Tại sao Thủ tướng Abe tái đắc cử?

Print Friendly, PDF & Email

949273-shinzo-abe

Nguồn: Yuriko Koike, “Four more years for Abe”, Project Syndicate, 30/12/2014.

Biên dịch: Nguyễn Thị Xuân | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Trong cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng 12 do Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác trong liên minh cầm quyền là Đảng Công Minh đã giành thắng lợi với 326 ghế trong tổng số 475 ghế tại Quốc hội, tiếp tục chiếm đa số tại hạ viện. Đây được xem là một chiến thắng phi thường – điều mà nước Nhật chưa từng chứng kiến trong nhiều thập niên qua.

Các đảng đối lập của Nhật đã không đưa ra được lựa chọn có sức thuyết phục nào để thay thế các chính sách của Thủ tướng Abe. Trong khi đó, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) từng nắm quyền lãnh đạo gần 3 năm trước thậm chí không có đủ ứng cử viên để tranh cử vào mỗi ghế trong quốc hội. Có lẽ con đường quay lại sân khấu chính trị của đảng này còn khá dài  và ảm đạm.

Tất nhiên, với việc mỗi khu vực bầu cử chỉ có một đại diện (single-seat constituency system), các đảng nhỏ ở Nhật ở thế bất lợi rõ rệt. Thật vậy, chiến thắng áp đảo của Thủ tướng Abe rất có thể dẫn đến việc một vài đảng trong số đó hoàn toàn biến mất khỏi đời sống chính trị.

Đảng đối lập duy nhất đã giành được thắng lợi đáng kể trong cuộc bầu cử gần đây là Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) khi đã tăng gần gấp ba lần tổng số ghế so với trước bầu cử, từ 8 lên 21 ghế. Gần đây đảng này đã tìm cách tự coi mình như “phe đối lập đáng tin cậy” đối với LDP mặc dù bản thân nó chưa bao giờ tỏ ra thực sự “đáng tin cậy”, ít nhất là trong việc thúc đẩy các chính sách thực tiễn.

Do vậy, thành tích của JCP có thể bắt nguồn từ mong muốn thể hiện sự thất vọng với Thủ tướng Abe của những cử tri bất mãn. Trong thực tế, trong những khu vực bầu cử có sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên của JCP và LDP với nhau, nhiều người dân đã chẳng buồn đi bầu cử. Điều này góp phần vào mức cử tri đi bầu thấp kỷ lục là 52% – một khiếm khuyết thực sự trong chiến thắng của LDP.

Nhân vật chủ đạo trong cuộc bầu cử không nghi ngờ gì chính là ông Abe với chiến lược kinh tế vĩ mô táo bạo được gọi là “Abenomics” đã thu hút được sự chú ý lớn kể từ khi khởi đầu hai năm trước. Tuy nhiên ba yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chiến thắng của ông Abe.

Đầu tiên phải kể đến Ảrập Xêút. Tại cuộc họp của OPEC trong thời gian trước cuộc bầu cử, nước xuất khẩu dầu chủ đạo của khối này là Ảrập Xêút đã  hoãn kế hoạch hạn chế sản lượng dầu để đối phó với đà suy giảm nhanh chóng của giá dầu thế giới, khiến giá dầu tiếp tục giảm. Điều này đã mang lại lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế phát triển dựa vào nhập khẩu dầu – bao gồm cả Nhật Bản.

Nếu Ảrập Xêút quyết định cắt giảm sản lượng, Nhật Bản sẽ phải đối mặt cùng lúc với tình trạng giá dầu tăng và sự trượt giá mạnh đột ngột của đồng yên. Điều đó sẽ khiến chính quyền của ông Abe phải nhận nhiều lời chỉ trích, đặc biệt là tại các trung tâm công nghiệp ô tô.

Giữ vai trò quan trọng thứ hai trong chiến dịch bầu cử của ông Abe chính là Trung Quốc. Việc hơn 200 tàu khai thác san hô đỏ quý hiếm xuất hiện xung quanh quần đảo Ogasawara của Nhật Bản trong tháng 11  khiến nhiều người Nhật Bản lo ngại về những nguy cơ của sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Những hoài nghi về ý định hòa bình của Trung Quốc đã tăng thêm những chỉ trích đối với DPJ vì cái mà nhiều người xem là cách tiếp cận quá mềm mỏng trong việc quản lý các mối quan hệ với Trung Quốc.

Yếu tố quan trọng thứ ba là các nghiệp đoàn của Nhật Bản. Vấn đề hiện nay đối với chiến lược Abenomics, khi mà mục đích của nó là cứu nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi giảm phát, là việc tăng lương không theo kịp với mức gia tăng thuế tiêu thụ tháng 4 năm 2014 (từ 5% lên đến 8%), hay sự tăng giá hàng nhập khẩu do đồng yên suy yếu

Đại diện của tổ chức lao động trong các cuộc đàm phán về lương, được thực hiện vào mỗi mùa xuân, thường đến từ các nghiệp đoàn ủng hộ DPJ. Tuy nhiên bản thân ông Abe đã làm hài lòng các nghiệp đoàn khi yêu cầu các công ty tăng lương mạnh, điều này đã giúp ông thu hút lượng phiếu từ các thành viên nghiệp đoàn nhiều hơn đáng kể so với trong cuộc bầu cử tương tự năm 2011.

Tác động của ba yếu tố này đã giúp Thủ tướng Abe đảm bảo thêm bốn năm cầm quyền nữa. Sau nhiều thập kỷ lãnh đạo luân phiên, với tám thủ tướng chỉ trong mười năm, Nhật Bản cuối cùng đã có một chính phủ ổn định. Mặc dù hệ thống nghị viện của Nhật Bản khác với các nước láng giềng nhưng điều này thể hiện sự tiếp cận ngày càng gần gũi với các quy chuẩn trong khu vực khi mà lãnh đạo ngành hành pháp cầm quyền khoảng sáu năm ở Nga, năm năm tại Hàn Quốc và Trung Quốc. (Tất nhiên, lãnh đạo của Bắc Triều Tiên không đảm nhiệm chức vụ theo một thời hạn cố định.)

Hiện nay ông Abe có lẽ nắm trong tay quyền lực chính trị – và vì vậy cũng có quyền tự do hành động – nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Ông phải sử dụng nó để thực hiện những hứa hẹn của chiến lược Abenomics, mà trong đó cuối cùng là ban hành các cải cách mang tính cấu trúc mà Nhật Bản cần để phục hồi nền kinh tế. Với quyền hạn lớn như vậy, sẽ chẳng có gì biện hộ được cho các sai lầm.

Yuriko Koike là cựu Bộ trưởng quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản, cựu Chủ tịch  Đảng Dân chủ Tự do và hiện nay là thành viên của Quốc hội