Tác động quốc tế của Hội nghị TƯ 4 Đảng Cộng sản Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

4th plenum ccp

Tác giả: Timothy Heath, “Fourth Plenum: Implications for China’s Approach to International Law and Politics“, China Brief, Volume Vol.14, Issue No.22, 20/11/2014.

Biên dịch và Hiệu đính: Lương Khánh Ninh

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa 18 bế mạc gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tập trung các nỗ lực nhằm cải cách các thể chế và luật pháp quốc tế bên cạnh thúc đẩy các giá trị, nguyên tắc chính trị và lập luận pháp lý cho phù hợp hơn với nhu cầu của Trung Quốc. Những định hướng này cho thấy nỗ lực ở quy mô rộng lớn hơn, với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính quyền, nhằm cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Hoa Kỳ, đặc biệt là tại châu Á. Tuy nhiên nó cũng đồng thời mở ra cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực song trùng lợi ích và mở rộng đối thoại trong những vấn đề còn tồn tại nhiều bất đồng.

Một điều dễ hiểu là giới truyền thông chủ yếu quan tâm đến cách tiếp cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với vấn đề pháp luật (Tân Hoa Xã). Mặc dù theo truyền thống, các kỳ hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa nào cũng đặt trọng tâm vào chủ đề “xây dựng Đảng”, ta cũng nên nhớ rằng hội nghị cũng bao hàm các chỉ đạo quan trọng cho tất cả các chủ đề chính sách khác. Chẳng hạn, tại một hội nghị về tuyên truyền vào năm 2003 (Tân Hoa Xã), cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố việc mở rộng tuyên truyền quốc tế là “nhiệm vụ chiến lược quan trọng” và một năm sau nhiệm vụ này được Hội nghị Trung ương 4 khóa 16 đề cập đến. Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khóa 16 cũng bao gồm chỉ đạo chiến lược nhằm “kìm hãm sự độc lập của Đài Loan”, đây là một sự điều chỉnh quan trọng có vai trò định hình chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan trong suốt những năm sau này (Nhân dân Nhật báo).

Đảng Cộng sản Trung Quốc và luật pháp: liên hệ với chính sách, các giá trị và thẩm quyền

Vì chính sách đối nội và chính sách đối ngoại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, phân tích chính sách đối ngoại cần lấy bối cảnh từ chính sách đối nội. Người ta đã tốn rất nhiều giấy mực để tìm cách dịch cho chính xác nhất mục tiêu theo đuổi của ĐCSTQ trong cụm từ “dĩ pháp trị quốc” (yifa zhiguo), chủ đề trọng tâm của Hội nghị Trung ương 4 gần đây. Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, lợi ích của ĐCSTQ trong việc cải thiện hạ tầng pháp luật bắt nguồn từ việc họ muốn có một mô hình tăng trưởng kinh tế cân bằng và bền vững hơn bên cạnh một hệ thống nhà nước cũng như hệ thống phục vụ xã hội hiệu quả và đáng tin cậy hơn để giải quyết triệt để nguồn gốc của sự bất mãn trong xã hội. (New York Times).

Một cách để hiểu được cách tiếp cận của ĐCSTQ đối với luật pháp nhằm phục vụ chính sách đối nội là chỉ ra những điều kiện mà quá trình phát triển luật pháp và các thể chế cũng như việc thực thi chúng phải tuân thủ: thứ nhất, phục vụ cho các mục tiêu chính trị của Đảng; thứ hai, thể hiện các giá trị củng cố tính chính danh cho thẩm quyền cũng như hệ thống chính trị của Đảng; thứ ba, cho phép các nhà lãnh đạo Trung Quốc giữ tiếng nói cuối cùng trong việc thực thi pháp luật. Bởi vì những sự thay đổi trong cách tiếp cận của ĐCSTQ đối với luật pháp cũng định hướng cho các hoạt động quốc tế của chính phủ Trung Quốc thông qua chính sách đối ngoại nên những điểm trên xứng đáng được xem xét kỹ càng hơn.

Sự cai trị dựa trên luật pháp bắt nguồn từ những mục tiêu trong chính sách của Đảng. Thực vậy, các quan chức Trung Quốc thường miêu tả chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tại một hội nghị trung ương về luật pháp và chính trị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giải thích chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước “cùng phản ánh ý chí cơ bản của người dân và hòa hợp với nhau về bản chất” (Seeking Truth).

Các ưu tiên chiến lược hàng đầu của Đảng vẫn là nâng cao mức sống về mọi mặt cho người dân và phục hồi vị thế cường quốc của đất nước, đây cũng là những ý tưởng trọng tâm trong “Giấc mộng Trung Hoa” của ông Tập. Để đạt được những mục tiêu này, giới lãnh đạo Đảng nhận thấy rằng họ phải nâng cao năng lực quản trị tổng thể của mình, điều này đòi hỏi cần dựa vào pháp luật, thể chế và cơ chế chính sách nhiều hơn. Tại một cuộc hội nghị đầu năm nay, ông Tập tuyên bố “nhiệm vụ” của Đảng là tìm ra một “hệ thống quản trị ổn định và hiệu quả” nhằm đảm bảo sự phục hưng của đất nước. (Tân Hoa Xã). Một bài bình luận trên tờ “Nhân dân Nhật báo” đã làm rõ thêm quan điểm này khi giải thích rằng sự phát triển của “hệ thống lãnh đạo và hệ thống tổ chức” mang tính “nền tảng, toàn diện, ổn định và lâu dài hơn” so với các hình thái chính quyền ít được thể chế hóa hơn (Nhân dân Nhật báo).

Thêm vào đó, ĐCSTQ nhìn nhận hệ thống pháp luật được xây dựng dựa trên một hệ thống giá trị giúp khẳng định quyền hành của họ. Một học giả đưa ra lời giải thích rằng các giá trị cốt lõi của một quốc gia đại diện cho “chủ quyền về ý thức hệ” (ideological sovereignty) của quốc gia ấy. Ông ta cho rằng việc tuân thủ các giá trị cốt lõi của Đảng đem lại một “sự đảm bảo mang tính thể chế” rằng hệ thống pháp luật và hệ thống quản trị không dẫn đến xung đột với hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản thống trị (Seeking Truth). Thể hiện quan điểm này, tháng 12 năm 2013, ĐCSTQ ban hành chỉ đạo cụ thể hướng đến việc “thúc đẩy các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi” và phát huy “giấc mộng Trung Hoa phục hưng dân tộc.” Trong các giá trị này, ĐCSTQ bao hàm cả những “giá trị quốc gia” như “thịnh vượng, dân chủ, văn minh, hài hòa, tự do, bình đẳng, công bằng và thượng tôn pháp luật.” Bên cạnh đó cũng có các “giá trị cá nhân” như “lòng yêu nước, cống hiến, chính trực và hữu nghị” (Tân Hoa Xã).

Nguyên tắc Đảng cần phải nắm quyền kiểm soát việc quản lý và thi hành pháp luật củng cố niềm tin cho rằng pháp luật và thể chế cần phải phục vụ cho các mục tiêu chính trị của ĐCSTQ và tăng cường tính chính danh của hệ thống chính trị. Ta có thể nhận thấy nguyên tắc này được thể hiện trong quyết định của Hội nghị, cho rằng Đảng nắm “vai trò lãnh đạo” đối với tất cả các khâu trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Về cơ bản, ý tưởng ở đây là giới lãnh đạo Đảng đặt ra các mục tiêu chính sách rồi xây dựng pháp luật và cơ chế pháp lý để giúp Đảng thực hiện các mục tiêu một cách ổn định và hiệu quả.

Với những điều kiện trên, pháp luật không phải là một công cụ cai trị độc lập, “khách quan”, có thể xúc tác hoặc cản trở việc hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng. Thay vào đó, ĐCSTQ coi một hệ thống pháp luật và thể chế năng nổ là một công cụ cần thiết cũng như hữu ích trong việc củng cố tính chính danh của Đảng. Giống như việc Đảng muốn luật pháp Trung Quốc phục vụ các mục tiêu chính sách đối nội của họ ở trong nước, chính phủ Trung Quốc muốn luật pháp quốc tế phục vụ cho các mục tiêu chính sách đối ngoại ở nước ngoài.

Chính sách đối ngoại thông qua luật pháp quốc tế

Ở trên đã cung cấp bối cảnh cần thiết để phân tích các quan điểm chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 4 về chính sách đối ngoại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc quả thật có động lực để ủng hộ việc thực thi nghiêm ngặt luật pháp quốc tế, nhưng họ cũng có một động cơ không kém phần mạnh mẽ trong việc sửa đổi các luật lệ này sao cho phù hợp hơn với các mục tiêu chiến lược cũng như các giá trị chính trị (political values) của Đảng ở cả trong lẫn ngoài nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng mong muốn sự thay đổi trong trật tự quốc tế theo hướng tăng cường năng lực kiểm soát của nước này đối với các điều khoản thực thi pháp luật.

Quyết định của Hội nghị Trung ương 4 bao hàm sự chỉ đạo rõ ràng rằng các quan chức phải ủng hộ và thực thi luật pháp quốc tế. Nó kêu gọi các quan chức “hoàn hiện các hệ thống quản lý và hệ thống pháp luật có liên quan đến quốc tế.” Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy luật pháp quốc tế trong những bài phát biểu gần đây. Chẳng hạn, Chủ tịch Tập Cận Bình lập luận cho rằng tất cả các quốc gia cần phải “chung tay thúc đẩy pháp quyền trong quan hệ quốc tế” và điều này đòi hỏi tất cả các bên “tuân thủ luật pháp quốc tế và những nguyên tắc căn bản được công nhận rộng rãi” (Tân Hoa Xã). Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị gần đây tuyên bố các quốc gia nên “cùng nỗ lực thúc đẩy pháp quyền trong quan hệ quốc tế” và “tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như những nguyên tắc căn bản chi phối quan hệ quốc tế được công nhận rộng rãi.”

Tuy nhiên, quyết định của Hội nghị Trung ương 4 cũng chỉ ra rõ rằng mức độ phục vụ các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc của luật pháp quốc tế có tác động mạnh mẽ đến tinh thần phát huy luật pháp quốc tế của nước này. Với vị thế của một cường quốc ngày càng hùng mạnh, Trung Quốc đang nhận thấy khả năng sử dụng và định hình luật pháp quốc tế như những công cụ hấp dẫn để phục vụ mục tiêu tối đa hóa lợi ích của họ. Như ông Vương Nghị đã nêu ra, việc thúc đẩy pháp quyền trong quan hệ quốc tế “phục vụ nhu cầu phát triển hòa bình tất yếu của Trung Quốc (Bộ Ngoại giao Trung Quốc). Mục tiêu chiến lược quan trọng nhất trong số đó vẫn là tạo môi trường an ninh thuận lợi để bảo đảm những lợi ích cốt lõi.

Ta có thể nhận ra nhu cầu cấp thiết tạo ra môi trường an ninh thuận lợi trong các chỉ thị về tăng cường tham gia vào việc hình thành và thực thi luật pháp quốc tế cũng như trong các hướng dẫn chỉ đạo đối với việc kiểm soát các mối nguy cơ xuyên quốc gia. Hội nghị Trung ương 4 chỉ đạo các quan chức “tích cực tham gia vào quá trình định hình các chuẩn mực quốc tế” và “tăng cường sức mạnh ngôn luận và sức ảnh hưởng ngôn luận của đất nước đối với các vấn đề pháp lý quốc tế.” Quyết định trong Hội nghị lần này cũng kêu gọi mở rộng sự tham gia đối với các nỗ lực pháp lý quốc tế nhắm vào “các đối tượng khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo” được chính quyền Trung Quốc xác định. Điều này cho thấy Trung Quốc có thể sẽ sẵn sàng hơn trong việc cung cấp hỗ trợ ở một mức độ nào đó cho công tác thực thi luật pháp quốc tế hoặc các nỗ lực chính trị nhắm đến các nhóm khủng bố hoặc nhóm cực đoan, nhưng điều này chỉ xảy ra nếu Bắc Kinh cho rằng các tổ chức như vậy có thể góp phần làm tăng tình trạng bất ổn ở Tân Cương và Tây Tạng.

Những hướng dẫn chỉ đạo này còn cho thấy luồng tư tưởng rộng lớn hơn, đó là tìm cách thay đổi các chuẩn mực quốc tế theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong một bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố năm nguyên tắc cơ bản cùng tồn tại hòa bình đã trở thành “các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ quốc tế” cũng như “các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.” Thể hiện mong muốn hình thành các liên minh chính trị nhằm cân bằng với các nước công nghiệp phương Tây, ông Tập nêu rằng các nguyên tắc này đã “phát huy hiệu quả quyền và lợi ích của các quốc gia đang phát triển” và “đóng vai trò tích cực” trong công cuộc xây dựng một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế “một cách công bằng và hợp lý hơn” (Tân Hoa Xã). Việc Trung Quốc thúc đẩy các tổ chức quốc tế nâng cao tiếng nói của các cường quốc đang phát triển hoặc hạn chế vai trò của Hoa Kỳ, ví dụ như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organization), Hội nghị Thượng đỉnh về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (Conference on Interaction and Confidence Building Measures in Asia) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (East Asian Summit), là những ví dụ điển hình cho nhu cầu cấp thiết này.

Hội nghị Trung ương 4 cũng bao gồm các chỉ đạo về việc sử dụng luật pháp như công cụ để “bảo vệ chủ quyền, an ninh, và các lợi ích phát triển quốc gia,” điều mà từ lâu đã là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa vào việc định hình các chuẩn mực, nguyên tắc và luật pháp quốc tế để bảo vệ tốt hơn quyền của Trung Quốc trong việc kiểm soát các lợi ích cốt lõi của họ. Một biểu hiện của xu hướng này là chỉ đạo “củng cố các dịch vụ pháp lý quốc tế” và “bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân sinh sống tại nước ngoài.” Điều này thể hiện Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn vào hỗ trợ pháp lý cho việc thực hiện các hiệp định thương mại, các vụ kiện tụng dân sự và kinh tế, các vụ tranh chấp quyền sở hữu và việc bảo vệ các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các biện pháp chống bán phá giá và các biện pháp bảo hộ thương mại khác, bên cạnh việc hỗ trợ những nhu cầu khác (ví dụ như Hội nghị Quốc tế về Dịch vụ pháp lý thương mại tại Trung Quốc, tổ chức ngày 20-30/5/2014).

Nhưng chỉ đạo này cũng có ảnh hưởng to lớn đến cách tiếp cận của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia khác. Rõ ràng là các quan chức Trung Quốc không coi mức độ can dự sâu rộng hơn vào luật pháp quốc tế là nguy cơ chống lại các tuyên bố chủ quyền của họ. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh, Trung Quốc không có ý định “thỏa hiệp các lợi ích quốc gia cốt lõi” (Tân Hoa Xã). Thay vào đó, sự cải thiện trong việc sử dụng các biện pháp pháp lý và hành chính chỉ đơn thuần phục vụ mục đích bổ sung cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên kinh tế, dân sự, hàng hải và quân sự của chính quyền nhằm củng cố sự kiểm soát trên thực tế trong các tuyên bố chủ quyền của nước này.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa Trung Quốc từ nay sẽ tham gia vào các sân chơi pháp lý được Mỹ và đồng minh ưu ái. Xét cho cùng thì người Mỹ có truyền thống vô cùng chần chừ trong việc hậu thuẫn các tòa án quốc tế nào hành động đi ngược lại lợi ích của họ. Tương tự, trong trường hợp Philippines đệ đơn kiện lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (International Tribunal on the Law of the Sea), Trung Quốc hầu như sẽ không tham gia vụ kiện này bởi kết quả rất có thể sẽ không có lợi cho họ. Hơn nữa, tham gia vụ kiện sẽ dẫn đến việc quốc tế hóa một vấn đề mà từ lâu Trung Quốc đã tìm cách giải quyết song phương (China Brief). Thay vào đó, Trung Quốc có khả năng sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn để xây dựng và phổ biến các luận cứ pháp lý mới. Các lập luận này khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và làm mất đi tính chính danh của việc ASEAN, Mỹ và các chủ thể quốc tế khác tham gia vào vụ tranh chấp này.

Hội nghị Trung ương 4 cũng đồng thời nhấn mạnh lợi ích của Trung Quốc trong việc củng cố các thể chế quốc tế mà Trung Quốc có thẩm quyền rộng lớn, đặc biệt là Liên Hợp Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói về Hiến chương Liên Hợp Quốc như một “nền tảng vững chắc cho việc xây dựng pháp quyền trong quan hệ quốc tế thông qua việc áp dụng thực chất và rộng rãi luật pháp quốc tế ở tất cả các quốc gia.” Việc Trung Quốc có phiếu phủ quyết khiến Liên Hợp Quốc trở thành một phương tiện hấp dẫn phục vụ cho việc quản lý và thực thi luật pháp quốc tế của họ.

Ông Vương Nghị cũng kêu gọi làm giảm sức ảnh hưởng của quyền lực Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khi ông ta chủ trương “tham gia vào quá trình xây dựng các luật lệ quốc tế một cách bình đẳng và dân chủ” bằng cách tăng cường vai trò của các cường quốc đang phát triển. Điều này dường như có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách thúc đẩy các lợi ích của nước này và các cường quốc đang trỗi dậy khác thông qua các thể chế như G-20 và các nhóm công tác trong Liên Hợp Quốc, chẳng hạn như Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union). Ông Vương cũng lập luận ủng hộ cho cách diễn giải luật pháp theo hướng có lợi cho Trung Quốc với tuyên bố “các thể chế tư pháp quốc gia và quốc tế nên tránh tình trạng vượt quá quyền hạn đối với việc diễn giải và áp dụng luật pháp quốc tế” (Bộ Ngoại giao Trung Quốc).

Hệ lụy đối với Hoa Kỳ: tăng cường mức độ cạnh tranh và hợp tác

Việc Trung Quốc ngày càng đặt nhiều lợi ích vào các thể chế và luật pháp quốc tế không nên được coi là dấu hiệu Trung Quốc ngày càng đồng tình với sự thực thi quyền lực của Hoa Kỳ. Ngược lại, sẽ chính xác hơn khi ta coi diễn biến này là một bằng chứng cho thấy Trung Quốc có ý định cạnh tranh với Hoa Kỳ theo cách hiệu quả hơn trong các lĩnh vực thẩm quyền pháp lý và dư luận quốc tế, thậm chí điều này diễn ra trong khi Trung Quốc vẫn tìm cách duy trì quan hệ song phương ổn định và mang tính hợp tác với Hoa Kỳ. Theo cách hiểu này, cách hành xử của Trung Quốc trong lĩnh vực luật pháp quốc tế sẽ là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ bên cạnh các lĩnh vực tài chính, thương mại và chính trị, đặc biệt ở khu vực châu Á (China Brief). Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều lĩnh vực mà ở đó Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể duy trì hợp tác trên bình diện quốc tế.

Bắc Kinh đang phát triển một loại lý luận quốc tế để thay thế những lý luận của trật tự quốc tế đương đại vốn không phục vụ cho mục đích của nước này. Trung Quốc đã và đang bỏ ra rất nhiều công sức cho các ý tưởng và khái niệm liên quan đến năm nguyên tắc cơ bản cùng tồn tại hòa bình, thể hiện qua các khái niệm như “khái niệm an ninh mới ở châu Á”, “quan hệ cường quốc kiểu mới”, và “thế giới hài hòa”. Các nguyên tắc và khái niệm phái sinh này ủng hộ cho sự phát triển của một trật tự đa cực đặc trưng bởi các vùng ảnh hưởng vận hành hiệu quả, trong đó các cường quốc cùng nhau đối phó với những nguy cơ và giải quyết tranh chấp ở các vùng ảnh hưởng chồng lấn thông qua đàm phán và đối thoại.

Các cấp chính quyền Trung Quốc tỏ ra quyết tâm làm thất bại luận điểm cho rằng Trung Quốc nên “tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế” bằng cách làm cho Hoa Kỳ và các đồng minh trông giống như những kẻ nằm ngoài khuôn khổ hành vi được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Phản ánh giọng điệu thường thấy trong những bài phân tích ở Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị phát biểu rằng những trở lực chính đối với việc thúc đẩy pháp quyền trong quan hệ quốc tế nằm ở những quốc gia theo đuổi “chủ nghĩa bá quyền, nền chính trị quyền lực cũng như tất cả các hình thái của “chủ nghĩa can thiệp kiểu mới”, và ông ta cho rằng điều này dấy lên “những thách thức trực tiếp đối với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.” Ông Vương chỉ trích kịch liệt “cách tiếp cận theo tiêu chuẩn kép (double standard) trong quan hệ quốc tế” mà một số quốc gia không được nêu đích danh “sử dụng tất cả những gì phù hợp và loại bỏ bất cứ những gì đi ngược lại với lợi ích của họ.”

Dẫu vậy, bất chấp những tín hiệu rõ ràng cho thấy mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn còn có động lực để tiếp tục quan hệ hợp tác ở mức cao. Nền kinh tế của hai nước thống trị nền kinh tế toàn cầu và vẫn ở mức độ đan xen sâu sắc. Hơn nữa, mặc dù Trung Quốc không vừa lòng với các phương diện của trật tự thế giới hiện nay, nhìn chung nước này vẫn đang được hưởng rất nhiều lợi ích từ chính hệ thống ấy. Trung Quốc thu được rất nhiều (lợi ích) từ các định chế tài chính được định hình bởi Tổ chức Thương mại Thế giới và các thể chế liên quan cũng như từ thẩm quyền mà nước này được trao trong Liên Hợp Quốc và các cơ quan liên quan. Hơn nữa, quá trình mở rộng lợi ích trong lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác ra tận những vùng đất xa xôi và sự bùng nổ của những mối nguy cơ xuyên quốc gia đã thúc đẩy Trung Quốc tìm cách tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Thỏa thuận hợp tác về mặt chính trị ở một mức độ nào đó giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo là một biểu hiện gần đây nhất của thực tế này (Reuters). Như Bộ trưởng Vương từng thừa nhận, “Trung Quốc càng phát triển thì càng cần phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác và càng mong muốn một môi trường quốc tế hòa bình và ổn định” (Bộ Ngoại giao Trung Quốc).

Dù chúng ta có nghĩ như thế nào về tính chính đáng của các nguyên tắc, giá trị và lập luận pháp lý mà Trung Quốc đưa ra, những điều này gần như chắc chắn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn cũng như được Trung Quốc nhấn mạnh hơn trong những năm tới. Thành công của Trung Quốc trong việc phối hợp với Nga nhằm thúc đẩy việc sửa đổi các chuẩn mực và kiềm chế quyền hành của Mỹ trong không gian mạng (cyberspace) nên được nhìn nhận như một chỉ dấu cho quan hệ hợp tác Nga-Trung trong tương lai (Bloomberg). Bắc Kinh sẽ tiếp tục rà soát lại hệ thống chuẩn mực và nguyên tắc quan hệ quốc tế hiện hành, giữ lại những gì phục vụ cho mục đích của họ và tìm kiếm đối tác để sửa đổi hoặc phá vỡ những gì họ cho là đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc. Mặc dù điều này có thể luôn đúng trong quá khứ, khối lượng tài nguyên khổng lồ mà Trung Quốc sở hữu sẽ đem đến rất nhiều hệ lụy cho thế giới ngày nay.

Việc Trung Quốc ngày càng coi trọng tính hữu dụng của luật pháp quốc tế mở ra cơ hội cho Hoa Kỳ hoạch định các chính sách phù hợp với các mối quan ngại của Trung Quốc đồng thời bảo toàn sự nguyên vẹn và ổn định của các chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế được đại đa số các quốc gia trên thế giới ủng hộ. Chừng nào mà Hoa Kỳ và các đồng minh còn cho Trung Quốc thấy rằng các chuẩn mực, luật pháp và thể chế hiện thời cung cấp các công cụ tốt nhất để giải quyết các vấn đề Trung Quốc lo ngại, Hoa Kỳ sẽ còn có thể hạn chế tối đa thiệt hại đối với uy tín của mình và bảo vệ được sự ổn định tổng thể của trật tự quốc tế. Việc cân bằng lại những yêu cầu để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ, duy trì sự toàn vẹn của hệ thống quốc tế hiện nay và đáp ứng những mối lo ngại của Trung Quốc sẽ đòi hỏi ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu tính sáng tạo, sự linh hoạt và lòng dũng cảm vô cùng lớn để có thể vượt qua được thử thách.

Tim Heath là một nhà phân tích cao cấp về Quốc phòng và Quốc tế tại Công ty nghiên cứu RAND Corporation. Ông đã có hơn 15 năm kinh nghiệm với vai trò phân tích về Trung Quốc trong chính phủ Hoa Kỳ. Ông là tác giả của cuốn China’s New Governing Party Paradigm: Political Renewal and the Pursuit of National Rejuvenation (Mô hình mới của Đảng cầm quyền ở Trung Quốc: Đổi mới chính trị và Theo đuổi sự hồi sinh dân tộc), xuất bản bới Ashgate (2014).