Những hạn chế của việc chống lại Nhà nước Hồi giáo

Print Friendly, PDF & Email

ISIS-620x350

Tác giả: Gareth Evans | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bài liên quan: Trách nhiệm bảo vệ

Đã có một lịch sử lâu dài về can thiệp quân sự nước ngoài sai lầm và vượt mức tại Trung Đông, và quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama tiến hành chiến tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo được hy vọng sẽ không trở thành điều tương tự. Không có nhóm khủng bố nào đáng bị tiêu diệt hoàn toàn hơn những phần tử thánh chiến chuyên cướp bóc, diệt chủng này. Nhưng với cách sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu đang được hình thành và miêu tả hiện nay, việc có đạt được mục tiêu của nó với chi phí chấp nhận được về mặt thời gian, tiền bạc và phí tổn sinh mạng hay không vẫn còn chưa rõ ràng.

Vấn đề cơ bản là sự mở rộng lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo đang được tiếp cận từ ba quan điểm hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi ba loại phản ứng quân sự khác nhau. Một là sứ mệnh nhân đạo để bảo vệ dân thường ở Iraq và Syria khỏi các tội ác tàn bạo trên diện rộng. Hai là sự cần thiết phải bảo vệ công dân các nước khác khỏi chủ nghĩa khủng bố đến từ Nhà nước Hồi giáo. Và ba là mong muốn khôi phục sự toàn vẹn và ổn định của các nước trong khu vực.

Luận điệu của Obama, và của người ủng hộ ông nhiệt tình nhất cho đến nay – Thủ tướng Úc Tony Abbott – hiện đang dao động giữa hai mục tiêu đầu tiên và ám chỉ cả mục tiêu thứ ba, tạo ra hy vọng và kỳ vọng rằng cả ba sẽ được theo đuổi một cách hiệu quả. Nhưng chỉ có mục tiêu về sứ mệnh nhân đạo là có cơ hội được thực hiện trong thực tế, thông qua bản chiến lược gồm bốn phần hiện đang được bàn bạc, gồm: các cuộc không kích chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo; việc huấn luyện, cung cấp thông tin tình báo, và các thiết bị cho các lực lượng quân sự của Iraq và người Kurd cũng như phe đối lập ôn hòa của Syria; tăng cường các nỗ lực chống khủng bố quốc tế; và hỗ trợ nhân đạo dành cho người tị nạn.

Rõ ràng là các hoạt động quân sự mà phương Tây dẫn dầu tự chúng không thể thiết lập lại toàn vẹn lãnh thổ của Iraq hay Syria, hoặc khôi phục lại sự ổn định rộng rãi trong khu vực. Can thiệp quân sự có thể giúp ngăn chặn sự tan rã hơn nữa của Iraq, cũng như sự lây lan của “bệnh ung thư Nhà nước Hồi giáo” vào các nước như Jordan. Nhưng nếu 150.000 binh sĩ Mỹ không thể ổn định được Iraq khi thiếu vắng một chính phủ có năng lực và sự tham gia của đầy đủ các phe nhóm, thì các biện pháp mang tính hạn chế được đề ra lúc này đơn giản là sẽ không đủ. Và cho đến giờ, chúng ta nên biết rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của phương Tây mang mục tiêu công khai về chính trị hơn là mục tiêu rõ ràng vì nhân đạo thì đều có thể dẫn đến nguy cơ thực sự là làm kích động tranh chấp bè phái.

Mọi chuyện có thể sẽ khác nếu Mỹ và các nước chủ chốt khác có thể đồng thời tham gia vào một nỗ lực nhằm ổn định khu vực trên diện rộng, nhưng có quá nhiều chương trình nghị sự cạnh tranh lẫn nhau khiến điều này khó thành hiện thực trong tương lai gần. Sự đối đầu giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shia có nghĩa là Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh sẽ không chịu trao một vai trò có ý nghĩa nào cho Iran. Phương Tây cũng sẽ không thừa nhận vai trò trung tâm của Iran trong bất kỳ tiến trình đa phương nào, vì sợ đánh mất đòn bẩy đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Ít người sẵn sàng chấp nhận rằng bất chấp hồ sơ đáng sợ của ông ta, Tổng thống Syria Bashar al-Assad giờ đây gần như chắc chắn phải là một phần của giải pháp. Và vấn đề xung đột Israel-Palestine cũng tác động tới những mối quan hệ thù địch khác ở đây.

Mục tiêu chống khủng bố vốn dĩ hợp lý hơn mục tiêu ổn định chính trị, và chính trị nội bộ các nước Mỹ, Úc, và các nơi khác có thể cần sự chú ý mà nó [mục tiêu chống khủng bố] đã nhận được từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Chừng nào nơi sản sinh ra chúng có thể bị phá hủy, như trường hợp Al Qaeda ở Afghanistan, thì sẽ có ít những kẻ khủng bố mới hơn khiến chúng ta phải lo lắng.

Tuy nhiên, rất khó để tin rằng một chiến dịch quân sự giống như đang được dự tính hiện nay, ngay cả với sự hỗ trợ đáng kể từ các nước Ả Rập, có thể đạt được mục tiêu đó trong tương lai gần, hoặc với chi phí chấp nhận được, ở cả Iraq và những nơi trú ẩn của Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Gánh nặng thực sự sẽ phải được gánh vác, như trong hiện tại, bởi sự hợp tác quốc tế hiệu quả về công tác tình báo và giám sát an ninh.

Năng lực lực lượng bộ binh của Iraq và người Kurd – vốn rất quan trọng nếu muốn chiếm lại và giữ được các vùng lãnh thổ (từ tay Nhà nước Hồi giáo) – sẽ mất thời gian để xây dựng. Và mục tiêu này có thể không bao giờ đạt được đối với cái gọi là những lực lượng ôn hòa tại Syria. Các cuộc không kích ở bất kỳ nơi nào cũng có rủi ro gây thương vong cho dân thường – và do đó có khả năng sẽ kích động chính những thái độ mà người ta đang cố gắng kiềm chế.

Hơn nữa, các cuộc không kích ở Syria mà không có sự đồng ý của chính phủ nước này hoặc sự cho phép từ Hội đồng Bảo an sẽ rõ ràng là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Khả năng các cuộc tấn công khủng bố lấy cảm hứng từ Nhà nước Hồi giáo diễn ra ở Mỹ lại không thực tế hoặc gần xảy ra đủ để biện minh cho ngoại lệ về quyền tự vệ. Tình cảm và lý trí rất quan trọng trong chống khủng bố, và chúng sẽ càng khó đạt được bất cứ khi nào Mỹ và đồng minh có hành động quân sự rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế. Sự đồng thuận chậm chạp của các quốc gia Ả Rập đối với chiến dịch của ông Obama cho đến nay đã minh chứng cho sự quan ngại mà nhiều nước trong số này nhận thấy vì những lý do kể trên.

Cho đến nay, lý do căn bản nhất có thể bào chữa cho hành động quân sự – và đã được xác định ngay từ đầu – là mục tiêu nhân đạo: trách nhiệm bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị diệt chủng, thanh trừng sắc tộc và các tội ác nghiêm trọng khác chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Tôi đã lập luận rằng tất cả các điều kiện cần thiết liên quan đến vấn đề này đã được đáp ứng, và nó sẽ tiếp tục là như vậy chừng nào Nhà nước Hồi giáo còn duy trì phương thức hoạt động kinh hoàng của họ

Hoạt động trong khuôn khổ này, Mỹ và lực lượng liên quân sẽ rõ ràng có quyền ngăn chặn, làm suy giảm, và tìm cách phá hủy năng lực của Nhà nước Hồi giáo theo một cách vốn sẽ phục vụ cho cả mục tiêu chống khủng bố. Nhưng mục tiêu chính để can thiệp dứt khoát vẫn là sứ mệnh nhân đạo, và như thế sẽ ít gây ra các hậu quả chống phương Tây không mong muốn hơn so với bất cứ sứ mệnh nào khác. Thậm chí có thể sẽ có sự chấp nhận đáng kể từ phía quốc tế đối với một số hành động được xác định và hạn chế một cách cẩn thận tại Syria, trong trường hợp rõ ràng có mối đe dọa nhân đạo sắp xảy ra.

Nếu chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo được xác định và tiến hành với mục tiêu chủ đạo là bảo vệ nhân đạo thì nó sẽ không chỉ thành công trong việc ngăn chặn những hành động tàn bạo trong tương lai mà còn đóng vai trò lớn trong việc hạn chế mối đe dọa khủng bố nói chung ngay từ gốc rễ. Nhưng nếu phương Tây đi lạc khỏi mục tiêu chính đó, sứ mệnh có thể sẽ kết thúc trong thất bại như tại nhiều nơi khác ở Trung Đông.

Gareth Evans, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Úc (1988-1996) và Chủ tịch Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (2000-2009), hiện là Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Úc. Ông là đồng chủ tịch Trung tâm Quốc tế về Trách nhiệm Bảo vệ đặt tại New York và Trung tâm Không phổ biến Hạt nhân và Giải trừ quân bị tại Canberra.

Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate