốc gia tham gia vào các mặc cả chủ quyền mà trong đó họ tự nguyện chấp nhận một số hạn chế để đổi lấy các lợi ích cụ thể. “Nói các quốc gia tham gia vào các mặc cả chủ quyền thì chính xác hơn là…[nói họ] từ bỏ một nguyên tắc vững chắc nào đó về chủ quyền” (Litfin 1997: 169). Trong nhận định này, chủ quyền trở thành một khái niệm tổng hợp biến đổi theo từng hoàn cảnh lịch sử và xã hội. Các yếu tố cấu thành của nó là quyền tự trị, quyền kiểm soát, và tính hợp pháp. Quyền tự trị là sự độc lập trong hoạch định chính sách và hành động; quyền kiểm soát là khả năng gây ảnh hưởng; và tính hợp pháp có nghĩa là được công nhận quyền đưa ra các luật định. Trong một mặc cả chủ quyền, quyền kiểm soát có thể được tăng cường bằng việc hy sinh quyền tự trị; hay quyền kiểm soát được gia tăng có thể giảm bớt tính hợp pháp của một quốc gia.

Ví dụ, các quốc gia đang phát triển có thể nhận thấy quyền tự trị của họ và các yếu tố nhất định của quyền kiểm soát cũng như tính hợp pháp trong nước bị hạn chế do sự tham gia của họ vào các thiết chế môi trường quốc tế, trong khi năng lực và tính hợp pháp bên ngoài lại có thể được tăng cường. Ngược lại, các quốc gia công nghiệp hóa có thể nhận thấy quyền tự trị của họ bị giảm bớt bởi kỳ vọng cho rằng họ cần phải chi trả cho việc bảo tồn (môi trường) tại các quốc gia đang phát triển, kể cả khi tính hợp pháp bên ngoài của họ có thể được gia tăng theo những hướng đó. Tóm lại, lập luận của Litfin là chủ quyền bị biến đổi theo thời gian, và quá trình này, vốn được gây ra bởi áp lực từ cả bên dưới và bên trên quốc gia, chỉ có thể hiểu được bằng việc phân tách các yếu tố chủ chốt hình thành nên thuật ngữ. Mặc dù các mặc cả chủ quyền làm biến đổi chủ quyền, song chúng không nhất thiết sẽ làm suy giảm nó; ví dụ, quyền tự trị bị giảm bớt có thể là cái giá phải trả cho quyền kiểm soát và tính hợp pháp được củng cố.

Nghiên cứu này lập luận rằng khái niệm chủ quyền mang tính đa dạng, tương tự như khái niệm của Litfin, là một tiếp cận hiệu quả nhằm nắm bắt một quan điểm sâu sắc về những đánh đổi mà các quốc gia ngoại khối phải đối mặt khi tranh luận có nên tham gia vào một liên minh kinh tế hay không. Litfin nhấn mạnh một cách chính xác rằng quốc gia tham gia vào các mặc cả chủ quyền vốn áp đặt những hạn chế nhằm để đổi lấy các lợi ích nhất định. Phân tích sau đây đặc biệt chú ý đến các phí tổn và lợi ích của tư cách thành viên trong một liên minh kinh tế. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng mở rộng công trình của Litfin bằng cách cẩn trọng chỉ rõ các điều kiện bối cảnh của các mặc cả chủ quyền, từ đó đưa yếu tố thời gian hay động lựcvào việc nghiên cứu. Có nghĩa là, nó tìm cách chỉ ra các nhân tố có ảnh hưởng đến đánh giá của các quốc gia về phí tổn và lợi ích của tư cách thành viên.

Tư cách thành viên trong một liên minh có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng nó thường đòi hỏi phải trả một cái giá lớn về mặt quyền tự do hoạch định chính sách tất yếu, đặc biệt nếu liên minh đó thành công về mặt kinh tế. Ví dụ, vị trí thành viên trong Liên minh Châu Âu đòi hỏi mỗi ứng cử viên phải sẵn sàng và có khả năng chấp nhận cái gọi là acquis communautaire, tức một số lượng lớn các luật định trong đó bao gồm không chỉ luật liên minh đã được quy định trong Hiệp ước Rome mà cả một hệ thống rộng lớn các luật thứ cấp được xác định trong các hướng dẫn và quy định của Liên minh Châu Âu. Vị trí thành viên trong nhóm Thương mại Tự do Bắc Mỹ cũng có cái giá tương tự như vậy. Một quốc gia ứng viên Mỹ Latinh phải chấp nhận cái mà John Williamson gọi là “Đồng thuận Washington” (Washington Consensus) trong đó bao gồm cắt giảm thâm hụt tài chính, thay đổi ưu tiên chi tiêu, cải cách thuế quan, cải cách mức lãi suất, điều chỉnh tỷ giá hối đoái, tự do hóa các quy định chi phối đầu tư trực tiếp nước ngoài, tư nhân hóa, dỡ bỏ điều tiết, và bảo vệ quyền sở hữu (Williamson 1990: 7). Hay chúng ta có thể xem xét một ví dụ từ thế kỷ 19: Phổ đã yêu cầu các thành viên tương lai của Zollverein, tức Liên minh thuế quan Đức, phải chấp nhận luật lệ thuế quan, biểu thuế và các thủ tục kiểm tra của Phổ. Thậm chí trong một số trường hợp, Phổ còn đòi hỏi rằng một thành viên mới phải đồng ý hạn chế tham gia vào các thay đổi tương lai trong việc lập pháp chung cũng như các đàm phàn về hiệp định thương mại giữa Zollverein và các quốc gia láng giềng.

Mặc dù có cái giá không hề rẻ, nhưng vị trí thành viên có thể mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trong những thời kỳ suy giảm kinh tế. Phân tích chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo thường đánh giá cao cả quyền tự do hoạch định chính sách lẫn các tài nguyên hữu hình (thu nhập từ thuế, v.v). Nó cũng cho rằng khả năng duy trì quyền lực chính trị của các chính trị gia phụ thuộc vào thành công tương đối của họ trong việc quản lý nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo không giữ được mức độ phát triển kinh tế tương đối cao sẽ bị loại bỏ.[2]

Những định đề này chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia ngoại khối có nền kinh tế thịnh vượng có thể sẽ có ít động lực tham gia vào một liên minh bởi cái giá phải trả cho hội nhập là khá lớn trong khi các lợi ích biên dự kiến có được từ hội nhập dưới dạng cơ hội tái đắc cử (hay tổng quát hơn, cơ hội ở lại nhiệm sở của nhà lãnh đạo) lại rất nhỏ trong suốt quãng thời gian tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia tương đối nhanh. Trong những thời điểm khó khăn, các nhà lãnh đạo có thể sẵn sàng nắm lấy các thời cơ hội nhập. Nguyên nhân là vì giá trị biên dự kiến từ hội nhập có khả năng tăng khi kinh tế suy giảm. Và khi giá trị này trở nên lớn hơn cái giá phải trả cho hội nhập, thì những quốc gia ngoại khối lý trí sẽ tìm cách để trở thành thành viên liên minh (Mattli 1999). Dần dà, những khó khăn về kinh tế của các nền kinh tế ngoại khối có thể bị quy cho một phần là do các ảnh hưởng kinh tế tiêu cực của việc các quốc gia láng giềng hội nhập khu vực với nhau. Những ảnh hưởng này có thể ở dưới dạng các trệch hướng thương mại hoặc đầu tư; nghĩa là, các quốc gia ngoại khối có thể phải đối mặt với các chính sách thương mại phân biệt tạm thời hoặc lâu dài, và tăng trưởng kinh tế nhanh trong liên minh cũng như thị trường chung rộng lớn của nó có thể thu hút một phần tiền vốn quốc tế lớn hơn với các quốc gia bên ngoài là người chịu thiệt. Một số đầu tư mới có thể được kích hoạt nhờ nhu cầu tránh né thuế quan bên ngoài của liên minh. Hơn thế nữa, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngành công nghiệp trong một liên minh có thể làm tăng năng suất và giảm giá thành, từ đó gây bất lợi cạnh tranh cho các nhà sản xuất bên ngoài liên minh và làm cho thương mại ngoại khối suy giảm.

Minh chứng về logic đánh đổi quyền tự trị – sự thịnh vượng vốn xác định quyết định của các quốc gia ngoại khối liệu có nên tham gia vào các liên minh được thể hiện trong hai trường hợp: sự mở rộng của EU và Zollverein. Tóm lại, phân tích chỉ ra rằng 18 trong số 20 đơn xin gia nhập EU của 11 quốc gia Tây Âu đã được đệ trình vào những thời điểm mà nền kinh tế gặp khó khăn liên tục. Tương tự, các kết quả từ Zollverein chỉ ra rằng các nhà cầm quyền từ rất nhiều vương quốc, thái ấp và đất công tước Đức níu chặt vào quyền chủ quyền và những đề xuất hợp nhất kinh tế bị cản trở cho đến khi khủng hoảng kinh tế và các ngân sách cạn kiệt buộc họ phải tìm cách gia nhập vào Zollverein. Mô thức chung là những quốc gia ngoại khối này không tìm đường hội nhập khi không tồn tại khoảng cách thành tích với liên minh, và những khoảng cách thành tích gia tăng luôn rốt cuộc từ từ dẫn đến hội nhập. Những quốc gia không có khoảng cách này thì thấy chẳng có lý do gì mà phải chịu phí tổn của hội nhập và do đó lựa chọn đứng ngoài cuộc.

Tuy nhiên, sự thịnh vượng tương đối không phải là lợi ích duy nhất của hội nhập. Cùng đưa ra quyết định và tham dự vào việc giải quyết các vấn đề sẽ mang lại cho quốc gia ngoại khối trước kia một tiếng nói (và do đó một quyền kiểm soát nào đó) đối với các sự kiện của liên minh. Diễn đàn chính trị này đã cung cấp cho họ một kênh chính thức để thể hiện những ưu tiên chính sách của họ và tham gia vào việc quản lý liên minh. Nghị viện hoạt động như một cơ quan lập pháp, giải quyết vấn đề ngân sách và các vấn đề nảy sinh từ bộ máy quản lý chung của Zollverein. Các quyết định quan trọng luôn đạt được đồng thuận chung. Tương tự, trong đầu những năm 1960 Anh Quốc dần nhận ra vị trí thành viên trong EU sẽ không chỉ giúp nước này phục hồi nền kinh tế mà còn mang lại cho nước này một cách thức hữu hiệu để gây ảnh hưởng lên tiến trình hội nhập EU. Những nước nhỏ cũng có thể tăng cường quyền lực bằng cách tham gia vào một liên minh. Cụ thể, khi các ứng viên thành viên từ Trung Âu đến Tây Âu đều gia nhập EU, họ sẽ gia tăng sức nặng chính trị tổng hợp của nhóm các quốc gia thanh viên nghèo, trong đó bao gồm Hi Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha.

Nói tóm lại, cần phải nhấn mạnh rằng có rất nhiều kiểu mặc cả chủ quyền; hay như Litfin đã nói: “Mặc cả chủ quyền có các kết cấu khác nhau đối với các quốc gia khác nhau” (1997: 196). Thụy Sĩ, quốc gia có hợp tác đa quốc gia mạnh mẽ trên khắp Châu Âu và đến 95% lợi tức của họ là đến từ thương mại quốc tế, có lẽ sẽ ít lo lắng về việc gia nhập thị trường Châu Âu hơn các nước như Romania, một quốc gia chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Hơn thế nữa, là một trong số những quốc gia thịnh vượng nhất, Thụy Sĩ sẽ là nhà đóng góp lớn cho ngân sách nếu nó trở thành thành viên EU – một cân nhắc, nếu xem xét riêng rẽ, sẽ cản trở việc gia nhập liên minh. Tuy nhiên, Romania nhận thấy một trong số những điều hấp dẫn nhất của vị trí thành viên là các khoản trợ cấp hào phóng mà nước này sẽ được hưởng trong tư cách là một trong những quốc gia nghèo nhất EU. Cuối cùng, Thụy Sĩ có khả năng đơn phương điều chỉnh luật pháp của nó cho phù hợp với các tiêu chuẩn của EU nhằm tránh sự thiếu nhất quán có thể gây ảnh hưởng nền kinh tế quốc gia. Ngược lại, Rominia không có cơ sở hạ tầng cũng không có tri thức để bắt kịp các nước phát triển của Liên minh, nhưng là một quốc gia ứng viên nó sẽ nhận được các khoản hỗ trợ tài chính và công nghệ lớn để xây dựng bộ máy quản lý và pháp luật đủ khả năng thực hiện và thi hành các luật lệ của Liên minh. Nói một cách tổng quát hơn, những quốc gia ngoại khối nghèo rất mong muốn được tham gia vào các liên minh thành công bởi vị trí thành viên không chỉ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn có thể giúp xóa bỏ khoảng cách thu nhập rõ ràng giữa họ và các quốc gia nội khối. Tuy nhiên, những quốc gia ngoại khối giàu có sẽ miễn cưỡng hơn khi tham gia do chi phí phải bỏ ra sẽ nặng nề hơn. Nhưng trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế, thì thậm chí cả những quốc gia thịnh vượng cũng có thể nhìn nhận vị trí thành viên trong một liên minh là mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế.

Trước khi tiếp tục, tôi muốn ưu tiên đề cập trước một số phê phán có thể xuất hiện. Phân tích về mặc cả chủ quyền được đưa ra trong nghiên cứu này tập trung vào các biến số kinh tế. Một số độc giả có thể thấy một trọng tâm như vậy là quá hẹp và khuôn khổ quá đơn giản. Tôi không có ý rằng những biến số khác, như an ninh hoặc chính trị đối nội, là không có giá trị và các biến số kinh tế là tất cả vấn đề ta cần quan tâm. Tuy nhiên, một số ít những câu hỏi rộng lớn về chiều hướng bên ngoài của hội nhập lại được hình thành trong bối cảnh của các mô hình liên minh an ninh bất biến hoặc các cấu trúc chính trị trong nước. Trong một bối cảnh như vậy, các biến số kinh tế có thể giúp chúng ta đi xa hơn trong việc giải thích những khía cạnh phức tạp của hội nhập. Thứ hai, nghiên cứu này chủ yếu nhìn nhận các mặc cả chủ quyền từ góc độ của quốc gia ứng viên. Nó thừa nhận rằng liên minh mang lại rất nhiều lợi ích rộng lớn. Tuy nhiên, trong một vài thời điểm, một liên minh có thể chẳng có lợi gì khi chấp nhận các thành viên mới. Nếu một quốc gia ngoại khối không phải là ứng cử viên sáng giá về mặt có khả năng mang lại những đóng góp tích cực đáng kể cho liên minh (ví dụ, thông qua các khoản tiền khổng lồ nộp vào quỹ chung, hay qua việc mang lại những lợi ích thương mại rõ ràng), thì liên minh rất có khả năng sẽ không chấp nhận sự gia nhập, ngoại trừ một ứng viên mà việc không chấp nhận nó còn gây ra nhiều phí tổn hơn việc chấp nhận.[3]

Nghiên cứu này được tổ chức như sau: Phần 2 xem xét các mặc cả chủ quyền trong bối cảnh của Zollverein Đức, nhấn mạnh bối cảnh của các mặc cả và thảo luật chi phí và lợi ích của vị trí thành viên. Phần 3 nhìn nhận mặc cả chủ quyền là nguyên nhân tạo ra những vòng đầu tiên của sự mở rộng EU, tập trung chủ yếu vào sự đánh đổi giữa quyền tự trị và sự thịnh vượng và logic nền tảng của quá trình mở rộng từ phương diện của quốc gia ứng viên. Phần 4 phân tích ý nghĩa của các yếu tố tạo nên mặc cả chủ quyền đối với các nước nghèo. Nó phân tích chi phí và lợi ích của vị trí thành viên tiềm năng của EU đối với các quốc gia Trung và Tây Âu. Phần 5 đưa ra các kết luận tổng quát.

Mặc cả chủ quyền và Zollverein (Liên minh thuế quan) Đức

Trong những năm đầu thế kỷ 19, Đức bị chia cắt thành hơn 300 vương quốc độc lập, các thái ấp, đất công tước, các thành phố đế quốc, vùng lãnh thổ nhà dòng, và các vùng đất của các hoàng đế (Henserson 1958:1). Những vùng lãnh thổ này đã được hưởng nền độc lập ngày càng tăng kể từ khi thời kỳ Trung Cổ kết thúc, nhưng chỉ có thể khẳng định chủ quyền hoàn toàn sau khi Đế chế La Mã Thần thành tan rã vào năm 1806 (Price 1949:12-19). Sau thất bại của Napoleon năm 1815, các thực thể chính trị của Đức đã được hợp nhất thành 38 quốc gia, sau đó đã tự hợp lại thành Hợp bang Đức (Deutscher Bund).[4] Liên minh các quốc gia có chủ quyền này (gọi là Staatenbund (liên hiệp quốc gia), khác với Bundesstaat (liên bang)), nơi phải có sự đồng thuận mới có thể hành động chung, đã thể hiện là hoàn toàn không đủ để mang lại sự thống nhất chính trị hay kinh tế. Những ngờ vực chính trị và mong muốn tự trị của mỗi quốc gia đã cản trở bất cứ nỗ lực hợp nhất kinh tế nào. Trong một thời kỳ mà các loại thuế thu nhập không tồn tại, các loại thuế hàng hóa và môn bài là nguồn thu nhập chính của quốc gia, thì việc phục tùng một hệ thống thuế quan chung với một cơ quan quản lý thuế quan độc lập chẳng khác gì vứt đi một phần chủ quyền quan trọng (Price 1949:97). Không có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều hội nghị trong thời kỳ hậu chiến được triệu tập để thảo luận về sự hợp lý hóa nền kinh tế Đức đều không có kết quả. Price nhấn mạnh “gần như không thể tin được rằng các cuộc đàm phán lại kéo dài đến tận bằng ấy năm, và rất dễ hiều tại sao họ lại không đạt được mục đích của mình… Tất cả các quốc gia đều đặt bản thân lên hàng đầu và chẳng mấy ai thèm xem xét những lợi ích của liên minh mà họ đang chuẩn bị thành lập, đưa ra những quan điểm tổng quát, hay theo đuổi một chính sách dài hơi…. Tất cả đều từ chối việc từ bỏ một phần chủ quyền của mình dù chỉ một chút” (90). Benaerts cũng nhận thấy rằng sự hình thành của một thị trường Đức thống nhất không phải là hành động quốc gia tự giác như Đức tự gán cho nó (Benaerts 1904:63). Ngược lại, ông chỉ ra rằng các nhà cầm quyền của rất nhiều vương quốc, thái ấp, và đất công tước đã tỏ thái độbảo thủ nhất, níu lấy các quyền chủ quyền của họ và cản trở mọi đề xuất thống nhất kinh tế tận cho đến khi các ngân quỹ cạn kiệt buộc họ phải tìm cách trở thành thành viên của Zollverein (Benaerts:63-72; Roussakis:16).

Bước tiến đầu tiên trong công cuộc cải tiến cấu trúc nền kinh tế cũ kỹ của Đức được thực hiện bởi Phổ khi nước này tuyên bố một cuộc cải cách thuế quan vào năm 1818 trong đó bãi bỏ các loại thuế nội địa, thiết lập một hệ thống thuế quan duy nhất dọc các đường biên giới của quốc gia quân chủ, và thay thế hệ thống hỗn loạn của hơn sáu mươi mức thuế quan và thuế môn bài khác nhau bằng một biểu thuế quan tiêu chuẩn (Marriott và Robertson 1915:290). Hơn thế nữa, các loại thuế quá cảnh được đưa ra ở các vùng phía đông và phía tây nước Phổ, các vùng nằm trên những con đường thương mại quan trọng của Châu Âu.[5]  Những luật thuế quan mới này đã đưa tài chính quốc gia Phổ trở lại một nền tảng vững chắc, được hỗ trỡ bởi ngành công nghiệp và thương mại Phổ, và do đó củng cố nền quân chủ Phổ (Roussakis và List 1968:46-60; Halm 1984:20-27).[6]

Tổn thất của quốc gia ngoại khối và cái giá cho vị trí thành viên

Tuy nhiên, sự hình thành của một thị trường Phổ thống nhất cũng có những tác động tiêu cực đến các vùng lãnh thổ xung quanh. Biểu thuế ngoại thương của Phổ đã góp phần làm suy yếu các vùng lãnh thổ láng giềng bằng việc tăng giá các mặt hàng công nghiệp nhập khẩu mà các nước này phụ thuộc rất nhiều và bằng việc hạn chế các quốc gia này xuất khẩu vào thị trường rộng lớn của Phổ. Do bị cô lập và túng thiếu, những quốc gia nhỏ bé này đã phải đứng trước lựa chọn khó khăn hoặc tiếp tục duy trì nghèo đói và quyền tự trị hoặc từ bỏ một phần chủ quyền của mình để có cơ hội tiếp cận thị trường và sự thịnh vượng.

Hesse-Darmstadr là quốc gia đầu tiên thức tỉnh trước điều hiển nhiên này. Ngày công nghiệp lanh và trồng nho của nước này đã bị tàn phá nặng nề do mất các thị trường Phổ. Các vật phẩm công nghiệp ngoại nhập giá rẻ ngày càng khan hiếm (Henderson 1958:50). Việc đưa ra hệ thống biểu thuế biên giới năm 1824 đã không ngăn cản được khủng hoảng kinh tế. Do đường biên giới kéo dài, các chi phí cho việc duy trì hệ thống thuế quan mới chiếm hầu hết tổng thu nhập. Buôn lậu bắt đầu phát triển và cạnh tranh nghiêm trọng với thương mại hợp pháp (Price 1949:203). Hesse-Darmstadt tiếp cận Phổ bằng một hiệp ước kinh tế năm 1825. Ba năm sau đó, một hiệp định đã được ký kết để thành lập một Liên minh Thuế quan chung.[7] Việc này mang lại rất nhiều lợi ích cho nền tài chính quốc gia của Hesse-Darmstadt khi nguồn thu hải quan gia tăng và cung cấp một động lực cần phải có cho nền kinh tế của nước này. Đổi lại, Hesse-Darmstadt đồng ý trả giá cho vị trí thành viên bằng cách từ bỏ quyền tự trị; có nghĩa là chấp nhận luật thuế quan, các biểu thuế, và các quy trình kiểm tra quản lý của Phổ. Nước này vẫn được phép điều hành các loại thuế quan trong vùng lãnh thổ của nó nhưng chỉ theo các tính toán của Phổ. Các cơ quan thanh tra được thiết lập để đảm bảo sự thống nhất. Các điều khoản hiệp định bí mật còn hạn chế nhiều hơn nữa quyền chủ quyền của Hesse-Darmstadt: Sự tham gia vào các thay đổi của pháp luật chung trong tương lai của nó đã bị hạn chế, và các thanh tra thuế quan Phổ tại Darmstadt được trao nhiều quyền lực hơn những gì đã quy định trong hiệp định chính (Oncken và Saemisch 1934, tập 2:207-211). Thêm vào đó, Phổ đã thay mặt liên minh đứng ra tiến hành tất cả các cuộc đàm phán quan trọng với các quốc gia bên ngoài, và nó phân phối các nguồn thu hải quan.

Sự thành lập liên minh Phổ – Hesse-Darmstadt đã khiến các quốc gia láng giềng e ngại. Công sứ Anh Milbanke đã viết cho Bá tước Dudleu từ Frankfurt-am-Main vào ngày 14/3/1828: “Tin tức từ cuộc đàm phán [giữa Phổ và Hesse-Darmstadt] tạo ra…sự hoảng sợ không nhỏ giữa các nhà buôn và những đối tượng khác có liên quan tới nền thương mại ở vùng này của Đức vốn chắc chắn sẽ chịu nhiều tổn thất đáng kể từ việc này, bởi việc thiết lập sở hải quan Phổ được điều hành hết sức nghiêm ngặt và việc áp dụng hệ thống đó vào lãnh thổ của Hesse-Darmstadt sẽ làm tăng các loại thuế đối với một số lượng lớn các loại hàng hóa thương mại” (Henderson 1958: 53). Không có gì đáng ngạc nhiên khi một loạt các quốc gia Đức khác gia nhập Liên minh Thuế quan Phổ đã lặp lại mô hình của trường hợp Hesse-Darmstadt: đầu tiên, đánh mất cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn, rồi khủng hoảng kinh tế (cùng với đó là bất ổn xã hội), và, cuối cùng là cam chịu điều không thể tránh khỏi, đó là hợp nhất kinh tế với Phổ. Các điều khoản thành viên về cơ bản tương tự như các điều khoản Hesse-Darmstadt đã chấp thuận. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, sự không bằng lòng chấp nhận trả cho cái giá thành viên đã hướng các quốc gia ngoại khối tìm kiếm những thị trường xuất khẩu thay thế khác hoặc tự thiết lập các liên minh thương mại đối địch (phản ứng hợp nhấp thứ hai). Chỉ sau khi những nỗ lực đó thất bại thì các quốc gia ngoại khối này mới tiếp cận Phổ. Ba liên minh tạm thời như vậy đã được thành lập: một liên minh thuế quan giữa Bavaria và Württemberg, Liên minh Thương Mại Trung Đức, và Liên minh Thuế (Steuerverein).

Liên minh Thuế quan Bavaria-Württemberg đi vào hoạt động từ tháng 7/1828 nhằm đối phó với hiệp định của Phổ với Hesse-Darmstadt. Tuy nhiên, Bavaria và Württemberg quá nhỏ bé và nền kinh tế của họ có quá nhiều điểm giống nhau để tạo nên một liên minh quyền lực và hiệu quả. Nguồn thu hải quan trên đầu người chỉ đạt 9,5 groschen bạc; Phổ đạt 24 groschen bạc. Các phí tổn quản lý tiêu tốn 44% số thu, trong khi số liệu của Phổ chỉ là 14% (Benaerts 1904: 46).

Liên minh Thương mại Trung Đức (Mitteldeutscher Handelsverein) được thành lập vào tháng 9/1828, chỉ vài tháng sau Liên minh Thuế quan Bavaria-Württemberg. Nó gồm có Hannover, Saxony, Hesse-Cassel, Nassau, Brunswick, Oldenburg, Frankfurt-am-Main, Bremen, các vùng đất Saxon, các lãnh địa Reuss, Hesse-Homburg, Schwarzburg-Rudolfstadt, và Oberherrschaft của Schwarzburg-Sonderhausen. Tính chất đối trọng hay bài trừ Phổ của liên minh này là không thể nhầm lẫn. Liên minh này nghiêm cấm các thành viên của nó ký kết các hiệp định thuế quan hay thương mại riêng rẽ với các quốc gia không phải thành viên và tìm cách duy trì những con đường thương mại chính Bắc-Nam từ Hamburg và Bremen đến Frankfurt-am-Main và Leipzig, nhưng lại hạn chế giao thông trên những con đường Tây-Đông nếu chúng chạy qua các vùng đất của Phổ (Henserson 1958:68).

Các nỗ lực nhằm biến liên minh đối trọng này thành một thị trường chung thực sự đã thất bại, cũng như những cố gắng nhằm sử dụng liên minh như một cơ quan thương lượng tập thể trong các đàm phán với các quốc gia láng giềng (Haln 1984:43-51). Nền kinh tế của các thành viên ít bổ trợ lẫn nhau, và sự thiếu vắng một lãnh đạo khiến cho việc đạt được đồng thuận trở nên khó khăn. Hơn nữa, các điều kiện kinh tế của các quốc gia thành viên thuộc Liên minh Thương mại Trung Đức đã giảm sút nhanh chóng và thúc đẩy các cuộc nổi dậy ngày càng lan rộng vào năm 1830. Sự thoái lui của Liên minh đã bắt đầu. Sachse-Weimar là quốc gia đầu tiên rút lui, tiếp đó là Hesse-Cassel, gia nhập Liên minh Thuế quan Phổ năm 1831 với những điều khoản cơ bản tương tự như Hesse-Darmstadt.[8] Phần lớn các quốc gia còn lại giờ đây tự do cân nhắc có nên thuận theo Phổ hay không. Năm 1833, Phổ đã ký các hiệp định với các Bang Thüringen,[9] Saxony, Bavaria và Württemberg. Tất cả các hiệp định này đều bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/1834, và đó cũng là ngày Zollverein Đức ra đời. Ba mươi năm sau khi nó được thành lập, Gustav Fischer đã viết rằng “thế hệ trước vẫn nhớ sự hân hoan khi những giờ phút đầu tiên của năm 1834 được chào đón bởi một thế giới thương mại. Hàng dãy xe chở hàng nối nhau trên các trục đường chính, vốn cho đến lúc đó vẫn bị chia cắt bởi các hàng rào thuế quan. Khi tiếng chuông đồng hồ báo hiệu nửa đêm vang lên, mọi cổng thu thuế đồng loạt bật mở, và giữa tiếng hò reo náo nức, những chiếc xe chở hàng nhanh chóng đi qua các đường biên giới, mà kể từ đó chúng đã có thể đi lại một cách hoàn toàn tự do. Tất cả mọi người đều cảm thấy một mục tiêu lớn lao đã được hoàn thành” (Fischer 1866:375).

Baden, một quốc gia nông nghiệp vốn có truyền thống xuất khẩu rượu, thuốc lá, sợi gai, hoa bia và gia súc, đã gia nhập Zollverein vào năm 1835 khi nước này nhận thức rõ ràng rằng thương mại thay thế với Thụy Sĩ và Hà Lan không thể bù đắp đủ cho sự mất mát từ các thị trường Đức (Wallschmit:1-75). Nassau và Thành phố Tự do Frankfurt-am-Main, nơi sự cô lập thương mại đang đe dọa hủy hoại tất cả, cũng tham gia ngay sau đó.[10]

Chỉ còn lại các quốc gia Hannover và Brunswick là vẫn còn lưỡng lự. Họ thành lập Liên minh Thuế (Steuerverein) vào năm 1834, rồi Oldenburg gia nhập năm 1836. Không giống như Liên minh Thương mại Trung Đức, Steuerverien này là một liên minh thuế quan tuyệt vời với một biểu thuế chung, một bộ máy quản lý thuế quan chung, và các loại thuế tiêu thụ đặc biệt chung. Trong những năm đầu, liên minh này đã đạt được mức thu nhập 1 thaler trên đầu người từ những loại thuế này, nhiều hơn 1/3 so với con số của Zollverein (Henserson 1958:88). Không có ngành công nghiệp sản xuất nội địa nào cần bảo hộ, Steurverein đã theo đuổi một chính sách tự do thương mại nhằm giành được quần áo từ Anh Quốc, các loại hàng hóa thuộc địa, và các loại rượu với giá cả rẻ nhất có thể nhờ việc trao đổi các loại hàng hóa nông nghiệp của nó. Nó cũng nhắm mắt làm ngơ trước nạn buôn lậu trong buôn bán ngoại thương vào Zollverein (Arning 1930). Đến năm 1840, sự chênh lệch thu nhập giữa Zollverein và Liên minh Thuế đã bị xóa bỏ (Henserson 1958:88). Năm 1841, Brunswick tuyên bố quyết định rời khỏi Liên minh Thuế để gia nhập Zollverein.[11] Tức giận trước quyết định rời bỏ của Brunswick, Hannover tham gia đàm phán với Zollverein nhưng không đạt được thỏa thuận bởi Phổ sẵn sàng chấp nhận những nhượng bộ xa vời mà Hannover đòi hỏi. Một vài năm sau, bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tài chính nặng nề, Hannover mở lại đàm phán và đồng ý các điều kiện của Phổ.[12]  Năm 1851, nước này rốt cục đã ký kết một hiệp định với Zollverein. Oldenburg gia nhập vào năm 1852.

Lợi ích của vị trí thành viên

Các quốc gia đã đạt được gì khi là thành viên của Liên minh thuế quan Đức (Zollverein)? Nói một cách ngắn gọn là cực kỳ nhiều. Ví dụ, năm 1831, Bavaria đã thu được 2,1 triệu florin từ thu nhập của liên minh thuế quan với Württemberg; trong khi nó thu được 3,86 triệu florin trong năm đầu tiên làm thành viên của Zollverein (Henderson 1958:141). Frankfurt-am-Main báo cáo tình hình kinh doanh tuyệt vời tại hội chợ đầu tiên sau khi gia nhập Zollverein, và chứng kiến trong toại nguyện sự suy sụp của đối thủ Offenbach (121). Ngành nông nghiệp hồi sinh ở Baden và ngành tinh luyện đường được mở ra dưới sự bảo hộ của Zollverein. Và rất nhiều ví dụ tương tự khác. Nói chung, sự mở rộng của thị trường, cùng với giao thông được cải thiện bởi đường xá, các đường sông nội địa, và hệ thống đường sắt, đã cho phép sự mở rộng của các nhà xưởng đang tồn tại và sự phát triển của các nhà xưởng mới. Chi phí cho việc thu thuế trung bình tại Đức giảm từ 44% tổng thu tiền trước khi ra đời Zollverein xuống còn 9% vào cuối những năm 1830. Thu nhập từ thuế tăng 71% từ năm 1834 đến 1843 trong khi dân số chỉ tăng 21,7%.[13]

Zollverein cũng mang lại cho Đức một khung thể chế rộng mở trong đó các cải tiến công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp có thể phát triển. Cơ quan chấp hành của Zollverein là Đại Hội “hàng năm”, mỗi lần gặp mặt tại thủ đô của một quốc gia thành viên khác nhau.[14] Tham dự Đại Hội là các đại diện chính thức từ các quốc gia thành viên, do đó cho phép nhiều quốc gia có tiếng nói trong việc quản lý Zollverein. Đại Hội giải quyết các vấn đề nảy sinh từ việc điều hành chung của Zollverein, cân đối các tài khoản, và hoạt động như một cơ quan lập pháp.[15] Chắc chắn là Phổ đóng vai trò lãnh đạo trong những cơ chế này. Hai nhân tố giải thích điều này là: thứ nhất, Phổ cho đến thời điểm đó là quốc gia lớn nhất và thịnh vượng nhất trong Liên minh Thuế quan. Thứ hai, Phổ luôn là người tiếp nhận các yêu cầu đòi hỏi của các thanh viên liên minh. Điều này mang lại cho nước này quyền lực đáng kể trong việc xác định các điều khoản và điều kiện mà một quốc gia mới phải thực hiện khi trở thành thành viên. Tuy nhiên, mặc dù sở hữu ưu thế chính trị, người ta không thể nói Phổ đã lạm dụng địa vị của nó. Các thành viên khác đã tham gia vào liên minh một cách tự nguyện và tự do rời khỏi liên minh nếu muốn. Nhưng không một quốc gia nào từng rời bỏ; tất cả đều giữ vị trí thành viên và có những động lực vật chất mạnh mẽ để làm vậy. Bowden, Karrpovich, và Usher viết: “Sự hồi phục tài chính [của họ] đã chấm dứt bất cứ động thái thù địch nào có thể [đã] nhằm vào Phổ. Những thành tựu về thu nhập đã xoa dịu nỗi đau mất mát nền độc lập toàn vẹn” (Bowden et al. 1970:338).

Phổ đã phân bổ các nguồn thu từ hải quan tương ứng với dân số ở mỗi quốc gia khác nhau. Điều này được hưởng ứng nhiệt tình bởi gần như tất cả các thành viên còn lại của liên minh vì tiêu dùng bình quân đầu người của họ thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của Phổ. Đôi khi, giàn xếp này làm tiêu tốn những khoản chi phí tài chính quan trọng của Phổ. Ví dụ, Phổ đã trải qua một đợt khủng hoảng trong nguồn thu sau sự thành lập của Zollverein, trong khi các quốc gia thành viên khác lại thu được những lợi ích lớn. Năm 1833, thu nhập bình quân đầu người của nước này là 20 groschen bạc. Rồi con số này giảm xuống còn 15,5 grochen và chỉ đến năm 1838 lại tăng trở lại mức của năm 1833 (Henderson 1958:141-142). Tuy nhiên, Phổ vẫn giữ được vai trò người phát lương của khu vực thông qua sự tồn tại của Zollverein, mặc dù đôi khi vẫn xuất hiện những mối nghi ngại từ phía các quan chức Phổ[16] và bất chấp một số thay đổi trong hệ thống phân phối thu nhập qua thời gian.

Việc gia nhập Zollverein cũng mang lại lợi ích khác cho nhiều nhà cầm quyền Đức, cụ thể là khả năng kiểm soát vấn đề buôn lậu. Trước khi có Zollverein, buôn lậu đã góp phần làm suy yếu sức khỏe tài chính của một số ngân sách quốc gia, đặc biệt là Tây Nam Đức. Năm 1835, một đại biểu chính quyền trung ương Phổ đã báo cáo rằng “buôn lậu trên diện rộng xuất phát từ Frankfurt lan rộng ra tất cả các khu vực láng giềng của Zollverein… Buôn lậu công khai được thực hiện một phần nhờ người chuyên chở…và một phần nhờ các phương tiện giao thông, cụ thể là xe ngựa, hàng ngày lưu thông với số lượng cực kỳ lớn giữa Frankfurt và Offenbach; những số lượng lớn hàng hóa bị buôn lậu trong các phương tiện giao thông, trong quần áo và trong người của những người đi đường. Buôn lậu bí mật thường được thực hiện bằng cách dán dấu niêm phong thuế giả mạo với sự trợ giúp của những người phát hành giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa” (Henderson 1958114). Nhiều hoạt động buôn lậu cũng xuất hiện trong các khu vực địa hình rừng núi. Với sự ra đời và ngày càng mở rộng của Zollverein, nạn buôn lậu đã không còn là vấn đề quan trọng bởi hệ thống hải quan đã gọn nhẹ hơn so với kích thước của thị trường chung và dễ kiểm soát hơn. Ví dụ, những lần mở rộng đầu tiên đã giúp Zollverein thiết lập một đường biên giới dọc các con sông được dễ dàng bảo vệ ở phía Tây Nam, thay thế đường biên giới khó khăn trên các đỉnh đồi của Rừng Đen. Cũng như vậy, sự gia nhập của Nassau và Frankfurt-am-Main đã xóa bỏ những hang ổ thuận tiện cho việc buôn lậu ở Tây Nam Đức. Cuối cùng, việc buôn bán lậu thuế ở các vùng núi Harz dọc đường biên giới giữa Hanover với Phổ đã chấm dứt khi Hanover gia nhập Zollverein.

Mặc cả chủ quyền và những lần mở rộng đầu tiên của EU

Đổi quyền tự trị lấy thịnh vượng

Mặc cả chủ quyền và sự mở rộng về phía Đông của EU

Cái giá của vị trí thành viên

Lợi ích của việc gia nhập

Kết luận

Tài liệu tham khảo 

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Mac ca chu quyen trong hoi nhap khu vuc.pdf

—————–

[1] Xem Krasner (1993).

[2] Để xem minh chứng về mối quan hệ giữa thành tích kinh tế và cơ hội tái đắc cử, xem Erikson (1989, 1990), Norpoth et al. (1991), và Eulau và Lewis-Beck (1985).

[3] Một liên minh có thể có lợi ích trong việc chấp nhận những ứng viên “không được ưa thích” khi các yếu tố tiêu cực bên ngoài bắt nguồn từ các quốc gia ngoại khối đe dọa đến sự thịnh vượng, sự ổn định và an ninh của liên minh. Xem Mattli (1999:94-99)

[4] Xem Oncken và Saemish (1934, tập 1-3). Đặc biệt xem tập 1, phần 2, tựa đề “Die Verhandlungen am Bundestag, dia Wienner Konferenzen und die süddeuschen Einigungsbestrebungen,” trang 197-558. Để có một nghiên cứu chi tiết cẩn thận về Các Hội nghị Vienna Cuối cùng (Vienna Final Conferences), xem Aegidi (1865).

[5] Các vùng lãnh thổ phía đông của nước Phổ trải dài từ Memel trên cửa sông Vistula cho đến Muhhausen phía nam dãy núi Harz. Chúng bao gồm Đông Phổ, Posen, Pomerania, Brandenburg, Saxony, và Silesia. Các vùng lãnh thổ phía tây bao gồm Westphalia và Tỉnh Rhineland (từ năm 1824). Nước Phổ bị chia cắt bởi Hesse-Cassel, Brunswick, và một phần phía nam Hannover.

[6] Một tiêu chuẩn tốt để đánh giá hiệu quả tương đối của luật định mới được phản ứng trong thực tế là phí tổn quản lý giảm ở Phổ chỉ còn 14 đến 15% tổng thu (xem Price 1949:121). Điều này đối lập với tỷ lệ trên 50% của hầu hết các quốc gia khác. Xem thêm Von Waltershausen 1923:1-69.

[7] Thảo luận hay nhất về nguyên nhân và hậu quả của việc Hesse-Darmstadt và các quốc gia Trung Đức còn lại gia nhập vào Zollverein Phổ là Hans Werner Hahn (1982:145-246) Xem thêm Schmitt (1926) và Ecket (1902).

[8] Hơn nữa, Hesse-Cassel chấp nhận áp dụng các loại thuế tiêu thụ đặc biệt như những loại thuế đã được thi hành ở Phổ đối với rượu vang, rượu táo và thuốc lá.

[9] Các Bang Thüringen bao gồm Sachse-Weimar, các vùng Saxon nhỏ hơn, các vùng lãnh đại Reuss, tỉnh Erfurt, Schleusingen, Ziegenrück thuộc Phổ, và tỉnh Schmalkaden thuộc Hesse-Cassel.

[10] Henderson (1985:110-121). Một công văn từ công sứ Anh gửi cho Phòng Đối ngoại Anh tháng 12/2834 về vấn đề Nghị viện Pháp có ghi: “Bị bao vây trong một loạt trụ sở hải quan đặt ở tất cả các cổng trong thành phố… Giao dịch thương mại [‘của Frankfurt’] với bên trong nước Đức bị quấy nhiễu và hạn chế rất nhiều… Thương mại và ngoại thương đã tụt dốc đáng kể, và… những lo ngại rằng thị trường của nó sẽ thương tổn không thể phục hồi trừ khi liên minh với Phổ đạt hiệu quả nhanh chóng… các trụ sở hải quan của Anh[,]…. nhận thấy khách hàng của họ đang bị ngăn không cho lui tới các khu chợ và người mua của họ ngày càng ít đi, đã buộc mình trở thành những người tán thành việc liên minh với Phổ.” Trích trong Viner (1950:62).

[11] Theo Hidle Arning, Brunswick từ chối gia nhập lại Steuerverein sau khi Hannover bỏ qua yêu cầu của Brunswick là chấm dứt việc xây dựng con đường từ Uelzen tới Salzwedal nối Phổ với Hannover. Brunswick lo ngại rằng con đường này sẽ cạnh tranh với con đường thương mại của nước này tới Hamburg (Arning 1930:42-43). Viễn cảnh phải chia sẻ thu nhập tăng nhanh chóng của Zollverein hiển nhiên đóng một vai trò quan trọng trong quyết định của Brunswick.

[12] Bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tài chính của Hannover được trình bày chi tiết trong Arning (1950:74-78). Xem thêm Bêaerts (1904:180).

[13] Một thước đo thành công khác là thực tế trọng tải thương mại Đức đã tăng gấp đôi từ 1835 đến 1855; năm 1870 nó đã tăng gấp 3,5 lần mức năm 1835. Xem Hoffmann (1963:104-105)

[14] Từ 1834 đến 1863 chỉ có 15 Đại Hội được tổ chức.

[15] Sau Chiến tranh Bảy Tuần năm 1866, Đại Hội cũ được thay thế bằng một hội đồng thuế quan liên bang. Hơn nữa, một nghị viện thuế quan dân cử đã được thành lập và được triệu tập khi công việc đòi hỏi hoặc khi 1/3 hội đồng thuế quan yêu cầu một cuộc họp.

[16] Ví dụ, trong một bản ghi nhớ ngày 22/12/1839, chính phủ Phổ giải thích: “Mặc dù Phổ hoàn toàn thừa nhận rằng các mục tiêu của nó đã được chia sẻ trong các kết quả tích cực chung của liên minh thuế quan…nhưng quan điểm khá khác biệt khi nhìn từ góc độ quan niệm tài chính…