Phân tích Phán quyết về Thẩm quyền của PCA

Print Friendly, PDF & Email

pca2

Tác giả: Nguyễn Ngọc Lan

3 yêu cầu của Philippines

Ngày 22/1/2013, Philippines đã nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện để khởi kiện ra trọng tài chống lại Trung Quốc trong một vụ kiện về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines” theo các quy định của Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Ngày 19 tháng 2 năm 2013, Trung Quốc đưa ra Công hàm “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa” từ chối và trả lại bản Thông báo của Philippines, cũng như tuyên bố rằng nước này sẽ không tham gia vụ kiện. Mặc dù Trung quốc từ chối tham gia vào tiến trình trọng tài, theo Điều 9 Phụ lục VII CƯLB tiến trình trọng tài sẽ vẫn được tiếp tục và Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã được chọn làm Ban thư ký cho tòa trọng tài trong vụ kiện này.

Trong Bản tranh tụng do Philippines nộp lên Toà, Philippines yêu cầu Toà xem xét 15 đệ trình. Các đệ trình này có thể được phân loại thành ba nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, yêu sách của Trung Quốc dựa trên “quyền lịch sử” bao hàm trong cái gọi là đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS và vì thế vô giá trị.

Thứ hai, Philippines yêu cầu Toà xác định liệu theo UNCLOS, một số các thực thể mà cả Philippines và Trung Quốc yêu sách có thể được xem là đảo, đảo đá, bãi nửa nổi nửa chìm hay bãi chìm.

Thứ ba, Philippines yêu cầu Toà tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm Công ước thông qua việc can thiệp vào việc thực thi các quyền chủ quyền và quyền tự do của Philippines theo Công ước và thông qua các hoạt động xây dựng đảo và đánh bắt cá gây tổn hại đến môi trường biển.

Như đã nói ở trên, Trung Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện nhưng nước này vẫn sử dụng nhiều biện pháp để Toà biết đến lập trường của mình, trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc đã đưa ra Bản Tuyên bố Lập trường chính thức vào tháng 12/2014 trong đó nước này cho rằng Toà Trọng tài không có thẩm quyền để xét xử vụ kiện này.

Nội dung phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý

Gần ba năm sau khi Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra trước Toà Trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS và ba tháng sau khi Phiên Điều trần về thẩm quyền diễn ra tại Cung điện Hoà bình, trụ sở của Toà Trọng tài thường trực tại La Hay, ngày 29/10 Toà Trọng tài đã đưa ra Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý vụ việc.

Trong Phán quyết về Thẩm quyền, Toà trọng tài đã xem xét lần lượt các điều kiện này và đưa ra quyết định rằng Toà có thẩm quyền đối với 7 vấn đề, trong đó có 2 vấn đề với điều kiện không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn.

Toà gác lại vấn đề thẩm quyền đối với 7 vấn đề để xem xét cùng với các nội dung thực chất, và yêu cầu Philippines làm rõ 1 đệ trình của mình.

Phán quyết, với tính chất là một phán quyết về thẩm quyền, không xem xét tính đúng sai của các đệ trình của Philippines mà chỉ tập trung phân tích câu hỏi liệu Toà trọng tài có thẩm quyền để xem xét các đệ trình này hay không.

Sở dĩ Toà phải có bước xác định thẩm quyền là bởi vì một trong những nguyên tắc cơ bản của giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua toà án hoặc toà trọng tài quốc tế là: toà chỉ có thể xét xử một vụ tranh chấp giữa hai quốc gia nếu như được sự đồng ý của cả hai quốc gia đó. Vì thế, trong một số tranh chấp, toà thường chia quá trình tranh tụng thành hai giai đoạn: giai đoạn xét xử thẩm quyền, sau đó mới đến giai đoạn xét xử nội dung.

Giai đoạn xét xử thẩm quyền là nhằm xác định xem liệu hai quốc gia tranh chấp đã đồng ý trao vụ tranh chấp cho toà xem xét hay chưa và nếu có các điều kiện kèm theo sự chấp thuận này thì các điều kiện đó đã được thoả mãn hay chưa?

Một nguyên tắc cơ bản trong giải quyết tranh chấp quốc tế và cũng đã được ghi nhận tại Điều 288(4) của UNCLOS đó là khi có sự bất đồng về việc cơ quan tài phán có thẩm quyền hay không thì vấn đề sẽ do chính cơ quan đó quyết định.

Theo quy định của UNCLOS thì khi một quốc gia trở thành thành viên của Công ước thì quốc gia đó đã đồng ý chấp thuận thẩm quyền bắt buộc của các toà án và toà trọng tài được thành lập theo Điều 287 UNCLOS, trong đó có Toà Trọng tài theo Phụ lục VII.

Trong vụ việc này, cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS, và vì thế, hai quốc gia này xem như đã chấp nhận thẩm quyền của Toà Trọng tài.

Khoi dau kha quan trong cuoc chien phap ly Bien Dong hinh anh 2
Tòa án cho phép quan sát viên thuộc các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản tham dự phiên điều trần. Ảnh PCA

Tuy nhiên, thẩm quyền của Toà trọng tài theo UNCLOS lại đi kèm ba điều kiện chính. Đó là: (i) tranh chấp này liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS, (ii) Philippines phải thỏa mãn các yêu cầu thủ tục về trao đổi quan điểm trước khi tiến hành khởi kiện và gữa hai bên không có một thoả thuận về việc sử dụng một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc khác, và (iii) các tranh chấp được Philippines nêu ra không bị loại trừ khỏi thẩm quyền của tòa trọng tài theo tuyên bố của Trung Quốc theo Điều 298.

Các tranh chấp mà Trung Quốc đã loại trừ trong Tuyên bố năm 2006 theo Điều 298 bao gồm: các tranh chấp về phân định biển, tranh chấp về danh nghĩa lịch sử và vịnh lịch sử, tranh chấp về việc thực thi luật pháp liên quan đến nghề cá và nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế, tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự và các tranh chấp đang được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét.

Ba điều kiện này cũng chính là cơ sở mà Trung Quốc dựa vào để phản đối thẩm quyền của Toà như đã nêu trong Bản Tuyên bố Lập trường của nước này. Toà Trọng tài chỉ có thể tiếp tục xem xét cụ thể các nội dung khởi kiện củaPhilippines nếu như Toà xác định các điều kiện nêu trên đã được thoả mãn.

Phán quyết về thẩm quyền của Toà cho thấy ít nhất là điều kiện (i) và (ii) đã được thoả mãn. Đầu tiên, Toà đã làm rõ bản chất của tranh chấp mà Philippines đưa ra. Theo quy định tại Điều 288(1) UNCLOS, Toà trọng tài theo Phụ lục VII chỉ có thể xét xử một vụ tranh chấp nếu vụ việc này liên quan đến việc “giải thích và áp dụng Công ước”.

Vì thế, Toà phải cân nhắc liệu tranh chấp mà Phillipines đệ trình có thực sự liên quan đến UNCLOS hay không, hay bản chất của tranh chấp, như Trung Quốc phản bác, là về vấn đề chủ quyền đối với các thực thể đang tranh chấp trên Biển Đông.

Toà cho rằng việc giải quyết các đệ trình của Philippines sẽ không đòi hỏi Toà phải đưa ra một quyết định về chủ quyền một cách trực tiếp hay gián tiếp, và mục đích thực sự của các đệ trình của Philippines không phải là để tranh cãi về yêu sách chủ quyền của các bên. Philippines không hề yêu cầu Toà đưa ra phán quyết về chủ quyền, mà ngược lại, còn yêu cầu Toà tránh không xem xét chủ quyền. Vì thế, mặc dù đúng là giữa hai bên có tồn tại tranh chấp về chủ quyền, tranh chấp mà Toà phải giải quyết không liên quan đến vấn đề này mà chỉ liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. Chính vì vậy, tranh chấp này thuộc thẩm quyền của Toà.

Trung Quốc cũng lập luận rằng các đệ trình mà Philippines đưa ra là một phần không thể tách rời của tranh chấp về phân định biển. Trong khi đó, Trung Quốc đã loại trừ tranh chấp về phân định biển ra khỏi thẩm quyền của Toà dựa trên Tuyên bố của nước này đưa ra năm 2006 theo quy định của Điều 298 UNCLOS. Vì thế, Trung Quốc cho rằng Toà Trọng tài không có thẩm quyền để xem xét các đệ trình của Philippines.

Câu hỏi liệu việc xác định quy chế pháp lý của các thực thể, đồng nghĩa với việc xác định phạm vi vùng biển mà thực thể có thể được hưởng theo yêu cầu của Philippines và việc phân định biển là hai vấn đề pháp lý riêng biệt hay chỉ là một vốn gây nhiều tranh cãi trong giới học giả.

Toà Trọng tài cho rằng đây là hai vấn đề tách biệt nhau. Toà lập luận rằng một tranh chấp liên quan đến việc xác định các vùng biển mà một thực thể được hưởng và một tranh chấp liên quan đến phân định các vùng biển chồng lấn là hai tranh chấp hoàn toàn khá biệt. Mặc dù việc xác định phạm vi vùng biển thường là một trong các vấn đề đầu tiên phải giải quyết trong quá trình phân định, hai vấn đề này không thể bị đánh đồng làm một.

Trong vụ việc này, Philippines không yêu cầu Toà phân định các vùng biển chồng lấn giữa hai quốc gia, và Toà cũng không tiến hành phân định vùng biển nào. Do đó, yêu cầu của Philippines không thể bị loại trừ khỏi thẩm quyền của Toà như Trung Quốc lập luận.

Tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc có thể sẽ giới hạn thẩm quyền của Toà trọng tài trong việc xem xét một số đệ trình khác của Philippines. Cụ thể, các đệ trình yêu cầu Toà tuyên bố rằng một số thực thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của Philippines hay các hành vi của Trung Quốc đã cản trở Philippines thực hiện quyền chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế có thể sẽ nằm ngoài thẩm quyền của Toà nếu Toà xác định các thực thể nằm trong đệ trình của Philippines là đảo và vì thế tạo ra vùng biển chồng lấn với các vùng biển của Philippines. Điều này là bởi vì nếu có vùng biển chồng lấn, nếu Toà xác định một vùng biển có phải là của Philippines hay không thì Toà cũng đã tiến hành phân định biển, mà phân định biển là loại tranh chấp đã bị Trung Quốc loại trừ. Tuy vậy, Tuyên bố của Trung Quốc không thể ngăn cản Toà xem xét quy chế pháp lý của các thực thể được đưa ra trong Bản Tranh tụng của Philippines.

Liên quan đến điều kiện thứ hai, giữa Philippines và Trung Quốc tồn tại các thoả thuận song phương cũng như các thoả thuận mang tính khu vực như Tuyên bố Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác.

Trung Quốc từ trước đến nay vẫn theo đuổi lập trường rằng các các thoả thuận song phương và DOC tạo ra nghĩa vụ cho các bên phải đàm phán và tham vấn song phương để đi đến biện pháp giải quyết cuối cùng. Vì thế, nước này cho rằng việc Philippines đơn phương khởi kiện nước này ra trước Toà Trọng tài đã vi phạm nghĩa vụ đàm phán, cũng như đã vi phạm nguyên tắc thiện chí, cấu thành việc lạm dụng quy trình pháp lý theo UNCLOS.

Tuy nhiên, Toà Trọng tài không đồng ý với lập luận của Trung Quốc. Toà Trọng tài xác định rằng cả DOC và các tuyên bố song phương mà Philippines và Trung Quốc đưa ra đều không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và vì thế không tạo ra nghĩa vụ bắt buộc cho các bên phải đàm phán. Kể cả có mang tính ràng buộc đi nữa, tương tự như Hiệp ước hữu nghị hợp tác, các văn bản này đều không chứa đựng một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nào, đồng thời cũng không loại trừ quyền của các bên sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS để giải quyết tranh chấp của mình.

Toà cũng xác định rằng Philippines và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán, tham vấn về các tranh chấp tồn tại giữa hai bên liên quan đến Biển Đông trong một thời gian dài, trong đó hai bên đã thảo luận về các phương án giải quyết tranh chấp khả thi, nhưng không đi đến một kết quả cuối cùng nào cho đến trước khi Philippines khởi kiện. Vì thế, Toà kết luận rằng Trung Quốc không thể ngăn cản Philippines đưa vụ kiện này ra trước Toà trọng tài trên cơ sở rằng hai bên vẫn tiếp tục phải đàm phán.

Quan trọng không kém, Toà xác định rằng việc một bên đơn phương khởi kiện ra trước toà trọng tài theo Phần XV không thể cấu thành một sự lạm dụng quyền. Toà Trọng tài nhắc lại rằng Điều 286 trao cho quốc gia thành viên của UNCLOS quyền đơn phương khởi kiện mà không cần phải đàm phán hay được sự đồng ý của bên còn lại, miễn sao phù hợp với quy định về thủ tục của Công ước.

Cuối cùng, liên quan đến các giới hạn và ngoại lệ đối với thẩm quyền theo Điều 297 và 298 UNCLOS, Toà Trọng tài cho rằng việc xem xét liệu các điều khoản này có loại trừ thẩm quyền của toà, như Trung Quốc đã lập luận, phụ thuộc một phần lớn vào quyết định của Toà đối với một số vấn đề thực chất.

Ví dụ, Philippines yêu cầu toà tuyên bố các yêu sách về quyền lịch sử Trung Quốc dựa trên đường chín đoạn không phù hợp với UNCLOS, trong khi Điều 298 loại trừ các tranh chấp về danh nghĩa lịch sử và vịnh lịch sử ra khỏi thẩm quyền của toà.

Để biết được yêu cầu này của Philippines có rơi vào phạm vi loại trừ của Điều 298 hay không, Toà phải tiến hành xác định xem bản chất của “quyền lịch sử” mà Trung Quốc dựa vào là gì, để xem nó có cùng nội hàm của “danh nghĩa lịch sử hay vịnh lịch sử” hay không.

Việc xác đinh bản chất và nội hàm của yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc lại là một vấn đề thuộc về nội dung thực chất của vụ việc. Chính vì thế, Toà quyết định gác lại vấn đề thẩm quyền để xem xét trong Phiên điều trần về nội dung vụ việc đối với một số đệ trình của Philippines có liên quan đến các ngoại lệ này.

Cần lưu ý rằng, quyết định này của Toà không có nghĩa là Toà từ chối thẩm quyền đối với các đệ trình này như một số nhà phân tích đã nêu ra, cũng không có nghĩa là Toà xác nhận thẩm quyền và hay đưa ra bất cứ kết luận gì về tính pháp lý của các yêu cầu của Philippines. Điều này chỉ đơn giản là Toà chưa thể đưa ra được kết luận được trong thời điểm này và phải chờ đến phiên tranh tụng về nội dung thì mới có thể quyết định được.

Tầm quan trọng và tác động của Phán quyết về thẩm quyền

Phán quyết này của Toà Trọng tài, với tính chất là một phán quyết chỉ liên quan đến vấn đề thẩm quyền, chưa trả lời những câu hỏi được quan tâm nhất trong tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, Phán quyết này đã làm sáng tỏ một số vấn đề quan trọng gây nhiều tranh cãi về việc sử dụng cơ chế thứ ba để giải quyết tranh chấp Biển Đông cho đến nay. Phán quyết chắc chắn cũng sẽ có tác động to lớn đến nỗ lực cũng như quá trình giải quyết tranh chấp của các quốc gia khác trong khu vực.

Khi Philippines quyết định khởi kiện Trung Quốc ra trước Toà Trọng tài để bảo vệ quyền lợi của mình trên Biển Đông, có thể nói một trong những rào cản lớn nhất mà nước này gặp phải chính là vấn đề liệu Toà có thẩm quyền để xét xử vụ việc hay không, do những quy định về thẩm quyền của UNCLOS như đã trình bày ở trên.

Việc Toà Trọng tài xác nhận thẩm quyền đối với 7 trong 15 đệ trình của Philippines và không loại trừ khả năng xác lập thẩm quyền đối với các vấn đề còn lại cho thấy việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS có thể là một bước đi đúng đắn của Philippines trong nỗ lực tìm ra một biện pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc.

Đúng như một số học giả đã bình luận, Philippines được xem như đã đạt được chiến thắng ban đầu trong cuộc chiến pháp lý này.

Thông qua Phán quyết này, Toà Trọng tài cũng đã góp một tiếng nói có trọng lượng nhằm bác bỏ các luận điệu thường được Trung Quốc sử dụng từ trước đến nay để né tránh việc giải quyết tranh chấp một cách thực chất.

Toà đã khẳng định quyền của quốc gia thành viên UNCLOS đơn phương khởi kiện một quốc gia thành viên khác, miễn sao quá trình khởi kiện tuân thủ các điều kiện của UNCLOS và hành động này không thể bị xem là thiếu thiện chí hay lạm dụng thủ tục tố tụng.

Toà cũng bác bỏ vị trí độc tôn của biện pháp đàm phán trong việc giải quyết tranh chấp như Trung Quốc vẫn lập luận.

Điều này không có nghĩa là Toà bác bỏ vai trò quan trọng của đàm phán trong quá trình giải quyết tranh chấp nói chung, nhưng với phán quyết này, Toà Trọng tài đã gián tiếp khằng định đàm phán không thể trở thành một cái cớ để quốc gia vin vào nhằm trì hoãn việc đi đến một giải pháp cuối cùng.

Mặc dù hiện vẫn chưa chắc chắn rằng Toà có thể đưa ra quyết định cuối cùng đối với tất cả các đệ trình của Philippines hay không, việc Toà không loại trừ thẩm quyền đối với bất cứ đệ trình nào trong giai đoạn này đồng nghĩa với việc các đệ trình này sẽ được cân nhắc và xem xét trong quá trình xem xét nội dung vụ việc.

Kể cả nếu, và khả năng cao là Trung Quốc tiếp tục không tham gia vụ kiện và từ chối không đưa ra quan điểm của mình đối với các nội dung thực chất mà Philippines nêu ra thì Toà cũng sẽ phải tiến hành mổ xẻ, phân tích các vấn đề này.

Nói cách khác, các yêu sách của Trung Quốc vốn mập mờ, thiếu cơ sở, ví dụ như yêu sách đường chín đoạn, sẽ được soi rọi và đánh giá dưới góc độ pháp lý.  Điều này không chỉ giảm thiểu tác động của chính sách “mập mờ có chủ ý” mà Trung Quốc vẫn duy trì để yêu sách toàn bộ Biển Đông từ trước đến nay mà còn góp phần làm cho phạm vi tranh chấp trên Biển Đông rõ ràng hơn.

Kể cả trong trường hợp Toà kết luận rằng mình không có thẩm quyền đối với các đệ trình còn lại, việc Toà xác định được cơ sở pháp lý của yêu sách mù mờ, từ đó góp phần phân biệt phạm vi khu vực có tranh chấp với khu vực không có tranh chấp sẽ tạo tiền đề quan trọng cho các bên tiếp tục thực hiện các biện pháp giải quyết tranh chấp khác hoặc mở ra khả năng để các bên tiến hành các cơ chế khai thác, phát triển chung trong vùng chồng lấn thực sự như đã được dự định từ lâu.

Một vấn đề nổi lên trong Phán quyết về thẩm quyền là “vai trò” của Việt Nam trong vụ kiện này. Trong quá trình xem xét thẩm quyền của mình, Toà Trọng tài cũng xem xét liệu có một bên thứ ba, cụ thể ở đây là Việt Nam, có phải là bên thứ ba không thể thiếu trong vụ kiện không?

Lí do Toà Trọng tài phải cân nhắc vấn đề này là bởi vì một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về giải quyết tranh chấp đó là chỉ giải quyết các tranh chấp trên cơ sở đồng ý của các bên liên quan. Chính vì nguyên tắc này, các cơ quan tài phán quốc tế không được xem xét một vụ tranh chấp giữa hai quốc gia trong trường hợp quyền lợi của một quốc gia thứ ba là đối tượng chính trong tranh chấp đó hoặc trong trường hợp toà sẽ phải xem xét tính hợp pháp của hành vi của một quốc gia thứ ba khi đưa ra phán quyết.

Mặc dù Việt Nam cũng có tranh chấp về chủ quyền đối với các thực thể nằm trong Bản đệ trình của Philippines, Toà cho rằng việc xác định quy chế pháp lý của các thực thể này không yêu cầu toà đưa ra một quyết định về chủ quyền. Từ đó, Toà kết luận việc xác định quyền và nghĩa vụ của Việt Nam đối với các đệ trình của Philippines không phải là điều kiện tiên quyết để Toà có thể đưa ra phán quyết cuối cùng về nội dung.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đã đưa ra quan điểm chính thức của mình về vụ kiện, theo đó Việt Nam ủng hộ các bên sử dụng cơ chế tranh chấp của UNCLOS và tin tưởng rằng Toà trọng tài sẽ có thẩm quyền đối với vụ việc này.

Việt Nam cũng ủng hộ một số đệ trình của Philippines, cụ thể là đệ trình liên quan đến tính bất hợp pháp của đường chín đoạn và đến quy chế pháp lý của các thực thể, rằng các thực thể này không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Tuyên bố này của Việt Nam giúp Toà càng có cơ sở để khẳng định rằng không bên thứ ba nào là bên không thể thiếu trong vụ việc này.

Vì đây là phán quyết về thẩm quyền, Toà chỉ cân nhắc xem việc xác định quyền lợi của bên thứ ba, Việt Nam, có phải là điều kiện tiên quyết để toà có thẩm quyền hay không. Câu trả lời, như đã chỉ ra ở trên, là không. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc khi Toà thực hiện thẩm quyền của mình và tiến hành xác định quy chế pháp lý của các thực thể nêu trong Bản đệ trình của Philippines, kết luận của Toà sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam.

Mặc dù phán quyết của Toà sẽ chỉ liên quan đến các thực thể được nêu trong Bản đệ trình của Philippines, để có thể đi đến kết luận về phạm vi vùng biển mà các thực thể này có thể được hưởng theo yêu cầu của Philippines, rất có thể Toà sẽ phải giải thích các Điều 13 hay điều 121(3) vốn chứa đựng các tiêu chuẩn khá chung chung trong UNCLOS. Khi đó, rất có thể Toà sẽ đưa ra các tiêu chuẩn pháp lý, nêu cách áp dụng và giải thích các điều khoản này nhằm làm rõ hơn các tiêu chuẩn chung chung.

Hơn nữa, trong Phán quyết của mình, Toà cũng cho rằng cần thiết phải xem xét quy chế của các thực thể pháp lý khác tại Biển Đông, kể cả những thực thể không doTrung Quốc chiếm giữ. Việt Nam có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và cũng đang chiếm đóng nhiều vị trí nhất tại đây nên một phán quyết của Toà liên quan đến quy chế pháp lý của các thực thể này sẽ có tác động lập trường pháp lý của Việt Nam.

Nói cách khác, việc Toà trọng tài xác lập thẩm quyền để xem xét các đệ trình của Philippines là một tin vui không chỉ đối với nguyên đơn mà còn các nước khác trong khu vực bị ảnh hưởng bởi các yêu sách vô căn cứ của Trung Quốc.

Mặt khác, việc Toà thực thi thẩm quyền và đưa ra phán quyết, cụ thể là phán quyết về quy chế pháp lý của các thực thể, sẽ có thể có tác động đến lợi ích của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Kết luận

Philippines có thể được xem là đã thành công trong hiệp một của trận đối đầu pháp lý với Trung Quốc trước Toà trọng tài. Phán quyết về thẩm quyền về cơ bản đã bác bỏ hai cơ sở quan trọng mà Trung Quốc đưa ra để phản đối thẩm quyền của Toà. Phán quyết tạo cơ sở để Toà trọng tài có thể tiếp tục xem xét nội dung thực chất của các đệ trình của Philippines.

Phán quyết cũng góp phần khẳng định tính khả thi của việc vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp UNCLOS trong tiến trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Phán quyết về thẩm quyền cho thấy Toà trọng tài nhận thức được tính chất phức tạp của tranh chấp Biển Đông không chỉ về mặt pháp lý mà còn về chính trị, nhưng điều này không ngăn cản Toà Trọng tài tiến hành xem xét các vấn đề pháp lý có liên quan một cách công bằng dựa trên UNCLOS và các án lệ có liên quan.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Philippines, Phiên điều trần về nội dung của vụ tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc sẽ được tiến hành từ ngày 24 đến 30 tháng 11 năm 2015.

Mặc dù một “chiến thắng” về thẩm quyền không đồng nghĩa hay đảm bảo một chiến thắng về mặt nội dung, dựa trên những gì Toà trọng tài đã thể hiện trong Phán quyết về thẩm quyền, chúng ta có quyền trông chờ một Phán quyết về nội dung khả quan và đem lại một giải pháp có ý nghĩa cho tranh chấp biển Đông.

Nguyễn Ngọc Lan là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh.

Hình: Luật sư nổi tiếng quốc tế Paul Reichler, chủ tịch hội đồng cố vấn Philippines, phát biểu tại tòa. Nguồn: PCA

Nguồn: Zing.vn

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]