Găng tay lụa cho nắm đấm sắt của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

china-silk-road

Ngun: Brahma Chellaney, “A Silk Glove for China’s Iron Fist,” Project Syndicate, 04/3/2015.

Biên dch: Lê Công Anh | Hiu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tìm cách bao vây Nam Á bằng một “Chuỗi ngọc trai”: một mạng lưới cảng biển nối liền bờ biển phía Đông của Trung Quốc với Trung Đông nhằm tăng cường ảnh hưởng chiến lược và khả năng tiếp cận biển của nước này. Không ngạc nhiên khi Ấn Độ cũng như các quốc gia khác đều rất quan tâm đến tiến trình này.

Tuy nhiên, giờ đây Trung Quốc đang cố gắng che giấu chiến lược của mình, tuyên bố rằng họ muốn tạo ra một Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21 nhằm thúc đẩy trao đổi văn hóa và thương mại. Nhưng lối nói hoa mỹ cũng khó có thể xoa dịu những lo ngại ở châu Á và xa hơn nữa là che giấu mục tiêu chiến lược của Trung Quốc nhằm thống trị khu vực.

Mối lo ngại đó là hoàn toàn có cơ sở. Nói đơn giản, sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển được thiết kế với mục đích biến Trung Quốc thành trung tâm của một trật tự mới ở châu Á và khu vực Ấn Độ Dương. Quả thật, bằng cách thiết lập sự khống chế dọc theo các huyết mạch thương mại trọng yếu, cũng như kích động các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển với một số nước láng giềng, Trung Quốc đang cố gắng vẽ lại bản đồ địa chính trị của châu Á.

Khía cạnh chiến lược của Con đường tơ lụa trên biển được nhấn mạnh bởi thực tế là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc luôn dẫn đầu cuộc tranh luận về sáng kiến này. Thiếu tướng Kỷ Minh Quỳ (Ji Mingkui) ở Đại học Quốc phòng Trung Quốc lập luận rằng sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển có thể giúp Trung Quốc xây dựng một “hình ảnh mới” và “giành được ảnh hưởng,” đặc biệt là khi chính sách “xoay trục” sang Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ đang “mất đà.”

Tuy vậy, các chuyên gia của Quân đội Trung Quốc vẫn kiên quyết phủ nhận mối liên quan giữa sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển với “Chuỗi ngọc trai” ở Nam Á. Thay vào đó, họ so sánh Con đường tơ lụa trên biển với các cuộc thám hiểm trong thế kỷ thứ 15 của Đô đốc hải quân Trung Quốc Trịnh Hòa (Zheng He), người đã chỉ huy một đoàn tàu chở kho báu đến châu Phi. Theo Thượng tướng Tôn Tư Kính (Sun Sijing), Ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Trịnh Hòa đã sử dụng Con đường tơ lụa cổ đại mà không hề chiếm “một tấc đất” hay cố gắng giành “bá quyền hàng hải” (dù lịch sử đã chứng minh rằng ông ta đã sử dụng lực lượng quân sự – ví dụ như hành quyết các nhà cầm quyền địa phương – để kiểm soát các điểm huyết mạch hàng hải).

Trên thực tế, hầu như không thể phân biệt Con đường tơ lụa trên biển với “Chuỗi ngọc trai” ở Nam Á. Dù Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật bề ngoài có vẻ yên bình để thúc đẩy sáng kiến​ đó, nhưng mục tiêu chính của nó không phải là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi; mà là nhằm giành thế ưu trội về mặt chiến lược. Thật vậy, Con đường tơ lụa trên biển là một phần không thể thiếu trong tham vọng “Giấc mơ Trung Quốc” của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm phục hồi vị thế và danh tiếng của Trung Quốc trước đây.

Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời Tập Cận Bình, đã thường xuyên sử dụng các khoản viện trợ, đầu tư, và các đòn bẩy kinh tế khác để buộc các nước láng giềng ngày càng phụ thuộc về mặt kinh tế cũng như tăng cường hợp tác an ninh với nó. Việc Tập Cận Bình sử dụng Quỹ Con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ đô la Mỹ cũng như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) mới do Trung Quốc khởi xướng nhằm phát triển Con đường tơ lụa trên biển đã phản ánh cách tiếp cận này của Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các cảng, đường sắt, đường cao tốc, và đường ống dẫn dầu ở các quốc gia ven biển trong khu vực, không chỉ để tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu tài nguyên khoáng sản cũng như xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Trung Quốc, mà còn để thúc đẩy các mục tiêu quân sự chiến lược của nước này. Ví dụ, Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la Mỹ với Pakistan để phát triển cảng Gwadar do vị trí chiến lược của nó tại cửa eo biển Hormuz, điều này không đơn thuần chỉ để mở rộng tiềm năng thương mại vốn hạn chế của cảng.

Mùa thu năm ngoái, các tàu ngầm tấn công của Trung Quốc đã hai lần neo đậu tại cảng container mới mở trị giá 500 triệu đô la Mỹ của Sri Lanka – Cảng Colombo – được xây dựng bởi và phần lớn thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đang bắt tay vào thực hiện một dự án trị giá 1,4 tỷ đô la Mỹ để xây dựng một khu phức hợp trải rộng xấp xỉ kích thước của Công quốc Monaco (khoảng 2 km2 – NHĐ) trên vùng đất vỡ hoang ở Colombo – “thành phố cảng” sẽ trở thành một điểm dừng quan trọng trên “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.

Chu Ba (Zhou Bo), nghiên cứu viên danh dự tại Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, thừa nhận rằng các siêu dự án của Trung Quốc “sẽ thay đổi một cách cơ bản cảnh quan chính trị và kinh tế của Ấn Độ Dương,” trong khi mô tả Trung Quốc như một cường quốc “mạnh mẽ nhưng ôn hòa” (“strong yet benign”). Điều này là rất quan trọng, vì trật tự châu Á mới sẽ ít được định hình hơn bởi các diễn biến tại Đông Á, nơi Nhật Bản nhất định sẽ cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc, so với các sự kiện xảy ra tại Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc đang dần đập tan sự thống trị lâu đời của Ấn Độ.

Ấn Độ chắc chắn rất lo ngại trước hành động của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang bước những bước đi đủ thận trọng để có thể tiếp tục tiến đến các mục tiêu của mình mà không làm con mồi nó đang ngắm đến hoảng sợ. Học giả người Mỹ John Garver đã miêu tả điều này chính xác nhất bằng cách sử dụng một câu truyện ngụ ngôn của Trung Quốc: “Có một con ếch ở trong một cái nồi chứa nước ấm, nó cảm thấy khá thoải mái và an toàn. Nó không hề biết rằng nhiệt độ của nước đang từ từ tăng lên cho đến khi, cuối cùng, nó chết và bị luộc chín.”

Từ cách nhìn này, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã mời Ấn Độ cùng tham gia sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển. Mục đích của hành động này không chỉ là giúp Trung Quốc trấn an người hàng xóm đang ngờ vực mình, mà còn làm chậm sự phát triển của mối quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ với Mỹ và Nhật Bản.

Các kế hoạch của Trung Quốc hướng đến Con đường tơ lụa trên biển kết hợp các mục tiêu kinh tế, ngoại giao, năng lượng, và an ninh để nỗ lực tạo ra một mạng lưới rộng lớn bao gồm các cơ sở hạ tầng kết nối với nhau nhằm thúc đẩy thương mại, can thiệp chiến lược thông qua viện trợ, và cho phép lực lượng tàu ngầm ngày càng mạnh và tích cực của Trung Quốc đóng một vai trò rộng lớn hơn. Trong quá trình này, Trung Quốc đặt mục tiêu định hình một trật tự châu Á mới không phải dựa trên việc cân bằng quyền lực với Mỹ, mà là dựa trên bá quyền của riêng nó. Chỉ có một liên minh giữa các nền dân chủ mới có thể ngăn chặn được chiến lược này.

Brahma Chellaney là Giáo sư ngành Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở đặt tại New Delhi, tác giả của các cuốn sách Asian Juggernaut Water: Asia’s New BattlegroundWater, Peace and War: Confronting the Global Water Crisis.