Bước Đại Thụt lùi của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

download

 Tác giả: Xia Yeliang | Biên dịch: Nguyễn Chi  Lan

Trong tuần này, các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tham dự phiên họp toàn thể với trọng tâm về vấn đề nền pháp quyền. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, một số nhóm trên WeChat (mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc) đã thông tin về việc bắt giữ gần 50 nhà hoạt động người Trung Quốc vì đã ủng hộ các cuộc biểu tình tại Hong Kong. Một số nhóm khác thì thông báo về việc một lệnh cấm chính thức đã được đưa ra nhằm vào việc xuất bản hoặc bán các sách có tác giả là người ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong, hay ủng hộ hoạt động nhân quyền và vấn đề pháp quyền. Điều này đã gây nghi ngờ nghiêm trọng đối với lòng tin vào sự cam kết của chính phủ về mục tiêu đổi mới chính trị.

Trong số các tác giả bị cấm có nhà kinh tế học Mao Vu Thức (Mao Yushi), người từng nhận giải thưởng Milton Friedman về Thúc đẩy Tự do năm 2012. Đây không phải là lần đầu tiên các sách của Mao bị cấm. Vào năm 2003, tác phẩm của ông đã bị cấm sau khi ông ký vào một đơn thỉnh nguyện kêu gọi chính phủ miễn tội cho các sinh viên biểu tình của phong trào dân chủ vốn dẫn tới Cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989.

Trung Quốc thường thậm chí còn không công bố một lệnh kiểm duyệt chính thức nào; một cuộc gọi “nặc danh” cho nhà xuất bản và được hiểu là từ một cơ quan chính phủ là đủ. Hai bài báo trong một trong những cuốn sách của chính tôi cũng đã bị xóa mà không có một lời giải thích chính thức nào, và từ ngữ, câu cú, thậm chí cả các đoạn văn cũng thường xuyên bị xóa khỏi các bài viết và bình luận của tôi trên báo chí.

Một tác giả đáng kính khác, ông Dư Anh Thời (Yu Ying-shih) 84 tuổi, cũng bị đặt trong tầm ngắm vì đã ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Yu, người từng giảng dạy tại hàng loạt các trường đại học Mỹ thuộc nhóm Ivy League, đã viết rất nhiều tác phẩm chỉ trích ĐCSTQ trong suốt hơn năm thập kỉ qua.

Trong các cuốn sách của mình, Dư phê bình nền văn hóa truyền thống và triết học cổ điển của Trung Quốc và thúc đẩy những giá trị toàn cầu dựa trên truyền thống tri thức phương Tây. Mặc dù các cuốn sách đó không có bất cứ đề cập trực tiếp nào đến những vấn đề chính trị đương thời, chính quyền Trung Quốc vẫn xem chúng như những lời công kích sự lãnh đạo của ĐCSTQ và do đó gây tổn hại đến ổn định xã hội.

Tiếp theo còn có Trương Thiên Phàm (Zhang Qianfan), một học giả cẩn trọng và kỹ lưỡng, người đã từng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Luật Hiến pháp Trung Quốc. Cách tiếp cận ôn hòa của Trương đối với các phân tích chính trị (trong suốt thời gian chúng tôi là đồng nghiệp tại Đại học Bắc Kinh, Trương từng phê bình một vài quan điểm của tôi là xúc phạm quá mức đến chính quyền hiện nay) khiến việc ông trở thành một mục tiêu của chính quyền trở nên bất ngờ.

Trương phản đối việc rất nhiều nhân vật đồng trang lứa (bao gồm cả tôi) quyết định ủng hộ các cuộc biểu tình tại Hong Kong vì lo sợ rằng chính quyền sẽ dùng đến biện pháp đàn áp vũ lực như hồi năm 1989. Điều này chứng tỏ rằng việc cấm các tác phẩm của Trương có vẻ như xuất phát từ tác động của các công trình nghiên cứu hiến pháp của ông hơn là từ việc ông nhìn nhận thế nào về các cuộc biểu tình.

Ít gây ngạc nhiên hơn là việc bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Quách Ngọc Thiểm (Guo Yushan) gần đây, người có liên quan tới nhiều vấn đề được coi là “nhạy cảm” trong vòng một thập kỷ qua. Ví dụ như vào năm 2012, ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ nhà hoạt động khiếm thị nổi tiếng thế giới Trần Quang Thành(Chen Quangcheng) bỏ trốn khi đang bị quản thúc tại gia – gây nên một sự mất mặt trước toàn thế giới cho (chính quyền) Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm bắt giữ Guo lại ở ngay trước thềm phiên họp toàn thể tháng này, cho thấy sự thiếu trung thực của ĐCSTQ khi nhắc đến vấn đề pháp quyền.

Sự đối xử đối với các nhân vật bất đồng chính quyền Trung Quốc, cả ở trong và ngoài nước, là rất khủng khiếp. Họ có thể bị bỏ tù vì bị cho là phạm tội, hay bị cấm thăm viếng thân nhân ở Trung Quốc – có khi trong suốt hai hay ba thập niên.

Đây không chỉ là số phận của những nhân vật lên tiếng phản đối ĐCSTQ. Các học giả và nhà nghiên cứu – từ Perry Link, nguyên giáo sư Đại học Princeton và Andrew Nathan, giáo sư Đại học Columbia, đến Lý Giang Lâm (Li Jianglin), một nhà văn và nhà sử học chuyên về lịch sử Tây Tạng đương đại – và thậm chí là cả các doanh nhân, đã bị cấm quay trở lại Trung Quốc. Chỉ cần đồng cảm với những phong trào nhân quyền tại Trung Quốc hay bày tỏ một quan điểm trái ý với ĐCSTQ là người ta đã bị từ chối hoặc hủy visa.

Công dân Trung Quốc đáng ra phải được tự do ra vào tổ quốc của họ, bất chấp quan điểm chính trị của họ ra sao. Tước bỏ quyền này mà không hề có có một căn cứ pháp lý nào là một sự vi phạm trắng trợn các quy ước quốc tế hiện đại.

Chiến dịch chống tham nhũng vô tiền khoáng hậu của Chủ tịch Tập Cận Bình đáng ra sẽ là một dấu hiệu cho sự thay đổi hướng đến một hệ thống minh bạch hơn dựa trên nền pháp quyền. Nhưng thực tế là các quan chức bị thanh trừng cho đến lúc này đều là những đối thủ chính trị của Tập, và toàn bộ chiến dịch chỉ là để củng cố quyền lực cho Tập.

Sự lừa dối này còn thể hiện ở việc đàn áp quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội và di chuyển vốn đang dần lộ rõ ở Trung Quốc. Tập có vẻ như đang kéo nền chính trị Trung Quốc thụt lùi lại đằng sau, kể cả khi ông đang tìm cách để thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tiến lên.

Xia Yeliang (Hạ Nghiệp Lương) nguyên là giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, và hiện là nghiên cứu viên khách mời tại Cato Institute.

Biên tập: Bùi Thu Thảo | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate