An ninh tập thể (Collective security)

Print Friendly, PDF & Email

Sotay

Tác giả: Hoàng Cẩm Thanh

Khái niệm an ninh tập thể (collective security) nổi lên sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914 khi chứng kiến nỗi kinh hoàng của chiến tranh và phản ứng trước sự yếu kém của chính sách cân bằng quyền lực và cơ chế tự cứu (self-help) của các quốc gia Châu Âu – được xem là nguyên nhân gây nên Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tổng thống Woodrow Wilson, một người theo trường phái tự do cổ điển, chủ trương thay đổi hệ thống quốc tế đang vận hành theo cơ chế cân bằng quyền lực sang cơ chế an ninh tập thể thông qua Tuyên bố 14 điểm của ông và “Hội Quốc Liên” là sản phẩm từ tư tưởng này.

Nền tảng cơ bản của an ninh tập thể là việc thông qua một thể chế trong đó các nước tham gia sẽ cùng cam kết chống lại bất kì quốc gia nào thách thức đe doạ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác. Đây là nội dung chính trong Thoả ước thành lập Hội Quốc Liên (điều 10 đến điều 16).

Tuy nhiên, ý tưởng an ninh là trách nhiệm của “tập thể” đã xuất hiện lâu đời, từ thời kì các quốc gia thành bang của Hy Lạp cổ đại; ở Trung Quốc thế kỷ thứ VI, thứ VII trước Công nguyên hay trong các tác phẩm cổ điển phương Tây thế kỷ XVI, XVII mà điển hình là Immanuel Kant (1724-1804). Kant cho rằng thông qua việc thành lập một liên bang (hay liên minh) bao gồm các quốc gia trên thế giới, các nước lớn sẽ liên kết để có thể trừng phạt bất cứ quốc gia nào có ý định gây hấn với các nước khác. Liên minh này có khả năng đảm bảo lợi ích tập thể của tất cả các quốc gia để cùng chống lại lợi ích “cá nhân” của một quốc gia nào đó mưu toan tư lợi từ hành động gây hấn trên. Đồng thời liên minh sẽ đóng vai trò bảo vệ quyền tự quyết của các nước nhỏ – đối tượng có nguy cơ trở thành quân tốt trong trò chơi của các nước lớn.

Nội dung cơ bản của một hệ thống an ninh tập thể dựa trên ba yếu tố. Thứ nhất, hành động xâm lược và các cuộc chiến xâm lược bị xem là bất hợp pháp. Thứ hai, các nước thông qua thành lập một liên minh nhằm răn đe hành động xâm lược. Và thứ ba, tất cả các nước sẽ thống nhất trừng phạt nước phạm tội xâm lược nếu như việc răn đe thất bại và xâm lược xảy ra. Thông qua thiết lập cơ chế pháp lý ngăn chặn và kiềm chế hành động xâm lược của quốc gia này đối với quốc gia khác, các biện pháp răn đe những kẻ gân hấn sẽ được tiến hành như tẩy chay ngoại giao, áp dụng lệnh trừng phạt và thậm chí sử dụng vũ lực. Điều này bắt nguồn từ lập luận rằng không một quốc gia nào mạnh đến mức vượt qua được sức mạnh vượt trội của liên minh của tất cả các quốc gia còn lại.

Với lý tưởng tốt đẹp như vậy, an ninh tập thể nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Các quốc gia khó mà từ chối tham gia một tổ chức như vậy bởi lẽ họ đều có nguy cơ bị xâm lược và an ninh tập thể đưa ra cam kết bảo vệ an ninh cho tất cả các quốc gia bất kể lớn nhỏ. Đồng thời, an ninh tập thể cũng tạo nên trật tự ổn định trong quan hệ quốc tế khi đưa ra ý tưởng rõ ràng là cùng chia sẻ trách nhiệm trước các vấn đề xung đột, đặc biệt là xung đột có nguy cơ dẫn đến bạo lực hay sử dụng biện pháp quân sự đe doạ chủ quyền quốc gia.

Cơ chế an ninh tập thể có các hình thức sau: Thứ nhất, an ninh tập thể lý tưởng có sự tham gia của tất cả các nước thông qua thoả thuận thiết lập cơ chế pháp lý nhằm trừng phạt hành động xâm lược hoặc chiến tranh. Theo Inis Claude, hệ thống an ninh tập thể này dựa trên việc quyết định công khai giữa tất cả các quốc gia thông qua áp dụng các công cụ cần thiết như ngoại giao, kinh tế và quân sự để chống lại hành động xâm lược. Như vậy, an ninh tập thể lý tưởng đảm bảo ngay cả quốc gia mạnh nhất cũng không thể đe doạ đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác thông qua hệ thống pháp lý chung và bất cứ thành viên nào cũng sẽ bị trừng phạt nếu như phạm luật.

Hình thức thứ hai thì ngược lại, hệ thống này cũng dựa trên ý tưởng an ninh tập thể như trên nhưng không phải tất cả các quốc gia thành viên đều cùng tham gia mà dựa trên sự thoả thuận giữa các cường quốc để duy trì ổn định và thi hành các luật lệ phục vụ lợi ích của những nước này. Thông qua các thể chế chính trị, các cường quốc duy trì an ninh quốc tế, đồng thời, bảo vệ lợi ích của họ. Do đó, hình thức này nhấn mạnh đến tính thứ bậc giữa các thành viên và dễ dẫn đến xung đột giữa các nước lớn và các thành viên còn lại. Chẳng hạn như nếu các nước lớn chỉ chú trọng phối hợp hành động với nhau mà xem nhẹ các nước thành viên khác, thì sẽ dẫn đến nguy cơ tan vỡ của cơ chế đang tồn tại, ngược lại nếu tất cả các thành viên đều mong muốn hành động như hệ thống an ninh lý tưởng lại giới hạn khả năng hoạt động của các nước lớn trong việc đảm bảo an ninh quốc tế.

Tuy nhiên, an ninh tập thể cũng có nhiều điểm bất cập và gây tranh cãi. Nếu chúng ta xem an ninh tập thể thật sự là khái niệm phổ quát thì vẫn xảy ra bất bình đẳng giữa các thành viên tham gia cơ chế an ninh, thể hiện rõ nhất ở chỗ quyền lợi và sức mạnh của các nước lớn, các cường quốc khó mà đánh đồng với các nước nhỏ hơn. Trong bối cảnh đó, an ninh tập thể không thể phát huy hết hiệu quả bởi khi tất cả cùng chia sẻ ý tưởng rằng hoà bình là không thể chia cắt, không thể bị phá vỡ thì việc ngăn chặn hay trừng phạt hành động gây hấn hay xâm lược của bất kỳ một quốc gia nào đối với một quốc gia khác cũng cần được xem như là trách nhiệm chung của tất cả các nước bất chấp các yếu tố khác như địa lý, lợi ích quốc gia hay bản chất của hành động ấy.

Ví dụ năm 1935 Ý tấn công Ethiopia bất chấp Hội Quốc Liên, và những biện pháp của Hội Quốc Liên đưa ra chỉ mang tính chiếu lệ, không đủ sức răn đe do các thành viên Hội Quốc Liên có lợi ích khác nhau và không thể thống nhất được biện pháp nhằm ngăn chặn và trừng phạt hành động xâm lược của Ý. Kết cục đây là một trong những sự kiện gây nên Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ngoài ra, nếu một xung đột xảy ra giữa hai quốc gia không tham gia hệ thống hoặc trong nội bộ các quốc gia diễn ra các cuộc nội chiến, xung đột nội bộ thì cơ chế an ninh tập thể cũng khó có thể đưa ra giải pháp thích hợp.

Ngày nay, khái niệm an ninh tập thể thường bị nhầm lẫn với thuật ngữ “phòng vệ tập thể”. Mục đích của hệ thống an ninh tập thể là duy trì hoà bình giữa tất cả thành viên trong hệ thống chứ không phải giữa một hệ thống với một chủ thể bên ngoài. Ví dụ như, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phải là hệ thống an ninh tập thể, đây là tổ chức phòng vệ tập thể. Sau thời kì Chiến tranh Lạnh, các nhà nghiên cứu nghiêng về sử dụng thuật ngữ “an ninh hợp tác” hay “phòng vệ tập thể”. Những khái niệm này nhìn chung có ý tưởng khá giống với an ninh tập thể nhưng nhấn mạnh đến hành động hợp tác tập thể thông qua các cơ chế khu vực nhiều hơn.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, 2018.