Nhà nước Hồi giáo tái định hình khu vực Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

iraq-crisis-western-elites.si

Nguồn: George Friedman, “The Islamic State Reshapes the Middle East”, Stratfor, 25/11/2014.

Biên dịch: Lê Hoàng Giang | Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Những cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đã không thể đạt được một sự đồng thuận, nhưng hạn chót để ký kết một thỏa thuận đã được kéo dài mà không gặp trở ngại nào. Điều mà một năm trước có thể trở thành một cuộc khủng hoảng lớn với đầy rẫy đe dọa và căng thẳng thì giờ đây đã được giải quyết mà không có kịch tính hay khó khăn gì. Phản ứng chưa từng thấy trước một thất bại nữa trong đàm phán đã đánh dấu một sự chuyển biến trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran, một bước chuyển biến muốn hiểu được thì trước tiên phải xem xét những chuyển biến địa chính trị to lớn đã diễn ra tại Trung Đông, và xác định lại tính cấp thiết của vấn đề hạt nhân.

Những chuyển biến này bắt nguồn từ sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS). Về mặt tư tưởng, không có nhiều điểm khác nhau giữa Nhà nước Hồi giáo với những phong trào thánh chiến[1] Hồi giáo cực đoan khác. Nhưng xét đến sự hiện diện về địa lý thì Nhà nước Hồi giáo khác biệt hoàn toàn với những nhóm phái còn lại. Trong khi al-Qaeda có thể từ lâu đã mong muốn chiếm lĩnh và kiểm soát một quốc gia-dân tộc lớn, nhưng đó vẫn chỉ là một tổ chức khủng bố phân tán nhỏ lẻ, dù nó thực sự có ảnh hưởng rộng. Tổ chức này không hề nắm giữ vĩnh viễn một vùng lãnh thổ đáng kể nào; nó chỉ là một phong trào chứ không phải một vị trí địa lý.

Nhưng Nhà nước Hồi giáo, đúng như tên gọi của mình, thì lại khác. Tổ chức này tự coi mình là hạt nhân để từ đó một nhà nước Hồi giáo xuyên quốc gia vươn lên, và đã tự gây dựng mình thành một thực thể địa lý tại Syria và Iraq. Tổ chức này kiểm soát một khu vực được xác định tương đối ở hai nước này, và có lực lượng vũ trang được tổ chức gần giống một quân đội thông thường, được xây dựng nhằm phòng vệ và mở rộng sự kiểm soát của nhà nước. Cho đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, thì Nhà nước Hồi giáo vẫn giữ đặc tính đó. Dù rõ ràng đã dành một phần lớn nguồn lực của mình vào lối đánh du kích và duy trì một bộ máy khủng bố lớn ở quy mô khu vực, tổ chức này vẫn là một yếu tố mà khu vực này chưa từng chứng kiến – một phong trào chủ nghĩa Hồi giáo[2] hành xử như một quốc gia khu vực.

Sự tồn vong của Nhà nước Hồi giáo chưa có câu trả lời rõ ràng. Tổ chức này đang hứng chịu nhiều đợt không kích từ Mỹ, và chính Mỹ đang cố gắng xây dựng một lực lượng liên quân nhằm tấn công và đánh bại Nhà nước Hồi giáo. Cũng chưa thể biết rõ liệu tổ chức này có thể mở rộng nữa hay không. Nhà nước Hồi giáo có vẻ đã đạt đến giới hạn của mình tại vùng người Kurd sinh sống, và quân đội Iraq (vốn từng bị đánh bại nặng nề trong giai đoạn đầu của quá trình trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo) đang dần cho thấy khả năng có thể tiến hành phản công.

Mối đe dọa mới về lãnh thổ

Nhà nước Hồi giáo đã tạo ra một cơn lốc xoáy cuốn theo các cường quốc khu vực và toàn cầu, buộc các quốc gia này xác định lại cách thức hành xử. Sự hiện diện của tổ chức này vừa lạ thường, vừa khó có thể lờ đi bởi nó là một thực thể địa lý. Kết quả là các quốc gia đã buộc phải điều chỉnh lại những chính sách và quan hệ lẫn nhau. Chúng ta thấy được điều này trong trường hợp Syria và Iraq. Damascus và Baghdad không phải là những bên duy nhất phải đương đầu với Nhà nước Hồi giáo; các cường quốc khu vực khác – chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Arab Saudi – cũng cần tái cân nhắc các lập trường của mình.

Một tổ chức khủng bố có thể gây nhiều thiệt hại và bất ổn, nhưng nó chỉ có thể tồn tại được bằng cách duy trì hoạt động phân tán. Nhà nước Hồi giáo là một tổ chức khủng bố, nhưng đồng thời cũng là một lực lượng tập trung có tiềm năng mở rộng lãnh thổ của mình. Hành xử của tổ chức này mang tính địa chính trị, và chừng nào còn tồn tại thì nó vẫn còn mang lại thách thức về địa chính trị.

Bên trong Syria và Iraq, Nhà nước Hồi giáo mang những đặc điểm của cộng đồng người dân Arab theo Hồi giáo dòng Sunni. Tổ chức này đã áp đặt sự cai trị tại những vùng ở Iraq có người Arab theo dòng Sunni, và cho dù người Sunni có kháng lại quyền lực của Nhà nước Hồi giáo, thì sự chống đối lại bất cứ một nhà nước mới nổi lên nào như vậy là lẽ dĩ nhiên. Cho đến giờ Nhà nước Hồi giáo đã đối phó được với sự chống đối này. Nhưng tổ chức này cũng đã gây căng thẳng lên ranh giới khu vực giữa người Kurd và người Hồi giáo dòng Shiite, và đã cố gắng tạo dựng liên kết địa lý với những lực lượng của mình ở Syria, khiến động lực nội bộ của Iraq thay đổi đáng kể.

Tại nơi trước đây người Sunni còn yếu ớt và rải rác, giờ Nhà nước Hồi giáo đã trở thành một lực lượng lớn mạnh trong khu vực phía bắc và tây Baghdad, đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng cho việc sản xuất dầu tại khu vực của người Kurd và việc quản trị Iraq. Tổ chức này còn có ảnh hưởng phức tạp hơn ở Syria, khi nó đã làm suy yếu những tổ chức chống đối chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, từ đó củng cố thêm vị trí của al-Assad, đồng thời tăng thêm quyền lực cho chính mình. Động lực này minh họa cho sự phức tạp địa chính trị đến từ sự hiện diện của Nhà nước Hồi giáo.

Đương đầu thông qua một Liên minh

Hoa Kỳ đã rút quân khỏi Iraq với hy vọng rằng kể cả nếu Baghdad không thể quản lý lãnh thổ của mình với một thẩm quyền chắc chắn thì vẫn sẽ tạo được thế cân bằng quyền lực ở Iraq mà ở đó, quyền tự trị ở những mức độ khác nhau được đảm bảo, dù là chính thức hay không chính thức. Đó là một mục tiêu mơ hồ, song không phải là không thể đạt được.  Nhưng sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo đã đập tan thế cân bằng ở Iraq, và những điểm yếu ban đầu bị bộc lộ khi các lực lượng Iraq và người Kurd đối đầu với các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo đã buộc Hoa Kỳ phải cân nhắc khả năng tổ chức này sẽ chiếm lĩnh được những vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria. Tình hình này đặt ra một thách thức mà Hoa Kỳ không thể né tránh, cũng khó có thể tham gia hoàn toàn. Giải pháp của Washington là đưa máy bay chiến đấu và lực lượng trên bộ ở mức tối thiểu tới tấn công Nhà nước Hồi giáo, cùng lúc đó nỗ lực xây dựng một liên minh khu vực có thể sẵn sàng hành động.

Hiện nay, then chốt của liên minh này chính là Thổ Nhĩ kỳ. Ankara đã trở thành một thế lực lớn trong vùng. Quốc gia này có nền kinh tế và quân đội lớn nhất trong cả khu vực, và cũng là nước dễ bị tổn thương nhất trước những sự kiện đang diễn ra ở Syria và Iraq, nơi Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ đường biên giới phía nam. Chiến lược của Ankara dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là tránh xung đột với những nước láng giềng, một chiến lược cho đến nay đã chứng minh được tính hiệu quả.

Giờ đây, Hoa Kỳ muốn Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp lực lượng – cụ thể là các đơn vị bộ binh – để chống lại Nhà nước Hồi giáo. Ankara có lợi ích trong việc đó, vì nguồn dầu mỏ của Iraq sẽ giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nước này cũng muốn ngăn không cho cuộc xung đột tràn vào lãnh thổ của họ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nỗ lực hết mình nhằm giữ cho cuộc xung đột ở Syria nằm ở ngoài biên giới và hạn chế can dự trực tiếp vào cuộc nội chiến. Ankara cũng không muốn Nhà nước Hồi giáo gây áp lực lên những người Kurd ở Iraq, vì có thể sẽ dần lan sang những người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong một tình huống khó khăn. Nếu họ can thiệp chống lại Nhà nước Hồi giáo cùng với Hoa Kỳ, quân đội của họ sẽ phải đối diện với một thử thách chưa từng có từ thời Chiến tranh Triều Tiên, và khả năng chiến đấu của lực lượng quân đội này còn chưa rõ ràng. Rủi ro là có thực, còn chiến thắng thì không thể đảm bảo. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lại đảm nhận vai trò giống như thời Đế quốc Ottoman trong thế giới Arab, nghĩa là cố gắng định hình chính trị Arab theo cách mà họ mong muốn. Hoa Kỳ đã không làm tốt điều này ở Iraq, và không có gì đảm bảo rằng Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể thành công. Trên thực tế, Ankara có thể sẽ bị lôi vào một cuộc xung đột với các quốc gia Arab mà họ sẽ không thể rút khỏi êm đẹp như Wasington đã từng làm trước đây.

Cùng lúc đó, những bất ổn ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ và sự trỗi dậy của một thế lực địa lý mới tại Syria và Iraq đặt ra những mối đe dọa cơ bản đối với Ankara. Có những tuyên bố cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ bí mật hỗ trợ Nhà nước Hồi giáo, nhưng tôi cho rằng điều này rất khó xảy ra. Người Thổ có thể có xu hướng ủng hộ các nhóm phái theo chủ nghĩa Hồi giáo khác, nhưng Nhà nước Hồi giáo vừa quá nguy hiểm, lại vừa khiến Hoa Kỳ gây áp lực lên bất kỳ ai ủng hộ tổ chức này. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm theo ý muốn của Mỹ một cách đơn thuần; nhiều lợi ích của Ankara ở Syria không hề trùng với những lợi ích của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn chính quyền al-Assad bị lật đổ, nhưng Hoa Kỳ lại tỏ ra miễn cưỡng vì lo sợ làm vậy sẽ mở đường cho một chế độ mới của những chiến binh thánh chiến dòng Sunni (hay ít nhất là tình trạng vô chính phủ của những chiến binh thánh chiến), một chế độ khó có thể kiểm soát được, nhất là khi Nhà nước Hồi giáo vẫn còn hoạt động. Đến một chừng mực nào đó, Thổ Nhĩ Kỳ dùng vấn đề al-Assad như là một cái cớ để không tham gia vào cuộc xung đột. Nhưng Ankara muốn al-Assad ra đi và bị thay bằng một chính quyền Sunni thân Thổ. Nếu Hoa Kỳ từ chối nhượng bộ trước đòi hỏi này, Thổ Nhĩ Kỳ có cơ sở để từ chối tham gia; còn nếu Hoa Kỳ đồng ý, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt được kết quả mình mong muốn ở Syria, nhưng sẽ gặp rủi ro lớn hơn với Iraq. Do vậy, Nhà nước Hồi giáo đã trở thành tâm điểm trong quan hệ Mỹ – Thổ, thay thế những vấn đề có từ trước đây như quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Israel.

Vai trò của Iran trong khu vực đang thay đổi

Tương tự, sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo cũng đã tái định hình vị thế của Iran trong khu vực. Tehran coi việc có một chính quyền thân Iran và do những người dòng Shiite kiểm soát tại Baghdad là điều thiết yếu đối với những lợi ích của mình, cũng như coi việc Iran nắm giữ miền nam Iraq là vô cùng quan trọng. Iran đã từng tham chiến với một Iraq do người Sunni kiểm soát trong những năm 1980 với thương vong khủng khiếp; bởi thế tránh được một cuộc chiến như vậy là mục tiêu căn bản trong chính sách an ninh quốc gia của Iran. Từ quan điểm của Tehran, Nhà nước Hồi giáo có khả năng đánh bại chính quyền Baghdad và có thể sẽ phá bỏ vị thế của Iran tại Iraq. Dù đây không phải viễn cảnh dễ xảy ra nhất, nhưng đó vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng mà Iran phải đối đầu.

Những đội hình quy mô nhỏ của Iran đã được lập ra ở phía đông nơi ở của người Kurd, và phi công Iran đã điều khiển các máy bay chiến đấu Iraq trong các đợt tấn công những vị trí do Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ. Riêng khả năng Nhà nước Hồi giáo kiểm soát được dù chỉ một phần Iraq là không thể chấp nhận được đối với Iran, nước vốn có chung lợi ích với Hoa Kỳ. Cả hai nước đều muốn Nhà nước Hồi giáo bị tiêu diệt. Cả hai đều muốn chính quyền ở Baghdad hoạt động được. Người Mỹ không phản đối việc Iran đảm bảo an ninh ở phía nam, và người Iran cũng không phản đối một vùng thuộc về người Kurd thân Mỹ chừng nào họ còn tiếp tục kiểm soát dòng chảy dầu ở phía nam.

Vì sự kiện Nhà nước Hồi giáo – cũng như những xu hướng dài hạn lớn hơn – mà Hoa Kỳ và Iran xích lại gần nhau hơn bởi những lợi ích chung. Đã có rất nhiều báo cáo về hợp tác quân sự Mỹ – Iran chống lại Nhà nước Hồi giáo, trong khi vấn đề lớn nhất chia rẽ hai bên (chương trình hạt nhân của Iran) đã được đặt sang một bên. Thông báo từ hôm thứ Hai về việc không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề hạt nhân được tiếp nối bởi một tuyên bố kéo dài thời hạn đàm phán được đưa ra một cách bình tĩnh, và không bên nào đe dọa bên nào hay cho thấy dấu hiệu thất bại này đã thay đổi sắp xếp chung đã đạt được. Theo quan điểm của chúng tôi và như chúng tôi đã luôn nói, tạo ra vũ khí hạt nhân có thể triển khai được là việc khó hơn rất nhiều so với làm giàu uranium, và Iran trước mắt không phải là một cường quốc hạt nhân. Có vẻ đó cũng là lập trường của Mỹ. Cả Washington và Tehran đều không muốn làm quan hệ hai bên trở nên căng thẳng vì vấn đề hạt nhân, một vấn đề đã được tạm gác lại vào lúc này vì sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo.

Thỏa hiệp mới giữa Hoa Kỳ và Iran đương nhiên đã đánh động Arab Saudi, thế lực lớn thứ ba trong khu vực nếu chỉ xét về sự giàu có và khả năng tài trợ các phong trào chính trị. Riyadh coi Tehran là một đối thủ trong Vịnh Ba Tư có khả năng gây bất ổn cho Arab Saudi nhờ vào cư dân dòng Shiite của mình. Nhà Saud[3] cũng coi Hoa Kỳ là người bảo lãnh tối thượng cho an ninh quốc gia của họ, mặc dù họ đã hành xử mà không có sự ủng hộ của Washington kể từ Mùa xuân Arab. Lo sợ trước quan hệ ngày càng thân mật giữa Iran và Hoa Kỳ, Riyadh cũng ngày càng thấy quan ngại trước khả năng tự cung năng lượng của Mỹ, điều đã làm giảm đáng kể tầm quan trọng chính trị của Arab Saudi đối với Hoa Kỳ.

Đã có những lời đồn đoán về việc Nhà nước Hồi giáo được tài trợ bởi các thế lực Arab, nhưng việc Riyadh tài trợ cho tổ chức này là không hợp lý. Nhà nước Hồi giáo càng mạnh lên thì liên kết Hoa Kỳ – Iran càng trở nên chắc chắn hơn. Washington không thể chấp nhận một caliphate[4] xuyên quốc gia một ngày nào đó sẽ có thể trở nên hùng mạnh trong khu vực. Mối đe dọa từ Nhà nước Hồi giáo càng lớn thì Iran và Mỹ càng xích lại gần nhau hơn, một viễn cảnh hoàn toàn đi ngược lại những lợi ích an ninh của nhà Saud.  Riyadh cần sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran. Không tính đến những động lực về tôn giáo hay tư tưởng, liên minh giữa Tehran với Washington tạo nên một lực áp đảo đe dọa đến sự tồn vong của chính quyền nhà Saud. Và Nhà nước Hồi giáo cũng không ưa gì hoàng tộc Saud cả. Caliphate này cũng có thể vươn rộng về hướng Arab Saudi, và chúng ta đã thấy những hoạt động gây dựng cơ sở có liên quan đến Nhà nước Hồi giáo diễn ra trong vương quốc Arab Saudi. Riyadh đã can dự vào Iraq, và giờ đây phải cố gắng củng cố các lực lượng người Sunni khác ngoài Nhà nước Hồi giáo một cách nhanh chóng, để Washington và Iran giảm bớt động lực tiến lại gần nhau hơn.

Vị trí của Mỹ tại Trung tâm khu vực Trung Đông

Về phần Washington, Nhà nước Hồi giáo đã cho thấy rằng ý tưởng về việc Hoa Kỳ đơn giản rời bỏ khu vực Trung Đông là không thực tế. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ sẽ không can dự vào chiến sự đa đơn vị tại Iraq. Washington đã không thể tạo lập tình trạng ổn định có lợi cho Mỹ ở đó từ lần đầu tiên, và không có gì đảm bảo nước này sẽ thành công lần này. Không lực Hoa Kỳ đã gây áp lực đáng kể lên Nhà nước Hồi giáo và là dấu hiệu cho quyền lực và sự hiện diện – cũng như cho giới hạn – của Mỹ trong khu vực. Chiến lược của Hoa Kỳ nhằm thiết lập một liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo là vô cùng phức tạp, vì người Thổ Nhĩ Kỳ không muốn bị lôi vào cuộc chiến mà không đổi lại được sự nhượng bộ đáng kể, người Iran muốn được giảm sức ép lên chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy sự giúp đỡ, và người Saudi nhận thức được những hiểm họa từ phía Iran.

Điều đáng lưu ý là hiệu ứng mà Nhà nước Hồi giáo đã tạo ra cho các mối quan hệ trong khu vực. Sự nổi lên của tổ chức này đã một lần nữa đặt Hoa Kỳ vào vị trí trung tâm trong hệ thống khu vực, và đã buộc ba cường quốc Trung Đông phải tái định hình quan hệ của từng bên với Washington theo nhiều cách. Tổ chức này cũng đã làm sống lại những nỗi sợ sâu thẳm nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Arab Saudi. Ankara muốn tránh bị kéo trở lại cơn ác mộng của Đế quốc Ottoman khi kiểm soát người Arab, trong khi Iran đã buộc phải đứng chung chiến tuyến với Hoa Kỳ để chống lại sự trỗi dậy của những người Sunni ở Iraq và Arab Saudi, việc mà Quốc vương Iran[5] đã từng phải làm. Trong khi đó, Nhà nước Hồi giáo đã làm Arab Saudi dấy lên lo ngại  sẽ bị Hoa Kỳ bỏ rơi để tiến về phía Iran, và nỗi sợ tái can dự vào Iraq của Hoa Kỳ đã trở thành yếu tố định hướng mọi hành động của nước này.

Sau cùng, một Nhà nước Hồi giáo khó có khả năng tồn tại được trên bản đồ địa lý. Sự thật là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Arab Saudi đều đang chờ đợi Hoa Kỳ giải quyết vấn đề Nhà nước Hồi giáo bằng không lực và một ít lực lượng bộ binh. Những hành động này sẽ không triệt tiêu được Nhà nước Hồi giáo, nhưng sẽ phá vỡ được sự gắn kết lãnh thổ của tổ chức này và buộc các chiến binh thánh chiến phải quay lại với những chiến thuật đánh du kích và khủng bố. Quả nhiên điều này đã đang diễn ra. Nhưng chính sự tồn tại của tổ chức này, dù chỉ là nhất thời, đã khiến cả khu vực kinh ngạc khi nhận ra rằng những giả định trước đây đã không hề xét đến thực tại hiện thời. Ankara sẽ không thể tránh được sự dính líu sâu thêm vào cuộc xung đột này; Tehran sẽ phải chung sống với Mỹ; và Riyadh sẽ phải nghiêm túc xem xét những điểm yếu của mình. Với Hoa Kỳ, họ có thể đơn giản cứ như vậy mà bỏ về nhà, kể cả khi khu vực chìm trong hỗn loạn. Nhưng nhà nước Hồi giáo đã làm rõ một sự thật hiển nhiên: những người khác [ý nói ba nước tại Trung Đông –NBT] vốn đã ở nhà của mình rồi [và việc làm ngơ là điều không thể – NBT].

Tiến sĩ George Friedman là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Tình báo Toàn cầu Stratfor, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như The Next 100 Years (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên “Thế giới 100 năm sau”), The Next Decade, America’s Secret War… 

—————

[1]Jihadist.Jihad trong tiếng Arab nghĩa là “đấu tranh”, được dùng trong kinh Qur’an để chỉ nỗ lực mà một tín đồ Hồi giáo phải thực hiện để loại trừ những thói hư tật xấu trong cộng đồng Hồi giáo hay trong chính bản thân mình. Tuy nhiên gần đây thuật ngữ jihad lại thường được hiểu theo nghĩa “thánh chiến”, tức những cuộc đấu tranh mà các tín đồ có nghĩa vụ phải chiến đấu để phụng sự cho tôn giáo. Để phù hợp với ý nghĩa và bối cảnh, bài dịch sẽ sử dụng ý nghĩa thứ hai của thuật ngữ này – ND.

[2] Nguyên văn Islamist, từ gốc Islamism. Chủ nghĩa Hồi giáo chỉ tư tưởng muốn sử dụng Hồi giáo như ý thức hệ dẫn đường cho toàn bộ đời sống chính trị, văn hóa v.v… Ngày nay chủ nghĩa Hồi giáo thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, chỉ tư tưởng của các phong trào, nhóm phái Hồi giáo cực đoan. Cần tránh nhầm lẫn với Hồi giáo (Islamic) – ND.

[3] Nhà Saud hay al Saud là hoàng tộc đã cai trị vương quốc Arab Saudi kể từ khi lập quốc vào năm 1932, ở đây được hiểu là giới cầm quyền tại Arab Saudi. Cái tên “Arab Saudi” của vương quốc cũng được đặt theo tên gọi của hoàng tộc này – ND.

[4]Caliphate là một thể chế tôn giáo-chính trị Hồi giáo có người đứng đầu là một khalifah hay caliph, tức “người kế tục” của thiên sứ Muhammad, ở đây chỉ quốc gia Hồi giáo mà tổ chức IS đang cố gắng xây dựng – ND.

[5] Nguyên văn: Shah, là tước hiệu để chỉ các hoàng đế Ba Tư trước cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 – ND.