Tìm hiểu hệ thống bầu cử Mỹ và bầu cử giữa kỳ 2014

Print Friendly, PDF & Email

us-capitol

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

Khái quát về hệ thống bầu cử Mỹ

Ngày thứ Ba, 4/11/2014, là ngày diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Cứ hai năm một lần và vào các năm chẵn là cả nước Mỹ lại sôi động bước vào “Mùa bầu cử”. Theo luật Mỹ, ngày bầu cử được ấn định là ngày Thứ 3, nhưng phải sau ngày Thứ 2 đầu tiên của tháng 11 (nếu ngày Thứ 3 mà rơi vào mùng 1/11 thì không được tính). Theo đó, ngày bầu cử nếu được tổ chức sớm nhất thì cũng phải là ngày 2/11 và muộn nhất là ngày 8/11.

Thực ra luật quy định bầu cử thống nhất cả nước vào ngày Thứ ba trong tháng 11 như nêu ở trên được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1845. Còn trước đó thì Luật cũ (thông qua năm 1792) quy định các bang tùy điều kiện của mình linh hoạt tổ chức bỏ phiếu trong khoảng thời gian 34 ngày trước ngày 1/12. Có nhiều cách lý giải tại sao Quốc Hội Mỹ lại chọn bỏ phiếu chung vào ngày Thứ ba như trên:

  • Thời gian đó nằm trong thời gian 34 ngày của luật cũ và nếu tổ chức ngày bầu cử chung thì sẽ tạo một sân chơi “công bằng”, giảm thiểu khả năng một ứng cử viên Tổng thống thắng điểm tại một số bang bầu cử sớm nhất, để rồi giành được lợi thế ở các bang khác bầu cử muộn hơn;
  • Đầu tháng 11 hàng năm không quá lạnh và nông dân vừa kết thúc vụ mùa (vào thời kỳ này nước Mỹ là nước nông nghiệp và dân chủ yếu sống nhờ nghề nông);
  • Nếu tổ chức vào ngày thứ 4 trong tuần cũng không tiện do nhiều nơi nông dân chọn ngày thứ tư là ngày họp chợ;
  • Chuyển dịch ngày bầu cử về phía cuối tuần lại vướng vào ngày nghỉ lễ tôn giáo.

Năm bầu cử Tổng thống khác cơ bản năm bầu cử giữa kỳ ở chỗ là có thêm lá phiều bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, còn danh sách bầu các chức danh khác cơ bản giữ nguyên. Trong ngày bầu cử giữa kỳ, cử tri trên khắp nước Mỹ bầu một danh sách rất dài, với 1 số ghế chủ chốt gồm:

  • 1/3 tổng số Thượng nghị sĩ liên bang (33 hoặc 34 người trên tổng số 100 Thượng nghị sĩ do nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ là 6 năm, nhưng mỗi kỳ bầu cử 2 năm 1 lần nên bầu lại 1/3 để giữ tính liên tục);
  • Toàn bộ 435 Hạ nghị sĩ Liên bang và 6 nghị sĩ (không có quyền bỏ phiếu trong các vấn đề mang tính “quyết định”) đại diện cho Thủ đô Washington DC và 5 vùng lãnh thổ chưa hợp nhất (gồm Guam, Puerto Rico, American Samoa, Bắc Mariana, Quần đảo Virgin);
  • 34 trên tổng số 50 Thống đốc bang (nhiệm kỳ 4 năm) cộng với Thống đốc 2 bang là Vermont và New Hampshire (có nhiệm kỳ 2 năm), tổng cộng 36 Thống đốc bang. Trong năm bầu cử Tổng thống, cử tri “chỉ” bầu 16 ghế Thống đốc bang mà thôi (14 ghế Thống đốc bang cộng với 2 ghế của Vermont và New Hampshire);
  • Nghị viện các bang (cũng tổ chức thành lưỡng viện – Bicameral Body – là Thượng viện bang và Hạ nghị viên bang, tuy nhiên số lượng thành viên thượng viện và hạ viện mỗi bang lại một khác). Đáng chú ý là chỉ duy nhất 1 bang là bang Nebraska trong tổng số 50 bang tổ chức nghị viện theo hình thức “Nhất viện” (Unicameral Body);
  • Chức Thị trưởng, Hội đồng thành phố, thị trấn…

Có thể nói hệ thống tổ chức chính quyền liên bang, bang và cách thức bầu các chức danh nắm những vị trí trên ở Mỹ là một trong những hệ thống phức tạp và tinh vi nhất trên thế giới vì phải tính đến sự cân bằng của tất rất nhiều yếu tố.

Thứ nhất, nguyên tắc bình đẳng giữa các bang. Quá trình đàm phán để hình thành nhà nước Liên bang hợp chủng quốc Hoa Kỳ mà ban đầu chỉ có 13 bang (thực chất là 13 quốc gia) là sự mặc cả, thỏa hiệp. Họ thỏa hiệp về thượng viện, nhất trí rằng đây là thiết chế lập pháp quan trọng nhất, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và tại đó các bang lớn, bé đều có đại diện như nhau là 2 Thượng nghị sĩ. Chẳng hạn bang Delaware chỉ có 900.000 dân nhưng cũng có 2 thượng nghị sĩ như bang đông dân nhất là California với 38 triệu người.

Thứ hai, nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và mọi người bình đẳng như nhau. Tổng số 435 Nghị sĩ liên bang Mỹ là không đổi, nhưng dân số các bang có thể thay đổi hàng năm do phát triển kinh tế, thay đổi trong môi trường, giáo dục và nhu cầu di chuyển của người dân để tìm kiếm công ăn việc làm, tìm nơi định cư mới. Do đó cứ 10 năm 1 lần, vào các năm chẵn đầu các thập kỷ (ví dụ 1990, 2000, 2010), nước Mỹ tổ chức các cuộc điều tra dân số toàn quốc với nhiều câu hỏi để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trên cơ sở bản đồ dân số thay đổi sau một thập kỷ, “bản đồ” bầu cử cũng được vẽ lại theo sự thay đổi dân số và số lượng nghị sĩ của mỗi bang có thể tăng hay giảm tùy thuộc số lượng dân cư tại một bang vào thời điểm điêu tra dân số. Các bang có dân số đông và tăng nhanh và nhờ đó cũng có số lượng dân biểu lớn trong Hạ viện là California, Texas, Florida.

Thứ ba, “Người chiến thắng được tất cả”. Do tổ chức nhà nước theo hình thức liên bang, nên dân Mỹ tuy mang tiếng bầu cử trực tiếp Tổng thống nhưng lại không bầu trực tiếp, mà bầu gián tiếp theo tổng số ghế mà các bang có đại diện tại Quốc hội Liên bang gồm 100 phiếu đại diện các Thượng nghị sĩ, 435 phiếu đại diện các Hạ nghị sĩ và 3 phiếu đại cử tri của Thủ đô Washington DC (tổng cộng 538 phiếu Đại cử tri) và người đắc cử Tổng thống phải giành được ít nhất 270 phiếu Đại cử tri.

Nếu ứng cử viên Tổng thống thắng tại bang nào, thì coi như nhận được phiếu đại cử tri của toàn bộ bang đó. Từ đây xảy ra các trường hợp:

  • ứng cử viên thắng tại nhiều bang hơn chưa chắc đã đảm bảo thắng cuộc
  • ứng cử viên nhận được số phiếu bỏ cao hơn của cử tri chưa chắc đã thắng (tức thắng qua phổ thông đầu phiếu, như trường hợp Phó Tổng thống Al Gore thắng Thống đốc Bang Texas George Bush trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2000, nhưng lại thua tại Bang quan trọng là Florida và do đó thua phiếu Đại cử tri). Điều quan trọng đối với bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào là tìm mọi cách thắng ở các bang đông dân, có nhiều phiếu Đại cử tri. Do 1 số bang ở Mỹ có truyền thống bỏ cho Cộng hòa (như Texas, Georgia), và một số bang có truyền thống bỏ cho Dân chủ (như California, New York), và có đến 80% các cử tri có sẵn “dòng máu cộng hòa” hay “dòng máu dân chủ” chạy trong cơ thể, bất kể đảng của họ xấu tốt ra sao thì họ vẫn luôn “trung thành” với lý tưởng mà mình đã chọn và bỏ phiếu cho “đảng của mình”, do đó các cuộc bầu cử trên thực tế là nhắm vào các “Swing states” (bang dao động) hay “Swing voters” (các cử tri dao động) hoặc những cử tri vẫn còn lưỡng lự, chưa quyết định (undecided voters).

Tiến trình bầu cử ở Mỹ cũng là một sự phát triển dân chủ có tiệm tiến, chứ không phải bỗng chốc dân Mỹ được “hưởng” toàn bộ quyền bầu cử, ứng cử như hiện nay. Lập luận của giới elite ngay từ khi lập quốc là các quyền chính trị sẽ được mở rộng cùng với các tiến bộ kinh tế, xã hội của các nhóm cử tri và của nước Mỹ:

  • Vào cuối thế kỷ XVIII cho đến tận đầu thế kỷ XX (năm 1920) phụ nữ Mỹ (cũng như phụ nữ hầu hết các nước khác) không có quyền đi bỏ phiếu chọn người đại diện cho mình;
  • Trước đó, rất nhiều bang quy định chỉ có những người đàn ông da trắng (Caucasian men), có học vấn nhất định (hết tiểu học), có tài sản (hầu hết các bang quy định là 50 acres đất trở lên) hoặc có đóng thuế thu nhập thì mới được quyền đi bỏ phiếu. Lập luận của các nhà lập pháp là, nếu các cử tri mù chữ hoặc học thức thấp mà đi bầu thì họ không thế nhận thức được cái đúng, cái sai và sẽ bị “mua phiếu”, làm hòng hệ thống chính trị. Ngoài ra, đóng thuế được xác định là một tiêu chuẩn vì nếu anh không đóng thuế thì có nghĩa anh chẳng có đóng góp, có nghĩa vụ gì với đất nước, nên không thể có “quyền lợi” và “khả năng” góp ý vào việc hoàn thiện thể chế;
  • Người nô lệ thì tuyệt nhiên bị cấm tiệt việc bỏ phiếu vì họ không biết chữ lẫn không có thu nhập. Tuy nhiên, sau cuộc nội chiến Bắc-Nam 4/1861-5/1865, thái độ của một số bang miền Nam đối với người da đen đã có sự cởi mở hơn, mặc dù sự kỳ thị đối với người da đen ở miền Nam vẫn rất mạnh. Tháng 2/1870 Hiram Rhodes Revels trở thành Thượng nghị sĩ da đen đầu tiên được bầu và đại diện cho bang miền Nam Mississippi tại Thượng viện Liên bang Mỹ. Còn Barack Obama, hiện là Tổng thống Mỹ, mới là Thượng nghị sĩ da đen thứ 5 (con số hiện nay là 9) trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, phải đến ngày 6/8/1965 khi Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson ký Đạo luật về Quyền bầu cử, trong đó cấm tuyệt đối việc ngăn chặn, tạo các rào cản gây cản trở việc bỏ phiếu của các sắc dân thiểu số thì từ đó trở đi các sắc dân thiểu số mới được hưởng các quyền bỏ phiếu đầy đủ như của người da trắng.

Gọi là “bỏ phiếu” nhưng trên thực tế người Mỹ “bấm nút” lựa chọn người đại diện của mình. Điều này đã được “luật hóa” sau kết quả bầu cử giữa ứng cử viên Al Gore và ứng cử viên George Bush trong cuộc bầu cử Tổng thống đầy tranh cãi tháng 11/2000.

Bầu cử giữa kỳ 2014: Sự thất sủng của Đảng Dân chủ

Có lẽ khi chứng kiến cảnh thắng cử vang dội của ông Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, ít ai hình dung được “tình cảnh” của ông Obama và Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, tức chỉ 6 năm sau đó.

Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy tâm lý “chán nản” và “buông xuôi” thể hiện khá rõ trong hàng ngũ lãnh đạo cũng như cử tri Đảng Dân chủ. Một số cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy chỉ có khoảng 44% cử tri của Đảng Dân chủ nói sẽ đi bỏ phiếu, so với tỷ lệ 56% của Đảng Cộng hòa – một sự cách biệt khá lớn. Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ mở rộng sự kiểm soát của mình mình tại Hạ viện thêm 11 ghế, từ 234 (trong tổng số 435 ghế) lên 245 ghế và tại Thượng viện từ 45 trong tổng số 100 ghế lên thành đa số với 52 ghế (Đảng Dân chủ dự kiến mất 8 ghế từ 53 xuống còn 45 ghế, còn 2 ghế thuộc về các Thượng nghị sĩ “độc lập” không đảng phái). Nếu các cuộc thăm dò này là chính xác, thì đây là lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử năm 1929, Đảng Cộng hòa mới giành được thế “thượng phong” về sự cách biệt số ghế so với Đảng Dân chủ.

Điều này có vẻ khá giống khi liên tưởng với “uy tín” của Tổng thống Bush vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ II. Thực trạng “bi thảm” đến mức không có ứng cử viên Hạ viện, Thượng viện hay thống đốc của Đảng Dân chủ nào muốn “mời” Obama “xuất hiện” cùng họ trong các sự kiện gây quỹ hay tranh cử vì không muốn cử tri la ó, biểu hiện giận dữ hay mất điểm. Cách đây 6 năm, sự xuất hiện của Tổng thống Obama là “đặc ân” và có thể giúp ứng cử viên Dân chủ ở thế bấp bênh đảo ngược tình thế, còn nay thì ngược lại. Câu nói lan truyền của họ là” Everyone, but Obama” (ai cũng được, nhưng Obama thì không). Điều ông Obama chỉ có thể làm để giúp Đảng Dân chủ lúc này là vận động “qua loa” (tức lên đài phát thanh) và xuất hiện trên TV!

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, Barack Obama (Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Illinois) đã thắng John McCain (Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona) một cách tuyệt đối cả về phổ thống đầu phiếu (52,9% so với 45,7%) lẫn phiếu Đại cử tri (365 phiếu so với 173 phiếu). Buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Obama tại Washington có tới 1,8 triệu người từ khắp nước Mỹ đổ về và là lễ nhậm chức có đông người tham dự nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sự kiện này được coi là cơ hội chỉ 1 lần trong đời khi nước Mỹ lần đầu tiên có một Tổng thống da màu gốc Phi. Trước đó, trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2006, Đảng Dân chủ đã làm cuộc soán ngôi ngoạn mục khi giành quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện từ tay Đảng Cộng hòa và tiếp tục nắm đa số tại cả 2 viện của Quốc hội khi ông Obama thắng cử Tổng thống năm 2008. Như vậy, trong năm 2008 Đảng Dân chủ kiểm soát cả 3 thiết chế quan trọng của nước Mỹ là Chính quyền, Hạ viện và Thượng viện.

Tuy nhiên, khi quyền lực đã lên đến “đỉnh” thì sẽ không thể duy trì mãi và việc xuống dốc trở nên tất yếu. Năm 2012, Tổng thống Obama vẫn tiếp tục thắng và nắm quyền Tổng thống thêm nhiệm kỳ II trước ứng cử viên Cộng hòa, nguyên Thống đốc bang Massachusetts Mitch Romney. Tuy nhiên, chiến thắng này có phần kém “oanh liệt” hơn cả về phổ thông đầu phiếu (51,1% so với 47,2%) lẫn phiếu Đại cử tri (332 phiếu so với 206 phiếu). Cũng trong năm 2012, Đảng Dân chủ đã “để mất” quyền kiểm soát tại Hạ viện vào tay Đảng Cộng hòa.

Đáng chú ý là bất kỳ chính sách nào của chính quyền Obama đưa ra đều bị các đối thủ Cộng hòa công kích, trở thành chủ đề chế giễu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các chương trình giải trí ăn khách cuối tuần như “Saturday Night Live”, “Late Show with David Letterman” “The Tonight Show”…. Không chỉ bị Đảng Cộng hòa công kích, mà các lãnh tụ cấp cao của Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cũng “quay lưng” lại với Tổng thống. Các vấn đề tranh cử trên phạm vi quốc gia thì rất nhiều, nhưng tựu trung là một số vấn đề sau: các khó khăn kinh tế của nước Mỹ, tình trạng nợ công cao, chính sách y tế Obamacare, cách thức đối phó với Ebola, phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tại sao ông Obama và Đảng Dân chủ lại rơi vào “tình cảnh” này và chỉ trong một thời gian ngắn như vậy? Điều này càng trở nên có phần “khó hiểu” đối với những người nhìn nước Mỹ từ bên ngoài khi thấy người Mỹ “quá khó tính”. Tuy chưa được như kỳ vọng của người Mỹ, nhưng kinh tế Mỹ có sự phục hồi và nhiều tín hiệu tích cực nhất so với nhiều nền kinh tế lớn khác (EU, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và kể cả Trung Quốc) với tốc độ tăng trưởng trong Quý III, 2014 là 3,5% và dự kiến cả năm đạt 2,3%, còn tỷ lệ thất nghiệp thì ở mức thấp nhất trong 6 năm kể từ năm 2008 là 5,9%. Còn trên mặt trận đối ngoại, nước Mỹ đã không quay lại chính sách “biệt lập”, can dự và đóng vai trò quan trọng, nếu không nói là quyết định tại nhiều “đấu trường” khu vực và thế giới như Trung Đông, châu Âu và châu Á.

Có thể thấy 1 số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, đối với phần đông cử tri Mỹ, 6 năm cầm quyền là “đủ” cho một “chu kỳ chính trị”. Và cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ, cách mạng thông tin, toàn cầu hóa thì trong vòng vài chục năm quan “chu kỳ” này càng ngắn lại. Trong tư duy chính trị của người Mỹ, nếu một chính quyền tại vị quá lâu, kể cả khi làm tốt, cũng trở thành “không tốt” vì nó sẽ “giết chết” tính sáng tạo và các ý tưởng mới. Nếu như một chính quyền cụ thể nào đó mà làm càng “dở” thì tâm lý muốn thay đổi nhanh lại càng mạnh mẽ. Ở Mỹ, quy luật tâm lý này không loại trừ bất cứ ai, bất cứ chính quyền nào vì nó không thỏa mãn tâm lý “cả thèm, chóng chán” về chính trị của người Mỹ. Hiện nay chính quyền Obama đang ở vào chu kỳ tâm lý này của người Mỹ.

Thứ hai, kinh tế Mỹ tuy có nhiều mặt tốt, nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng cũng có các “vấn đề” đằng sau các số liệu “màu hồng”:

  • Tỷ lệ thất nghiệp tuy giảm (hiện là 5,9%), nhưng công ăn việc làm được tạo ra lại ở vào khu vực sử dụng nhiều lao động, lương thấp, chứ không phải được tạo ra trong các ngành kinh tế của tương lai như công nghê cao, môi trường, sinh học… Điều này chỉ giúp người Mỹ đủ sống, chứ không giúp họ giàu và nước Mỹ thịnh vượng được;
  • Tuy kinh tế tăng trưởng, nhưng nhìn chung mức tăng thu nhập thực tế của người Mỹ dưới chính quyền Obama lại giảm đi! Báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gần đây cho rằng thu nhập thực tế của người Mỹ (sau khi trừ lạm phát) trong 6 năm cầm quyền của Tổng thống Obama lại có mức giảm kỷ lục là 12%, và đây mới là thước thực phản ánh thái độ của cử tri Mỹ đối với chính quyền;
  • Nợ công của nước Mỹ dưới thời chính quyền obama lại “tăng trưởng ấn tượng” nhất cả về tốc độ “tăng trưởng” lẫn con số tuyệt đối so với bất kỳ chính quyền nào của Mỹ kể sau Thế chiến II đến nay và hiện đã ở mức xấp xỉ GDP của nước Mỹ (gần 17.000 tỷ USD). Điều này không chỉ đe dọa sự an toàn tài chính quốc gia của nước Mỹ, mà còn cản trở đến tương lai kinh tế Mỹ;
  • Chính sách y tế Obamacare với thiện ý tốt là giúp người nghèo Mỹ có được bảo hiểm y tế để trang trải các chi phí y tế ngày càng trở nên đắt đỏ. Điều này là tốt đối với các cá nhân và gia đình người Mỹ có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia thì nó lại nảy sinh nhiều vấn đề. Trước hết, việc “bao” bảo hiêm y tế (healthcare coverage) trên diện rộng khiến số tiến mà ngân sách liên bang và bang dành để chi trả bảo hiểm y tế rất lớn, và làm mất cân bằng ngân sách. Hiện số tiền mà người Mỹ chi trả bảo hiểm và tiền thuốc tăng trung bình khoảng 3 lần trong 6 năm qua, khiến ngay cả người trung lưu, có thu nhập cũng phải tăng thêm tiền đóng bảo hiểm (premium coverage) và kèm theo đó cũng là tăng nỗi bất bình. Điều này không chỉ đe dọa tính an toàn của hệ thống bảo hiểm y tế Mỹ, chế độ phúc lợi xã hội, mà còn làm cho chất lượng và dịch vụ y tế xuống thấp, và suy cho cùng thì cả người được hưởng “miễn phí” lẫn cả quốc gia đều bị “thiệt thòi”.

Thứ ba, sự kiện bệnh nhận Ebola đầu tiên của nước Mỹ trong đợt dịch bùng phát hiện nay là Thomas Eric Duncan bị nhiễm bệnh nhưng lại không được chẩn đoán và chữa trị đúng cách, rồi còn để lây nhiễm sang cô y tá gốc Việt Nina Pham (vừa khỏi bệnh và được Tổng thống Obama đón tiếp tại Nhà trắng như một “anh hùng”) cho thấy những lỗ hổng trầm trọng của ngành y tế Mỹ. Các phát biểu đầy mâu thuẫn của những người có trách nhiệm trong ngành y tế Mỹ, rồi nhận xét của các chuyên gia, thậm chí cả các chính tri gia cũng lao vào cuộc… khiến người Mỹ rối bời, không biết đâu mà lần. Điều quan trọng là qua đó người Mỹ mới thấy được các lỗ hổng trong ngành y tế, sự chưa sẵn sàng của nước Mỹ trong việc chống lại các “đại dịch” của thế kỷ XXI. Trong điều kiện bình thường, đây là vấn đề mà các chuyên gia y tế Mỹ và hệ thống các cơ quan công quyền của Mỹ có thể phối hợp và có thể xử lý tốt. Tuy nhiên, trong năm bầu cử thì câu chuyện lại rẽ sang hướng khác, tất các các sai lầm đều được mổ sẻ kỹ lưỡng, để rổi tất cả mọi chuyện đều “hướng đến” khả năng lãnh đạo và bao quát vấn đề của Tổng thống và chính quyền Obama!

Thứ tư, nếu người Mỹ đã không yên tâm trên mặt trận đối nội, thì trên mặt trận đối ngoại nơi “chuyên môn” của lãnh đạo Mỹ ít với tới lại càng làm cho họ thêm lo ngại. Chỉ mới cách đây chưa đầy 3 tháng, Tổng thống Obama lên trả lời trên truyền hình nói nước Mỹ và chính quyền của ông chưa có chiến lược đối phó với IS, thì chỉ sau đó 3 tuần, nước Mỹ đã “vội vã” lập một mặt trận quốc tế rộng rãi để chống lại một trong những phong trào khủng bổ Hồi giáo cực đoan hùng mạnh nhất cả về nguồn lực tài chính, lẫn quy mô, phương cách hoạt động. Không chỉ có IS, nước Mỹ cũng đang “căng mình” đối phó với một loạt các thách thức an ninh, đối ngoại tại nhiều khu vực khác nhau nữa.

Nêu các vấn đề trên nghe thì thấy có vẻ nghiêm trọng. Nhưng thực tế cho thấy, là một cường quốc toàn cầu và sống trong một thế giới ngày càng trở nên hỗn mang và phức tạp, các vấn đề mà nước Mỹ phải đối phó dưới bất kỳ thời nào, bất kỳ chính quyền nào cũng chưa bao giờ là “nhẹ nhàng” cả. Tuy nhiên, trong năm bầu cử, nó giúp cho cử tri Mỹ, cho người Mỹ thấy được thấu đáo hơn các vấn đề họ đang gặp phải, thấy được rằng bên cạnh các giải pháp mà chính quyền Mỹ đang làm để “sửa chữa” lại nước Mỹ thì vẫn còn có các giải pháp khác, các lựa chọn khác tốt hơn. Nó cũng cho thấy chính các cử tri Mỹ sẽ là người lựa chọn tương lai nào cho nước Mỹ thông qua sức mạnh của lá phiếu trong ngày 4/11/2014.

TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết tổng hợp những phân tích đăng lần đầu trên trang Facebook của tác giả, thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]