Bài học từ Hòa ước Versailles cho Trung Đông ngày nay

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Marc Grossman & Simon Henderson | Biên dịch: Lê Hoàng Giang

Sự bất mãn và hỗn loạn tại khu vực Trung Đông bắt nguồn từ những hiệp ước được soạn từ cuối Thế Chiến I.

Mùa hè năm 2014 là thời gian của những so sánh tương đồng và các lễ kỷ niệm. Các nhà lãnh đạo châu Âu kỷ niệm ngày Thế Chiến I bùng nổ. Việc Tổng thống Nga Putin sáp nhập Crimea, phá vỡ sự ổn định tại Ukraine và xâm chiếm miền Đông nước này đã gợi lại những ngày đầy hiểm họa và thử thách trước tháng 9 năm 1939.

Nhưng trong lúc Trung Đông và Bắc Phi chìm trong bất ổn khu vực, có lẽ chúng ta nên chuyển sự tập trung sang sự kết thúc của Thế Chiến I – và đặc biệt là thỏa thuận do Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, Thủ tướng Anh David Lloyd George và Thủ tướng Pháp George Clemenceau xây dựng nên tại Versailles năm 1919.

Phần lớn bất ổn ngày nay trong khu vực nói trên có nguồn gốc từ Hòa ước Versailles và những thỏa thuận có liên quan. Do đó các nhà hoạch định chính sách đang nghiền ngẫm lại sự tương thích từ quan sát của Henry Kissinger vào năm 1994 rằng “liệu một trật tự quốc tế có thể tương đối ổn định, như trật tự nổi lên sau Hội nghị Vienna, hay rất dễ sụp đổ, như những trật tự được xác lập sau Hòa ước Westphalia và Versailles, phụ thuộc vào mức độ mà chúng dung hòa giữa những điều khiến cho các xã hội trong trật tự đó cảm thấy được an toàn và những điều mà chúng cho là công bằng, chính đáng.”

Những tiêu điểm trên thế giới ngày nay còn vang vọng rất nhiều dấu ấn từ Versailles.

Như David Gardner đã chỉ ra trên tờ Financial Times, những đường biên giới quốc gia mà giờ đây có vẻ như đang đổ vỡ đã được vẽ ra bởi Thỏa thuận Sykes-Picot năm 1916 về phạm vi ảnh hưởng. Vốn ban đầu mang tính bí mật, đây là một “thỏa thuận để hạn chế sự cạnh tranh giữa Anh và Pháp trong vùng Levant[1] vốn có thể làm suy yếu liên minh chống Đức.” Những đường biên giới này vốn không nhằm tạo ra các quốc gia-dân tộc gắn kết chặt chẽ trong tương lai tại vùng Trung Đông, mà thay vào đó chỉ để duy trì những phạm vi ảnh hưởng sao cho phù hợp với lợi ích của các đế quốc châu Âu, bằng cách phân chia khu vực thành các phần giữa họ với nhau.

Nhà sử học Margaret McMillan nhắc chúng ta rằng “thỏa thuận Sykes-Picot được tạo ra giữa thời kỳ chiến tranh, khi những lời hứa có giá trị rẻ mạt còn khả năng bị đánh bại là rất lớn.” Sau chiến tranh, T. E. Lawrence, chính là Lawrence xứ Ả-rập,[2] đã tới Versailles và quyết tâm xóa bỏ thỏa thuận Sykes-Picot, song đã không thành. Không phải ngẫu nhiên khi thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Abu Bakr al-Baghdadi, đã tuyên bố trong một bài phát biểu vào tháng 7 sau khi lực lượng của y chiếm được thành phố Mosul thuộc Iraq, rằng “cuộc tiến công thần thánh này sẽ không dừng lại cho đến khi chúng ta đóng xong chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài chứa âm mưu Sykes-Picot”.

Syria, một quốc gia được tạo thành bởi thỏa thuận Sykes-Picot, hiện giờ đang chìm trong biển máu giao tranh giữa các nhóm phái. Cuộc xung đột ở Syria đã lan sang cả Libăng và Iraq, trong đó Iraq đã gần như vỡ ra thành 3 mảnh với người Kurd ở phía bắc, người Hồi giáo Sunni ở miền trung và người Hồi giáo Shia ở phía nam.

Những dấu ấn của Hòa ước Versailles còn vang vọng trong sự mâu thuẫn kéo dài giữa nguyên tắc về quyền tự quyết mà Tổng thống Wilson đã mang đến Paris và hệ thống các quốc gia được thiết lập theo Hòa ước Westphalia năm 1648. Nhiều nhóm phái đã đến Versailles để xin có cơ hội được tự quyết định tương lai của mình để rồi được biết đó là nguyên tắc không thể được áp dụng phổ quát.

Những hậu quả của di sản này có thể được thấy rõ từ phong trào Mùa xuân Ả-rập, sự sụp đổ của Syria với tư cách một quốc gia và sự nổi lên của một nước Kurdistan ngày càng độc lập ở phía bắc Iraq, cũng như những lời kêu gọi cải cách ở Iran và những quốc gia quân chủ vùng Vịnh. Nhà báo và học giả Robin Wright thậm chí đã hình dung ra một “bản đồ Trung Đông được vẽ lại”, nơi mà “những đường biên giới mới có thể được vẽ theo những cách riêng rẽ và có thể rất hỗn loạn,” và “Vấn đề bây giờ là liệu chủ nghĩa dân tộc có phải là một nguồn bản sắc mạnh mẽ hơn so với những nguồn bản sắc lâu đời hơn khác trong thời kỳ xung đột hay quá độ khắc nghiệt hay không.”

Xung đột giữa 2 dòng Hồi giáo Sunni và Shia phản ánh những mâu thuẫn bắt nguồn từ buổi đầu tồn tại của Hồi giáo, nhưng mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến ngày nay mới thu hút được sự quan tâm của cả thế giới. Như các tác giả Richard Haass và Borzou Daragahi đã chỉ ra, các chiến binh địa phương hay khu vực ngày nay gắng sức giành quyền kiểm soát những tiểu quốc chưa được xác định rõ ràng và kêu gọi giúp đỡ từ những người ủng hộ tiềm năng ở nước ngoài.

Điều này mang những đặc điểm giống cuộc Chiến tranh Ba Mươi Năm ở châu Âu thời kỳ 1618-1648. Haass đã viết cho trang Project Syndicate rằng, dù vẫn có những khác biệt rõ ràng giữa những sự kiện ở châu Âu trong những năm 1618-1648 và những sự kiện ở Trung Đông hiện nay, thì những điểm tương đồng cũng rất rõ nét: “Quỹ đạo của khu vực là rất đáng lo ngại: các quốc gia yếu không thể đảm bảo an ninh trên lãnh thổ của mình; những quốc gia tương đối mạnh nhưng chiếm số ít thì lại tranh giành ưu thế; các lực lượng dân quân và các nhóm khủng bố ngày càng có thêm nhiều ảnh hưởng; và biên giới quốc gia thì ngày càng bị xóa mờ.”

Chính quyền Obama đang phải đối đầu với thách thách lớn lao là giải quyết hàng loạt vấn đề như vậy. Rất dễ tưởng tượng ra Ngoại trường Mỹ John Kerry hỏi giám đốc hoạch định chiến lược của ông rằng: Điều gì sẽ xảy ra nếu dàn xếp từ thỏa thuận Versailles vẫn tiếp tục đổ vỡ? Làm thế nào Mỹ có thể theo đuổi và bảo vệ các lợi ích của mình khi mà các quốc gia ngày càng trở nên suy yếu trong khi đồng thời có sự nổi lên của các thế lực mới – như Nhà nước Hồi giáo IS, hay còn gọi là ISIL hay ISIS – mà không phải là các quốc gia được thừa nhận?

Sau đây là 5 ý kiến để các nhà hoạch định kế hoạch cân nhắc:

Thứ nhất, như Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố vào ngày 10/09, ISIS phải bị làm cho suy yếu và cuối cùng là bị đánh bại. Đây sẽ là một công việc lâu dài và khó khăn mà Mỹ không thể thực hiện một mình. Điểm mấu chốt là phải tạo ra một liên minh mang những đặc điểm của liên minh do Tổng thống H.W. Bush đã thành lập để tham chiến trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991. Các lãnh đạo của thế giới Hồi giáo – cả các lãnh đạo tôn giáo và chính trị – cũng cần phải đứng lên công khai chối bỏ ISIS.

Thứ hai, nền tảng cho những nỗ lực quân sự, tài chính và ngoại giao cần có để chống lại ISIS phải là sự tái khẳng định công khai những giá trị có tính thiết yếu với một tương lai hòa bình trong khu vực. Những giá trị này bắt nguồn từ Tuyên bố Mười Bốn Điểm mà Tổng thống Wilson cũng đã đưa ra tại Paris vào năm 1918, nhưng không phải được áp đặt từ phía Washington. Trong số những giá trị đó phải nhấn mạnh vào chủ nghĩa đa nguyên và lòng khoan dung, nền pháp quyền, sự thiêng liêng của các cá thể, và mong muốn của các dân tộc trên thế giới được tự đưa ra lựa chọn về cuộc sống của chính họ – cũng như những giá trị hiện đại đã nổi lên từ sau thời kỳ Versailles, ví dụ như vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Thứ ba, Mỹ cùng các nước bạn bè và đồng minh phải ủng hộ những quốc gia nào trong khu vực đang phải chịu căng thẳng song vẫn có thể thành công với tư cách một thực thể quốc gia, cho dù sự ra đời của những quốc gia này có liên quan tới thời kỳ Versailles. Những ví dụ điển hình là các nước Israel, Jordan và Libăng. Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Kerry cũng cần phải suy nghĩ về một kết quả rằng Syria sẽ không bao giờ còn có thể gây dựng lại được như trước, cũng như một Iraq đã tan nát.

Thứ tư, dù rất khó để nghĩ tới sau những chiến sự ở dải Gaza trong thời gian gần đây, nhưng Mỹ vẫn cần phải nối lại những nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Cuộc xung đột đó, có liên quan đến sự kết thúc của Thế Chiến I thông qua Tuyên bố Balfour năm 1917, không phải là nguyên nhân chính dẫn tới tình hình rối loạn trong khu vực, nhưng việc hai quốc gia cùng chung sống hòa bình sẽ có lợi cho mọi chính sách khu vực khác.

Thứ năm, phải tập trung vào việc thiết lập nên những thể chế khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mỹ cùng các nước bạn bè và đồng minh cần phải hỗ trợ các thể chế khu vực nào mà sẽ vừa cung cấp tầm nhìn rộng hơn cho người dân của khu vực, vừa giúp giảm bớt sự rạn nứt của các quốc gia. Washington cũng nên cân nhắc tái thực hiện một “Kế hoạch Marshall” đối với Bắc Phi để cố đưa lịch sử đi tới phẩm cách và công lý – những điều vốn là mục tiêu ban đầu của phong trào Mùa xuân Ả-rập.

Như Richard Neustadt và Ernest May đã chỉ ra trong cuốn sách Tư duy trong Thời gian: Những Công dụng của Lịch sử cho các Nhà hoạch định chính sách (Thinking in Time: The Uses of History for Decision Makers) xuất bản năm 1986 của họ, suy luận từ những sự tương đồng đúng đắn là rất quan trọng. Cho dù có những khác biệt to lớn trong cả phạm vi và hoàn cảnh của những thách thức hiện nay, nhưng việc xét lại bài học lịch sử từ Versailles, những bài học vốn đã trở nên quá thích hợp với bối cảnh ngày nay, có thể giúp Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry giải quyết được cuộc khủng hoảng mà họ đang phải đối mặt.

Đại sứ Marc Grossman là phó chủ tịch tập đoàn The Cohen Group. Sau khi phục vụ trong ngành ngoại giao 29 năm, ông đã nghỉ hưu vào năm 2005 khi đang là Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về các Vấn đề Chính trị. Ông cũng từng là Đại diện Đặc biệt của Hoa Kỳ về Afghanistan và Pakistan từ 2011-2012 và là Học giả Cao cấp Kissinger tại ĐH Yale vào năm 2013. Simon Henderson là Học giả Baker và Giám đốc Chương trình Chính sách Vùng Vịnh và Năng lượng tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông.

Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Yale Global

—————–

[1] Levant, còn gọi là vùng Đông Địa Trung Hải, ngày nay bao gồm đảo Síp, Israel, Jordan, Libăng, Palestine, Syria và phần phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ (NBT).

[2] Thomas Edward Lawrence (1888-1935) là một sĩ quan quân đội Anh nổi tiếng với vai trò liên lạc trong Chiến dịch Sinai và Palestine cũng như cuộc nổi dậy của người Ả-rập chống lại đế chế Ottoman những năm 1916–18. Sự am hiểu về khu vực Ả-rập của Lawrence đã khiến người ta đặt cho ông biệt danh Lawrence of Arabia (Lawrence xứ Ả-rập), và ông cũng là nguyên mẫu cho bộ phim cùng tên sản xuất năm 1962 kể lại các hoạt động của ông  trong thời kỳ Thế Chiến I (NBT).

—————-

Tài liệu tham khảo:

Henry Kissinger, Diplomacy. New York: Simon & Schuster, 1994.

David Gardner, “Cracking Up,” Financial Times, November 27, 2013.

Margaret McMillan, Paris 1919. New York: Random House, 2003.

Robin Wright, “Imagining a Remapped Middle East,” The New York Times, September 29, 2013.

Richard Haass, “The New Thirty Years’ War,” Project Syndicate, July 21, 2014.

BorzouDaragahi, “Three Nations, One Conflict,” Financial Times, May 28, 2014.

Richard Neustadt and Ernest May. Thinking in Time: The Use of History for Decision Makers. New York: The Free Press, 1986.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]