Vở kịch của Chủ nghĩa Khủng bố

Print Friendly, PDF & Email

Foley001_3015027b

Tác giả: Robert Kaplan | Biên dịch: Nguyễn Thế Phương

Sự kiện nhà báo người Mỹ James Foley bị Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria (ISIS) chặt đầu không chỉ đơn thuần là một thảm kịch đáng ghê tởm. Đó còn là một đoạn phim được quay rất tinh vi và chuyên nghiệp với những biểu tượng được nhấn mạnh một cách có chủ đích. Foley mặc một chiếc áo liền quần màu da cam gợi nhớ tới các tù nhân Hồi giáo bị giam giữ bởi Hoa Kỳ tại nhà tù ở Guantanamo. Anh ấy thú tội một cách dõng dạc, như thể đã được diễn tập từ trước. Kẻ đã hành hình anh, đeo mặt nạ và mặc quần áo toàn màu đen, đưa ra một tuyên bố dài và đều đều với một chất giọng Anh rất bình tĩnh, một lần nữa, như thể đã được luyện tập trước. Tất cả mọi thứ diễn ra như thể vụ hành hình này chỉ là thứ yếu so với thông điệp mà nó đưa ra.

Nói một cách khác, vụ hành hình này chỉ là phương tiện cần thiết để truyền tải thông điệp. Như các chuyên gia đã nói với tôi, có rất nhiều cách khác nhau để kết liễu một ai đó trong đau đớn nếu như bạn thực sự ghét nạn nhân và muốn người đó phải trả giá. Bạn có thể thiêu sống anh ta. Bạn có thể tra tấn anh ta. Nhưng chặt đầu lại khiến nạn nhân bất tỉnh chỉ sau một vài giây một khi động mạch chủ ở cổ bị cắt đứt.

Mặc dù vậy, chặt đầu là phương pháp tốt nhất để có thể tạo nên một đoạn phim gây cảm giác mạnh về mặt hình ảnh, do bạn có thể cho mọi người thấy được thủ cấp của người chết được đặt ở trên ngực anh ta. Sử dụng một con dao ngắn, như trong trường hợp này, thay vì một thanh kiếm, thậm chí còn tạo ra cảm giác rợn người và kinh hoàng hơn nhiều lần. Thực sự thì tôi không muốn bị cho là một kẻ độc ác, bàng quan hay thô bỉ. Tôi chỉ cố gắng giải thích rằng nếu không vì mục đích quay phim lại toàn bộ quá trình đó, ngay từ đầu sẽ chẳng có ai hành hình người khác bằng cách thức như thế cả.

Với việc tạo ra những đoạn phim khác người như vậy, Nhà nước Hồi giáo mong muốn truyền tải những thông điệp sau:

  • Chúng tôi không chơi theo luật của các ông. Sẽ chẳng có bất kỳ hạn chế nào trong hành động mà chúng tôi mong muốn thực hiện.
  • Sự đối xử tồi tệ mà người Mỹ đã làm với các tù nhân Hồi giáo tại Guantanamo đi kèm với “cái giá” (price tag) của riêng nó, như cách nói được sử dụng gần đây cho các vụ hành hình mang động cơ trả thù. Sau cùng, chúng tôi là một nhà nước. Chúng tôi có kẻ thù riêng của mình như các người đã thấy trong đoạn phim, và chúng tôi có cách thức riêng để đối phó với chúng.
  • Không phải vì chúng tôi vượt qua mọi giới hạn mà nói rằng chúng tôi thiếu đi sự tinh vi. Chúng tôi sở hữu sự tinh vi y hệt như các người ở phương Tây. Hãy lắng nghe chất giọng Anh từ đao phủ của chúng tôi. Và chúng tôi có thể sản xuất ra các đoạn phim ngắn với chất lượng của Hollywood.
  • Chúng tôi không giống như các trùm ma tuý ở Mexico, những người thường xuyên chặt đầu người khác và thi thoảng đăng các đoạn phim của họ lên Internet. Các trùm ma tuý đó chỉ đưa ra các thông điệp ở mức độ cộng đồng nhỏ mà thôi, được sử dụng để đe doạ chỉ những người trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Đó là lý do tại sao thế giới ít chú ý đến họ; thực ra, thế giới hầu như chẳng chú ý đến họ. Ngược lại, chúng tôi, Nhà nước Hồi giáo đang truyền bá một thông điệp rộng lớn mang tính toàn cầu. Và thông điệp là như sau: Chúng tôi muốn tiêu diệt toàn bộ người dân Mỹ, toàn bộ người dân phương Tây, và tất cả những ai sống trong thế giới Hồi giáo nhưng không chấp nhận thứ Đạo Hồi của chúng tôi.
  • Chúng tôi sẽ thắng bởi vì không có bất cứ một thứ gì ràng buộc được chúng tôi. Đó là bởi vì chỉ có chúng tôi mới tiệm cận được sự thật rằng mọi thứ chúng tôi làm đều được thánh Allah ban phép.

Chào mừng tới với kỷ nguyên của truyền thông đại chúng. Bạn có thể nghĩ rằng truyền thông đại chúng chỉ là hình ảnh của những phát thanh viên truyền hình nhàm chán hay những người dẫn các chương trình truyền hình giờ vàng thô lỗ chuyên cắt ngang lời nói của khách mời. Dĩ nhiên truyền thông đại chúng là như thế. Tuy nhiên, cũng giống như Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất khác với Chiến tranh Pháp-Phổ bởi vì giữa hai sự kiện này là sự phát triển cực thịnh của kỷ nguyên công nghiệp và đi cùng với đó là khả năng giết người ở quy mô công nghiệp, các cuộc chiến tranh ở thế kỷ 21 cũng sẽ khác với các cuộc chiến tranh ở thế kỷ 20 do sự phát triển cực thịnh của giai đoạn đầu tiên của kỷ nguyên thông tin, với tất cả những tác động trực quan của nó.

Niềm đam mê, niềm tin cuồng nhiệt, biểu tình chính trị hay những thứ tương tự sẽ chẳng có nhiều ý nghĩa ngày nay nếu chúng không thể được truyền thông rộng rãi. Tương tự như thế, tra tấn hay những cái chết kinh hoàng cần phải được truyền thông tới nhiều người hơn nếu như muốn tác động tới họ. Công nghệ, thứ mà các tỷ phú tại Thung lũng Silicon và vùng Tây Bắc Hoa Kỳ đã khẳng định mang lại tự do cho chúng ta với những hình thức tự biểu đạt mới, cũng chính là thứ đã làm sống lại những hành vi man rợ bậc nhất. Công nghệ truyền thông là trung lập về mặt giá trị, bản thân nó không chứa đựng những giá trị đạo đức nội tại, ngay cả khi nhiều lúc truyền thông có thể khuyến khích những hình thức phô trương ghê tởm nhất: sự kiện hành quyết Foley.

Chúng ta quay lại với một thế giới kịch nghệ thời Trung Cổ, trong đó khán giả là toàn bộ địa cầu. Kịch nghệ, nếu các diễn viên luyện tập bài bản, có thể trở thành môn nghệ thuật quyền lực và nói lên được nhiều điều nhất. Và không thứ gì có thể được thể hiện hiệu quả hơn những biểu tượng mà nhà soạn kịch vận dụng trong các tác phẩm của mình. Một con dao ngắn, một bộ áo liền quần kiểu Guantanamo, một tay đao phủ mặc toàn đồ đen với chất giọng Anh ở ngay trong lòng Trung Đông, khi được kết hợp với nhau, đã trở thành biểu tượng của quyền lực, của sự tinh vi, và báo thù. Chúng tôi hành động thực sự nghiêm túc. Các người ở Mỹ có khả năng ngăn chặn chúng tôi không?

Vụ giết hại Sa Hoàng Nicholas II và gia đình của ông vào năm 1918 ở Ekaterinburg bởi chính phủ mới của Lenin được cho là một tội ác sơ khai: bởi vì nếu như những người Bolshevik không chỉ có thể giết chết Sa Hoàng mà còn cả vợ và con ông, thì họ cũng có khả năng giết người ở quy mô lớn. Thực vậy, vụ sát hại này là điềm báo trước những điều kinh khủng mà sự cai trị của những người Bolshevik sẽ mang lại.

Điều tương tự có thể được nhắc tới khi đề cập đến vụ hành hình nhà vua Iraq Faisal II cùng gia đình và những người hầu của ông bởi những kẻ đảo chính, và sau đó là vụ xác chết của Thủ tướng Iraq Nuri Said bị cắt ra thành từng mảnh bởi một đám đông ở Baghdad – những sự kiện vốn là điềm báo cho hàng thập kỷ của một chế độ ngày càng mang tính toàn trị sau đó mà đỉnh cao là sự cầm quyền của Saddam Hussein. Vụ hành quyết được dàn dựng mà nạn nhân là James Foley có thể được coi là kỳ lạ đối với một số người; tuy nhiên, nó cũng là điềm báo cho một thứ gì đó thật sự đáng sợ đang xuất hiện ở Trung Đông hậu hiện đại.

Chắc chắn rằng tình hình càng hỗn loạn bao nhiêu thì các tư tưởng cực đoan càng trỗi dậy nhiều bấy nhiêu. Chúng đã trỗi dậy từ hỗn loạn tại Syria và Iraq, và ngay cả Libya và Yemen – vốn cũng đang chìm trong hỗn loạn – có thể đang chờ đợi sự xuất hiện của những phiên bản Nhà nước Hồi giáo ở chính nước họ. Và nên nhớ rằng, trên hết, những gì mà đoạn phim đã truyền tải cho thấy một sự thật rằng những con người này thực sự dám làm tất cả mọi thứ.

Robert D. Kaplan là tác giả cuốn sách Asia’s Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific (Random House, 2014). Năm 2011 và 2012, ông được tạp chí Foreign Policy bầu chọn là một trong số “100 nhà tư tưởng hàng đầu thế giới”.

Bản gốc tiếng Anh: Stratfor